Những ngày qua, báo chí và người dân cả nước đang tập trung sự chú ý xung quanh vụ việc nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Giang. Việc một cán bộ của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tỉnh này trực tiếp can thiệp và “hô biến” kết quả thi của thí sinh đã thực sự khiến dư luận vô cùng bàng hoàng và bức xúc. Và câu hỏi được đặt ra là ‘Phải chăng chúng ta nên nhìn nhận lại mục đích của giáo dục?’
Giáo dục chân chính đâu phải chỉ để có việc làm
Những tệ nạn gian lận trong giáo dục trong những năm gần đây, có lẽ chính là hệ lụy của một quan niệm biến dị về giáo dục. Bởi vì hiện nay, nhiều người quan niệm rằng, giáo dục nhất là giáo dục đại học không chỉ “cao quý và lý tưởng” mà còn là những thương vụ “đầu tư.” Nếu đầu tư thời gian và tiền bạc vào giáo dục nhưng không thu được gì, không thể kiếm việc làm, không sinh lợi thì nó là “đầu tư kém.” Giáo dục đại học là “đầu tư tốt”, nếu gia đình và học sinh chọn đúng trường, đúng lĩnh vực học tập đang được xã hội ưa chuộng.
Với quan niệm như vậy, người ta sẽ dùng mọi thủ đoạn bất chính để đạt được lợi ích của mình. Gian lận trong thi cử có lẽ được sinh ra từ đây và nó trở thành vấn nạn, trở thành “bài toán khó” và luôn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục.
Phải chăng chúng ta nên nhìn nhận lại mục đích của giáo dục? Giáo dục chân chính đâu phải chỉ để có việc làm. Giáo dục là nền tảng của việc xây dựng xã hội với những công dân có thể đóng góp cho quốc gia. Nếu công dân một nước không có giáo dục, đất nước không thể phát triển bền vững. Do vậy, mục đích của giáo dục hiện đại là tạo ra thế hệ mới phát triển toàn diện, hài hòa, có đạo đức, đậm nét nhân văn cội nguồn, biết cư xử và có kỹ năng sống của công dân toàn cầu hóa.
Nhiều quốc gia trên thế giới, họ nhận thức được rất rõ ràng mục tiêu mà giáo dục cần hướng tới không chỉ là trang bị tri thức mà là phát triển toàn diện phẩm cách của con người. Để làm được điều đó, họ đã đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, trang bị cho học sinh hành trang cần thiết để tự tin giao lưu, hội nhập quốc tế, các nước đã áp dụng nhiều mô hình, phương pháp giảng dạy tiên tiến. Họ đã bắt đầu thử nghiệm những thay đổi trong nền giáo dục ở nước mình.
Sau đây là một số một số mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới đáng để chúng ta tham khảo và học tập.
Tại Phần Lan: Suốt 12 năm đến trường, học sinh được dạy phương pháp tự học chứ không phải dạy cách vượt qua một kì thi
Giáo dục ở Phần Lan hoàn toàn miễn phí và không có các cuộc thi nhằm phân loại học sinh. Tại đây, họ dạy học sinh phương pháp tự học chứ không phải dạy cách vượt qua một kì thi. Vì họ không tin vào thi cử và họ nghĩ rằng tổ chức một kỳ thi thống nhất không phải là việc tốt. Suốt 12 năm học học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất trước khi vào đại học.
Vì vậy, cả thầy và trò nơi đây có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử và học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Do đó, trường học ở Phần Lan là điểm đến ưa thích của các em học sinh. Trường học của họ là nơi ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh.
Tại Nhật Bản: Học sinh Nhật Bản phải nắm được các quy tắc ứng xử và những giá trị đạo đức từ rất sớm
Giáo dục Nhật Bản lấy học sinh là trung tâm, hướng đến rèn luyện tính tự lập cho học sinh. Mỗi học sinh có thể tự chủ trong học tập và không ỷ lại vào xung quanh. Người Nhật tâm niệm rằng, giáo dục một người trước hết là phải rèn luyện tâm hồn của họ.
Học sinh Nhật Bản phải nắm được các quy tắc ứng xử và những giá trị đạo đức từ rất sớm. Vì họ tin rằng, với việc giáo dục đạo đức thì mỗi học sinh sẽ tự tìm được con đường học tập phù hợp cho bản thân. Họ cũng cho rằng, điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của từng cá nhân vì mỗi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng. Với lý do đó nên Nhật Bản chỉ có kì thi vào trung học và đại học. Các bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh mỗi kì cuối cấp cũng đơn giản và thường kèm theo lời gợi ý của giáo viên nên không gây áp lực thi cử cho học sinh.
Tại Đức: Học tập là để tìm kiếm một công việc phù hợp chứ không phải để hơn thua
Một trong những đặc điểm nổi bật của giáo dục Đức là tính bình đẳng giữa các học sinh. Trong lớp học không có ban cán sự lớp mà chỉ có “phát ngôn viên” để chuyển thông điệp của thầy cô đến học sinh và ngược lại.
Phương châm của nền giáo dục ở Đức là họ rất quan tâm đến tính trải nghiệm thực tế. Trong hoạt động thực tế, học sinh Đức sẽ được trải nghiệm những khóa học và kiến thức về nhiều ngành nghề đa dạng. Qua đó, mỗi người sẽ dần hiểu và hình thành đam mê của mình. Đó là lý do vì sao hơn một nửa số học sinh ở Đức chọn con đường học nghề thay vì vào đại học. Người Đức quan niệm rằng, không thể đánh giá nghề này cao quý hơn nghề kia. Vì thế, học tập là để tìm kiếm một công việc phù hợp chứ không phải để hơn thua. Do đó, điểm số ở Đức cũng không có sự phân hóa nhằm tránh việc tạo cảm giác phân biệt giữa các học sinh.
Hệ thống giáo dục của Đức là một hệ thống mở, học sinh có thể thay đổi loại hình đào tạo, chương trình học theo khả năng của bản thân. Các học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo kép, kết hợp giữa học kiến thức và làm việc thực hành tại các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ cả kiến thức lẫn kỹ năng để tìm được một công việc tốt trong tương lai.
Các học sinh ở các trường trung học sau khi tham gia học các trường học nghề có thể học tại các lớp học bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu có bằng tốt nghiệp phổ thông thì có thể nộp đơn vào bất kỳ trường đại học hoặc cao đẳng nào.
Hầu hết các trường học tại Đức đều miễn học phí cho học sinh, sinh viên, chỉ có một vài trường bắt đầu thu phí từ năm 2004 để nâng cao chất lượng cạnh tranh giữa các trường.
Nhắc đến thế mạnh đào tạo của Đức, các học sinh Việt Nam đều hướng tới chương trình đào tạo vừa học vừa làm ngành điều dưỡng hay ngành nhà hàng khách sạn. Chương trình đào tạo thường là 70% lý thuyết, 30% thực hành. Các du học sinh không mất học phí, sau khi học lý thuyết sẽ được làm việc thực hành và nhận lương trực tiếp. Chính vì vậy đây là thị trường du học được nhiều học sinh hướng tới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa phần các gia đình Việt Nam.
***
Giáo dục phải hình thành được cho thanh niên nền tảng vững chắc về “đạo làm người” để họ có thể là người con tốt trong gia đình, công dân tốt cho đất nước, người đóng góp tốt cho xã hội. Và khi làm việc, họ sẽ hành động dựa trên những đức hạnh mà họ được giáo dục để ước thúc hành vi của bản thân mình. Sự thịnh vượng của một quốc gia bắt đầu với nền tảng giáo dục tốt. Khi giáo dục đặt nền móng tốt, đất nước sẽ hùng cường và thịnh vượng. Vì thế, giáo dục không chỉ mang lại tri thức cho người học, mà còn phải phát triển tính cách và đức hạnh của họ chứ không phải chạy theo hư vinh bằng những trò gian lận.
Hồng Ân