Đại Kỷ Nguyên

20 phép lịch sự trong giao tiếp cha mẹ nhất định phải dạy con từ sớm

Phép lịch sự trong giao tiếp là điều rất cần thiết phải dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ, bởi nó rất quan trọng cho việc phát triển tính cách của trẻ sau này. 

Phép lịch sự là cách ứng xử của con người với những hiểu biết về nguyên tắc, phong tục, tục lệ của đời sống xã hội. Một người lịch sự luôn nhận được cái nhìn thiện cảm, sự trân trọng của mọi người. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp với người khác.

Worldkids cho biết, ý nghĩa thực sự của phép lịch sự là bày tỏ sự tôn trọng với người xung quanh. Dù chúng ta làm bất cứ điều gì cũng phải có thái độ hài hòa, nhã nhặn, ăn nói có đầu có cuối, không dùng thái độ hằn học, khó chịu khi giao tiếp. Cách thể hiện lịch sự của mỗi người khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau nhưng nguyên tắc chung nhất là phải tôn trọng người khác.

Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những đứa trẻ có thói quen tốt sẽ có nhân cách tốt và trí tuệ phát triển hơn hẳn. Trẻ biết phép tắc sẽ tự tin, chủ động giao tiếp và không ngừng muốn khám phá thế giới.

Dạy trẻ biết phép lịch sự (ảnh: Betuduy).

1. Luôn luôn nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” mỗi ngày: Bạn đừng cho rằng vì chúng ta quá thân thiết nên không cần rườm rà câu chữ hay khách sáo. Tuy nhiên, gia đình chính là nơi bắt đầu cho mọi thói quen tốt của trẻ. Nếu cha mẹ chủ động nói những lời này với con, bé sẽ học theo, tương lai trở thành một người lịch sự. Vậy nên, hãy thực hành điều này ngay trong gia đình nhỏ của mình nhé!

2. Yêu cầu bé mời người lớn trong bữa ăn: Cha mẹ hãy chủ động mời ông bà, các bác các cô, mời cả bé ăn cơm. Việc mời mọi người ăn cơm cần tạo thành một nền nếp trong gia đình. Cha mẹ đừng làm đại khái kiểu quên thì thôi hoặc nhà có khách mới làm mà cần làm bằng thái độ nghiêm túc để trẻ học theo.

Trẻ nhỏ phải mời cơm cả nhà một cách lễ phép (ảnh: dulichvietnam).

3. Trong bữa ăn, cần dạy bé tuân thủ một số nguyên tắc: không phát ra tiếng động lớn, không dùng tay áo lau miệng, không lau tay bẩn vào khăn bàn hoặc quần áo, không phát tiếng động khi nhai, gắp thức ăn vào bát trước rồi đưa lên miệng, không làm văng vãi thức ăn ra bàn,… Nghe thì có vẻ có quá nhiều nguyên tắc nhưng sẽ đơn giản hơn khi cha mẹ kiên trì thực hiện cùng con.

4. Trong cư xử, sẽ có một số lưu ý như che miệng khi ho hoặc hắt xì, không dùng tay chỉ vào người khác, đứng dậy khi người lớn đến, mời nước khi khách đến nhà, dùng hai tay nhận đồ, vứt rác đúng nơi quy định…

5. Dạy trẻ những bài học về sự quan tâm. Ví dụ, cha mẹ luôn dành những đồ ăn ngon nhất cho con, vậy hãy chia sẻ với con rằng vì cha mẹ yêu thương con nên làm điều đó. Bé có thể nhường đồ ăn ngon cho em, mời ông bà ăn trước… Khi bé đi sinh nhật bạn về hãy nhớ mang về cho anh/chị/em mình một vài chiếc kẹo để thể hiện sự quan tâm. Dần dần bé sẽ học được cách quan tâm, chăm sóc người khác.

6. Không ngắt lời người lớn khi đang nói chuyện: Nếu bé vi phạm nguyên tắc này, hãy có một hình phạt dành cho bé. Bạn cũng không nên ngắt lời khi bé đang nói. Hãy cố gắng lắng nghe con mình, sau đó giải thích từ tốn cho bé hiểu. Hãy yêu cầu bé nói chậm rãi, đủ nghe, không nên nói quá lớn hoặc quá nhanh.

7. Hãy dạy trẻ gõ cửa trước khi vào phòng của người khác, xin phép trước khi động vào đồ dùng của người khác, không tự ý lấy đồ của người khác mang về nhà mình…

Hãy dạy trẻ gõ cửa khi đến nhà người khác (ảnh: Betuduy).

8. Dạy bé làm thế nào đưa ra một lời khen với người khác hoặc mời người khác tham gia hoạt động của mình. Đặc biệt, hãy nhắc trẻ không bao giờ được bình luận về ngoại hình của người khác với ý không tốt.

9. Dạy bé viết một bức thư cảm ơn. Nếu ông bà ở xa, hãy khuyến khích bé viết thư để cảm ơn ông bà về món quà sinh nhật, quà noel…

10. Dạy bé trả lời điện thoại lịch sự.

11. Đối xử tôn trọng với những người phục vụ. Không thể vì mình trả tiền, họ phục vụ mình mà quên đi cách lịch sự.

12. Trước khi bước vào bất cứ một căn phòng nào, dù cửa đóng hay mở, hãy gõ cửa và chờ phản ứng từ những người bên trong. Không nên tự ý xông vào phòng vì đó là việc bất lịch sự.

13. Không nói tục hoặc dùng những từ ngữ ám chỉ sự tục tĩu.  

14. Không gọi người lớn trống không.

15. Cúi đầu chào khi gặp người lớn (ông bà, cha mẹ, thầy cô…)

Trẻ em ở Nhật Bản được dạy cúi chào khi gặp người lớn (ảnh: Saostar).

16. Không đem người khác ra làm trò cười vì bất kỳ lý do gì. Trêu chọc những bạn yếu đuối hoặc nhỏ tuổi hơn bị coi là tàn nhẫn.  

17. Dạy trẻ biết giúp đỡ mọi người xunh quanh: Nếu thấy cha mẹ, anh chị, bạn bè, thầy cô đang làm công việc gì đó mà cần sự giúp đỡ, trẻ nên ngỏ lời giúp đỡ. Nếu nhận được sự đồng ý, trẻ có thể học được nhiều điều mới mẻ hơn.

18. Khi đến nhà ai đó chơi, đừng tự tiện ăn uống hoặc nghịch ngợm thứ gì nếu chưa được sự đồng ý của chủ nhà.

19.Trẻ nên sử dụng đồ đạc đúng cách. Nếu không biết dùng, trẻ nên hỏi cha mẹ cách dùng chứ không nên sử dụng bừa bãi.

20. Khi được nhận một món quà, dù có thích hay không, trẻ cũng nên nói lời “Cảm ơn” và thể hiện thái độ tích cực. 

Dạy trẻ khi nhận quà đón bằng hai tay (ảnh: Dân Việt).

Lắng đọng đêm về số 464: Hãy cho trẻ biết từ khi còn nhỏ rằng “cay đắng” là nền tảng của cuộc sống

 

Exit mobile version