Đại Kỷ Nguyên

Em bé xương thủy tinh mong manh yếu ớt mỗi ngày đến trường bằng đôi chân của mẹ

Ngoài đời thực kia, nơi nhiều gia đình tan nát chỉ vì có những người mẹ mải mê chạy theo cái nhịp hối hả của tiền bạc, vật chất hay những danh tiếng hư ảo, thì ở miền đất cằn cỗi Hà Tĩnh này, vẫn có một người mẹ hằng ngày cõng con đến trường, để con được sống trọn vẹn tuổi thơ. 

Cô bé may mắn có người mẹ yêu thương hết mực ấy có tên Đinh Thị Bảo Nhi. Theo báo Thanh niên đưa tin, em sống cùng cha mẹ và 4 anh chị em khác tại xã Hương lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. 

Nhi đã bước sang tuổi thứ 10, nhưng hình hài chỉ như một em bé 3 tuổi, nhỏ thó, gầy ốm và yếu ớt. Em bị mắc chứng bệnh xương thủy tinh. Căn bệnh khiến cơ thể cô bé không phát triển, chỉ cần một va chạm mạnh là có thể bị gãy chân, gãy tay dễ dàng. Mới có mặt trên cuộc đời này 10 năm, nhưng nỗi đau đớn của việc gãy xương đùi đã ghim vào ký ức của em 7 lần. Cũng vì căn bệnh, em mất đi phần lớn những niềm vui tuổi thơ của mình: Những ngày chạy nhảy, khám phá khắp nơi cùng chúng bạn, những trò chơi, những lần trèo leo nghịch ngợm. Nhi đứng ngoài tất cả. 

Chân dung cô bé Nhi ham học

Nhưng buồn nhất với cô bé là việc đến trường. Mẹ nhi, chị Trần Thị Huệ cho biết, khi mới đi học được vài ngày, Nhi đã bị gãy xương đùi. Thương tổn này khiến em phải ở nhà, trong tình trạng bó bột 3 tháng liền. Đau là thế, bất tiện là thế, nhưng cứ nhìn thấy các bạn đi học là em lại xin mẹ cho được đến trường. 

Niềm ham học của con khiến chị Huệ có thêm động lực. Đi học với Nhi có thể sẽ không đem lại một tương lai tương sáng, một việc làm ổn định, hay bất cứ một dự định xa xôi nào. Với cô bé có thân hình yếu ớt, mong manh ấy, trước mắt, “được đi học” đem lại cho con niềm vui được sống. Ở trường, Nhi được cô giáo quý mến, bởi tinh thần chăm chỉ, lại tích cực tham gia vào bài học. Dường như, Nhi không mang tâm thế tự ti của một người mang bệnh. Em đến trường, em học, em tập viết chữ bằng niềm vui, bằng sự ham thích của mình. 

Trong suốt bốn năm học, cô học trò nhỏ ấy đã được sống trọn vẹn cuộc sống mà em mơ ước, nhờ có mẹ. Hàng ngày, chị Huệ vẫn kiên nhẫn ngày hai buổi bồng con đi học rồi bế con về. Không ngày nào chị để cái vất vả, khó khăn của hoàn cảnh ngăn mình giúp con. Với chị, việc con gái nhỏ thiệt thòi được đến trường là một điều vô cùng quan trọng.

Là mẹ của 5 đứa con thơ, lại sinh sống ở nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, khí hậu khắc nghiệt ấy, ai cũng có thể hình dung cái vất vả mà một người mẹ như chị phải gánh trên vai. Nhưng vì thương con, người mẹ nào cũng có thể tìm thấy trong mình sức mạnh của những “siêu anh hùng”. Đó không phải những năng lực siêu nhiên, mà là sự kiên trì, nhẫn nại để làm mọi việc vì con; không một mệt mỏi hay một suy nghĩ cho riêng mình nào khiến những người mẹ như chị thôi cố gắng.

Bốn năm qua, Nhi đều được đến trường trên đôi chân mẹ

Vùng đất sỏi đá ấy khắc nghiệt, nhưng nó dường như đang bảo vệ tình thương con của những người làm cha, làm mẹ. Họ không bị đồng tiền hay danh tiếng cuốn trôi theo dòng. Với họ, khi đã là cha, là mẹ, điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là “hạnh phúc của con”. Hạnh phúc ấy không ở đâu xa, nó không ở trong những hào nhoáng của “con giỏi, con thông minh”, nó cũng không nằm ở “con là niềm tự hào của bố mẹ”. Hạnh phúc ấy đơn giản hơn nhiều, nó là những điều con cần, những điều khiến con cười, khiến con yêu cuộc sống của mình, yêu và muốn hiểu chính mình, cũng như thế giới xung quanh. 

Bé Nhi ở một phương diện nào đó là một cô bé may mắn. Em may mắn bởi có người mẹ sẵn sàng làm đôi chân để bế bồng em đến với cuộc sống, với niềm vui  và niềm hy vọng mỗi ngày. 

Nguồn ảnh, video: Thanh Niên

Hải Lam

Exit mobile version