Đại Kỷ Nguyên

Người Đức dạy con như thế nào mà khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ?

Bạn có biết ở Đức, việc các bậc phụ huynh ép trẻ em học hành khi chúng chưa đến tuổi đi học bị cấm? Tất nhiên, không phải là người Đức không lo lắng gì đến tương lai của con em mà là họ có những lý giải riêng về việc học đối với những đứa trẻ, thậm chí cặp sách của chúng không hề nhỏ hơn ở cặp của những đứa trẻ ở châu Á là bao.

Ví dụ khi ở lớp mẫu giáo, cô giáo sẽ dạy chúng làm thế nào để tự lên xe bus công cộng về nhà, nên chấp hành luật giao thông như thế nào, không được nói to ở nơi công cộng, phân loại rác ra sao, v.v… Còn nếu như đứa trẻ có hứng thú với một môn học nào đó như: âm nhạc, nghệ thuật hoặc thể thao, chúng có quyền học những thứ đó ở một câu lạc bộ nào đó, thậm chí có những nơi còn dạy hoàn toàn miễn phí.

Ở Đức nếu như đứa trẻ có hứng thú với một môn học nào đó như: âm nhạc, nghệ thuật hoặc thể thao, chúng có quyền học những thứ đó ở một câu lạc bộ nào đó. (Ảnh: thenoteroom.com)

Người Đức coi trọng việc rèn luyện nhân cách cho trẻ hơn là tri thức

Ví dụ:

Để trẻ học về tình yêu thương: rất nhiều gia đình sẽ nuôi những con vật nuôi nhỏ trong nhà như chó, mèo, để trẻ học được cách quan tâm đến những loài động vật đó trong quá trình chăm sóc chúng.

Để trẻ học được sự kiên cường: sau khi trẻ ngã, chỉ cần không quá nghiêm trọng, cha mẹ sẽ không tới giúp đỡ, mà để chúng tự đứng lên.

(Ảnh minh họa: sparkling.vn)

Để trẻ học được cách tôn trọng: các bậc cha mẹ sẽ không bao giờ lật xem đồ của con nếu chưa được sự đồng ý của chúng.

Để trẻ học được sự lễ phép: cha mẹ khi muốn nhờ con cái giúp đỡ điều gì sẽ nói bitte (làm ơn), sau đó nói danke (cảm ơn).

Để trẻ học được cách quản lý tiền bạc: các bậc cha mẹ Đức sẽ để trẻ làm một số việc vặt đơn giản trong nhà để có được tiền tiêu vặt, tránh việc trẻ không lao động mà được hưởng.

Để trẻ học được cách tự chịu hậu quả: nếu muốn nhắc nhở con phải đúng giờ, họ sẽ nói: “Bố mẹ rất tiếc là không thể lái xe đưa con tới trường. Điều này con phải tự trách mình, con có thể lựa chọn việc bỏ bữa sáng và tự bắt xe bus tới trường hoặc đến muộn.”

Để trẻ học được cách tự chịu trách nhiệm: có những gia đình rất nghiêm khắc,nếu đứa trẻ quên mang quần áo bẩn bỏ vào máy giặt, thì chúng sẽ phải tiếp tục mặc đống đồ bẩn đó.

(Ảnh minh họa: amazon.com)

Để trẻ học được cách giữ chữ tín: các bậc cha mẹ Đức sẽ lấy bản thân mình làm gương và dạy trẻ rằng, các con phải biết giữ lời hứa, không được nuốt lời, và phải hoàn thành theo đúng thời gian đã nói trước đó.

Để trẻ học được sự tự tin: ở Đức, các bậc cha mẹ rất coi trọng việc bồi dưỡng sự tự tin cho con. Cho dù chỉ là một chút tiến bộ nhỏ, họ cũng sẽ cổ vũ và tán thưởng con. Họ sẽ tuyệt đối không vì thành tích tốt xấu của con mà phủ nhận sự ưu tú về một phương diện nào đó của trẻ.

Để trẻ học được cách hợp tác với mọi người: tại Đức dù là ở nhà hay là ở trường, người lớn đều sẽ có những buổi hoạt động tập thể tổ chức cho bọn trẻ, bởi nước họ có thịnh hành một câu nói: “Wer alleine arbeitet, addiert. Wer zusammen arbeitet, multipliziert” (Sự cố gắng của một người là phép cộng, sự cố gắng của cả đội là phép nhân).

Dưới đây là những thói quen tốt mà những đứa trẻ đã học được sau khi trưởng thành

Đọc sách: mặc dù xã hội hiện nay là xã hội điện tử, nhưng sách bằng chất liệu giấy dường như vẫn rất thịnh hành ở Đức. Theo thống kê, 91% người dân Đức đọc ít nhất là 1 cuốn sách/năm; 23% dân số đọc khoảng từ 9 -18 cuốn sách/năm; thậm chí có 25% dân số đọc tới hơn 18 cuốn/năm. Ở Đức, nếu để ý một chút bạn sẽ thấy chỉ trên một con phố thôi mà đã có rất nhiều cửa hàng sách lớn nhỏ khác nhau, và trong các hiệu sách này luôn đông người. Người Đức cũng có thói quen mang sách theo người, nếu có dịp tới Đức, bạn sẽ thấy, ở các nơi công cộng như tàu điện ngầm, người chơi điện thoại thì ít còn người đọc sách lại rất nhiều.

91% người dân Đức đọc ít nhất là 1 cuốn sách/năm; 23% dân số đọc khoảng từ 9 -18 cuốn sách/năm; thậm chí có 25% dân số đọc tới hơn 18 cuốn/năm. (Ảnh: gutenberg.org)

Nhường nhịn: có một lần một cao tốc của Đức gặp sự cố, có tới hai hàng xe trên một làn đường. Bởi có việc phải đi gấp nên tôi đã đi hơi nhanh, thấy vậy, một chiếc xe đi ở bên trái đã chủ động đi chậm lại để tôi vượt qua. Nếu bạn đi tàu điện ngầm ở đây lúc đông người, bạn sẽ phát hiện ra rằng, những người đứng ở gần cửa ra vào sẽ chủ động bước xuống trước để những người cần xuống phía sau có thể xuống rồi mới lại đi lên.

Đúng giờ: đại đa số người Đức đều tuân thủ rõ quy định về giờ giấc, nói về đúng giờ ở đây không chỉ đơn thuần là người dân Đức, mà còn cả các phương tiện giao thông công cộng tại Đức, nếu không có tình hình bất thường, tàu điện ngầm hay xe bus đều sẽ tới bến đúng giờ quy định.

Chú trọng gia đình: khi làm việc, người Đức sẽ rất chăm chỉ và tập trung, còn khi xong việc, họ sẽ về với gia đình ngay lập tức, rất ít trường hợp vì công việc xã giao mà không về nhà, thậm chí vào mỗi dịp nghỉ họ đều giành toàn bộ thời gian cho gia đình.

Quý trọng sinh mệnh: khi gặp các loại xe đặc biệt (ví dụ xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe có rú còi của cảnh sát..) người dân đều sẽ tự động đi sát vào lề nhường đường cho xe kia.

Sổ ghi chép: hầu như người Đức nào cũng đều có một cuốn sổ ghi chép. Cuốn sổ này không nhất định là có liên quan tới công việc, nhưng nhất định có liên quan tới cuộc sống của họ, ví dụ như các dự định, kế hoạch, thời gian thực hiện, v.v…

(Ảnh minh họa: kenh14.vn)

Chấp hành luật giao thông: người Đức rất tôn trọng luật giao thông nhất là khi lái xe (đương nhiên không phải tất cả người Đức đều được như vậy) bởi vì họ cho rằng điều này không chỉ liên quan tới sự an toàn của bản thân mà còn của người khác. Thậm chí ban ngày lái xe họ cũng bật đèn DRL, khi chuyển làn họ không chỉ nhìn gương chiếu hậu, mà còn ngoái đầu lại xem có chiếc xe nào đằng sau không.

Chú trọng chất lượng cuộc sống: mặc dù người Đức có thể tạo ra những chiếc xe hơi mang đẳng cấp quốc tế đỉnh cao nhưng họ không hề coi trọng những thứ phù phiếm ở bề mặt. Họ có thể chi tới 200 euro để mua một cái ấm giữ nhiệt hơn là một cái ví hiệu Gucci. Họ có thể bỏ ra tới 500 euro để mua một dụng cụ nhà bếp hữu ích hơn là sở hữu một cái túi hiệu LV, thậm chí họ sẵn sàng chi hàng ngàn euro để chăm sóc cho vườn hoa của mình hơn là mua một cái áo khoác Burberry.

Chú trọng bảo vệ môi trường: bạn sẽ rất khó để nhìn thấy một người Đức đang vất rác bừa bãi bởi họ hiểu được tầm quan trọng của môi trường, cho dù là ở nước ngoài, người Đức cũng sẽ làm như vậy. Tôi từng cùng một người bạn Đức đi leo núi ở Trung Quốc, bởi không tìm được thùng rác, anh bạn này đã mang vỏ cây kem của mình trong suốt quãng đường leo núi, cho tới khi tìm thấy thùng rác mới chịu vứt.

Cẩn thận: người Đức quan tâm tới cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, ví dụ khi bạn mua một quả trứng gà tại một siêu thị ở Đức, bạn sẽ thấy trên đó đều có một mã số, và thông qua mã số này bạn có thể biết được tới cả môi trường sinh trưởng của nó như thế nào.

Khế ước tinh thần: chúng ta thấy có rất nhiều người Đức rất cứng nhắc trong công việc nhưng bạn phải biết rằng, điều đó có bắt nguồn từ một loại văn hóa tên là “khế ước tinh thần” mà họ được dạy dỗ từ khi còn rất nhỏ. Họ không dễ gì đưa ra lời cam hết, nhưng một khi đã hứa và cam kết về việc gì nhất định sẽ làm cho được và tới cùng. Có lẽ đó là lý do tại sao hàng mang thương hiệu Đức luôn “miễn chê”.

Không khuất phục: tại sao xe ô tô của Đức có thể đắt hơn nhiều so với các loại ô tô thông thường? Tại sao nồi của Đức đắt hơn gấp mấy chục thậm trí mấy trăm lần so với các loại nồi bình thường khác? Tại sao “Made in Germany” là tượng trưng cho sản phẩm chất lượng cao? Chính là vì ở đó kết tinh sự chuyên tâm, sự kiên trì và sự chất lượng mà họ đã cam kết với khách hàng.

Tôn trọng trật tự xã hội: mỗi một người dân Đức đều tôn trọng trình tự trật tự xã hội, ví dụ như nói về chuyện xếp hàng, cho dù là người đứng xếp hàng, hay là xe ô tô xếp hàng, rất ít khi có hiện tượng chen lên trước.

Mỗi một người dân Đức đều tôn trọng trình tự trật tự xã hội, ví dụ như nói về chuyện xếp hàng, cho dù là người đứng xếp hàng. (Ảnh: businessinsider.com)

Ý thức công cộng: nếu bạn để ý, sẽ phát hiện ra rằng, tại những nơi công cộng ở Đức hầu như đều rất yên tĩnh, hầu như mọi người đều nói chuyện ở trạng thái nhỏ nhẹ thì thầm, rất ít khi có tiếng la lớn ồn ào.( Ngoại trừ những người mê bóng đá)

Đồng cảm: người Đức thường chủ động giúp đỡ những người già cả, ốm yếu và tàn tật. Nếu một người già bị ngã, nhất định sẽ có người đến giúp đỡ, hơn nữa không chỉ là một người.

Yêu nước: người Đức ít dùng lời để chứng minh rằng mình là người yêu nước, thậm chí còn thường lên tiếng chế nhạo những điểm bất hợp lý của nước mình. Nhưng từ cách họ kiên trì sử dụng đồ dùng sản xuất trong nước, không khó để nhận thấy tinh thần yêu nước ẩn tàng nhưng mạnh mẽ của họ, họ luôn hết lòng ủng hộ sản phẩm trong nước. Còn nếu muốn bạn nhìn thấy tình yêu nước này rõ hơn, hãy cùng họ đến cổ vũ đội tuyển quốc gia Đức trong một trận bóng đá mang tầm cỡ quốc tế.

Exit mobile version