Đại Kỷ Nguyên

Giải mã tâm hồn bạn qua những trò chơi tuổi thơ: Tại sao chúng ta lại ham thích quyền lực?

Chẳng ai giải thích được, chẳng ai nói rõ được vì sao những đứa trẻ lại khao khát được sở hữu quyền lực ngay từ khi bé. Cứ như thể, trước khi đến đây chúng đều đã từng là Chúa tể của một thiên hệ xa xôi nào đó…

Khi ta dành cho mình một khoảng tĩnh lặng, nhìn lại cuộc đời qua những tháng năm trưởng thành. Điều gì đã biến những giấc mơ của ta thành hiện thực, chậm rãi ngắm nhìn để rồi cảm nhận, nhìn thấy mình qua những trò chơi của ngày xưa thơ bé.

Một ngày chủ nhật nắng đẹp bên tách cà phê thơm nồng, thư giãn ngắm bình minh nhẹ nhàng vờn trên mặt. Từ trên sân thượng nhìn xuống đám trẻ trong xóm đang hội ý trò chơi mà chúng đã chơi hết từ hè này qua hè khác. Một bé đàn anh cao lớn đứng ra tuyên bố, “hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu trò chơi cao bồi”, anh sẽ đóng vai cảnh sát trưởng là nhân vật cao bồi.

“Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu trò chơi cao bồi” (Ảnh minh hoạ)

Nói rồi người anh đứng ra, chọn mấy cậu em vào vai thổ dân. Tìm một người phù hợp đóng vai kẻ cướp là khó khăn nhất, vì vai đó cần phải nhanh nhẹn, hoạt bát và láu cá. Tìm nhân vật đã khó, nhưng còn khó khăn hơn khi không ai nhận vào vai tên cướp, ai cũng muốn vào vai cảnh sát trưởng. Chẳng biết vì đâu mà quyền lực đã thấm vào con người từ khi còn là một đứa trẻ như thế…

Mải mê tranh luận mãi nhưng vẫn chưa tìm được ai đóng là tên cướp. Cuối cùng, cả hội tụm lại thống nhất là những người qua đường sẽ là những tên cướp, họ giống với tên cướp nhất vì họ luôn vụt qua bọn trẻ giống như một tên trộm khi bị phát hiện. Cả đám vui sướng vì không có ai phải vào vai tên cướp, chúng bắt đầu rượt đuổi theo những người trong xóm qua đường.

Tuy nhiên, trò đó của bọn trẻ con không được những người hàng xóm ủng hộ, nên chúng lại phải bàn bạc chơi trò khác. Nghĩ mãi cuối cùng thống nhất chơi trò: “Ta là Chúa tể”. Và đương nhiên, ai là người khởi xướng đầu tiên thì sẽ trở thành Chúa tể, lần này là một cậu bé học lớp 3.

“Ta là Chúa tể” (Ảnh minh hoạ)

Trò chơi rất đơn giản, Chúa tể sẽ đội cái xô nhựa lên đầu, tay cầm cây kiếm nhựa giơ lên cao và hét vang ta là Chúa tể, sau đó nghiêm mặt quát to lính đâu. Những đứa trẻ còn lại sẽ tuân lệnh cung kính thưa chủ nhân của nhân của mình. Theo luật chơi, Chúa tể sẽ là người có quyền sai vặt quân lính: Đi rót nước, đi lượm rác, đi mua kem, hoặc đôi khi, đi trừng phạt một tên phản bội, bắt hắn lại và nhốt vào nhà tù…

Trò chơi được một lúc, một đứa trẻ phát hiện ra không công bằng, như thế không ổn, phải thay nhau làm Chúa tể mới đúng. Cậu bé phụng phịu nói mỗi người đều phải được làm Chúa tể một lần. Nếu không cậu bé sẽ không chơi trò này nữa, hội còn lại ngồi cười nghiêng ngả…

Điều cậu bé nói làm cho tôi chợt nhận ra, làm người ai cũng một lần mong được làm thủ lĩnh, ai cũng muốn mình được phục tùng và điều đó đã bắt đầu từ khi chúng ta là một đứa trẻ.

Điều cậu bé nói làm cho tôi chợt nhận ra, làm người ai cũng một lần mong được làm thủ lĩnh… (Ảnh minh hoạ)

Mặc dù biết rằng dù chỉ là thủ lĩnh của một lớp học vài chục học sinh, hay một công ty hàng trăm người – nghĩa là sẽ được nể vì được trọng dụng, được ra oai, được sai khiến và đôi khi… trừng phạt người khác. Nhưng cũng vì mải nghĩ đến những thứ quyền lực mà quên mất là nó cũng có nghĩa là phải gánh trên vai những trách nhiệm, những phiền toái nặng nề. Nó giống như một người luôn đứng đầu trước những cơn bão, và ra khỏi khoang tàu cuối cùng trước khi nó bị chìm xuống nước.

Khi chúng ta đủ lớn để hiểu được rằng chẳng mấy ai khi có quyền lực mà được làm Chúa tể, mà phần lớn chúng ta đều trở thành thủy thủ. Nhiều khi chúng ta cũng hiểu rằng dù không có quyền lực cao, chúng ta vẫn chạm đến trái tim người khác bằng năng lực chuyên môn, bằng trí tuệ, cũng có người có cả quyền lực và trí tuệ… Chính vì vậy, nếu bạn có quyền lực thì đừng áp chế, và nếu bạn không có điều đó cũng đừng sợ hãi. Bởi địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió. Chúng có thể đưa chúng ta đi xa, nhưng cũng có thể khiến ta lật nhào. Chúng ta hãy sử dụng năng lực và trí tuệ để điều khiển con tàu của mình, giữ vững mình để không bị quyền lực thổi phồng.

Khi có quyền lực, chúng ta thường nhanh chóng quên rằng, một khi càng dễ điều khiển người khác thì chúng ta càng khó điều khiển bản thân mình. Quá trình đó diễn ra tinh vi đến nỗi hiếm khi nào người trong cuộc nhận ra. Đó là một sự thật, tại sao chúng ta luôn dễ dàng nhìn ra con người thật của ai đó khi họ nắm giữ quyền lực, điều đó cũng có nghĩa chúng ta gần như không thể che giấu con người thật của mình.

Chúng ta hãy sử dụng năng lực và trí tuệ để điều khiển con tàu của mình, giữ vững mình để không bị quyền lực thổi phồng.

Liệu có phải trong chúng ta ai cũng mang quyền lực trong người như một bản năng, ai cũng khao khát quyền lực ngay từ thủa nhỏ. Điều đó không sai! Mỗi chúng ta dường như không ai có thể vượt qua nổi sự cám dỗ của việc có được quyền năng chi phối người khác, dù chỉ trong một giới hạn nào đó. Nhưng sử dụng quyền lực ấy để làm gì, và như thế nào, là điều khiến chúng ta trở nên khác nhau.

Đôi khi tôi cũng gặp những người họ mong muốn mình có thể làm được nhiều điều tốt đẹp cho người khác, thật sự giúp đỡ mọi người tốt hơn lên và phát huy được hết những năng lực của mình, nhằm đạt được những mục tiêu chung và cố gắng mang lại những lợi ích lớn lao cho nhiều người nhất. Và những người như vậy họ luôn có một cuộc sống an nhiên, ung dung, tự tại, hạnh phúc với tất cả những gì diễn ra xung quanh.

Hôm nay, bạn đang còn trẻ, tương lai có thể bạn có thể sẽ là người được lựa chọn những nhân tài có khả năng để đặt vào những vị trí có quyền lực trong tay, hoặc có thể chính bạn cũng sẽ trở thành một người có quyền lực. Và khi đó bạn đã hiểu rằng những dấu chân của quyền lực thường là những dấu chân trên cát. Những con sóng cứ mải miết xô bờ, cuốn trôi những dấu chân nặng nề mà bạn in dấu…

Gia Viên – Hồng Tâm

Exit mobile version