Đại Kỷ Nguyên

Biết buông bỏ cũng là một cảnh giới của trí huệ

Kiên trì là một phẩm chất đáng quý, còn biết từ bỏ lại là trí tuệ. Đôi khi từ bỏ một cách đúng đắn, đúng lúc cũng là một phẩm chất hiếm có. Nhưng từ bỏ không có nghĩa là mất đi mà là để đạt được những điều tốt đẹp hơn. Trong cuộc sống, những người biết từ bỏ là những người có chỉ số EQ cao, trẻ em cũng không ngoại lệ.

Thuở xưa, Socrates cùng học trò của mình mở một nhà kho thần bí. Bên trong nhà kho chất đầy báu vật, chúng phát ra ánh sáng rực rỡ muôn màu. Không biết những báu vật này được cất giữ từ khi nào, cũng không biết ai là người cất giữ chúng. Nhìn kỹ mới thấy trên mỗi báu vật đều có khắc chữ, lần lượt là: kiêu ngạo, đố kỵ, đau khổ, phiền não, khiêm tốn, chính trực, vui vẻ… Báu vật nào cũng thật đẹp.

Các học trò của Socrates tranh nhau lấy báu vật. Nhưng trên đường về, họ mới phát hiện túi đựng báu vật mình mang theo bên người rất nặng. Chưa đi được bao xa, họ đã thấy mệt mỏi, hai chân mềm nhũn, bước đi nặng nề.

Socrates nói: “Ta thấy các con nên vứt bỏ bớt báu vật đi. Đường vẫn còn dài lắm!”.

Học trò của ông vẫn lưu luyến, tiếc nuối, lật hết thứ này đến thứ khác, nghiến răng vứt bớt một, hai báu vật. Nhưng vẫn còn rất nhiều, túi vẫn rất nặng. Họ phải dừng lại hết lần này lần khác. Mỗi lần lại nghiền răng vứt bớt một, hai báu vật. Vứt đi “đau khổ”, “kiêu ngạo”… Mặc dù túi đã nhẹ đi rất nhiều nhưng họ vẫn cảm thấy rất nặng nhọc, hai chân lê bước nặng như chì.

“Các con hãy thử kiểm tra túi, xem còn có thể vứt đi thứ gì không?” Socrates khuyên các học trò.

Cuối cùng, các học trò của ông cũng buông bỏ được các báu vật mang tên “danh”, và “lợi”. Trong túi chỉ còn lại “khiêm tốn”, “chính trực”, “vui vẻ”. Bỗng chốc họ cảm thấy nhẹ nhõm, đôi chân giống như mọc thêm cánh nhẹ bước trên chặng đường dài.

Socrates thở phào nhẹ nhõm: “Cuối cùng các con đã học được cách từ bỏ!”.

Trong cuộc sống và học tập của con, phải chăng những người làm cha mẹ như chúng ta cũng nên dạy con học cách từ bỏ? Bởi vì, từ bỏ có lựa chọn đôi khi không phải là tổn thất mà là để tìm kiếm sự phát triển tốt hơn.

Trong cuộc sống, phải chăng những người làm cha mẹ như chúng ta cũng nên dạy con học cách từ bỏ? (Ảnh: facebook)

Trút bỏ gánh nặng

Thôi Kỳ là người Trung Quốc đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1998. Trong mắt nhiều người, ông là một “quái nhân”: Ông tránh xa chính trị, không xuất đầu lộ diện, cả ngày đắm chìm trong sách vở và phòng thí nghiệm, thậm chí vào ngày đoạt giải Nobel, ông vẫn làm việc trong phòng thí nghiệm như mọi ngày.

Điều khiến người ta khó tin hơn là: Ông là một người “mù máy tính”. Rất nhiều thiết kế, bảng biểu trong nghiên cứu của ông đều được hoàn thành bằng tay qua từng nét bút. Ngay cả chuyện đơn giản như gửi thư điện tử ông cũng không biết, phải nhờ thư ký làm thay.

Nhưng chính vì thế mà ông có rất nhiều thời gian quý báu để làm việc và thành công.

Trong cuộc sống thời hiện đại, vì muốn con phát triển toàn diện và quan trọng là tâm lý bằng bạn bằng bè, có cha mẹ cho con học piano, học vẽ và các lớp học thêm khác. Chúng ta muốn nhiều thứ nhưng khả năng và sức lực của con người là hữu hạn. Lúc ấy, từ bỏ trở thành một phẩm chất của người có trí tuệ. Thực ra, từ bỏ là để có được những thứ tốt hơn. Chỉ cần có thể có được thứ mình muốn, từ bỏ những thứ không quan trọng với mình, không có quá nhiều gánh nặng thì mới càng dễ dàng có được thành công.

Cuộc đời của trẻ mới bắt đầu, trẻ sẽ phải đưa ra những sự lựa chọn. Có lựa chọn thì phải có từ bỏ. Từ bỏ là để điều chỉnh bản thân, chuẩn bị tâm lý để đạt được mục đích. Chỉ khi trẻ học được cách từ bỏ, trẻ mới có thể sống vui vẻ, thoải mái, dễ dàng tiến tới thành công.

Từ bỏ, sự lựa chọn của người có trí tuệ

Trong một đêm mưa bão, bạn lái xe đi qua một trạm xe buýt và phát hiện có ba người đang đợi xe. Trong đó, có một ông lão bị bệnh nặng, một bác sĩ đã từng giúp đỡ bạn và một người bạn tri kỷ từ thủa hàn vi. Nếu chiếc xe của bạn chỉ có thể trở thêm một người, bạn sẽ lựa chọn người nào?

Có thể rất nhiều người sẽ chọn một trong ba người là ông lão, bác sỹ, người bạn. Bởi vì họ đều có lý do để bạn giúp đỡ đầu tiên. Nhưng cách tốt nhất là đưa chìa khóa cho bác sĩ, để bác sỹ đưa ông lão bệnh nặng đến bệnh viện. Bạn ở lại cùng người bạn tri kỷ đợi xe buýt.

Ở mỗi thời khắc quan trọng của con, cha mẹ hãy để con lựa chọn và từ bỏ… (Ảnh: facebook)

Những người chọn một trong ba người đều quên rằng mình còn cách vẹn toàn hơn là từ bỏ. Từ bỏ cái gì? Đó là lợi ích của mình, là chùm chìa khóa xe. Rất nhiều lúc, nếu chúng ta có thể từ bỏ cố chấp, thành kiến, thậm chí là lợi ích, chúng ta sẽ có thể nhận được nhiều hơn.

Ở mỗi thời khắc quan trọng của con, cha mẹ hãy để con lựa chọn và từ bỏ. Lúc ấy, cần phải vận dụng trí tuệ của cả con và cha mẹ, để đưa ra phán đoán chính xác nhất, cho con những gợi ý đúng đắn nhất. Những người biết từ bỏ mới là người có trí tuệ, trẻ em cũng vậy.

Hồng Ân

 

Exit mobile version