Đại Kỷ Nguyên

3 bài học về cách giải quyết vấn đề từ Albert Einstein

Albert Einstein là thiên tài trong lịch sử nhân loại. Ông đã tự xây dựng cho mình một tinh thần rất mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề của cả công việc và cuộc sống riêng tư. Dưới đây là ba câu danh ngôn có thể gợi ý cho bạn cách tư duy, tìm ra giải pháp cho những khó khăn gặp phải.

1. Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ nhiều thời gian hơn với rắc rối

Nhiều vấn đề lớn xảy đến là bắt nguồn từ những vấn đề nhỏ không được giải quyết. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta vẫn nghĩ “nếu không phải điều gì khẩn cấp thì cừ từ từ”. Do đó, chúng ta thường không giải quyết cho đến khi nó trở nên quá muộn và rắc rối. Cuối cùng, khi vấn đề trở nên phức tạp, chúng ta mới bắt đầu tìm cách đối phó. Yuval Danieli, giám đốc dịch vụ khách hàng tại Morphic đúc kết “Mọi vấn đề bạn bỏ bê vào sáng thứ hai sẽ xuất hiện và gây rắc rối cho bạn vào chiều thứ sáu”.

Ở một khía cạnh khác, nếu vội vàng giải quyết vấn đề mà không suy xét kỹ, tìm ra nguyên nhân thì rất có thể lần sau nó sẽ lại tới. Nhiều khi, chúng ta vì muốn những rắc rối sẽ biến mất nhanh chóng nên chỉ tập trung giải quyết trên bề mặt. Kết quả là, chúng ta lại mất thêm thời gian cho những vấn đề theo sau.

2. Nếu tôi có 1 giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ bỏ ra 55 phút nghĩ về vấn đề, và 5 phút nghĩ về giải pháp

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lại có một số người giải quyết vấn đề tốt hơn hẳn những người khác? Tại sao họ luôn sở hữu sự sáng suốt trong khi những người khác dường như “loạn cả lên”? Thật ra, phản ứng của họ chính là dựa trên kinh nghiệm. Họ thấy một điều giống hoặc tương tự trước đây và ghi nhớ giải pháp.

Những người sáng suốt sẽ giữ được bình tĩnh khi vấn đề xảy đến (Ảnh: Adobe Stock)

Chúng ta càng dành tinh lực để hiểu vấn đề đó thì chúng ta càng giải quyết nó một cách hiệu quả. Người thông minh sẽ không vội bắt tay ngay vào việc đi tìm giải pháp. Thay vào đó, họ sẽ tự hỏi nhân tố nào đang đóng vai trò chủ yếu và đào sâu hơn để tìm hiểu. Cũng giống như một đội lính cứu hoả đi dập tắt đám cháy. Họ sẽ thiết lập những điểm quan trọng để xử lý trước, còn những chỗ khác tạm để nó cháy tự do.

Do đó, chúng ta phải tìm hiễu kỹ những gì đang xảy ra nhưng cũng không quên kiểm tra cả những điều tiềm ẩn góp phần vào việc tạo nên vấn đề. Đừng lập tức đi tìm giải pháp mà hãy đi tìm nguyên nhân gốc rễ. Sau đó, bạn sẽ tìm ra các phương pháp hiệu quả. Quan trọng nhất, bạn đã mở ra được một con đường để giải quyết những vấn đề sau này.

3. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề với cùng lối tư duy mà chúng ta đã tạo ra chúng

Điều này có nghĩa là bạn cần phải thay đổi tư duy. Suy cho cùng mọi vấn đề xảy đến đều có liên quan tới con người và là do một lối tư duy nào đó đã bị sai lệch. Những sai lầm một cách có hệ thống sẽ tạo ra khó khăn lớn. Vì vậy, khi giải quyết, chúng ta cần phải đứng trên những khía cạnh khác nhau và đột phá tư duy. Lối tư duy mới cần theo một chiều hướng tích cực, có khả năng tập hợp mọi người vào việc giải quyết.

Sự sợ hãi và thiếu hiểu biết là hai yếu tố lớn ngăn cản đột phá về tư duy. Sợ thất bại, sợ không tìm ra giải pháp, sợ mất uy tín… chúng ngăn trở chúng ta đánh giá vấn đề một cách sáng suốt.

Sợ hãi, thiếu hiểu biết sẽ ngăn cản chúng ta tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề (Ảnh: Adobe Stock)

Một ví dụ điển hình cho lối tư duy này của Enstein là câu chuyện Paul O’neil vực dậy công ty Nhôm nổi tiếng nhất nước Mỹ – Alcoa. Thời điểm O’neil nghỉ hưu, lợi nhuận hàng năm của công ty đã gấp 5 lần và giá trị vốn hoá tăng 27 tỷ đô la so với lúc trước khi ông gia nhập công ty. Ngoài ra, Alcoa còn trở thành một doanh nghiệp có mức an toàn lao động hàng đầu nước Mỹ. Tỷ lệ tai nạn của công nhân giảm chỉ bằng 1/20 của mức trung bình của đất nước

Vào thời điểm Alcoa đang suy thoái, các nhà phân tích cho rằng công nhân của nhà máy không đủ kỹ năng, chất lượng sản phẩm không tốt. Nhưng O’neil không hề nói về “chất lượng” hay “hiệu quả” là ưu tiên hàng đầu. Ông quan sát thấy rằng vị CEO trước đó đã từng cố gắng yêu cầu cải thiện năng suất lao động và 15.000 công nhân đã đình công. O’neil biết nguyên nhân là bởi Alcoa không phải là nơi làm việc hạnh phúc của nhân viên. Hàng tuần đều có tai nạn lao động xảy ra.

Trong vòng một năm vực dậy nhà máy, ông đã dành ra mấy tháng để đi khắp chi nhánh của nhà máy, triệu tập quản lý và công đoàn và với định hướng là “cần mang mọi người đến gần nhau”. Ông cũng hướng mọi người tập trung giải quyết vấn đề chủ chốt – đảm bảo an toàn lao động. 

Kết quả là, chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn. Tỷ lệ tai nạn lao động, nghỉ việc bất thường giảm đáng kể. Các công nhân cũng hết sức tập trung vào công việc, tinh thần làm việc thoải mái, những chỉ số đo lường giờ làm việc hay các tiêu chuẩn chất lượng trước đó được thực hiện một cách nghiêm túc chưa từng có.

***

Vấn đề là điều mà mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày đều gặp phải, bất kể từ góc độ cá nhân, tập thể hay quốc gia.

Chúng ta đều có giới hạn nhất định về tư duy. Chìa khoá để có thể thành công là hãy suy nghĩ kỹ, kiên trì tìm giải pháp, mở rộng tấm lòng thiện ý đón nhận những ý kiến, ngay cả khi nó trái ngược với tư duy của bản thân.

Xin kết thúc bằng một câu chuyện nhỏ:

Khi vị CEO của Toyota hỏi các nhân viên của ông rằng “Làm thế nào để tăng năng suất lao động của các bạn lên?” và câu trả lời mà vị ấy nhận được chỉ là một bầu không khí căng thẳng và im ắng. Thế nhưng khi ông hỏi “Làm thế nào để khiến cho công việc của các bạn trở nên dễ dàng hơn”, ông đã nhận được rất nhiều ý tưởng sáng tạo.

Chỉ khi tư duy thay đổi theo chiều hướng tích cực trên cơ sở vì lợi ích của người khác thì người xử lý vấn đề mới có thể tập hợp mọi người cùng giải quyết những khó khăn.

Exit mobile version