Huỷ hoại tương lai của một đứa trẻ rất dễ. Bạn có biết rằng 80% các bậc phụ huynh vẫn đang vô ý làm những điều đó với con cái mình?
Đôi khi, chỉ với một lời nói, một hành động không cẩn trọng, bạn cũng có thể vô tình huỷ mất cả cuộc đời phía trước đầy hứa hẹn của con mình. Nếu không muốn làm một ông bố, bà mẹ thất bại, nhất định phải tránh 7 điều dưới đây.
1. Khiến con trẻ cảm thấy tự ti
Đừng bao giờ khiến con bạn cảm thấy mình luôn kém cỏi, không làm được gì, ví như học tập kém, tướng mạo xấu, giao tiếp xã hội không được, làm việc nhà cũng không xong. Trẻ tự nhiên sẽ cảm thấy mình đang khiến người nhà phải mệt mỏi, khổ sở, đang trở thành một gánh nặng.
2. Thường xuyên so sánh
Nhiều bậc cha mẹ thường hay lấy điểm tốt của trẻ khác để kích thích con mình, cũng mong con mình làm được như người khác. Ngày nhỏ hẳn bạn đã phải nghe rất nhiều lần câu này: “Xem con nhà người ta kìa!“. So sánh, phân bì là một trong những cách “huỷ diệt” tâm hồn một đứa trẻ nhanh nhất. Đứa trẻ nào cũng đều có điểm mạnh, điểm yếu, hãy đối xử với chúng thật công bằng.
3. Luôn “đắp nặn” bản thân thành hình tượng hi sinh cho gia đình
Bạn thường xuyên nói với trẻ rằng mình đã hi sinh thế nào để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, đã chăm sóc chúng cực khổ ra sao, đã đánh mất nhiều niềm vui của mình vì chăm lo chúng. Nếu vậy, rất có thể bạn đang gieo rắc vào tâm hồn trẻ một loại cảm giác tội lỗi. Mà một người có cảm giác tội lỗi sẽ phải sống suốt phần đời còn lại của mình trong khổ đau, ám ảnh và dằn vặt. Họ rất dễ buông xuôi và giấu kín mình vào trong vỏ ốc cô đơn của bản thân.
4. Nói chuyện với con trẻ bằng khẩu khí không ôn hòa
Nhiều ông bố, bà mẹ thường quen cách nói chuyện áp đặt, dùng mệnh lệnh với con cái. Họ quên mất rằng mỗi đứa trẻ hoàn toàn có quyền nhận được sự tôn trọng. Không thương lượng, âm lượng nói ra dữ dằn đến trên 70 Đề-xi-ben, dùng nhiều lời châm chọc, móc máy… hầu như bậc phụ huynh nào cũng từng một lần phạm phải điều đó khi giao tiếp với con mình. Đôi khi những lời lẽ nặng nề hơn tựa như mạt sát cũng có thể bột phát ra trong một phút không giữ được bình tĩnh như: “Đồ bất hiếu“, “Sao lại sinh ra mày chứ!“, “Đồ óc bã đậu“…
5. Quyết định thay con mọi thứ
Nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen áp đặt, thay con quyết định mọi chuyện trong đời đứa trẻ, từ cái ăn, cái mặc ngày nhỏ đến công danh, sự nghiệp, dựng vợ gả chồng lúc lớn lên. Hầu như con bạn không có được chút tự do nào, như là bị cái bóng của bạn trùm lên, mãi không thể thoát ra.
Bạn kiểm soát chúng từ những điều nhỏ nhặt nhất như viết nhật ký, thư từ, tin nhắn riêng… Nếu không xem tận mắt, bạn dường như không thể chịu nổi. Đứa trẻ sẽ cảm thấy mình như một con rối trong tay bạn, bắt đứng phải đứng, cho ngồi mới được ngồi. Dần dần chính đứa trẻ quay lại hoài nghi năng lực của mình. Một người mang lòng hoài nghi bản thân như vậy liệu có thể hăng hái vươn lên sau này được chăng?
6. Giận cá chém thớt
Ở ngoài đường, bạn phải chịu bao nhiêu áp lực: Công việc không thuận lợi, sếp không vừa lòng, đồng nghiệp dè bỉu, nói xấu… Về đến nhà, bạn liền phát cáu, trút hết bực dọc lên người con cái. Như thế chính là bạn đang đả kích vào lòng tự tôn của đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy chính mình mới là nguyên nhân của tội lỗi, thậm chí cảm thấy mình cũng chẳng còn là một con người nữa. Như vậy thử hỏi có nguy hiểm không?
7. Phơi bày cái xấu của con ngay trước mặt người khác
Có lẽ không cần phải bàn thêm quá nhiều về thói quen này. Bạn chỉ cần hiểu rằng nó chính là một trong những cách huỷ hoại đứa con mình nhanh nhất và dữ dội nhất. Nếu như 6 điều trước đều chỉ đơn thuần là “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau” thì điều thứ 7 này mới là nhát dao chí tử đưa về phía con bạn.
Mắng chửi, xử phạt con cái ngay trước mặt người ngoài thực sự khiến đứa trẻ không còn mặt mũi nào. Từ góc độ tâm lý học mà giảng, làm như vậy có thể khiến một người sản sinh tâm lý sợ hãi xã hội, ngày càng thêm tự ti. Đó cũng là sự chà đạp lên nhân cách, sĩ diện của một con người, nếu hiểu nghiêm trọng thì đúng là như vậy.
***
Có không biết bao nhiêu chuyên gia đã đứng ra nói lời công bằng thay cho con trẻ. Ngày nay, làm cha mẹ là một nghệ thuật chứ không phải là trách nhiệm hay quyền hành. Và con trẻ phải được giáo dục tinh thần chủ động, tự tin ở mức độ lớn nhất.
Nếu đang gặp khó trong khi dạy dỗ con cái, bạn hãy thử mấy cách nhỏ dưới đây:
Không áp dụng những phương thức quá khích
Có phụ huynh cho rằng: “Ngọc không mài không thành đồ dùng” hay “Con cái nếu không mắng chửi thì không thành người“. Hãy thử áp dụng những biện pháp mềm mỏng hơn, vừa khiến con dễ chịu mà bạn cũng không phải nổi nóng. Mỗi khi con trẻ phạm lỗi, hãy cố gắng dùng tâm bình khí hòa mà giảng giải đạo lý, phân rõ trắng đen, chớ động thủ trước, hãy hành động thật lý trí và khôn ngoan.
Lấy bản thân làm gương
Mỗi lời nói, hành động của cha mẹ, con trẻ đều sẽ để trong tâm. Chúng sẽ bắt chước từng hành động nhỏ nhất của cha mẹ. Vậy nếu bạn làm nhiều điều tốt hơn, con bạn cũng sẽ học được nhiều điều hay lẽ phải hơn. Còn nhớ có một đoạn quảng cáo trong đó chiếu cảnh người mẹ pha nước nóng, rửa chân cho bà ngoại. Con gái nhìn thấy luôn ghi khắc trong lòng, bèn yêu cầu được rửa chân cho mẹ mình giống y như thế.
Nói được làm được
Ý kiến của người lớn cần phải thống nhất rõ ràng. Có những lúc chính phụ huynh cũng cần phải có dũng khí. Thái độ phải trước sau như một, chính là “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy“, chớ nên “Ông nói gà bà nói vịt“. Cha mẹ cần phải thống nhất hành động, lời nói, càng không nên ở trước mặt con trẻ mà trách mắng lẫn nhau. Nếu không con trẻ thường sẽ luôn cảm thấy khó xử, không biết rốt cuộc phải nghe theo ai.
Đừng bóp nghẹt hứng thú của con trẻ
Việc học đương nhiên quan trọng nhưng hứng thú là ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo. Thứ mà xã hội bây giờ cần không phải là những con robot biết đọc sách mà là những người trẻ năng động, phát triển toàn diện mọi mặt.
Vậy nên, nếu con trẻ có bất kì sở thích nào đó, thay vì cấm cản, hãy nuôi dưỡng, ươm mầm nó. Rất có thể kỹ năng ấy sẽ tạo dựng một tương lai tươi đẹp cho con bạn. Bạn có nhớ những thần đồng âm nhạc không? Hầu hết họ đều được cha mẹ chăm bẵm, tạo mọi điều kiện cần thiết ngay từ tấm bé. Hãy tin con bạn cũng sẽ là một thần đồng âm nhạc như thế nhé!
Thuận An – Văn Nhược