Đại Kỷ Nguyên

Bố mẹ cần biết hai mặt của cách dùng phần thưởng trong giáo dục trẻ

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Phần thưởng cũng như lời khen, nói chung thường có tác dụng tích cực trong quá trình bồi đắp sự tự tin cho trẻ, khích lệ trẻ làm nhiều điều tốt hơn. Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp này là gì?

Để phần thưởng mang lại hiệu quả, cha mẹ cũng phải có nghệ thuật và sự cân nhắc khi thực hiện. Bài viết dưới đây trình bày tính hai mặt trong cách dùng phần thưởng giáo dục trẻ và giải pháp khắc phục, các bậc phụ huynh có thể tham khảo.

Mặt tích cực của cách giáo dục tặng thưởng cho trẻ

Đặc điểm tư duy của trẻ rất đơn giản, mọi trẻ đều thích được thưởng. Phần thưởng có vai trò kích thích, khích lệ, động viên không những với trẻ mà còn với tất cả mọi người trong công việc, sinh hoạt, học tập… Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, trẻ thích được thưởng, khen ngợi thường xuyên.

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khá hài lòng với phương pháp giáo dục bằng phần thưởng, bởi kích thích đứa trẻ thực hiện nhiệm vụ được giao nhanh chóng, vui vẻ hơn.

Anh Nguyễn Văn Tâm (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ trên trang Giáo dục thời đại: “Để tạo động lực cho con, gia đình tôi thường treo thưởng trước mỗi cuộc thi quan trọng. Khi cháu học tiểu học, tôi đã thưởng cho con đồ chơi, lên cấp hai là điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Giờ lên cấp ba rồi, phần thưởng phải lớn hơn. Nếu con thi đỗ trường chuyên thì vợ chồng tôi sẽ thưởng cho cháu xe máy điện”. Theo anh Tâm, cách anh treo thưởng như vậy là động lực để con anh học tập.

Thường khi được treo thưởng trẻ sẽ hành động tức thì, làm tất cả những việc cha mẹ yêu cầu để tích đủ điểm thưởng hay cứ xong việc là trẻ được quà, thoả mãn mong muốn bản thân. Tuy nhiên, những bảng tính điểm nói riêng và việc dạy dỗ con bằng phần thưởng nói chung có thể gây ra hậu quả tiêu cực và lâu dài cho trẻ cũng như cả gia đình sau này.

Mặt tiêu cực của cách giáo dục tặng thưởng cho trẻ

Một ví dụ cho mặt trái của phương pháp này là khi một người mẹ trước đó từng rất hài lòng với hiệu quả của phương pháp tặng thưởng đã sốc khi bảo đứa con trai 8 tuổi của mình dừng việc đang làm lại để lau vết bẩn cho em trai mình thì nó hỏi ngược lại: “Mẹ sẽ trả cho con cái gì đây?”. Còn một cặp vợ chồng khác thì phàn nàn rằng: “Chúng tôi bảo con rằng nó sẽ nhận được thêm điểm tích lũy để mua được chiếc điện thoại di động nếu giúp chúng tôi dọn bếp sau bữa ăn. Thế nhưng, nó trả lời: ‘Không, con cảm ơn!’. Chúng tôi phải làm gì với nó?”

Chị Lê Thu Huyền, giáo viên Học viện Dân tộc (Hà Nội) chia sẻ: “Khi con được điểm tốt, gia đình tôi thường thưởng cho con tiền. Lúc đầu con rất hào hứng, học hành chăm chỉ. Lâu dần, con bắt đầu học cách sống với hình thức thưởng khi làm tốt một việc gì đó và trở nên láu cá. Chỉ vì thích chiếc máy vi tính nó xoay xở, tìm đủ mánh khóe, nói với bố mẹ ‘Nếu không mua cho con máy tính, con sẽ không đi học’”.

Theo phương pháp này, những đứa trẻ học cách trao đổi một nhiệm vụ được giao với một phần thưởng nào đó. Nói cách khác, nó cổ suý một hình mẫu “thương mại” trong việc giáo dục con cái. Những đứa trẻ chờ đợi một phần thưởng cho những việc làm tốt của mình và không muốn làm “không công” – tương tự như đứa bé 8 tuổi nói trên đã đòi hỏi phần thưởng khi mẹ bảo nó giúp em.

Ảnh chụp màn hình Theasianparent.

Một trong những mặt trái của phần thưởng chính là làm suy giảm bản năng và động lực của trẻ. Lâu dần, các bậc phụ huynh phải đưa ra nhiều phần thưởng có giá trị lớn hơn khi phần thường cũ không còn hấp dẫn trẻ. Nhưng điều đáng buồn hơn là phương pháp giáo dục bằng phần thưởng sẽ tác động sâu sắc đến cách suy nghĩ của trẻ em về các mối quan hệ trong gia đình và rộng hơn là trong xã hội.

Trong một số trường hợp, những đứa trẻ được thưởng không chỉ cho những công việc như đánh răng, dọn dẹp mà còn cho những hành vi mang tính xã hội như giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ với người khác. Những nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thưởng cho trẻ những phần quà hữu hình để trẻ làm tốt công việc được giao dần dần sẽ huỷ hoại bản năng giúp đỡ người khác của chúng.

Vì vậy, phương pháp giáo dục này chỉ là giải pháp nhất thời, nhưng tác hại lâu dài là hình thành trong tư duy của đứa trẻ suy nghĩ rằng, sự tồn tại của chúng trong gia đình gắn với công việc được trả lương. Và, nếu các phụ huynh xây dựng một mối quan hệ kinh tế với con mình thì điều gì sẽ chờ đợi họ khi họ trở nên già đi và không còn gì để trả cho chúng?

Vậy chúng ta nên làm thế nào?

Khen, động viên bé ngay khi cần thiết

Lời khen thưởng của người lớn đúng lúc chính là món quà tinh thần có giá trị rất lớn đối với trẻ. Những lời khen thưởng như: ‘Ôi, con của mẹ chăm em giỏi quá!’ hoặc những lời động viên: ‘Cố gắng lên con trai, ba tin là con làm được mà!’

Dù chỉ đơn giản nhưng chính những lời khen thưởng, động viên sẽ tạo động lực cho con vượt qua khó khăn, thử thách và khuyến khích bé có hành vi tốt. Bạn cần khen bé ngay khi bé làm xong một công việc mà bạn nhờ hay bé tự động làm như quét nhà, phụ bạn dọn phòng, biết dẹp đồ chơi sau khi chơi… và động viên khi bé nản, khi bé gặp điều gì khó khăn. Tuy nhiên lời khen thưởng và động viên trẻ chỉ có tác dụng khi chúng ta sử dụng đúng lúc, đúng nơi, tránh lạm dụng những lời tán thưởng quá mức làm cho bé trở nên kiêu căng vì luôn nghĩ mình giỏi hơn các bạn.

Cách trao tặng quà tặng và phần thưởng

Phần thưởng cho trẻ không nhất thiết phải là những phần thưởng đắt tiền mà điều quan trọng là những phần thưởng đó phải làm cho con bạn thích thú. Ngoài ra, cách trao phần thưởng cần để trẻ hiểu được vì làm tốt nên được nhận quà và trẻ cảm thấy tự hào về điều đó chứ không phải là sự “trao đổi” có điều kiện: nếu con làm được điều này thì con sẽ được thưởng. Thay vì ra điều kiện với trẻ, bạn hãy công nhận thành quả của trẻ:“ Con đã cố gắng học rất tốt, và con xứng đáng được thưởng một chuyến du lịch”.

Khen thưởng và động viên trẻ chứ đừng bao giờ ra điều kiện với trẻ. Vì đến một lúc nào đó, có thể trẻ sẽ ra điều kiện ngược lại với bạn. Ra điều kiện với trẻ có thể biến trẻ thành đứa trẻ thực dụng nhưng nếu chúng ta luôn biết động viên và khen thưởng trẻ kịp thời sẽ giúp tạo động lực cho trẻ luôn cố gắng cả về nhân cách cũng như quá trình học tập của mình.

Ảnh chụp màn hình Theasianparent.

Quà tặng, phần thưởng cho trẻ thường có ý nghĩa về mặt tinh thần hơn là mặt vật chất. Bên cạnh đó cách trao quà cũng phải có sự trân trọng và làm cho trẻ hiểu rằng: trẻ xứng đáng được nhận món quà đó. Những món quà lưu niệm xinh xắn với lời nhắn nhủ tâm tình đi kèm sẽ làm cho con bạn cảm thấy hạnh phúc khi nhận quà: một cây bút, một quyển sổ nhỏ, một chiếc bóp đựng bút mới, một cục chặn giấy, những sợi dây cột tóc, một đôi bao tay vào mùa đông…được gói cẩn thận và đặt trên bàn học, đầu giường…sẽ làm cho con hứng khởi và cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ.

Video xem thêm: Vì sao tình yêu kiểu ‘bao bọc’ thường tạo ra những con người vô ơn?

Exit mobile version