Đại Kỷ Nguyên

6 kỹ năng xã hội giúp trẻ tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp

Những kỹ năng xã hội sẽ giúp trẻ phát triển được mối quan hệ vững chắc với bạn bè và những người xung quanh ngay từ khi còn nhỏ. Quan trọng hơn, chúng còn là nền tảng giúp trẻ nắm bắt được nhiều cơ hội  trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke Mỹ chỉ ra rằng, những đứa trẻ biết chia sẻ, lắng nghe, hợp tác và tuân thủ kỷ luật ở tuổi lên 5 sẽ có nhiều khả năng vào đại học và làm việc tốt hơn ở tuổi 25. Ngược lại những đứa trẻ thiếu các kỹ năng xã hội và kiểm soát cả xúc có nhiều khả năng gặp vấn đề với các chất gây nghiện, các mối quan hệ và hay gặp rắc rối với pháp luật, bị phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cộng đồng.

May mắn thay, những kỹ năng này hoàn toàn có thể rèn luyện được. Dưới đây là 6 kỹ năng xã hội quan trọng với trẻ cũng như một số gợi ý giúp cha mẹ hỗ trợ con hình thành, nâng cao những điều này từ nhỏ.

Chia sẻ

Khi con sẵn sàng chia sẻ đồ chơi hay món ăn con yêu thích cho bạn bè, con sẽ dần hình thành tấm lòng nhân hậu, cởi mở, dễ dàng kết bạn cũng như duy trì tình bạn đó hơn. 

Theo một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ từ 2 tuổi đã có thể biết chia sẻ đồ chơi với người khác, nhưng thường chỉ là khi con đã có rất nhiều đồ chơi. Ở giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, trẻ thường không muốn nhường đồ nếu con thực sự thích chúng. Khi lên 7 hoặc 8, trẻ ý thức được về sự công bằng và biết chia sẻ nhiều hơn. Trẻ đã biết cảm nhận niềm vui tích cực từ sự chia sẻ: khi sẵn sàng cho đi, con sẽ thấy bản thân mình tốt hơn.

Ảnh: NearSay

Có nhiều cha mẹ Việt vô tình mắc sai lầm khiến trẻ trở nên ích kỷ trong giai đoạn đầu đời. Khi trẻ có xu hướng giật lại đồ khi người lớn “thử lòng” hay đứa trẻ khác lấy mất, thay vì nghiêm túc và chỉ cho trẻ thấy đó là điều không nên thì nhiều cha mẹ lại cười và có những hành động cưng nựng. Điều này vô tình sẽ gieo vào trong trẻ lối tư duy làm như vậy là tốt và vô tình chúng ta đã tạo ra những đứa trẻ ích kỷ.

Thay vì bắt con phải chia sẻ đồ chơi cho những đứa trẻ khác một cách miễn cưỡng, hãy cố gắng biến tinh thần chia sẻ thành một thói quen thường ngày. Cha mẹ cũng đừng quên nói những lời tích cực khuyến khích trẻ như “Con thật tuyệt vời, mẹ nghĩ bạn ấy sẽ vui lắm nếu được con nhường đồ chơi”, “Điều này thật tuyệt đúng không con?”.

Lắng nghe

Lắng nghe không có nghĩa là chỉ cần im lặng mà là sự chân thành tiếp thu những ý kiến từ người khác. Đây là một kỹ năng rất quan trọng trong giao tiếp.

Trẻ biết lắng nghe sẽ có thể tiếp thu các bài học trên lớp và chúng cũng sẽ suy nghĩ về những điều được học hỏi, vì thế kết quả học tập trở nên tốt hơn. Còn khi lớn lên, kỹ năng này giúp trẻ trở thành một người bạn, một nhân viên, một người sếp hay một người bạn đời tốt.

Cha mẹ có thể thường xuyên đọc sách cho trẻ và hỏi con những điều vừa đọc để khuyến khích trẻ chú ý lắng nghe, bổ sung những điều còn thiếu trong câu trả lời của trẻ. Nghiêm túc yêu cầu trẻ khi trẻ ngắt lời hay chen ngang câu chuyện của người khác.

Hợp tác

Hợp tác có nghĩa là cùng nhau nỗ lực để đạt được một mục tiêu nào đó. Những đứa trẻ hợp tác luôn tôn trọng những đề nghị của người khác sẵn sàng tham gia và giúp đỡ mọi người. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ dễ hòa nhập trong cộng đồng và được tôn trọng.

Dù còn nhỏ, trẻ vẫn sẽ phải biết hợp tác với các bạn trong lớp học, hay trên sân chơi. Trẻ em từ 3 tuổi trở lên đã có thể bắt đầu biết làm việc này để cùng nhau đạt được mục đích chung.

Ảnh: Hệ thống Giáo dục Victory CGD Victory

Khi chơi với nhau, có trẻ có xu hướng lãnh đạo những bạn khác, và có trẻ lại thích làm theo. Cha mẹ không nên can thiệp vào sự tự phân vai của các con mà hãy khuyến khích chúng làm tốt vị trí của mình. Trẻ cũng cần được giải thích vai trò nào cũng quan trọng, nhiều người làm có thể mang lại kết quả lớn hơn. Điều này sẽ tạo nền tảng cho con bạn biết tôn trọng sự khác biệt.

Ở nhà, cha mẹ có thể tạo ra các hoạt động gia đình để mọi người cùng tham gia. Bằng cách giao cho mỗi người một việc khi nấu một bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, trẻ có thể nhận ra sức mạnh của sự hợp tác, cũng như vai trò của từng người trong một tập thể.

Tôn trọng sự riêng tư

Trẻ con thường hiếu động và chưa ý thức được việc tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Ví dụ, các con nhiều khi thường cố gắng đùa vui với người lớn để gây sự chú ý mà không hiểu rằng mình đang làm phiền người khác. Sự tự nhiên thái quá có thể khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu.

Để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng này, cha mẹ có thể đặt ra một số quy tắc quan trọng trong gia đình như khi vào phòng người khác cần phải gõ cửa, không động chạm vào đồ vật của người khác nếu chưa xin phép và luôn giữ khoảng cách khi nói chuyện cỡ một một cánh tay.

Lịch sự

Đó là những lời chào hỏi, xin phép, cảm ơn đúng hoàn cảnh, kể cả trong những tình huống rất nhỏ. Cha mẹ phân tích để con hiểu được việc này không đơn giản chỉ là một câu nói cho lịch sự mà xuất phát từ sự chân thành, biết trân trọng người khác.

Ví dụ khi trẻ được tặng một món quà mà con không ưng ý, trẻ nên đón nhận tấm lòng của người tặng và hiểu được rằng đó lòng biết ơn, điều này quan trọng hơn giá trị vật chất.

Cha mẹ nên là những người đầu tiên noi gương cho con trong việc cư xử với người xung quanh hay với cả chính con cái. Nếu được con giúp đỡ dù là việc rất nhỏ, cha mẹ cũng đừng quên nói “Cảm ơn con”. Nhắc nhở con nếu con quên mất phép lịch sự cũng như khen ngợi nếu con cư xử đúng mực.

Có chính kiến

Sự lễ phép, tôn trọng người khác không mâu thuẫn với việc cần phải có chính kiến. Khi gặp những quan điểm dù bất đồng, trẻ vẫn cần phải tôn trọng nhưng có thể nói lên và bảo vệ quan điểm của mình nhưng theo một cách có thiện ý và bình tĩnh.

Bảo vệ chính kiến là một kỹ năng rất quan trọng giúp trẻ bản lĩnh và làm chủ được bản thân. Tuy vậy đây là một điều không dễ dàng.

Ảnh: Gia Đình

Để khuyến khích điều này ở trẻ, cha mẹ cần tôn trọng ý kiến của trẻ, không coi đó là “đồ trẻ con” bởi trẻ có tư duy ở lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ cũng không nên dùng quyền lực người lớn để ép buộc, phê bình trẻ vì nó sẽ dễ khiến trẻ tuân thủ một cách sợ hãi và mất dần khả năng bảo vệ chính kiến bản thân. Thay vào đó là khuyến khích trẻ chia sẻ, bày tỏ những suy nghĩ, ý tưởng và hỏi trẻ tại sao nên làm vậy.

Exit mobile version