Đến Manila, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, lem luốc và đói khát ngày này qua ngày khác đi ăn xin để kiếm sống. Có người rơi vào tình trạng bị những đứa trẻ này “làm phiền”, chạy theo họ không buông để năn nỉ xin tiền. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tưởng chừng như rối loạn và u ám ấy chính là sự bất hạnh, thiệt thòi, cũng có khi là sự ấm áp của tình người, sự sẻ chia, và tấm lòng biết hy sinh.

Khách du lịch, người dân địa phương, ai cũng từng có một đôi lần cảm thấy bực bội, khó chịu và thậm chí quát mắng khi rơi vào tình cảnh đó. Những đứa trẻ không được đi học, không được giáo dục theo tiêu chuẩn của xã hội hàng ngày, nhếch nhác đi hết góc này đến góc khác để làm thêm, để xin ăn. Người ta không khỏi ngỡ ngàng khi đến đây, vì Manila trong mắt họ là một thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại, mang trong nó vô vàn điều thú vị, hấp dẫn, ấy vậy mà…

Năm ngoái, vợ chồng chị Geo Tolentino Roger và anh John Benedict Ringor đã có chuyến du lịch tới Quezon, một thành phố thuộc vùng thủ đô Manila. Khi đang ngồi ăn trưa trong một cửa hàng Jollibee, họ thấy một cậu bé đứng ngoài cửa kính, mắt nhìn khắp đường phố rồi lại nhìn vào cửa hàng.

Cửa hàng Jollibee ở Quezon, thuộc Vùng thủ đô Manila (ảnh: phununews).

Chiếc mũ cầm trên tay lúc nào cũng giơ ra phía trước, mong người đi đường có thể cho em thứ gì đó. Giữa phố xá tấp nập và sầm uất, cậu bé chân không đứng cô độc ở một góc hiu quạnh. Thi thoảng cu cậu dựa đầu cái cột điện bên cạnh, đôi mắt mỏi mệt và vô cùng buồn rầu. Cậu bé gầy nhẳng có khuôn mặt lem luốc và nước da đen sạm chính là hình ảnh đặc trưng của những đứa trẻ đi ăn xin ở đây.

Anh John và vợ không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh ấy, và họ đã mua cho cậu bé một hộp bánh. Vừa nhận hộp bánh từ tay anh John, thằng bé không nói năng gì, cũng không nhìn hai người thay một lời cảm ơn, nó chạy biến vào một con hẻm nhỏ. Anh John và vợ có phần ngỡ ngàng và hụt hẫng, họ cho rằng những đứa trẻ ăn xin lại không được đi học hành xử như thế cũng là lẽ thường tình.

Hai vợ chồng tiếp tục hành trình khám phá Quezon. Đến đầu một con phố, họ gặp lại cậu bé ban nãy đang ngồi cạnh một bé gái khác. Hai anh em ngồi trên một chấn song bê tông và cậu bé đang đút từng thìa bánh cho em.

Cậu bé đút từng thìa bánh cho em gái (ảnh: phununews).

Sự hạnh phúc và nụ cười rạng rỡ của em hệt như niềm hạnh phúc của những người cha, người mẹ khi có thể mang lại bữa cơm ngon cho những đứa con của họ. Hóa ra, khi nhận được hộp bánh, cậu bé vừa vui mừng vừa gấp gáp muốn chia bánh cho em gái nên đã quên nói lời cảm ơn. Có thể cậu bé biết em gái đang rất đói, cũng có thể cậu hiểu món bánh Jollibee là niềm ao ước bấy lâu nay của em.

Nụ cười hạnh phúc của anh trai khi em gái được no bụng (ảnh: phununews).

Hai vợ chồng chị Geo thậm chí đã rơi nước mắt, vừa thương lại vừa khâm phục. Lúc đó, họ mới hiểu ra những suy tư trong cái nhìn xa xăm và buồn rầu của cậu bé khi đứng tựa đầu vào cột điện. Đó là nỗi đau đáu của người anh khi chưa biết làm cách nào để hôm nay em gái có gì đó bỏ bụng. Đó là nỗi buồn và xót xa của người anh trai khi gánh vác trách nhiệm chăm lo cho em nhưng lại hoàn toàn bất lực vì không thể thay đổi được hiện thực phũ phàng.

Đằng sau thân hình nhỏ bé, gầy gò ấy là một trái tim vô cùng bao dung và vĩ đại.

Họ khâm phục trái tim nhân hậu và vĩ đại của em. Dù đang trong tình cảnh vừa đói vừa mệt, nhưng miếng bánh đầu tiên em không dành cho mình. Với cậu bé, việc em gái được no bụng quan trọng hơn rất nhiều so với việc bản thân em được no bụng. Trong khốn khó, em không đánh mất bản chất lương thiện và tấm lòng giàu tình thương của mình. Một đứa bé chỉ chừng 4, 5 tuổi nhưng sự trải nghiệm, sự hy sinh và tấm lòng bao dung, nghĩ cho người khác lại không hề non nớt hay hời hợt chút nào.

Trên cái màu ảm đạm của tấm ảnh, trên cái màu tối của nghèo đói đang bao vây lấy cuộc sống của các em, tâm hồn trong sáng và tình anh em sâu đậm của hai đứa trẻ như những ngọn nến lung linh thắp sáng tất cả, sáng bừng tất cả. Người ta thấy những Thiên Thần đáng yêu đang ngồi bên nhau, người ta thấy sự bình yên vô cùng vô tận trong nụ cười mộc mạc, giản dị ấy.

Tình cảm anh em sâu đậm là suối nguồn của hạnh phúc và sức mạnh (ảnh: bestie).

Cuộc sống của chúng ta tuy đang ngày càng phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều bất hạnh, khổ đau. Những đứa trẻ đi ăn xin ấy, những đứa bé thường xuyên làm phiền và “không buông tha” cho người khác, chúng đáng thương hơn đáng trách. Vì nghèo đói mà ở cái tuổi phải được bao bọc, yêu thương, chăm sóc, tuổi được cắp sách tới trường cùng bao ước mơ ấp ủ, chúng lại phải lang thang nơi đầu đường xó chợ chỉ để kiếm cái mưu sinh, sống qua ngày.

Nhưng những đứa trẻ ấy cũng giúp ta nhìn lại bản thân mình. Trong cuộc sống ngắn ngủi này, ta đã lãng phí những điều gì? Lãng phí đồ ăn, lãng phí các vật dụng, lãng phí thời gian và có lúc đã lãng phí chính cuộc đời mình. Nếu ta có thể dành những thứ mà ta từng lãng phí ấy cho những người bất hạnh hơn ta, thì chắc chắn cuộc sống của họ và của chính ta sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Bạn đang đọc bài viết: “Cậu bé ăn xin 5 tuổi dành hộp bánh cho em gái khiến ai cũng xúc động rồi ngưỡng mộ” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||ac56d9f85__