Giao tiếp là yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dù bạn có con mới tập đi hay đang nuôi con ở tuổi vị thành niên thì giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái sẽ là chìa khóa để hình thành lòng tự trọng và sự tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, đôi khi chúng ta cũng gặp phải những chướng ngại nhất định.
Vậy chướng ngại đó là gì? Tác động của nó như thế nào đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái? Dưới đây là chia sẻ của Tiến sỹ Thomas Gordon – chuyên gia tâm lý học người Mỹ về vấn đề này.
1. Ra lệnh, định hướng, điều khiển
Những thông điệp này nói cho đứa trẻ biết rằng những cảm xúc và nhu cầu của nó không hề quan trọng. Nó phải tuân theo những gì mà cha mẹ nó cảm thấy hoặc cần. Ví dụ “Mẹ không quan tâm con muốn gì; đi vào nhà ngay lập tức”. Những thông điệp đó bày tỏ sự không chấp nhận với đứa trẻ ở thời điểm sự việc xảy ra “con đừng luẩn quẩn ở quanh đây nữa”.
Chúng làm sản sinh ra nỗi sợ hãi với quyền lực của cha mẹ. Đứa trẻ cảm thấy sự đe dọa có thể bị ai đó lớn hơn và mạnh hơn gây tổn thương như “về phòng con ngay – nếu không con sẽ biết tay mẹ”.
Những câu ra lệnh, điều khiển này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy phật ý hoặc tức giận, thường xuyên khiến nó bày tỏ cảm xúc thù địch, giận dữ, đánh trả, kháng cự, kiểm tra mong muốn của cha mẹ. Ngoài ra, chúng cũng có thể cho đứa trẻ thấy rằng cha mẹ nó không hề tin vào khả năng cũng như sự đánh giá của bản thân nó: “Đừng chạm vào cái đĩa đó”, “Tránh xa khỏi em trai con đi”.
2. Cảnh báo, khuyên răn, đe dọa
Những thông điệp này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi và trở nên dễ bảo hơn: “Nếu con làm thế, con sẽ phải hối hận đấy”. Chúng có thể gây ra sự phật ý và thù địch theo cách mà ra lệnh, định hướng và điều khiển có thể gây ra: “Nếu con không đi ngủ ngay lập tức, con sẽ bị đánh vào mông đấy”.
Chúng cũng cho thấy cha mẹ không hề tôn trọng tới nhu cầu và mong muốn của đứa trẻ: “Nếu con không dừng chơi cái trống đó, mẹ sẽ rất cáu”. Những đứa trẻ đôi khi phản hồi lại sự cảnh báo và đe dọa đó bằng cách “Con chẳng quan tâm điều gì sẽ xảy ra, con vẫn thích làm như thế”.
Những thông điệp đó cũng sẽ mời gọi đứa trẻ kiểm tra lại sự chắc chắn trong lời đe dọa của cha mẹ nó. Những đứa trẻ đôi khi rất muốn làm thứ gì đó mà chúng đã bị cảnh báo trước đó là không nên làm, chỉ vì chúng muốn xem hậu quả mà cha mẹ chúng đã cảnh báo liệu có xảy ra thật hay không.
3. Thúc đẩy, răn dạy, thuyết giáo
Những thông điệp này thường khiến đứa trẻ phải gánh vác sức nặng của quyền cha mẹ, của nghĩa vụ và bổn phận. Những đứa trẻ có thể phản hồi lại những “nên”, những “cần” và những “phải” đó bằng cách kháng cự và bảo vệ quan điểm của chúng mạnh mẽ hơn.
Chúng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề tin tưởng những đánh giá của nó. Tức là cha mẹ cho rằng trẻ tốt nhất nên làm theo những gì cha mẹ cho là đúng: “Con nên làm điều đúng đắn”. Chúng cũng có thể gây ra những cảm xúc tội lỗi cho đứa trẻ rằng nó là đứa trẻ hư: “Con không nên suy nghĩ theo cách đó”.
Chúng cũng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề tin vào khả năng nó có thể đánh giá giá trị và kế hoạch của người khác.
4. Khuyên bảo, đưa ra đề nghị hoặc giải pháp
Những thông điệp này thường bị trẻ coi như là bằng chứng cho thấy cha mẹ không hề tin vào khả năng phán đoán hoặc khả năng tự tìm ra giải pháp của nó. Nó có thể tác động khiến đứa trẻ trở nên lệ thuộc vào cha mẹ và không chịu tự mình tư duy “Bố ơi, con nên làm thế nào bây giờ?”
Đôi khi, những đứa trẻ có thể cực kỳ không hài lòng với những ý kiến hoặc lời khuyên của bố mẹ chúng “Để tự con giải quyết vấn đề này đi”, “Con không muốn bị bảo phải làm gì hết’.
Lời khuyên đôi khi thể hiện những quan điểm vượt trội của bạn đối với đứa trẻ “Mẹ con và bố luôn biết điều gì là tốt nhất”. Những đứa trẻ có thể sẽ thấy bản thân thật kém cỏi “Tại sao con lại không nghĩ tới điều đó nhỉ?”. Lời khuyên có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề hiểu con người nó “Mẹ sẽ không đề nghị như vậy nếu mẹ thực sự hiểu con cảm thấy thế nào”. Và đôi khi khiến đứa trẻ dành trọn thời gian để làm theo những ý tưởng của cha mẹ và điều đó khiến nó không tự suy nghĩ được những ý tưởng của riêng mình.
5. Lên lớp, đưa ra những tranh luận logic
Việc cố gắng dạy dỗ con của cha mẹ thường khiến cho trẻ cảm thấy rằng mình luôn thua kém “Mẹ lúc nào cũng nghĩ là mẹ biết mọi thứ”.
Logic và sự thật thường khiến đứa trẻ trở nên phòng vệ và cảm thấy không bằng lòng “Mẹ cho là con không biết điều đó ư?”. Những đứa trẻ cũng giống như người lớn hiếm khi thích bị cho thấy là chúng sai. Kết quả là chúng thường bảo vệ ý kiến của mình tới cùng “Bố sai rồi, con mới đúng”.
Những đứa trẻ thường ghét những bài thuyết giáo của cha mẹ “Họ cứ nói và nói, còn cháu thì phải ngồi đó và lắng nghe họ”. Vì vậy trẻ thường phải sử dụng đến những phương pháp tiêu cực để giảm tầm ảnh hưởng của cha mẹ chúng “Mẹ quá già để hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Thường thì những đứa trẻ biết rất rõ những điều mà cha mẹ chúng đang cố gắng dạy cho chúng và sẽ không bằng lòng khi chúng bị coi là kém cỏi “Con biết tất cả những điều đó, mẹ không cần phải nói với con đâu”.
Đôi khi những đứa trẻ sẽ chọn cách lờ đi những sự thật đó “Con không quan tâm”, “Chuyện đó sẽ không xảy ra với con đâu”.
6. Đánh giá, phê bình, không đồng tình, khiển trách
Những thông điệp này có lẽ sẽ khiến những đứa trẻ cảm thấy không thỏa đáng, kém cỏi, ngốc nghếch, vô giá trị… hơn những thông điệp khác. Khi đó đứa trẻ sẽ bị định hình bởi những phán xét và đánh giá của cha mẹ. Khi cha mẹ đánh giá đứa trẻ, trẻ cũng tự đánh giá lại mình “Cháu đã phải thường xuyên nghe bố cháu nói là cháu hư thế nào, và dần dần cháu đã bắt đầu thấy rằng cháu cần phải hư thật sự”. Ngoài ra sự phê bình tiêu cực sẽ gây ra sự phê bình lẫn nhau “Con đã thấy mẹ cũng làm điều tương tự”.
Sự đánh giá sẽ gây tác động mạnh mẽ tới những đứa trẻ và khiến chúng giữ lại cảm xúc bản thân hoặc giấu giếm những cảm xúc đó với cha mẹ “Nếu cháu nói với cha mẹ về điều đó chắc chắn cháu sẽ bị họ chê trách”.
Những đứa trẻ cũng giống như người lớn, thường không thích bị đánh giá theo cách tiêu cực. Chúng sẽ phản hồi lại bằng cách phòng vệ, đơn giản là để bảo vệ hình ảnh của bản thân chúng. Thường thì chúng sẽ trở nên giận dữ và ghét bỏ cha mẹ – những người đã đánh giá chúng, kể cả khi đánh giá đó hoàn toàn chính xác. Sự đánh giá và phê bình thường xuyên sẽ khiến một số đứa trẻ cảm thấy chúng không ngoan và cha mẹ không yêu thương chúng.
(Còn tiếp)
Hồng Ân
Video xem thêm: Có một loại ‘năng lực tinh thần’ quyết định tướng mạo của bạn