Đại Kỷ Nguyên

Bí quyết thành công: làm việc nhà càng sớm càng tốt

Trẻ càng vui vẻ khi làm việc nhà thì lớn lên càng hạnh phúc (ảnh: Shutterstock).

Người xưa dạy rằng muốn xem một đứa trẻ sau này có tương lai hay không, chỉ cần nhìn vào 3 điểm: xem trẻ dậy mấy giờ, xem trẻ có chủ động làm việc nhà hay không và xem trẻ có thích đọc sách hay không. Ngày nay, nghiên cứu khoa học chỉ ra trẻ làm việc nhà thật sự tốt cho chúng nhờ mang lại các kỹ năng khác nhau. Đó là lý do tại sao mỗi gia đình nên nghiêm túc rèn trẻ làm việc nhà. Đặc biệt, khoảng thời gian nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19 chưa biết bao giờ sẽ kết thúc lại trở thành cơ hội tốt để làm điều này.

Trong một biểu diễn thuyết tại TED, giáo sư Robert Hughes – trưởng khoa Phát triển Con người và Cộng đồng thuộc Đại học Illinois (Mỹ) đã trình bày về việc làm thế nào để nuôi dưỡng trẻ thành công mà không phải quản giáo quá nhiều. Bà đã trích dẫn kết quả một nghiên cứu trường kỳ trong suốt 75 năm đồng thời truyền tải một thông điệp cho mọi người rằng: “Muốn trẻ thành công thì trọng điểm của vấn đề đó là cho trẻ em làm việc nhà!”.

Khi chia sẻ bí quyết dạy 3 con thành công với CNBC, mẹ của Elon Musk nói rằng bà không bao giờ nói với chúng phải học những gì, không kiểm tra bài tập về nhà bởi đó là trách nhiệm của chúng, nhưng bà dạy bọn trẻ tầm quan trọng của việc lao động chăm chỉ và làm những điều tốt.

Cũng là một bà mẹ có 3 con vô cùng tài giỏi, trong đó cô con gái lớn là CEO của Youtube, bà Esther có quan điểm từ khi con chào đời cho đến lúc 5 tuổi, phải dạy chúng nhiều thứ nhất có thể. Trong khi nhiều bậc cha mẹ khác có xu hướng kiểm soát hành vi, thay con làm tất cả những điều nhỏ nhặt thì bà Esther lại đi ngược lại. Khi Susan và Janet mới 4, 5 tuổi, bà Esther đã cho con tự đi mua bánh mì ở cửa hàng cạnh nhà. Ở tuổi 12, Susan được phép thoải mái trang trí phòng ngủ của chính mình theo ý thích.

Thực tế, làm việc nhà là trải nghiệm lao động cũng là một loại học vấn. Các công việc vặt tuy không lấy làm đao to búa lớn nhưng có thể rèn luyện những kỹ năng phong phú khác nhau. Nhờ vậy, việc nhà trước hết giúp đề cao năng lực sinh tồn của bản thân, sau có thể giúp con người cảm nhận trách nhiệm và tình yêu gia đình, trở nên đồng cảm và trân trọng cuộc sống hơn. 

Theo PureWow, nghiên cứu của tiến sĩ Marty Rossmann tại Đại học Minnesota không chỉ kết luận trẻ làm việc nhà sẽ thành công hơn, hạnh phúc hơn mà còn giải thích tại sao làm việc nhà giúp trẻ có kỹ năng quản lý tài chính, có các mối quan hệ tốt hơn ở lứa tuổi trưởng thành, làm việc nhà cũng là học về hóa học, sinh học… 

Con thành công hơn

Tiến sĩ Marty Rossmann đã phân tích dữ liệu trong một nghiên cứu, theo dõi 84 đứa trẻ trong suốt bốn giai đoạn của cuộc đời. Bà phát hiện ra rằng những đứa trẻ làm việc vặt khi còn nhỏ sau này đã thành công hơn những người còn lại.

Một phần lý do là bởi vì khi làm việc nhà như rửa bát, giặt quần áo… ý thức đảm nhiệm một quy trình rửa bát hay vận hành một chiếc máy giặt… hình thành trong suy nghĩ của đứa trẻ và từ đó hai chữ “trách nhiệm” đi theo chúng suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, áp lực việc nhà từ nhỏ cũng đã xây dựng nên tâm lý “có thể làm được, có thể vượt qua”, thúc đẩy những người này đạt được mục tiêu.

Một kết quả quan trọng hơn cho thấy: Những đứa trẻ bắt đầu làm việc nhà từ lúc ba hoặc bốn tuổi là những người thành công nhất. Nếu trẻ bắt đầu tham gia việc nhà muộn hơn (ví dụ ở độ tuổi 15 hoặc 16) thì kết quả không đồng đều, thậm chí “phản tác dụng”. 

Vì vậy, mẹ hãy rèn con làm việc nhà càng sớm càng tốt! Khi con nhỏ thì cất đồ chơi chính là làm việc nhà, sau này con lớn dần lên thì làm các việc như lau dọn, nấu ăn, làm vườn…

Con sẽ hạnh phúc hơn khi trưởng thành

Thật khó để tin rằng cho trẻ em làm việc vặt sẽ khiến chúng hạnh phúc hơn, nhưng theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, điều đó là có thể.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 456 người tham gia và phát hiện ra rằng sự hài lòng và khả năng làm việc trong thời thơ ấu (ví dụ như có một công việc bán thời gian hoặc làm việc nhà) là một yếu tố giúp dự báo về sức khỏe tâm thần của trẻ khi đến tuổi trưởng thành tốt hơn hẳn so với nhiều yếu tố khác bao gồm tầng lớp xã hội và các vấn đề gia đình. Điều đó có nghĩa là trẻ càng hăng hái làm việc nhà trong thời thơ ấu thì sau này chúng càng có tinh thần mạnh mẽ và vui vẻ hơn.

Con sẽ có mối quan hệ tốt hơn

Tiến sĩ Rossmann cũng phát hiện ra rằng những đứa trẻ bắt đầu làm việc nhà khi còn nhỏ thì lớn lên nhiều khả năng chúng sẽ có mối quan hệ tốt với gia đình và bạn bè hơn.

Điều này có lẽ là do các nhiệm vụ gia đình dạy cho trẻ em về tầm quan trọng của việc đóng góp cho gia đình và làm việc cùng nhau. Từ đó khi trưởng thành trẻ sẽ có lòng đồng cảm. Đồng cảm hơn có nghĩa là các mối quan hệ cũng chất lượng hơn.

Con học cách quản lý thời gian

Nếu con có rất nhiều bài tập về nhà hoặc chuẩn bị đến giờ đi ngủ như đã định, cha mẹ sẽ dễ dàng bỏ qua việc nhà cho con. Tuy nhiên, cựu giám đốc cố vấn sinh viên tại Đại học Stanford, Julie Lythcott-Haims, đã đưa ra lời khuyên ngược lại.

Thực tế, cuộc sống sau này đòi hỏi chúng phải làm đồng thời tất cả mọi việc, bà nói. Khi chúng đi làm, có những lúc vừa đi làm về muộn, nhưng vẫn vừa phải đi mua sắm và nấu nướng, rửa bát.

Vì vậy, hãy để trẻ học cách sắp xếp tất cả mọi việc của chúng, bao gồm cả việc nhà đã được giao.

Con sẽ giỏi hơn trong việc quản lý tiền

Hiểu rằng không thể chơi với bạn hoặc xem TV chừng nào chưa hoàn thành công việc của mình dạy cho trẻ về kỷ luật và tự kiềm chế. Nhờ vậy, trẻ có khả năng quản lý tài chính tốt hơn.

Theo một nghiên cứu của Đại học Duke, theo dõi 1.000 trẻ em ở New Zealand từ sơ sinh đến 32 tuổi, kết quả chỉ ra những người có khả năng tự kiềm chế thấp hơn thì kỹ năng quản lý tiền tệ cũng kém hơn.

Con sẽ học các kỹ năng có giá trị

Làm việc nhà không chỉ đem lại những kỹ năng rõ ràng như biết cách lau sàn nhà hoặc cắt cỏ. Bạn thử nghĩ xem, có phải khi giúp bố mẹ nấu ăn chính là trẻ bắt đầu biết về hóa học? Dường như thông qua việc làm vườn mà trẻ hiểu về các khái niệm của sinh học?

Hơn thế nữa, trẻ học được nhiều những kỹ năng quan trọng khác cần thiết trong suốt cuộc đời như kiên nhẫn, kiên trì, làm việc nhóm và đạo đức làm việc. 

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Video: 20 năm đi dạy, giờ tôi mới nhận ra môn học quan trọng nhất cuộc đời

Exit mobile version