Đại Kỷ Nguyên

Giáo dục giới tính cho con thế nào mới đúng? Hãy xem sự khác biệt giữa Đông và Tây

Vài năm gần đây, những câu chuyện trẻ em bị xâm hại tình dục đang trở nên phổ biến và càng ngày có xu hướng tăng cao. Tổn thương về thể xác, tinh thần, mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí báo động về tình trạng nạo, phá thai trong lứa tuổi thanh thiếu niên là những vấn đề đáng lo ngại. Hơn bao giờ hết, những bài học về giáo dục giới tính cần được chú trọng và quan tâm nhiều hơn.

Hiện nay, vấn đề đưa giáo dục giới tính trong học đường vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Câu hỏi: “Nên dạy cái gì và không nên dạy cái gì?” đang là chủ đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Chị Thu Nga kết hôn với một người chồng Mỹ cách đây 13 năm. Hiện gia đình chị đang sinh sống tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon, miền Bắc nước Mỹ. Hai anh chị có cô con gái đang học lớp 6 tại một trường tư, mới đây chị đã viết một bài chia sẻ về cách giáo dục giới tính mà chị khá tâm đắc trong chương trình giáo dục ở Mỹ.

“Con gái tôi đang học tại trường tư St Rose, thành phố Portland. Khi cháu học tiểu học, tiền học phí mỗi năm là 6.500 đôla. Cháu mới lên học cấp 2, tiền học phí tăng lên là 8.500 đôla. Học trường công ở Mỹ được miễn toàn bộ học phí nhưng tôi vẫn cho cháu học trường tư vì tôi thấy có nhiều chương trình học thú vị. Học ở trường công, các con có thể tự do mặc quần áo, nhuộm tóc… nhưng trường tư cấm hết các khoản đó, các con phải mặc đồng phục, làm bài tập về nhà… Các cô trường tư cũng giám sát và chăm con sát sao hơn.

Các con cũng được tham gia nhiều chương trình ngoại khóa hay như cắm trại, đi tới nhà hát nghe opera, tới viện bảo tàng, các công viên hoang dã, khám phá thiên nhiên… Trong các tiết học của con, tôi đặc biệt chú ý tới môn giáo dục giới tính, dù mỗi tháng các con học có một tiết, kéo dài 3 tiếng.

Con đã bắt đầu học môn này từ khi mới học lớp 2. Những bài học đầu tiên các con được dạy là về cơ thể con người, và ý thức tự bảo vệ cơ thể, không cho người khác chạm vào mình, đặc biệt là vùng kín…

Những điều này tôi cũng đã nói với con từ khi con mới lên 2-3 tuổi. Không chỉ tôi, mà các bậc phụ huynh ở đây đều ý thức việc dạy dỗ con về việc này. Các con được mặc đồ lót từ rất sớm, có khi chỉ vài tháng tuổi để tạo thói quen. Việc này vừa để các con vệ sinh sạch sẽ, vừa để cho con biết đó là khu vực cần được bảo vệ, không cho người lạ động vào.

Lớp 3 con đã đi cắm trại qua đêm với các bạn ở lớp nên việc dạy con bảo vệ bản thân là điều vô cùng cần thiết. Lớn hơn một chút, các con sẽ được học rõ hơn về từng bộ phận qua những video minh họa dễ hiểu… Những tiết học thế này, nam nữ sẽ được chia đôi, học hai lớp khác nhau. Các con cũng được dạy không nghe lời dụ dỗ của người lạ qua những video minh họa, hay bản thân sẽ gặp phải những tình huống nguy hiểm nào khi đi với người ta…

Đến năm lớp 6, các con lớn hơn nên những bài học cụ thể hơn một chút. Con sẽ được biết tới bộ phận sinh dục, thế nào là kinh nguyệt, cần phải làm gì khi đến ngày đèn đỏ, tinh trùng, trứng là gì, cách thụ thai thế nào và cách tránh thai an toàn… Toàn bộ nội dung các bài học đều được gửi tới bậc phụ huynh để chúng tôi biết con học gì và mình phải làm gì mỗi khi con hỏi.

Trẻ con bên này phát triển rất sớm. Con gái tôi 11 tuổi đã bắt đầu dậy thì với vòng một nảy nở dần. Bạn cháu 9 tuổi đã có kinh nguyệt… Vì vậy, những tiết học giáo dục giới tính cần phải bắt đầu ngay từ sớm. Trong các tiết học này, các thầy cô giáo sẽ thoải mái giải đáp những gì các con chưa hiểu, thắc mắc và lắng nghe tâm sự của các con… Tôi nghĩ vì được học và tiếp cận với những lớp học giới tính từ sớm, nên các con có thể cởi mở, trao đổi với bố mẹ hơn về vấn đề tế nhị này.

Tôi còn nhớ trước đây khi ở Việt Nam, các thầy cô và bố mẹ hầu như không đề cập tới giới tính. Tôi vẫn còn nhớ mình hét toáng lên, sợ hãi thế nào khi lần đầu có “đèn đỏ”. Tôi từng lo lắng tưởng mình có em bé khi hôn bạn trai… Những điều đó con gái tôi đến giờ đều hiểu rõ, cháu biết vì đã được học ở trường. Cháu ý thức được những gì đã và sắp xảy ra với những biến đổi trong cơ thể.

Hy vọng với những gì được học, con sẽ biết cách tự bảo vệ bản thân tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng luôn cố gắng cởi mở, và nói chuyện với con mỗi ngày để con biết bất cứ chuyện gì, con đều có thể nói và tin tưởng vào bố mẹ…”

Không riêng gì Mỹ, các nước Tây phương chú trọng đưa giáo dục giới tính vào từ khá sớm.

Phương Tây: Giáo dục giới tính từ sớm, chủ động và yêu cầu cần thiết

Anh

Giáo dục giới tính sớm hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Ngay khi trẻ em ở Việt Nam còn đang được học về phân biệt màu sắc và đồ vật, thì trẻ nhỏ ở Anh đã được học về phân biệt giới tính. Điều này thậm chí nằm trong điều luật của nước Anh, đây được xem là môn học bắt buộc dành cho các em từ mẫu giáo cho đến trung học cơ sở.

Tất cả các trường công lập hay tư thục tại Anh đều phải tuân thủ các quy định tại khóa học này là:

Na Uy

Việc giáo dục giới tính không chỉ tập trung vào khía cạnh sinh lý mà còn dạy học sinh làm sao để có một mối quan hệ lành mạnh. Trẻ em Na Uy bắt đầu được dạy về giáo dục giới tính từ khi mới học mầm non. Chương trình giáo dục giới tính trong trường học được coi là môn bắt buộc. Hơn thế nữa, truyền hình công cộng của quốc gia này cũng thường xuyên chiếu các video dạy giáo dục giới tính cho trẻ em từ 8-12 tuổi.

Hà Lan

Nói chuyện về giới tính trong bữa ăn, có thể nói đây là điểm khá thú vị tại đất nước Hà Lan, các bậc phụ huynh sẽ chia sẻ về vấn đề giới tính với con cái mình ngay trên bàn ăn.

Luật pháp Hà Lan quy định tất cả các học sinh tiểu học tại Hà Lan đều được giáo dục giới tính. Trọng tâm của các bài giảng là khác biệt giới tính, giúp trẻ phát triển kỹ năng chống áp bức, đe dọa và lạm dụng tình dục.

Ineke Van der Vlugt, chuyên gia về phát triển giáo dục giới tính, nói: “Người ta thường nghĩ giáo dục giới tính là dạy về quan hệ tình dục. Nhưng giới tính có nghĩa bao quát hơn nhiều bởi nó bao gồm xây dựng hình ảnh bản thân, phát triển cá tính, vai trò giới và cả việc học cách thể hiện bản thân, nói lên mong ước và các giới hạn”.

Song song với việc dạy trẻ mẫu giáo về giáo dục giới tính… Quốc gia này cũng chú trọng tới những buổi hội thảo hay khóa học hướng dẫn các bậc phụ huynh nói chuyện với con cái mình về vấn đề giới tính. Có lẽ, cũng nhờ phương pháp giáo dục này, Hà Lan được biết đến là quốc gia có tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất thế giới.

Phương Đông: Khá bị động, dè dặt và không thật sự quan tâm

Nhật Bản

Tại Nhật, chương trình giáo dục giới tính có bắt đầu muộn hơn. Trẻ từ 6 tới tám 8 chỉ được dạy cách chăm sóc bản thân cơ bản và cách xây dựng mối quan hệ với xung quanh. Chỉ khi từ 8 đến 10 tuổi, học sinh mới bắt đầu được giáo dục về khác biệt cơ thể giữa trai và gái; cách phát triển cơ thể khi đến tuổi dậy thì; cách phòng tránh tội phạm tình dục…

Từ 10 tuổi đến 13, học sinh được dạy thêm về những kiến thức giáo dục giới tính khác như phòng tránh thai, phòng tránh bệnh tình dục, hôn nhân… Khi đến 18 tuổi, một học sinh Nhật được trang bị kiến thức đầy đủ về giới tính.

Malaysia

Malaysia được xem là quốc gia tiên phong phổ cập giáo dục giới tính cho trẻ em tại khu vực Đông Nam Á. Mô hình này gần giống với nước Anh, chính phủ kêu gọi người dân giáo dục giới tính từ sớm. Sách giáo dục dành cho học sinh được các bộ ngành liên quan kết hợp cùng với chính phủ biên soạn. Bên cạnh giáo dục trẻ những kiến thức cần thiết, chương trình học cũng chú trọng đưa đến các kiến thức về phát triển của con người, cuộc sống hôn nhân và gia đình, kỹ năng giao tiếp…

Singapore

Tại Singapore, học sinh tất cả các cấp đều được học chương trình giáo dục giới tính của Bộ giáo dục. Bậc tiểu học, các em được học về việc phát triển cơ thể và cách xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Từ bậc trung học, các em được dạy về sức khỏe và hành vi tình dục cũng như cách phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục.

Là một quốc gia có xu hướng Tây phương hóa, chương trình giáo dục giới tính tại Singapore khá giống với Hà Lan. Bộ giáo dục nước này khuyến khích các bậc phụ huynh cởi mở hơn về vấn đề giáo dục giới tính với con cái của mình.

Người phương Tây khá cởi mở về việc giáo dục giới tính cho các em nhỏ tại tất cả các cấp, trong khi đó các quốc gia Đông phương có phần e dè hơn. Điều này cũng khá dễ hiểu, người phương Tây có tính cách hướng ngoại, bậc cha mẹ và thầy cô khá cởi mở về những vấn đề giới tính và sinh sản. Hơn nữa, trẻ em ở các nước Tây phương thường phát triển sớm hơn so với các bạn đồng trang lứa ở các nước châu Á; vì vậy những bài học giới tính được chú trọng đưa vào học đường từ rất sớm.

Ngược với đó, người phương Đông tính cách thiên về hướng nội, giới tính được xem là vấn đề khá tế nhị, cha mẹ và nhà trường ít chủ động trang bị kiến thức cho các em học sinh, vì vậy nhận thức của các em về vấn đề này còn rất hạn chế. Có lẽ, cũng bởi vậy vấn nạn xâm hại tình dục và ấu dâm thường xảy ra ở các nước phương Đông nhiều hơn, đặc biệt trong thời kỳ đạo đức đang càng ngày càng trở nên suy đồi. Dường như, khi tất cả đều không thể thay đổi từ một phía, những bậc cha mẹ nên chủ động quan tâm và chỉ dạy con cái mình cách tự bảo vệ mình trước khi những điều đáng tiếc xảy ra.

Hồng Tâm

Exit mobile version