Cha mẹ luôn cố gắng hết sức để cho con cái mình được tốt nhất. Nhưng thông thường, họ lại có một số hành vi vô ý, nó làm tổn thương sâu sắc trái tim của đứa trẻ.
Cha mẹ hành động vô ý, sẽ làm tổn thương rất nhiều đến tâm hồn của đứa trẻ.
Dưới đây là 6 hành vi như thế mà cha mẹ đang thường mắc phải. Các bậc cha mẹ hãy đối chiếu lại bản thân mình, nếu có nó thì hãy nhanh chóng sửa đổi, và đừng mắc phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
1. So sánh con với đứa trẻ khác
Theo kết quả của một cuộc khảo sát, khi được hỏi: “Con thấy trẻ con nhà người khác như thế nào?”, thì có rất nhiều câu trả lời là: “Ghét nhất là đứa trẻ mà cha mẹ nhắc đến”.
Có thể thấy rằng so sánh trẻ em với người khác, tác hại đối với trẻ là rất lớn.
Hướng tới sự việc tốt đẹp là bản tính thường tình của con người. Con nhà ai thi cử được giải nhất, con nhà ai cầm kỳ thi họa tinh thông mọi thứ, quả thực sẽ làm các bậc cha mẹ không ngừng hâm mộ.
Thế nhưng là cha mẹ, đừng quá để ý quá đến những điều ấy. Đừng so sánh con mình với đứa trẻ khác, mà hãy khám phá thêm về điểm sáng của con bạn.
Hãy tin rằng con bạn là ưu tú nhất. Bởi mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập, đều có ưu điểm và nhược điểm của riêng mình.
Không thể vì kỹ năng của con cái họ, mà phủ nhận con cái mình, điều này sẽ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của đứa trẻ.
2. Bố mẹ cãi nhau
Có một tổ chức nghiên cứu tâm lý trẻ em, thực hiện một cuộc khảo sát tâm lý đối với hơn 3.000 trẻ em ở độ tuổi đi học. Một trong những câu hỏi được đặt ra là: “Con sợ nhất điều gì ở bố mẹ?”.
Kết quả, câu trả lời nhiều nhất là: “Con sợ nhất là bố mẹ tức giận”, “Con sợ họ sẽ cãi nhau”.
Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng trẻ còn nhỏ và không hiểu gì cả. Nhưng trên thực tế, mỗi khi bạn và vợ/ chồng của mình tranh luận, mâu thuẫn, thì mọi hiềm khích, chúng in sâu vào tâm trí trẻ con. Do đó, chúng đã tạo ra một vết sẹo không thể xóa nhòa trong trái tim của chúng.
Có nhiều đứa trẻ còn không dám về nhà vì bố mẹ cãi nhau. Chúng không dám nhìn cha mẹ. Cũng có một số đứa trẻ vì điều này mà ảnh hưởng đến tâm lý, lớn lên rất sợ tình yêu và hôn nhân.
Đúng vậy, một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình ấm áp, thì thường có tính cách nhanh nhẹn hướng ngoại, luôn tích cực trong cuộc sống. Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà bố mẹ thường xuyên gây gổ, cãi nhau thì trái tim vô cùng bất an, thế giới của chúng luôn chứa đầy sự xấu hổ và oán hận. Trong tâm hồn chúng, vĩnh viễn tồn tại một chỗ hổng lớn.
3. Đối xử thiên vị
Tôi có một người bạn là một bà nội trợ toàn thời gian, hoàn cảnh gia đình của cô cũng rất tốt. Mọi người đều thuyết phục cô sinh con thứ hai cho có anh có em với đứa con đầu .
Cô nói nhỏ rằng, sinh đứa trẻ thứ hai, nói thì thật dễ dàng nhưng thực sự rất khó để làm điều đó.
Tôi hiểu suy nghĩ của cô ấy. Cô là chị cả trong nhà, ngoài ra còn có một em trai và một em gái. Khi mới chỉ có một mình cô ấy, bố mẹ đã dành cho cô tất cả tình yêu, ăn ngon đùa chơi, tựu chung là rất vui vẻ.
Nhưng sau khi có thêm em trai và em gái, tình yêu của cha mẹ được chia thành phân nửa, những điều tốt đẹp lại dành cho em trai và em gái. Đồ ăn ngon phải để dành cho em trai và em gái, đồ chơi đẹp cũng phải nhường cho em. Khi đó, mặc dù cô ấy là một người chị cả, nhưng cô ấy cũng là một đứa trẻ.
Cô ấy nói rằng: “Từ lúc đó, tôi dường như là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Cha mẹ đã dành tất cả tình yêu và ánh mắt cho những đứa em, còn đối với tôi dường như chỉ là quan tâm một chút”.
Giờ đây, cô không ghét bố mẹ, nhưng cô không dám sinh con thứ hai. Quá khứ đó khiến cô nếm trải cảm giác bị bỏ rơi và lãng quên. Cô không có cách nào để đảm bảo rằng mình có thể hoàn toàn công bằng đối với các con. Vì vậy, cô thà không có con thứ hai.
Trong quan hệ gia đình, một khi cha mẹ thiên vị trong đối xử với con cái, thì đứa trẻ bị bỏ rơi, chúng rất dễ bị các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Ngay cả sau khi đứa trẻ đã thành lập một gia đình, nó vẫn còn tồn tại.
4. Nói dối con
Đứa trẻ không khóc nháo, không có nghĩa là cậu ta không nhớ lời hứa của bạn.
Tôi đã phải bận rộn một thời gian, không được nghỉ trong vài ngày cuối tuần liên tiếp.
Ban đầu đã hứa với con gái sẽ đưa bé đến công viên chơi, kết quả kéo dài sau hai tuần vẫn chưa thực hiện được. Cho đến tối thứ sáu của tuần thứ ba, tôi đã hứa với con gái rằng tôi chắc chắn sẽ đưa con đi chơi.
Ngày hôm sau, công ty gọi để giải quyết các trường hợp khẩn cấp… Sau một ngày bận rộn, trở về nhà, tôi hoàn toàn quên lời hứa đi chơi cùng con.
Khi đó, con gái nhìn tôi, không giận và khóc, mà cứ bình thản nói:
“Mẹ ơi, hôm nay mẹ vẫn không đưa con đến công viên chơi à? Mẹ đã từng nói rằng khi hứa điều gì với người khác thì nhất định phải làm. Thế mà mẹ lại không làm được điều đó. Con không tin mẹ nữa”.
Khi tôi nghe những điều này, trái tim tôi như thắt lại. Tôi thật không ngờ trong lòng con gái, mẹ đã trở thành một người không đáng tin cậy mất rồi.
Tôi vội vàng xin lỗi con gái, hứa chắc chắn rằng sau này sẽ nói lời đáng tin, đối với những điều chưa chắc chắn đảm bảo, thì sẽ không hứa.
Rất nhiều khi, cha mẹ vì muốn khích lệ con, và đã hứa với đứa trẻ, nhưng cho đến khi đứa trẻ đạt được yêu cầu của cha mẹ, thì cha mẹ lại bao biện nói rằng không đáng để thực hiện.
Như vậy theo thời gian, lòng tin của trẻ vào cha mẹ sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng không muốn tin tưởng cha mẹ nữa.
5. Không đồng hành cùng con
Có lẽ các bậc cha mẹ nên nhớ lại một chút, có bao nhiêu lần đứa trẻ muốn bạn chơi cùng với nó, và bạn thường từ chối vì lý do bận rộn?
Có bao nhiêu lần đứa trẻ muốn chia sẻ một câu chuyện thú vị với bạn? Nhưng bạn vẫn đang nhìn chằm chằm vào màn hình của chiếc điện thoại di động, rồi chỉ cười và nói vài câu qua loa lấy lệ.
Có nhiều phụ huynh bận rộn với công việc kiếm tiền, không còn thời gian dành cho con cái, họ nghĩ rằng họ kiếm tiền là để cho con điều kiện sống tốt nhất. Đó là tình yêu tốt nhất mà họ dành cho con trẻ.
Trên thực tế, có nhiều gia đình tuy giàu có sung túc, nhưng đứa con lại cảm thấy rất cô đơn. Còn trong các gia đình có cha mẹ dành nhiều thời gian bên con, làm bạn cùng con… thì đứa trẻ lại tỏ ra rất hạnh phúc.
Nghiên cứu cho thấy rằng, tuổi thơ của con trẻ nếu thiếu vắng bóng dáng cha mẹ, thì những đứa trẻ này thường vô cùng bất an, tự ti, không sẵn sàng gần gũi tiếp xúc với người khác, ngay cả cha mẹ cũng thờ ơ như người lạ.
6. Không tôn trọng ý tưởng của trẻ
Cha mẹ phải biết buông tay để con trẻ làm những thứ mà chúng thích, giúp con thực hiện ước mơ của mình.
Trẻ thích vẽ, nhưng bố mẹ thích con học piano; Trẻ thích viết tiểu thuyết, nhưng cha mẹ lại cảm thấy công việc này không tốt… Cuối cùng nhất quyết khước từ tất cả những ham muốn sáng tạo của con mình.
Khi cha mẹ làm như vậy, đứa trẻ sẽ không chỉ không phục, mà còn khơi dậy sự nổi loạn và thậm chí bắt đầu cảm thấy ghét cha mẹ. Chúng cảm thấy rằng cha mẹ không yêu chúng chút nào.
Trên thực tế, miễn là những ý tưởng trẻ em không quá hoang đường và sai trái, cha mẹ có thể tạo điều kiện cho con cái, giúp con thử nghiệm, sáng tạo và trải nghiệm thế giới mà chúng thích.
Bởi dù sao, rốt cuộc cha mẹ nào cũng muốn con của mình được vui vẻ và hạnh phúc, phải không?
Theo Cmoney
Vân Hà biên dịch