Hào Sĩ Phường là tên con hẻm hơn 100 tuổi nằm ở 206 Trần Hưng Đạo B, quận 5, Sài Gòn. Đến đây, nhiều người ngỡ ngàng khi khung cảnh bên trong giống bối cảnh những bộ phim Hồng Kông TVB nổi tiếng một thời.
Theo Dân Trí, nhiều người thắc mắc về cái tên Hào Sĩ Phường và cũng có nhiều ý kiến về tên con hẻm. Đa số mọi người lý giải Hào được lấy từ chữ “hào hiệp”, Sĩ trong từ “văn sĩ”, Phường là theo tập quán của người Hoa “buôn có bạn, bán có phường”, giải thích cụ thể thì hào hiệp và văn ca là nét đặc trưng của con hẻm này.
Tuy nhiên, chia sẻ với PV Vietnammoi, ông Hoa Trọng Tôn (70 tuổi), người đã sống ở hẻm hơn 50 năm, nơi đây thuộc sở hữu của công ty Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Các căn nhà trong hẻm đều do chú Hỏa xây dựng và cho thuê lại từ năm 1910. Cái tên Hào Sĩ Phường cũng do Chú Hỏa đặt cho hẻm.
Ngay khi bước chân vào, Hào Sĩ Phường tạo cho người ta một cảm giác bồi hồi hoài cổ. Lớp tường màu xanh cũ kỹ là lối dẫn vào khu vực dân cư phía bên trong.
Hẻm là nơi cộng đồng người Việt, người Việt gốc Hoa cùng nhau sinh sống nên khi đến đây, bạn có thể nghe vang vọng đâu đó vài bản nhạc tiếng Hoa, các cụ già ngồi nhâm nhi tách trà sáng và trò chuyện bằng tiếng Hoa. Tất cả hòa quyện với nhau như một góc nhỏ của Hồng Kông trong lòng Sài Gòn.
Được biết, màu sắc tổng thể ban đầu của con hẻm là màu vàng. Theo thời gian, các mảng tường bị bong tróc nên nhiều hộ dân tự sơn lại hoặc sửa sang ngôi nhà mình.
Đến nay, một số nhà đã được sửa sang khang trang hơn, mang phong cách của những ngôi nhà hiện đại.
Mặc dù nằm trên con đường Trần Hưng Đạo ồn ào sầm uất nhưng bước vào hẻm là không gian thanh bình yên ả của nhịp sống chậm rãi. Những nhà trong hẻm ai cũng biết nhau, sống hòa thuận và giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Chính nhờ sự độc đáo và đặc trưng của con hẻm mà hàng ngày vẫn có nhiều du khách trong và ngoài nước đã ghé thăm nơi đây.
Đến nay, Hào Sĩ Phường không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống mà đã trở thành một nét văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn với lối kiến trúc độc đáo.
Video xem thêm: Dân Trung Quốc nhắn người biểu tình Hồng Kông: ‘Cảm ơn đã đấu tranh cho tự do của chúng tôi’