Đại Kỷ Nguyên

Giải mã cực bất ngờ về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết dương lịch

Sau 12 tháng, chúng ta lại hân hoan đón năm mới, gọi là New Year (Tết Dương Lịch) vào ngày 01 tháng 01. Với các nước Tây Phương, đêm giao thừa là đêm vui nhất mà ai cũng háo hức đón chờ. Những quả bóng được thả bay trong giây đầu tiên bắt đầu cho năm mới, pháo hoa bắn lên sáng rực đất trời, mọi người cùng nâng ly chúc tụng nhau một năm hạnh phúc, an lành và may mắn…

Tết Dương lịch bắt nguồn từ đâu?

Hiện nay, thế giới gần như đều thống nhất đón Tết Dương Lịch “New Year” vào ngày 01 tháng 01 hàng năm. Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử, vài trăm năm trước đây, các quốc gia trên thế giới đón tết vào những ngày khác nhau tùy vùng miền và văn hóa. Và trong 400 năm qua, việc chấp nhận ngày 01 tháng 01 là tết dương lịch đã dần dần được phổ biến rộng rãi.

Với các quốc gia phương Tây, Tết dương lịch là ngày lễ quan trọng trong năm.

La Mã là quốc gia đầu tiên chọn ngày 01 tháng 01 làm ngày New Year vào năm 153 trước công nguyên. Trước đó ngày 25 tháng 03 là ngày xuân phân (vernal equinox) được chọn là ngày đầu năm Dương Lịch (New Year). Ban đầu, phải mất thời gian khá lâu để dân chúng chấp nhận sự thay đổi này, bởi họ cho rằng ngày 01/01 không gắn liền với thời điểm hoa màu hay mùa vụ nào đặc biệt mà chỉ là một ngày bình thường sau mùa bầu cử.

La Mã là quốc gia đầu tiên chọn ngày 1 tháng 1 là Tết Dương lịch

Điều này cũng xảy ra tương tự ở Pháp, kể từ khi vua Charles IX trở về trước, ngày đầu năm bao giờ cũng là lễ Phục Sinh. Sau này, dần dần, đón tết dương lịch vào ngày 01/01 đã được quốc gia Công giáo tiếp nhận, sau đó đến các nước theo đạo Tin lành. Nước Đức chấp nhận từ năm 1700, Anh vào năm 1752 và Thụy Điển vào năm 1753. Những nước phương Đông ảnh hưởng của nhiều tôn giáo như Hindus, đạo Lão, Phật giáo, Hồi giáo nhưng cũng lần lượt dùng lịch giống Cơ đốc giáo. Nhật Bản chấp nhận ngày năm mới Dương lịch vào năm 1873 và Trung Quốc năm 1912.

Tại Việt Nam, Tết Dương lịch được áp dụng từ thời Pháp thuộc, khi lịch Tây bắt đầu được sử dụng trong công việc hành chính. Các công sở lúc đó được nghỉ những ngày này để tổ chức lễ hội đón năm mới. Ngày nay, Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ của toàn dân, cùng với tết âm lịch truyền thống.

Biết ơn một năm đã qua, đón chào một năm đang đến

Ở phương Tây, ý nghĩa ngày tết dương lịch là dịp để mọi người quây quần, tụ họp cùng nhau đón chào năm mới. Họ có nhiều cách chào đón khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa là thể hiện sự biết ơn một năm đã qua và hi vọng vào một năm tiếp theo gặp nhiều may mắn, an lành.

Người dân thể hiện sự biết ơn một năm đã qua trong ngày đầu năm này

Ở Mỹ, mọi người thường cùng nhau ngồi trong các quán rượu hay cùng nhau ngồi ở nhà trước tivi. Họ cùng nhau đếm ngược thời gian và chờ đón khoảnh khắc quả cầu pháo hoa nổ tung rơi xuống đánh dấu sự kết thúc năm cũ bước sang năm mới. Sau đó, người ta chúc nhau bằng những nụ hôn nồng nàn. Tuy nhiên, nụ hôn lúc nào cũng phải đặt đúng chỗ, không phải hôn ở đâu cũng được. Cha mẹ hôn con cái trên trán, bạn bè hôn nhau ở hai bên má, trai gái yêu nhau thì hôn môi…

Pháo hoa chào năm mới ở Paris, Pháp

Ở Nga, tết là dịp gia đình tụ họp bên “cây năm mới” và cha mẹ sẽ trao tặng những món quà năm mới ý nghĩa dành cho các con của mình dưới cây năm mới này.

Một số quốc gia chào đón năm mới bằng cách ăn 12 quả nho

Còn đối với một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Venezuela, Cuba, Mexico, Ecuador, và Peru, người ta ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng theo nhịp chuông. Truyền thống này bắt nguồn từ năm 1909 nhằm giải quyết số nho thừa của năm cũ. Mỗi quả tượng trưng cho một tháng, và người ta sẽ cố ăn hết 12 quả trước tiếng chuông cuối cùng để có một năm ngọt ngào, may mắn.

Tết của tình yêu thương và niềm hi vọng

Vào ngày tết dương lịch, câu cửa miệng của mọi người luôn là “Happy New Year”, cùng những lời chúc tốt đẹp. Có lẽ, suốt một năm bận rộn đã khiến người ta nhiều khi quên mất cách nói lời yêu thương, nhưng trong khoảnh khắc thiêng liêng này, tạm gác những bộn bề lo lắng bấy lâu, nhìn vào nụ cười rạng rỡ của những người thân bên cạnh, người ta chợt muốn dành cho nhau những lời yêu thương chân thành hơn bao giờ hết…

Happy New Year, câu nói cho một năm mới tốt lành và tràn ngập yêu thương

Cho dù năm cũ vẫn còn những điều chưa trọn vẹn, nhưng trong giây phút giao thừa này, chúng ta quyết định quên hết nỗi buồn đã qua và chỉ giữ lại niềm vui hiện tại, để ca hát, nhảy múa tưng bừng, rộn rã bên cạnh những người thân yêu và cất vang bài ca hi vọng vào một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Nguồn ảnh: pinterest

Hiểu Minh

Exit mobile version