Đại Kỷ Nguyên

Gà chăn vịt

Có những điều trong tự nhiên, chỉ cần ta để tâm quan sát và suy ngẫm một chút, sẽ khám phá ra những triết lý nhân sinh sâu sắc. Câu chuyện “mẹ gà con vịt” cũng như vậy. 

Sau khi thu hoạch vụ lúa xong, bà con thường thả vịt ra đồng để lượm lúa đổ, tận dụng hạt lúa còn sót lại và nguồn thức ăn thiên nhiên dưới ao ruộng để nuôi vịt, tăng thu nhập gia đình. Đó là thói quen khá phổ biến của nông dân.

Chăn vịt là công việc ít nặng nhọc, nhưng tốn không ít thời gian. Ngoài ra, vịt đẻ trứng không tự ấp được, bà con thường dùng gà để ấp trứng vịt, khi nở ra vịt con rồi còn bắt gà chăn giữ. Lợi dụng lúc gà đang say ấp, bà con đem trứng vịt bỏ vào ổ, đánh tráo trứng gà ra. Gà mẹ bỗng chốc thấy trứng mình sao to hơn, nhưng không sao vẫn chăm chỉ ấp đúng bổn phận người mẹ. Thời gian ấp nở trứng gà là 21 ngày nhưng trứng vịt nở đến 28 ngày, nhưng gà tưởng có sự cố gì nên gà nở ra chậm thế! Đến khi nở ra vịt rồi, thì hình dạng vịt con, so với gà khác xa một trời một vực, tiếng kêu cũng khác nữa, có lẽ lúc đó, gà cũng biết không phải con mình, nhưng thôi, không có công sinh cũng có công dưỡng, gà nhận lấy con mình là xong.

Ảnh minh họa: Người chăn nuôi.

Hàng ngay gà dắt vịt ra đồng, vịt con bơi dưới ruộng, còn gà mẹ đi quanh quẩn theo bờ (gà không dám lội xuống nước), kêu con cục cục, vừa theo dõi từng bước đi của con, vừa canh gác ngó nghiêng, chợt thấy bóng diều hâu sà xuống bắt vịt, thì gà mẹ la toáng lên, sẵn sàng nhảy vào tử chiến dành lại đàn con. Nhờ có gà mẹ chở che, đàn vịt như có điểm tựa thiêng liêng của người mẹ, vịt con mau lớn, không bị thất thoát. Chiều về, gà mẹ còn cục cục kêu cả đàn con lên bờ, thế rồi mẹ gà con vịt dắt díu nhau về chuồng, mẹ gà còn ấp ủ cho vịt con khỏi lạnh vào những đêm đông giá.

Người ta tận mắt thấy mẹ gà thẳng thừng vừa la, vừa đá, mổ tơi bời những con chó mon men đến đàn vịt con, có khi gà mẹ còn bị chó cắn thịt rơi máu chảy, thương tích đầy mình, nhưng vẫn quyết tâm bảo vệ cho được đàn con. Bà con ta dùng gà chăn vịt thì an tâm, không phải tốn công chăn dắt.

Khoảng mười hay mười lăm ngày sau, vịt tha hồ bơi lượn dưới ao ruộng, cậy cho mình đủ lông đủ cánh, vịt bắt đầu không nghe lời gà mẹ, mặc cho gà kêu cục cục mỏi miệng nhưng vịt chẳng màng đáp lại. Mẹ gà buồn bã đi quanh theo bờ ruộng, nhìn đàn con vịt thẫn thờ. Có lẽ bổn phận làm mẹ của gà đến đây là chấm dứt, gà về chuồng. Thỉnh thoảng nhớ tới đàn vịt con, gà ra đứng bờ ruộng ngóng trông, nhưng vẫn là tình cảm đơn phương, gà đành phải quay về chuồng.

Thế rồi người ta thấy một con gà mẹ đứng không, lại cho gà đẻ, tiếp tục đánh tráo trứng vịt, cho sự việc gà chăn vịt tiếp diễn nữa.

Xét về đạo lý, người ta làm một việc không lương tâm đối với gà, nhưng cũng nhờ đó mà duy trì được nòi giống vịt. Vịt không biết ấp trứng và thời xưa chưa có ấp trứng nhân tạo như bây giờ. Hình ảnh gà là người mẹ thiêng liêng, không quản ngại hy sinh gian khổ, hết lòng cho bổn phận mình.

Câu tục ngữ “mẹ gà con vịt” nêu lên hoàn cảnh thương tâm của người mẹ. Xã hội hôm nay còn có nhiều trẻ em bơ vơ chưa có người mẹ, mong tấm lòng của “mẹ gà con vịt” sưởi ấm tuổi thơ.

Đỗ Độ

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Có thể đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: “Mẹ già như chuối chín cây”, đọc xong câu chuyện này rất nhiều người bật khóc

 

Exit mobile version