Đại Kỷ Nguyên

10 đặc điểm trong giáo dục ở Nhật Bản, phụ huynh nước ngoài nên tham chiếu

Giáo dục Nhật Bản nổi tiếng với việc đảm bảo sự phát triển của trẻ em về mọi mặt: từ trí tuệ, tâm hồn, thái độ đến hệ thống giá trị quan… Bất kì hoàn cảnh nào trong xã hội cũng là lớp học để giáo dục về đạo đức và bồi dưỡng nhân cách con người. Dưới đây là 10 điều ở nền giáo dục Nhật Bản khiến các bậc phụ huynh nước ngoài phải ngưỡng mộ.

1. Lễ nghi quan trọng hơn kiến thức

Ảnh: Duhocnhatban.

Học sinh tiểu học ở Nhật không phải trải qua kỳ thi nào cho đến khi lên lớp 4 (10 tuổi). Trong 3 năm học đầu tiên, các em chỉ làm những bài kiểm tra nhỏ. Đối với người Nhật, thay vì vội vã cho con học kiến thức, họ quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển nhân cách đúng đắn.

Người Nhật nhìn nhận rằng, tâm hồn trẻ em giống như những trang giấy trắng, và những nét bút đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời của các em sau này. Vì thế, cả gia đình, nhà trường và xã hội đều muốn đó là những nét bút của tình yêu thương vạn vật, biết thấu hiểu và sống khiêm tốn. Không phải ngẫu nhiên mà mọi tầng lớp xã hội Nhật Bản đều hành xử theo chuẩn tắc mà không cảm thấy gò bó hay miễn cưỡng.

2. Năm học mới bắt đầu từ ngày 1/4

Ảnh: Dulichnhatban.

Hầu hết các trường học trên thế giới đều bắt đầu năm học mới vào tháng 9 hoặc tháng 10, nhưng ở Nhật, năm học mới lại bắt đầu vào tháng 4. Lý do cho sự khác biệt này chính là để các em nhìn thấy được những hình ảnh đẹp nhất khi mùa hoa anh đào nở.

Một năm học của Nhật được phân thành 2 kỳ. Kỳ 1 bắt đầu từ ngày 1/4 đến ngày 20/7. Kỳ 2 bắt đầu từ ngày 1/9 đến ngày 26/12 và ngày 7/1 đến ngày 25/3.

3. Học sinh phải tự dọn dẹp vệ sinh trường lớp

Ảnh: Afamily.

Ở các trường học Nhật Bản, học sinh phải tự mình dọn dẹp lớp học, nhà vệ sinh, căng tin, có khi cả sân tập thể dục, sân bóng. Khi tiến hành quét dọn, học sinh được chia ra thành các nhóm nhỏ và được giao nhiệm vụ thực hiện luân phiên quanh năm giữa các lớp trong trường.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản tin rằng học sinh cần phải tự làm sạch môi trường học tập của chính mình, đồng thời đây là cách giúp các em rèn luyện khả năng làm việc nhóm, làm mọi việc bằng chính sức mình, có trách nhiệm với bản thân và cả cộng đồng. Làm những công việc vất vả sẽ giúp các em biết tôn trọng công việc của người khác, tôn trọng bất cứ ngành nghề nào trong xã hội.

4. Tiêu chuẩn hóa bữa ăn trưa ở trường

Ảnh: Duhocnhatban.

Một điều mà hầu hết các trường học ở Nhật Bản quan tâm đó là các em học sinh được ăn đủ dinh dưỡng và khỏe mạnh. Do vậy, các bếp ăn của trường học đều được những đầu bếp có trình độ đảm nhận. Họ lên thực đơn chuẩn và được các chuyên gia dinh dưỡng kiểm tra.

Khi học sinh dùng bữa, thầy cô cũng ngồi ăn cùng các em để thiết lập mối quan hệ thầy trò tốt hơn.

5. Các buổi học ngoại khóa khá quan trọng

Ảnh: Diendanduhoc.

Cũng như học sinh nhiều quốc gia khác, học sinh ở Nhật Bản cũng có những áp lực nhất định trong việc thi cử và chọn trường. Để vào được một trường cấp 3 tốt, học sinh ở Nhật thường đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài, hoặc ở tham dự các buổi hội thảo sau giờ học vào các buổi tối.

Việc học sinh Nhật Bản trở về nhà vào tối muộn sau những lớp học thêm là điều hoàn toàn bình thường. Các em thậm chí còn học cả vào những ngày nghỉ cuối tuần.

6. Ngoài các môn học truyền thống, học sinh Nhật Bản phải học cả thư pháp và thi ca

Ảnh: VTV.tv.

Thư pháp Nhật Bản (còn gọi là Shodo) là cách sử dụng nghiên mực và bút lông để viết chữ tượng hình trên giấy gạo. Đối với người Nhật, Shodo là một nghệ thuật phát triển mạnh mẽ không kém hội họa truyền thống.

Haiku là một hình thức thơ ca cũng rất nổi tiếng của xử sở hoa anh đào, sử dụng lối biểu đạt đơn giản để truyền tải những thông điệp sâu sắc.

Học sinh Nhật phải học những điều này để thể hiện sự tôn trọng nền văn hóa truyền thống lâu đời của đất nước. Hơn nữa, những nét văn hóa này còn giúp các em rèn luyện tâm hồn thuần tịnh, có thể vứt bỏ những tranh đấu không cần thiết.

7. Tất cả học sinh phải mặc đồng phục tới trường

Ảnh: Duhocnhatban.

Hầu hết các học sinh đến trường đều phải mặc đồng phục. Mặc dù một số trường sẽ có đồng phục riêng, nhưng mẫu đồng phục truyền thống thường là bộ đồ tựa như thủy thủ cho học sinh nữ và áo vest lịch sự cho nam.

Đồng phục là một yếu tố giúp gạt bỏ rào cản phân tầng xã hội giữa các học sinh, giúp thúc đẩy ý thức cộng đồng và xóa bỏ tư tưởng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.

8. Tỷ lệ nghỉ học chỉ là 0,01%

Ảnh: Laodongnhatban.

Đối với nhiều quốc gia, việc nghỉ học thường diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, các học sinh Nhật Bản thường không làm điều đó. Khảo sát cho thấy, 91% học sinh tập trung hết mức trong quá trình nghe giảng đã thể hiện đầy đủ thái độ đối với học tập của sinh viên Nhật Bản.

9. Một bài kiểm tra duy nhất quyết định tương lai của học sinh

Ảnh: Duhocnhatban.

Học sinh Nhật Bản phải tham dự một kỳ thi rất quan trọng nhằm quyết định tương lai của mình sau khi học hết cấp 3. Các em có thể chọn một trường đại học muốn thi vào và trường này có một mức điểm yêu cầu cố định. Chỉ 76% học sinh trung học vào được đại học. 

10. Đại học là kỳ nghỉ tuyệt vời nhất trong cuộc đời

Ảnh: Wikipedia.

Sau khi vượt qua kỳ thi cuối cùng, học sinh Nhật Bản thường nghỉ xả hơi. Xứ Phù Tang là nơi mà những năm tháng đại học được xem là kỳ nghỉ thú vị trước lúc đi làm, là quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

Không lạ gì khi chúng ta thấy hầu hết người Nhật đều cư xử lịch sự. Ngay cả lúc trải qua thảm họa, họ vẫn trật tự xếp hàng nhận đồ ăn và vực dậy đất nước từ đống đổ nát hoang tàn. Đây chính là thành quả của nền giáo dục đề cao các giá trị đạo đức. 

San San

Video xem thêm: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao

Exit mobile version