‘Nếu bạn mất đi tiền bạc thì chỉ là một tổn thất nhỏ; nếu bạn mất đi sự tôn trọng, tổn thất là khá lớn; nếu bạn mất đi sự dũng cảm có nghĩa là bạn mất đi tất cả’
Lướt sóng thật thú vị
Vào một buổi chiều cuối tuần, bãi biển nhộn nhịp người, bỗng có tiếng hét lên, mọi người đều dồn ánh mắt về phía phát ra âm thanh, thì ra là một cô bé tầm 7, 8 tuổi đang lướt sóng trên biển. Một con sóng lớn bất ngờ ập đến, cô gái bé nhỏ như sắp bị cơn sóng ‘nuốt chửng’.
Mọi người chứng kiến đều rất lo lắng, chỉ trong chớp mắt cô bé đã biến mất trong làn nước biển xanh ngắt. Lúc đó, những người thân đứng trên bờ hét to cổ vũ cô bé: ‘Alice cố lên! Alice là người giỏi nhất! Chúng ta luôn tin tưởng con!’ Thế là cùng với tiếng hò hét, bóng dáng cô gái nhỏ cùng với nụ cười tươi hiện lên trên mặt biển rộng lớn. Mọi người lại một lần nữa reo hò cổ vũ.
Cứ như thế, cô bé tự do lướt sóng trên mặt biển, hết lần này đến lần khác bị con sóng lớn ‘nuốt chửng’, nhưng cô bé không hề sợ hãi, mà ngược lại còn tỏ ra rất thích thú. Mọi người trầm trồ: ‘Cô bé còn nhỏ vậy mà thật dũng cảm!’.
Người Mỹ rất yêu thích những môn thể thao mạo hiểm, phiêu lưu, họ thích những hoạt động đầy kích thích và mới lạ như leo núi, lướt sóng… Và những đứa con của họ cũng được thừa hưởng những đặc điểm đó. Cô bé Alice dù còn rất nhỏ nhưng lại dám lướt ván trên mặt biển rộng lớn, đối đầu với từng con sóng ập đến. Em không hề sợ hãi mà rất tự tin đón nhận những thách thức phía trước.
Ở Mỹ, từ nhỏ, các bé đã được cha mẹ bồi dưỡng tinh thần dũng cảm, yêu thích mạo hiểm để dễ dàng thích nghi với môi trường xã hội phức tạp và đạt được thành tích nào đó theo khả năng của mình. Bởi vì, các bậc cha mẹ người Mỹ quan niệm rằng, con cái muốn bước vào cánh cửa thành công cần phải được bồi dưỡng tinh thần dũng cảm.
Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe – Đức từng nói: ‘Nếu bạn mất đi tiền bạc thì chỉ là một tổn thất nhỏ; nếu bạn mất đi sự tôn trọng, tổn thất là khá lớn; nếu bạn mất đi sự dũng cảm có nghĩa là bạn mất đi tất cả’. Vậy mới thấy tầm quan trọng của sự dũng cảm trong cuộc sống của chúng ta lớn đến mức nào. Trong ấn tượng của chúng ta, trẻ em ở Mỹ trong mọi việc luôn rất dũng cảm và ưa thích mạo hiểm. Tính cách đó gắn liền với phương pháp giáo dục con của các bậc cha mẹ nơi đây. Vậy các bậc phụ huynh người Mỹ đã bồi dưỡng tinh thần dũng cảm cho con như thế nào?
Cha mẹ cùng con chơi những môn thể thao mạo hiểm trong ngày nghỉ
Trong những ngày nghỉ ở Mỹ, các gia đình thường đến những khu vui chơi giải trí. Trong đó có thể có cả những nơi đồi núi, rừng nguyên sinh và thảo nguyên hoang vắng.
Nếu các gia đình đi du lịch ở các vùng núi, trong trường hợp gặp khe núi cần phải vượt qua, cha mẹ đều hướng dẫn các con dừng lại quan sát dòng nước, tìm ra chỗ nước nông và chảy chậm nhất. Đồng thời, họ cũng giải thích và dạy cho các con cách phán đoán độ sâu của nước và tốc độ dòng chảy.
Hoặc khi leo núi, cả gia đình sẽ không ngồi cáp treo, mà để cho con trải nghiệm quá trình leo núi. Nếu quá trình gặp vách đá có độ dốc lớn, cha mẹ sẽ hướng dẫn con phán đoán mức độ nguy hiểm, sau đó quyết định có nên leo tiếp hay không. Đồng thời, họ cũng hướng dẫn cho con cách làm thế nào để đảm bảo an toàn. Nhờ những trải nghiệm từ thực tiễn đó, trẻ sẽ dần hình thành sự dũng cảm, bình tĩnh và không sợ hãi trước núi cao, vực sâu, cũng như sẵn sàng đón nhận những thử thách mới.
Để con tự đối mặt với thử thách trong cuộc sống
Ở Mỹ, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chơi trượt ván trên vỉa hè các con phố hay quảng trường. Trò chơi này thoạt nhìn khá nguy hiểm và dễ khiến trẻ bị thương, nhưng nó lại là phương pháp hữu hiệu để rèn luyện tinh thần dũng cảm cho con. Nếu cha mẹ không để con tự do chơi, tự do thử sức thì con sẽ mãi không thể cảm nhận được sự thích thú cũng như cảm giác vui vẻ do cuộc sống mang lại.
Những đứa trẻ núp dưới ‘đôi cánh’ của cha mẹ sẽ tự nhiên hình thành tính cách nhút nhát, yếu đuối, khi trưởng thành khó có thể thích ứng được với cuộc sống. Dó đó, cha mẹ Mỹ thà để con sây sát chân tay chút ít, còn hơn làm mất đi cơ hội rèn luyện của con.
Với trẻ nhỏ, tinh thần dũng cảm là rất quan trọng, do đó, cha mẹ cần bồi dưỡng phẩm chất này cho con để con có được những thành tựu xuất sắc. Trong tiềm thức của người Mỹ, chỉ những đứa trẻ dũng cảm mới có thể tìm đến ‘thiên đường’. Chúng ta hãy nhớ rằng, đằng sau mỗi đứa trẻ hạnh phúc luôn có những bậc cha mẹ dũng cảm sẵn sàng ‘buông tay’ để con tự do khám và phát triển theo khả năng của mình.
Hồng Ân