Đằng sau các bậc danh nhân kiệt xuất lưu danh thiên cổ đều có một người mẹ vĩ đại. Trí tuệ và đức hy sinh, cách dạy dỗ và sự hậu thuẫn của người mẹ đã định hình vận mệnh cho con cái và đất nước. Những người mẹ ấy thực sự đã dệt nên biết bao câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Về cơ bản, họ đều có những phẩm chất chung dưới đây:

1. Lương thiện

Người xưa từng nói: Phúc đức tại mẫu. Một người mẹ đoan chính, nhân hậu và thiện lương, hay làm việc thiện giúp người thì sẽ mang lại cho con cái, gia đình và con cháu vô tận phúc đức, giúp con cháu tránh khỏi các mầm tai họa. Vì vậy, cổ nhân có câu “Hảo nữ nhân hội vượng tam đại” (Một người phụ nữ tốt sẽ giúp ba đời hưng thịnh).

Câu chuyện sau đây cho thấy sự lương thiện được phúc báo thế nào.

Tại một thị trấn nhỏ ở Trung Quốc, một người mẹ đơn thân sống với con gái ruột và cha mẹ. Cuộc sống nghèo túng nhưng cả ba thế hệ trong căn nhà nhỏ ấy rất yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Rồi một ngày họ nhận tin dữ, bé gái 5 tuổi bị ung thư máu, và bác sĩ cho biết, phương cách duy nhất để giữ mạng sống cho bé là ghép tủy.

Người mẹ đơn thân sẵn sàng hiến tủy cho con gái, nhưng thật không may, kết quả xét nghiệm cho thấy tủy của cô không thích ứng với con gái của mình, nhưng lại phù hợp với một cậu bé khác cũng mắc bệnh tương tự. Vì vậy các bác sĩ đã hỏi cô có thể hiến tủy cho cậu bé kia được không.

Cha mẹ cô không đồng tình vì sợ nếu xảy ra rủi ro trong quá trình hiến tủy thì ai sẽ chăm sóc, dạy dỗ cháu bé khi ông bà đã xế chiều. Khi cô còn phân vân thì người mẹ của cậu bé đã đến cầu xin cô và không chút chần chừ cô đã quyết định hiến tủy. Tuy nhiên, để có thể hiến tủy, người mẹ đơn thân phải trải qua quá trình kích thích tế bào gốc vốn gây đau đớn và khó chịu, nhưng cô chấp nhận để cứu cậu bé.

Nhờ tấm lòng thiện lương và đức hy sinh cao cả ấy, cậu bé được cứu sống. Gia đình họ đã mang 5 vạn tệ (khoảng 20 triệu đồng) để cảm ơn cô. Nhưng người mẹ đơn thân đã từ chối và nói rằng gia đình hãy dùng số tiền ấy để chăm sóc cậu bé giai đoạn hậu phẫu.

Cảm kích vì nghĩa cử ấy, họ không biết làm gì để báo đáp ngoài việc kể cho truyền thông câu chuyện cảm động này. Tin lành đồn xa, nhiều người đã quyên tiền giúp gia đình cô trong cơn hoạn nạn. Nhưng ngày cứ dần trôi mà chưa ai có tủy phù hợp hiến tặng con gái cô, trong khi tiền quyên góp cũng dần cạn kiệt. Cô khóc thương con gái bé bỏng sắp phải từ bỏ cuộc sống.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra khi các bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe của bé bất ngờ cải thiện. Bé bình phục dần dần mà không cần phải ghép tủy và cuối cùng đã vượt qua căn bệnh nan y để trở về vòng tay yêu thương của người mẹ. Câu chuyện trên thực sự đã xảy ra minh chứng rằng nhân quả luôn hiện hữu trên thế gian này. Những người mẹ lương thiện sẽ nhận được phúc báo và con cháu sẽ được hưởng phúc đức này.

2. Trí tuệ

Ngạn ngữ có câu: “Ở ngoài nghe lời thầy, ở nhà nghe lời mẹ”, rất phù hợp với tích chuyện được lưu truyền từ thời Trung Quốc cổ đại: “Mạnh Mẫu tam thiên” (Mạnh Mẫu chuyển nhà ba lần). Câu chuyện nổi tiếng này nói về trí tuệ của một người mẹ dạy dỗ con theo khuôn phép lễ nghi khắt khe nhưng rất linh hoạt theo thực tế ngoài đời.

Chương Thị, mẹ của triết gia nổi tiếng Mạnh Tử đã một mình chèo chống nuôi dưỡng giáo dục người con trai mồ côi cha từ nhỏ. Để cho con mình có được một môi trường giáo dục tốt nhất, bà đã chuyển nhà tới ba lần.

Ngôi nhà đầu tiên hai mẹ con Mạnh Tử chuyển đến ở gần nghĩa địa. Bà để ý thấy con trai mình thường lén ra bãi tha ma để chơi và bà nhận thấy đây không phải là môi trường tốt. Vì vậy, bà đã dọn nhà ra gần chợ.

Thế nhưng ngay khi bà nghe thấy Mạnh Tử nhại giọng điệu tranh cãi mặc cả, gian lận thì bà lại quyết định chuyển nhà lần nữa. Vào thời Trung Quốc cổ xưa, các lái buôn và thương nhân bị coi là tầng lớp thấp nhất trong xã hội.

Mạnh Mẫu bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học và bà nhận thấy Mạnh Tử học theo những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ thì bấy giờ bà mới yên tâm: “Đây mới là chỗ ở của con ta”. Đó thực sự là cách dạy dỗ con cái thể hiện trí huệ của người mẹ.

3. Kiên cường

Có một câu nói thế này “Nữ tử bổn nhược, vi mẫu tắc cường”. Ý nói phái nữ vốn dĩ yếu đuối, nhưng khi họ có con, thiên tính làm mẹ của họ sẽ phát ra ý chí kiên cường.

Sách cổ kể rằng, Tăng Tử là học trò xuất sắc của Đức Khổng Tử. Ngoài trí thông minh và tài giỏi hơn người, ông còn nổi tiếng là một người con hiền lành, hiếu thảo với mẹ.

Một ngày Tăng Tử bị buộc tội mưu sát, một người dân làng chạy đến báo cho mẹ ông biết rằng con bà giết người. Nhưng bà điềm tĩnh đáp lại: “Chẳng khi nào con ta lại giết người” rồi điềm nhiên tiếp tục dệt vải. Một lúc lại có người đến báo tin dữ, và mặc cho dân làng xì xào bàn tán về mức độ nghiêm trọng của tội mưu sát, bà vẫn tin con trai mình vô tội.

Trước áp lực dư luận, bà vẫn kiên cường đặt lòng tin vào người con trai hiếu thảo, hiền lành sẽ chẳng thể đi làm chuyện xấu. Ít lâu sau, người ta xác nhận Tăng Tử vô tội, kẻ mưu sát thực sự là một người trùng với tên của ông.

Thời nay, cũng có không ít những người mẹ kiên cường, bất chấp nghịch cảnh, nuôi dạy con nên người. Câu chuyện về một người mẹ ở vậy nuôi con bại não học hành tài giỏi và làm nên kỳ tích mà ít người làm được đã truyền cảm hứng cho các cư dân mạng tại Trung Quốc.

30 tuổi, Đinh Đinh đã sở hữu hai bằng ĐH của ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc – Đại học Bắc Kinh. Tháng 3/2016, anh nhận được học bổng của trường ĐH Harvard, chuyên ngành Luật. Điều đáng nói là chàng trai này bị bại não vì biến chứng sau sinh. Và mẹ anh, cô Trâu Hồng Yến, đã bất chấp lời khuyên bỏ thai của cả bác sĩ lẫn người chồng, kiên quyết giữ hài nhi nhỏ bé.

Ngay khi đứa con ra đời, chồng cô đã rời bỏ hai mẹ con. Bản năng làm mẹ trỗi dậy khiến một người phụ nữ yếu mềm bỗng trở nên mạnh mẽ và cương quyết hơn bao giờ hết.

Chàng trai bại não làm nên kỳ tích mà một người bình thường chưa chắc làm được, cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc xin học bổng của Harvard, là do mẹ không ngừng động viên tôi thử sức. Mỗi lần tôi hoang mang, do dự, mẹ lại giơ đôi bàn tay đầy sức mạnh của mẹ ra để bảo vệ tôi và đưa tôi về phía trước”.

Có được kỳ tích như ngày hôm nay, phải nhắc đến sự kiên cường của người mẹ Trâu Hồng Yến. Việc nuôi dạy con chưa bao giờ đơn giản, nhất là đứa con lại bị tật nguyền nên đối với người mẹ đơn thân lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Do bị di chứng ngạt thở sau sinh, Đinh Đinh làm gì cũng chậm: 1 tuổi chưa biết cầm, 2 tuổi mới tập đứng, 3 tuổi mới tập đi, 6 tuổi mới chạy nhảy được, và để tập kiểm soát chân tay như cầm đũa hay cầm bút thì đối với cậu bé quả là một việc bất khả thi.

Để có tiền chữa bệnh cho con, Hồng Yến phải nhận đủ mọi việc làm thêm. Việc điều trị vô cùng tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc, mỗi tuần cô đều phải đưa con đến bác sĩ để vật lý trị liệu 3 lần, còn lại cô tự ở nhà vừa xoa bóp cơ vừa dạy con học chữ đánh vần….

Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa từng bỏ một buổi vật lý trị liệu nào cho con, đến bác sĩ chữa trị cho Đinh Đinh cũng phải rơi lệ vì sự kiên cường và nhẫn nại đến mức khó tin của cô. Mặc dù bác sĩ không đánh giá khả quan khả năng hồi phục của Đinh Đinh, nhưng trong tâm cô luôn có một đức tin.

Vì vậy, trong những tháng ngày gian khổ ấy, Trâu Hồng Yến chưa bao giờ than thân trách phận mà ngược lại còn rất biết ơn số mệnh, bởi như cô nói: “Con là món quà mà bề trên ban cho tôi”. Đinh Đinh hiện vẫn đang theo học tại ĐH Harvard với mức học bổng 75%, cậu con trai hiếu thảo hy vọng sẽ mang đến cho người mẹ kiên cường tuổi xế chiều an nhiên.

4. Giữ gìn gia đình

Cổ nhân xưa thường nói: “Hiền thê lương mẫu” với hàm ý khen ngợi những người phụ nữ Trung Quốc rất biết giữ gìn gia đình, là người vợ hiền mẹ tốt.

Trong lịch sử Trung Hoa, hoàng hậu Trưởng Tôn luôn được xem là hoàng hậu đức hạnh nhân từ nhất và là người vợ tuyệt vời nhất. Đường Thái Tông đã có công lập nên một triều đại nhà Đường thịnh vượng nhất trong lịch sử.

Ngoài uy đức của mình, Đường Thái Tông đại trị thiên hạ nhờ vào các đại thần tài ba văn võ song toàn và không thể không kể đến sự hậu thuẫn của người vợ hiền từ đảm đang của mình, Trưởng Tôn hoàng hậu. Phẩm hạnh cao cả và trái tim nhân từ của bà được dân chúng tôn kính và ngưỡng mộ.

Cũng trong lịch sử Trung Quốc, đại thần dám dùng lời nói thẳng để can gián nhà vua có lẽ nổi tiếng nhất là Ngụy Trưng dưới đời Đường Thái Tông và có lần khiến vị vua anh minh này tức giận muốn “giết cho hả giận” vì làm mất mặt vua trước bao quần thần.

Ngay khi biết rõ câu chuyện, bằng phong thái trang nghiêm nhưng cũng rất nhẹ nhàng từ tốn, hoàng hậu quỳ xuống trước mặt Đường Thái Tông nói: “Xin chúc mừng bệ hạ! Thiếp nghe rằng chỉ khi nào Hoàng đế là một minh quân thì mới xứng đáng được quần thần dùng lời thẳng thắn mà can gián”. Sự hiền đức và trí huệ của bà không chỉ giữ được sự tôn nghiêm cho chồng, mà còn hóa giải được nguy cơ mất mạng của một cận thần tài đức.

Năm Trinh Quán thứ 8, bà ốm nặng. Thái tử Lý Thừa Càn muốn ân xá cho tù nhân để cầu nguyện cho mẹ mình mau khỏi bệnh. Nhưng hoàng hậu phản đối kịch liệt, bà nói: “Sự sống chết của con người là do ông trời an bài, và không ai có thể thay đổi bất cứ điều gì. Nếu làm việc tốt mà để mong cầu một điều gì đó thì không phải là việc thiện, cho nên mong cầu để được khỏi bệnh là điều vô ích. Ân xá tù nhân là chuyện của quốc gia và không nên thực hiện việc đó chỉ vì ta”.

5. Tinh tế

Tình yêu của người mẹ không chỉ có sự yêu thương và quan tâm mà cần cả sự tinh tế.

Nhạc Phi là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, là danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Ông là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc.

Khi Nhạc Phi vừa trưởng thành, bờ cõi thường xuyên bị kẻ thù tấn công từ phương bắc. Khi đó triều đình nhà Tống gấp rút tuyển mộ quân sĩ để bảo vệ quê hương.

Chuyện kể rằng Nhạc Phi rất hiếu thảo và thương mẹ, nên chỉ muốn ở nhà phụng dưỡng mẹ thay vì tòng quân. Nhưng mẹ của ông không cho phép con trai trốn tránh nghĩa vụ của mình. Biết con trai đang băn khoăn giữa chữ trung và chữ hiếu, bà đã động viên con tòng quân bảo vệ Tổ quốc và để khích lệ tinh thần cho Nhạc Phi, bà đã xăm 4 chữ lớn lên lưng con trai: Tận Trung Báo Quốc.

Sự tinh tế của người mẹ không chỉ ở những lời ngợi khen, động viên con, mà còn có những thêm cả những lời “nói dối”.

Chuyện kể rằng: Có hai mẹ con sống rất nghèo khó, cơm cũng không đủ ăn nên người mẹ thường đem phần cơm trong bát của mình chia cho con. Khi cậu con trai bé nhỏ hỏi: “Sao mẹ không ăn lại nhường cho con” thì người mẹ trả lời: “Con ăn đi, mẹ không đói“.

Nhìn thấy con trai ngày càng khôn lớn, người mẹ thường ngày ra suối bắt cá bồi bổ cho con, làm món canh cá tươi ngon. Khi cùng ngồi ăn, người mẹ chỉ nhằn lại xương cá nên cậu con trai thấy thế bèn gắp thịt cá sang bát mẹ, mời mẹ ăn. Nhưng người mẹ không ăn, gấp trở lại bát cho con và nói: “Con trai mau ăn đi, mẹ không thích ăn cá“.

Tình yêu của một người mẹ thể hiện sự tinh tế như vậy, mọi lúc mọi nơi.

6. Siêng năng chịu khó

Tất cả những người mẹ trên đời này đều siêng năng chịu khó, cho dù vốn dĩ là một người phụ nữ lười biếng nhưng một khi kết hôn sinh con sẽ biến thành một người hoàn toàn khác.

Họ trở thành một người phụ nữ siêng năng chịu khó, đem tình yêu đối với con cái biến thành hành động cụ thể, chăm chỉ làm việc. Đây có lẽ là bản năng của con người, là thiên tính vĩ đại của một người mẹ.

Mẹ của Bobby Wen quyết định từ bỏ một công việc thu nhập cao ở ngân hàng Trung Quốc để trở thành một người dọn dẹp ở Úc đã trở thành câu chuyện gây cảm hứng về đức hy sinh và siêng năng của người mẹ.

Khi còn rất nhỏ, Bobby Wen bị bệnh hen suyễn rất nặng và dù đã được chữa trị cả Đông Tây y, nhưng bệnh tình của cậu không thuyên giảm. Năm Wen 8 tuổi, mẹ cậu quyết định đưa cậu sang Úc sinh sống để cải thiện sức khỏe.

Có bằng thạc sĩ tại Trung Quốc, nhưng mẹ Wen rất sốc khi biết bằng cấp của bà không được chính phủ Úc công nhận. Để có tiền chi tiêu và chăm sóc Wen, bà đã không từ một công việc lao động chân tay nào và đã nhận cả việc dọn dẹp vệ sinh.

Đây là một vấn đề lớn đối với người Trung Quốc, bởi nghề dọn dẹp được coi là thấp kém nhất trong xã hội. Từ một người có thu nhập cao tại Trung Quốc, cho tới công việc của một người lau dọn vệ sinh, mẹ cậu đã phải hy sinh rất nhiều điều nhưng bà không hề phàn nàn mà rất chăm chỉ, siêng năng.

Nhờ bản tính siêng năng ấy, mẹ Bobby Wen cuối cùng đã tìm được con đường để cải thiện cuộc sống khi theo học nghề điều dưỡng tại một cơ sở TAFE, và hoàn thành khóa học để trở thành y tá. Vài năm sau, bà lại đi học và chăm chỉ làm việc để trở thành một nhà nghiên cứu bệnh học.

Không nề hà trước mọi khó khăn, cần mẫn siêng năng làm việc và niềm say mê học hỏi của người mẹ đã đạt được thành quả khi gây ảnh hưởng lớn tới cậu con trai Bobby Wen và cải thiện cuộc sống gia đình. Năm ngoái, mẹ cậu đã trả được hết khoản tiền thế chấp ngôi nhà, điều mà bà từng nghĩ sẽ không bao giờ có thể làm được.

Bạn có biết phúc báo của người phụ nữ không chỉ liên quan đến tương lai của chính họ, mà còn có thể ảnh hưởng đến gia đình, thậm chí cả gia tộc. Vì vậy phúc phận của người phụ nữ dày hay mỏng, gia đình vượng hay không chỉ cần nhìn điểm này là biết.

Khải Phong

Tham khảo soundofhope

Video: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái

videoinfo__video3.dkn.tv||5bb2f448d__