Trong cuộc sống và học tập, trẻ nhút nhát luôn thiếu tính chủ động, dũng khí và sự tự tin. Vì thế, trẻ thường bỏ qua rất nhiều cơ hội để thành công. Do đó có thể nói, nhút nhát chính là hòn đá cản đường sự trưởng thành và thành công của trẻ.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình có tính cách mạnh mẽ, dũng cảm. Trong cuộc sống, bên cạnh một số trẻ rất bạo dạn cũng còn một số trẻ lại nhút nhát, sợ sệt. Do đó, chúng ta thường xuyên nghe một số cha mẹ phàn nàn: “Con tôi rất nhút nhát, hay xấu hổ, khách đến nhà cũng không dám chào; Con tôi gặp phải chuyện nhỏ đã lúng túng, không biết làm thế nào, chỉ biết khóc…”. Tình trạng này khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng, những vấn đề này đều liên quan đến tính cách nhút nhát của trẻ.

Vì nhút nhát, những đứa trẻ này không dám phát biểu trước chốn đông người, khi gặp người lạ, đến môi trường lạ, trẻ thường tỏ ra xấu hổ, ngại ngùng, lo lắng, trẻ không thể giao tiếp với mọi người một cách tự nhiên, cởi mở. Trên thực tế, chúng ta có thể thay đổi tính cách nhút nhát của trẻ. Cha mẹ cần có phương pháp đúng đắn, giúp trẻ khắc phục đặc điểm tính cách này để trẻ dũng cảm đối mặt và vượt qua mọi trở ngại trên bước đường trưởng thành, giúp trẻ chinh phục những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sau này.

Các chuyên gia giáo dục và tư vấn tâm lý cho rằng, muốn thay đổi tính cách nhút nhát của trẻ, cha mẹ cần thực hiện những bước sau:

1. Thông qua tình yêu thương của cha mẹ để thay đổi tính cách nhút nhát của trẻ

Tính cách có thể rèn luyện được, nhất là khi trẻ còn nhỏ. Nếu trẻ không được cha mẹ yêu thương, chăm sóc sau này trưởng thành thì có tính cách nhút nhát, tính tình thô bạo, không hòa đồng, thiếu thân thiện. Ngược lại, những trẻ được yêu thương không những mạnh dạn, hòa đồng mà còn rất thân thiện, chủ động giúp đỡ người khác.

Từ thực tế này cho thấy, thời kì trẻ nhỏ đặc biệt là thời thơ ấu, tình yêu của cha mẹ có tác dụng lớn trong việc hình thành tính cách của trẻ. Vì thế, trẻ nhỏ được giáo dục trong môi trường tốt thì sẽ hình thành tính cách tốt.

Cha mẹ luôn phải gần gũi và có giao tiếp yêu thương với trẻ. (Ảnh: zedni.com)

2. Cha mẹ làm gương để con học tập

Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con, lời nói và hành động của cha luôn có ảnh hưởng ngầm đến con. Vì thế, sự phát triển tính cách của trẻ chịu ảnh hưởng tính cách của cha mẹ.

Sau khi chào đời, môi trường tiếp xúc đầu tiên của trẻ là gia đình và cha mẹ. Thông thường, trong giai đoạn thơ ấu đến khi đi học, thời gian tiếp xúc giữa cha mẹ và con rất nhiều, trẻ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi hành vi và lời nói của cha mẹ. Cha mẹ không chỉ là người bạn của con mà còn là tấm gương trong cuộc sống hằng ngày của con. Hành động, lời nói, cử chỉ, tình cảm của cha mẹ đều có ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách của con.

Vì thế, muốn bồi dưỡng tính cách dũng cảm cho con ngay từ nhỏ, cha mẹ là tấm gương sáng để tính cách tốt đẹp của mình ảnh hưởng đến con. Cha mẹ cần biết kiềm chế và thay đổi tính cách không tốt của mình, như vậy mới giúp con thay đổi tính nhút nhát, rụt rè.

3. Hãy để trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài

Nhiều trẻ trở nên nhút nhát là vì chúng không biết cư xử thế nào với mọi người. Nếu như vậy, cha mẹ hãy dành chút thời gian cho con tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, hãy để trẻ cùng đi thăm người thân, cho trẻ chơi cùng bạn bè khu phố, cổ vũ trẻ chơi với bạn cùng trang lứa. Trong quá trình này, cha mẹ cũng không nên can thiệp quá nhiều, hãy đứng bên cạnh quan sát hành vi của con, nếu con biểu hiện không hợp tác, gào khóc, cha mẹ cần an ủi, động viên, không nên trách mắng trẻ. Vì những điều này dễ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, gây trở ngại tâm lý cho trẻ, khiến trẻ sợ tiếp xúc với thế giới bên ngoài hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên nóng vội với con cái, không bắt ép trẻ nhanh chóng làm quen với mọi người, cần cho trẻ có thời gian và quá trình tiếp xúc, làm quen dần dần.

Những trò chơi ngoài trời cũng có thể giúp cải thiện tương tác ở trẻ. (Ảnh: Vforum)

4. Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho trẻ

Cha mẹ không nên bao bọc con quá nhiều, cần cổ vũ con tích cực tham gia các hoạt động với bạn bè cùng lứa tuổi, đồng thời cho trẻ tiếp xúc nhiều với những người xung quanh.

Có những đứa trẻ ở nhà thì nói năng hoạt bát, nhưng ra ngoài lại e dè, sợ sệt. Vì vậy, cha mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, tranh thủ cho con đi chơi công viên, thăm thú bạn bè, gặp gỡ những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Khi dẫn con đi mua sắm, có thể để trẻ chủ động mua những thứ con thích. Nếu cha mẹ muốn dẫn con đến nhà ai chơi cần nói trước với trẻ để trẻ chuẩn bị tâm lý, nêu ra một số yêu cầu hợp lý như con hãy chơi cùng con của gia đình đó.

5. Bồi dưỡng tính cách tự lập, tự chủ cho trẻ

Hằng ngày, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng tính tự lập, nghị lực kiên cường và thói quen sống tốt cho trẻ, cổ vũ trẻ làm những việc vừa sức, để trẻ học cách tự chăm sóc bản thân. Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ không nên làm thay cho trẻ mà hãy để trẻ tự nghĩ cách giải quyết. Khi cần thiết cha mẹ hãy chỉ dẫn để trẻ tìm ra cách làm đúng đắn, sau đó trẻ sẽ tự học cách xử lý. 

Tập cho trẻ tự làm việc nhẹ. (Ảnh: Pinterest)

6Cổ vũ trẻ mạnh dạn, dũng cảm

Có những trẻ khi gặp người quen của cha mẹ nhưng không chủ động chào hỏi và hay trốn sau lưng ba mẹ. Có một số cha mẹ giải thích thay con: “Con tôi nhát lắm, hay xấu hổ, cứ gặp người lạ là như thế”. Cha mẹ không nên bao biện cho trẻ như vậy, vì làm thế trẻ sẽ càng tự ti, nhút nhát hơn mà thôi. Khi trẻ có biểu hiện này, cha mẹ hãy kiên nhẫn an ủi, cổ vũ con: “Cố lên con, con làm được mà”, “Con hãy tin vào bản thân mình”… Hay khi con ngượng ngùng, cha mẹ hãy dùng sự ấm áp, kiên định cổ vũ con, giúp con ngày càng tự tin hơn.

7. Nhìn nhận sai lầm một cách đúng đắn

Khi trẻ phạm lỗi, nếu cha mẹ trách mắng hoặc dùng hình phạt quá nghiêm khắc sẽ khiến trẻ rất căng thẳng và sợ hãi. Còn có cha mẹ đánh mắng con rất thậm tệ, việc làm này không có tính giáo dục, nó chỉ có tác dụng là giải tỏa cơn tức giận của cha mẹ, nó còn thể hiện sự bất lực của cha mẹ trong việc nuôi dạy con.

Do vậy, việc cần làm lúc này là cha mẹ hãy cùng trẻ phân tích, giảng đạo lý cho con, khẳng định điểm mạnh của con, giúp con nhận ra lỗi và tìm cách khắc phục nó. Sau này, khi trẻ phạm lỗi trẻ cũng sẽ thành thật và mạnh dạn nói ra lỗi của mình để cha mẹ giúp đỡ cùng tìm cách khắc phục giảm bớt sai lầm. Phương pháp giáo dục tạo ra những cải biến từ căn bản từ trong tâm đứa trẻ thực sự mang lại hiệu quả rất tốt. 

8. Giúp trẻ nắm bắt điểm mạnh của bản thân

Những trẻ em có tính nhút nhát, hướng nội thường có khả năng tập trung, quan sát sự vật nghiêm túc, tỉ mỉ, làm việc kiên nhẫn, thích suy nghĩ tìm tòi, vì thế cha mẹ cần phát huy những ưu điểm này của trẻ. Cha mẹ hãy cổ vũ trẻ dựa vào sở trường của mình để phát huy bản thân. Khi có cơ hội hãy để trẻ thể hiện sở trường của mình trước đám đông để rèn luyện sự mạnh dạn cho trẻ.

Luôn cổ vũ động viên trẻ. (Ảnh: webthethao)

9Giúp trẻ xây dựng sự tự tin

Tự tin là yếu tố quan trọng để chiến thắng sự nhút nhát. Tự tin cũng là điều kiện đầu tiên để làm được những việc lớn lao. Trước khi làm việc gì đó nếu trẻ được cha mẹ cổ vũ thì trẻ sẽ có thêm động lực và tin tưởng vào khả năng của bản thân hơn.

Muốn trẻ trở nên mạnh dạn và tự tin, cha mẹ cần có quá trình dạy dỗ lâu dài. Đặc biệt đối với những trẻ nhút nhát, hay xấu hổ, muốn trở thành một người dũng cảm, tự tin đối mặt với khó khăn, thách thức thì cũng cần có dũng khí và sự kiên trì.

Hồng Ân