Đại Kỷ Nguyên

7 thói quen giúp trẻ trưởng thành, cha mẹ nhất định phải ghi nhớ

Daniel Webster từng nói: Nếu ta xây thành bằng đá cẩm thạch, rồi cũng có lúc nó sẽ sụp đổ. Nếu ta dùng đồng thau, thời gian sẽ bào mòn. Nếu ta xây đền, đền rồi sẽ tan thành cát bụi. Nhưng nếu ta thấm nhuần trí óc mình bằng những nguyên tắc sống cơ bản thì thời gian cũng không thể xóa nhòa chúng mà chỉ làm cho chúng ngày càng tỏa sáng.

Bạn đừng quên rằng điều quan trọng nhất đối với mỗi người chính là tính cách, thứ hai là được yêu mến, thứ ba mới là uy tín và thành công. Hiếm ai có được tất cả những điều này. Đương nhiên các bậc làm cha làm mẹ như chúng ta lúc nào cũng mong cho con cái mình hoàn hảo, nhưng nếu phải lựa chọn, hãy nhớ rằng tính cách phải được đặt lên hàng đầu.

Được chắt lọc từ những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân cùng với trực quan nhạy bén của mình, Stephen R. Covey – diễn giả nổi tiếng về những đề tài dành cho thanh thiếu niên – đã đưa ra “7 thói quen để trẻ trưởng thành”. Nếu mỗi đứa trẻ đều có được 7 thói quen này thì thế giới sẽ trở thành Thiên đường, cuộc đời mỗi đứa trẻ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, và cuộc sống của chúng cũng hạnh phúc hơn.

Vậy những thói quen đó là gì? Dưới đây là chia sẻ của Stephen R. Covey:

1. Chủ động – Tự chịu trách nhiệm

Bọn trẻ vẫn thường hay than vãn: “Bố ơi con chán. Con chẳng có gì để làm cả”, cứ như việc chúng buồn chán là do lỗi của tôi vậy. Nếu tôi đáp lại kiểu như: “Vậy thì sao?” thì chắc chúng cũng để cho tôi yên được một lúc. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh chính là: Quan trọng phải dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, về niềm vui hay sự buồn chán, về bất hạnh hay hạnh phúc của bản thân chúng. Đây chính là thói quen chủ động. Hay nói cách khác, hãy tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và đừng đóng vai nạn nhân nữa.

Cha mẹ hãy giúp con hình thành thói quen này qua từng bước nhỏ:

– Lần sau khi con thấy chán, hãy làm gì đó có ích cho người khác.

– Hôm nay hãy làm một việc gì đó mà trước giờ con vẫn sợ: Kết bạn mới, giơ tay phát biểu bài trong lớp…

– Lần sau khi con nóng giận và muốn nói gì đó không tốt, hãy cắn chặt lưỡi lại và đừng nói gì hết.

– Nếu con làm gì sai, hãy nói xin lỗi trước khi người khác bắt con làm thế.

Quan trọng phải dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, về niềm vui hay sự buồn chán, về bất hạnh hay hạnh phúc của bản thân chúng. (Ảnh: pinterest.com)

2. Bắt đầu khi đã xác định trước điều mình muốn – Lên kế hoạch

Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường kể cho anh em tôi nghe chuyện về hai cậu bé Charles và Remus. Hai cậu luôn nghĩ cách kiếm tiền. Sau khi kiếm được tiền, Charles luôn chiều theo ý thích của mình và tiêu sạch số tiền vừa kiếm được ngay lập tức. Trong khi Remus luôn lên sẵn kế hoạch và tiêu tiền một cách sáng suốt. Tôi đoán mẹ đang cố dạy cho anh em tôi hiểu về thói quen bắt đầu khi đã xác định trước điều mình muốn. Đây là thói quen định trước, hay còn gọi là thói quen lên kế hoạch.

Bạn có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết ra những mục tiêu bởi chúng ta vẫn biết: “Mục tiêu mà không viết ra thì chỉ là ước muốn”. Cho dù những kế hoạch ấy liên quan đến tiền bạc, học hành hay cuộc sống thì chúng cũng sẽ luôn có ích, thậm chí có thể tạo điều kiện để trẻ giúp đỡ người khác. Hãy giúp con hình thành thói quen này qua từng bước nhỏ như sau:

– Để con tự soạn sẵn quần áo cho ngày mai trước khi con đi ngủ.

– Lấy giấy và bút viết ra 3 mục tiêu mà con muốn thực hiện. Để mảnh giấy ở nơi con có thể nhìn thấy.

– Kể cho bố mẹ nghe con muốn làm gì khi lớn lên.

– Ai trong chúng ta cũng có việc cần phải làm cho tốt hơn, chẳng hạn như: làm bài tập về nhà, chải răng mỗi tối, hay nghe lời bố mẹ. Hãy chọn ra một việc con cần làm tốt hơn và bắt đầu thực hiện điều đó.

3. Ưu tiên việc cần thiết – Làm trước, chơi sau

Bọn nhóc của chúng ta rất buồn cười khi bỏ ra cả 30 phút để cằn nhằn về những việc phải làm mà không nhận ra rằng chỉ cần bấy nhiêu đấy thời gian là chúng đã làm xong việc rồi. Thật ra, để ưu tiên làm việc cần thiết trước là rất khó. Nói thật thì trong các thói quen, thói quen này là khó tập nhất. Vì sao ư? Vì chúng ta thường có xu hướng làm những việc dễ hay những việc mình thích trước. Nhưng nếu ta không dạy cho trẻ biết ưu tiên những việc khó và cần thiết trước thì chúng sẽ không thể sắp xếp công việc một cách hợp lý.

Hãy cho trẻ thấy mọi việc sẽ tệ thế nào nếu trẻ cứ trì hoãn công việc mãi. Hãy giúp trẻ cảm nhận được sự thoải mái của việc chuẩn bị kỹ lưỡng một việc nào đó, từ đó trẻ sẽ có thời gian để làm nhiều việc khác. Cha mẹ hãy qua từng bước nhỏ để hình thành thói quen này cho con:

– Hãy cho bố mẹ biết những công việc hay trách nhiệm quan trọng nhất của con là gì? Tập đàn piano? Dọn giường? Làm bài tập về nhà? Đi đổ rác?

– Ngày mai hãy làm bố mẹ bất ngờ bằng cách hoàn thành nhiệm vụ trước cả khi bố mẹ bắt con làm chúng.

– Lần sau khi con có bài tập về nhà, hãy làm phần khó nhất trước.

– Hãy nghĩ đến một việc nào đó con đã trì hoãn lâu như: dọn phòng, bơm bánh xe, sửa ngăn tủ bị hư. Con thử làm ngay đi.

Dạy trẻ lựa chọn nhận biết việc nào cần thiết hơn. (Ảnh: pinterest.com)

4. Nghĩ cho đôi bên cùng có lợi – Mọi người cùng thắng

Tôi nhớ có lần cô con gái Rachel của tôi muốn nuôi chó. Trong khi đó vợ tôi khẳng định chắc nịch: “Không được!”. Hai mẹ con tranh cãi cả tháng trời. Cuối cùng Rachel viết cho vợ tôi một bức thư kể ra những điều con bé sẽ cải thiện nếu như vợ tôi chịu cho nó nuôi chó. Tôi vô cùng bất ngờ khi cuối cùng vợ tôi cũng đầu hàng. Bức thư của Racel đã thuyết phục được mẹ con bé. Cách nghĩ đôi bên cùng có lợi, hay lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích của người khác như của chính mình thực sự là một thói quen tinh thần tuyệt vời mà bạn có thể dạy cho bọn trẻ.

Tập hình thành thói quen nghĩ cho đôi bên cùng có lợi – mọi người cùng thắng qua từng bước nhỏ sau:

– Con hãy thử hỏi một người lớn nào đó xem quy luật vàng là gì. Khi biết rồi thì con hãy thử áp dụng quy luật đó.

– Hãy thử sống nguyên một ngày mà không nhăn nhó, trề môi hay than vãn xem.

– Lần sau khi con muốn cãi nhau giành đồ chơi với bạn, hãy nghĩ xem: “Làm sao để bạn cũng vui?”.

– Hãy làm một tấm “áp phích điều ước”. Bắt đầu bằng việc kẻ một đường dọc giữa tờ giấy. Cắt hình những thứ con thích và dán lên một bên. Bên còn lại, con hãy dán những điều bố mẹ muốn ở con. Sau đó hãy nghĩ xem làm thế nào để những điều của con lẫn bố mẹ mong muốn đều thành sự thật.

5. Cố gắng hiểu, rồi sẽ hiểu – Lắng nghe trước khi nói

Vợ chồng tôi thường đặt biệt danh cho lũ trẻ. Chúng tôi đặt tên cho con gái lên 3 Allie là “Gào thét” vì đó là việc duy nhất con bé làm. Khi con bé không được chiều ý hay lắng nghe, con bé gào thét. Rất to! Đó là cách con bé muốn người khác chú ý đến mình. Là người lớn chúng ta có thể không gào thét, nhưng chúng ta vẫn thể hiện bằng nhiều cách khác nhau khi cảm thấy mình không được người khác lắng nghe. Hãy nhớ rằng nhu cầu lớn nhất từ sâu thẳm trái tim mỗi người là được thấu hiểu.

Ở trường chúng ta được dạy cách đọc, viết và nói nhưng không ai dạy ta cách lắng nghe – một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất. Chỉ nghe bằng tai thì chưa đủ vì trong lời nói chỉ chứa đựng 10% thông tin giao tiếp. Những phần còn lại nằm ở ngôn ngữ cơ thể, âm sắc và cảm xúc truyền đạt qua giọng nói. Tốt nhất hãy dạy cho con trẻ biết lắng nghe từ ngay khi chúng còn nhỏ. Từng bước nhỏ để hình thành thói quen:

– Hãy cố thử không nói tiếng nào trong suốt một giờ đồng hồ. Hãy quan sát mọi người xung quanh và lắng nghe xem họ đang nói gì.

– Hãy nghĩ đến một người nào đó con quen mà con cho rằng họ giỏi lắng nghe. Ông? Bà? Bố? Mẹ? Vì sao họ lại là những người giỏi lắng nghe?

– Lần sau khi một người bạn của con đang buồn, hãy nhìn vào mắt hoặc những cử chỉ của bạn ấy. Hãy nói cho họ biết con thấy họ đang buồn và con muốn giúp họ.

Tốt nhất hãy dạy cho con trẻ biết lắng nghe từ ngay khi chúng còn nhỏ. (Ảnh: pixabay.com)

6. Hợp lực – Hợp sức sẽ có kết quả tốt hơn

Thường ở nhà tôi sau mỗi bữa cơm, chúng tôi có một khoảng thời gian gọi là “chương trình 15 phút”. Trong vòng 15 phút, mọi người dừng hết những việc đang làm và cùng nhau rửa bát. Tôi luôn bất ngờ khi thấy chúng tôi có thể rửa sạch dọn dẹp hết đống chén bát rất nhanh nếu cả nhà cùng làm với nhau. Đó chính là sự hợp lực: trân trọng những điểm khác biệt và làm cùng nhau để đạt được một giải pháp tốt nhất. Đó là khi 1 + 1 = 3 hoặc có khi là hơn thế nữa.

Cha mẹ giúp con hình thành thói quen này qua từng bước nhỏ:

– Viết ra 3 việc con cảm thấy mình giỏi. Rồi viết ra 3 việc mà con nghĩ là những người xung quanh con giỏi.

– Xem đội thể thao con thích thi đấu. Đặc biệt chú ý xem các cầu thủ đã chơi thành đội như thế nào.

– Hãy xem thế nào là một thành viên tốt hay một thành viên chưa tốt trong đội.

7. Mài lưỡi cưa – Cân bằng là tốt nhất

Đôi lúc bọn trẻ nhà tôi tự nhiên trở nên cáu kỉnh và khoái cãi nhau. Mỗi lần như thế, tôi thường có những phản ứng thái quá khi la chúng: “Đừng có làm như trẻ con nữa”, mà quên mất rằng thật ra chúng vẫn chỉ là trẻ con. Nhưng vợ của tôi thì tỉnh táo hơn. Cô ấy biết đó là khi bọn trẻ thiếu cân bằng thế nên chúng mệt, đói hay bị kích thích quá mức. Cô ấy cho chúng ăn táo, tắm cho chúng hay đọc một quyển sách nào đó cho chúng nghe cho tới khi bọn trẻ “bình thường” trở lại.

Nguyên tắc đó cũng đúng cho cả người lớn. Ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái và cân bằng hơn khi dành thời gian để làm mới 4 thành phần cấu tạo nên con người chúng ta: Cơ thể, trái tim, đầu óc và tâm hồn. Từng bước nhỏ hình thành thói quen:

– Trong hai đêm liên tục, hãy đi ngủ sớm và xem khi thức dậy sẽ thấy sảng khoái như thế nào!

– Trong một tuần liền hãy đọc sách 20 phút mỗi ngày.

– Hôm nay hãy đi chơi với ai đó mà lâu rồi con chưa chơi cùng.

– Đi đến một nơi nào đó ngoài trời mà con thích, chẳng hạn như công viên hay bờ sông. Khi đến đó rồi, hãy nghĩ đến những việc khiến con vui, như nghĩ về ông bà, chú cún ở nhà, một món đồ chơi mà con thích.

Khi trẻ thấu hiểu những nguyên tắc vô tận và phổ biến như tính trách nhiệm, sự tận tụy, trung thực cả ở nhà và ở trường thì những giá trị và tiềm năng của trẻ sẽ được khẳng định và củng cố. Từ đó chúng sẽ xây dựng được sự tự tin, lòng chính trực và dũng khí để làm những điều đúng đắn.

Hồng Ân

Exit mobile version