Đại Kỷ Nguyên

6 bí quyết cho các sỹ tử đối mặt với kết quả ‘hoang mang’ sau kỳ thi THPT quốc gia

Khi so sánh với đáp án của Bộ GD và ĐT, nhiều thí sinh, phụ huynh rơi vào hoang mang, thất vọng. Thậm chí, những giọt nước mắt tiếc nuối, đã lăn trên khóe mắt. Tuy nhiên, trong việc chọn lựa ngã rẽ cuộc đời: chọn trường, chọn ngành, chọn nghề thì cần lắm sự bình tĩnh, tỉnh táo.

1. Tránh lo lắng, hoang mang

Nhiều sĩ tử vì u sầu mà quên mất quy luật “Điểm chuẩn các trường là con thuyền bơi  ngược dòng với độ khó đề thi”. Đề thi khó hơn, điểm các em giảm, thì lẽ nào điểm chuẩn không giảm?

Minh chứng rõ nét là điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay. Đề thi khó hơn một chút nên điểm chuẩn các trường cũng giảm khoảng 1,5-2,5 điểm.

2. Đổi nguyện vọng xét tuyển

Một số bạn đi thi chưa tự tin lắm về kết quả, có thể cân nhắc điều chỉnh sang chuyên ngành khác phù hợp hơn với điểm mạnh, khả năng và đam mê. Cũng nên để một nguyện vọng dưới cùng thấp nhất để tránh trường hợp đáng tiếc khi không đủ điểm các ngành trên.

3. Đăng kí thêm nguyện vọng mới

Năm nay thí sinh được đăng kí không giới hạn nguyện vọng. Đăng kí từ 4 nguyện vọng chuyển thành 6-10 nguyện vọng sẽ nâng cao khả năng đỗ của các em. Ví dụ, một bạn rất yêu thích Đại Học A có thể xem xét đăng kí thêm các ngành khác của trường đó. Hoặc một bạn thích công nghệ thông tin thì có thể đăng kí chuyên ngành này ở các trường top dưới.

Năm nay thí sinh được đăng kí không giới hạn nguyện vọng. Đăng kí từ 4 nguyện vọng chuyển thành 6-10 nguyện vọng. (Ảnh: youtube.com)

4. Không nên bỏ nguyện vọng cũ vì sợ trượt

Một số em sẽ thấy điểm mình dự kiến đạt được so với điểm chuẩn năm 2017 thấp hơn nên sợ hãi rút ngay các nguyện vọng đầu tiên.

Tuy nhiên, việc này là không cần thiết vì đề thi khó hơn nên phụ huynh và thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn và độ khó đề thi năm 2016, 2015 để cân nhắc. Nếu như năm 2017 điểm chuẩn nhiều ngành tăng 1-4 điểm thì năm nay cũng có thể giảm điểm tùy từng ngành.

Hai cách thức đổi nguyện vọng

Cách 1: Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển theo phương thức trực tuyến từ 19/7/2018 đến 17h ngày 26/7/2018;

Cách 2: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng Phiếu đăng ký xét tuyển từ 19/7/2018 đến 17h ngày 28/7/2018.

Lưu ý:

Thí sinh chỉ được điều chỉnh một lần duy nhất bằng 1 trong hai cách trên.

Nếu điều chỉnh từ nguyện vọng này sang nguyện vọng khác thì có thể dùng cả hai cách. Nhưng nếu tăng số lượng nguyện vọng thì phải dùng cách 2.         

5. Chọn ngành, nghề thế nào?

Đừng để học “Đại Học” biến thành “học đại”. Cần đăng kí ngành nào mà học sinh thực sự có hứng thú, đam mê. Tránh việc đăng kí theo bạn bè, hay đăng kí chỉ vì bố mẹ “có đầu ra”.

Bậc làm cha làm mẹ nên đặt mình vào vị trí của con, không nên áp đặt con học ngành gì.

Như thế phải chăng 4-5 năm trên giảng đường Đại học sẽ làm thảm họa? Nhiều em dễ rơi vào chán nản, không hứng thú, chìm trong stress khi phải xa bố mẹ mà lại học ngành mình không thích.

Cần đăng kí ngành nào mà học sinh thực sự có hứng thú, đam mê. Tránh việc đăng kí theo bạn bè, hay đăng kí chỉ vì bố mẹ “có đầu ra”… (Ảnh: youtube.com)

6. Nghỉ ngơi, đi chơi cùng bạn bè, gia đình

Trải qua 12 năm đèn sách, nhiều em khi ôn thi ngủ rất ít, ít vận động, chỉ ngồi lì bên bàn học và máy tính. Phụ huynh có thể cùng con đi chơi, nghỉ mát, hay tham gia tập thể dục, dưỡng sinh, thể thao, bơi lội để con hồi phục và tăng cường sức khỏe.

Thời gian nghỉ trước khi nhập học cũng là lúc để bạn bè sum vầy, vì theo chia sẻ của nhiều anh chị khóa trên: “Sau này sẽ khó mà gặp mặt nhau thường xuyên vì ai cũng bận, mỗi đứa mỗi nơi”.

Thanh Tâm

Exit mobile version