Đại Kỷ Nguyên

Bồi dưỡng lòng đồng cảm cho trẻ từ hành vi nhỏ nhất

Ở Đức, khi trẻ em mới tập đi, cha mẹ chúng liền nuôi các con vật nhỏ như thỏ, mèo, rùa con trong nhà. Đồng thời, họ để trẻ tự tay chăm sóc những con vật nhỏ ấy. Trong quá trình ấy, trẻ sẽ học được cách yêu thương, bảo vệ những sinh mạng nhỏ bé đó.

Ở bến xe buýt nọ, có một người mẹ dẫn theo đứa con khoảng 2 tuổi đợi xe. Đứa trẻ nhìn thấy con côn trùng nhỏ bò dưới đường, liền tiến đến, dùng chân giẫm chết con côn trùng ấy.

Người mẹ nhìn thấy liền cười và nói với cậu bé: “Ở đây còn một con nữa này, con nhìn thấy nó ở đâu chưa?”. Đứa bé nhìn quanh, phát hiện một con nữa, lại tiến đến, giẫm chết nó.

Người mẹ ấy nói với con: “Đừng giẫm nữa, bẩn quá!”

Những chuyện như vậy vẫn thường xuyên xảy ra quanh ta, và dường như mọi người không hề coi đó là chuyện gì to tát. Tuy nhiên, những chuyện nhỏ nhặt này lại đang âm thầm ảnh hưởng xấu tới những tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Một số việc nhỏ thoạt nhìn thì không có gì ghê gớm, nhưng nếu nó được tích lại rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả không lường.

Mới đây nhất là vụ việc cô gái trẻ ném đứa con mới sinh từ tầng 31 của một căn chung cư xuống đất làm bàng hoàng dư luận. Hành vi tàn nhẫn ấy, phải chăng nó cũng được tích tụ qua những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này. Nếu cô gái ấy biết trân quý sinh mệnh, sống thiện lương thì liệu có xảy ra chuyện đau lòng như vậy không?

Xét từ góc độ này, việc bồi dưỡng lòng đồng cảm, biết trân quý sinh mệnh, biết yêu thương cho trẻ nhỏ trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giáo dục gia đình.

Lòng đồng cảm là chỉ tình cảm thành tâm thành ý thấu hiểu người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm với họ, có thái độ quan tâm và bảo vệ người bất hạnh hơn mình.

Về tâm lý học, hành vi đồng cảm với người khác không chỉ là phẩm chất tốt đẹp và tình cảm cao thượng mà còn là một tố chất cơ bản nhất mà ai cũng cần có.

Trẻ có lòng đồng cảm mới có thể tăng thêm sự thấu hiểu với suy nghĩ của người khác, mới có thể cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ và khó khăn của người khác. Cảm nhận này có thể khiến trẻ khoan dung hơn, hiểu nhu cầu của người khác hơn. Đồng thời, khi người khác gặp khó khăn thì chủ động muốn giúp đỡ họ. Còn những trẻ thiếu lòng đồng cảm, chúng rất khó đứng trên góc độ của người khác để thấu hiểu nỗi đau khổ của người khác, thường chúng sẽ có tính cách lạnh lùng, cô độc, không hòa đồng và kén chọn.

Trẻ có lòng đồng cảm mới có thể tăng thêm sự thấu hiểu người khác, mới có thể chủ động quan tâm và giúp đỡ mọi người. (Ảnh: shadyoakprimary.com)

Vậy, phải bồi dưỡng lòng đồng cảm cho trẻ như thế nào?

1. Để trẻ học cách đặt mình vào vị trí của người khác

Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, coi mình là người khác, cảm nhận nỗi bi hoan sầu khổ của người khác, trải nghiệm tất cả cảm giác của người bất hạnh. Đây là cách trải nghiệm tốt nhất.

Khi một người có thể biết được cảm nhận của người khác một cách sâu sắc thì người đó dễ dàng nảy sinh mong muốn và hành động coi bất hạnh của người khác là bất hạnh của mình. Từ đó, họ sẽ tìm cách giúp người đó thoát khỏi khổ đau.

2. Bồi dưỡng cho trẻ yêu quý đồ vật và động vật nhỏ

Có một cậu bé cùng mẹ đến công viên. Vườn hoa trong công viên tràn ngập hoa tươi, với rất nhiều chú bướm xinh đẹp bay lượn. Đứa trẻ liền chạy lên bắt bướm, khó khăn lắm cậu bé cũng bắt được một con.

Cụ ông đang ngồi nghỉ trên ghế đá, cất tiếng: “Này cháu, vì sao cháu muốn bắt bướm?”

Mẹ cháu bé liền đáp: “Ép bướm trong sách, làm tiêu bản rất đẹp”.

Cậu bé này bắt bướm vốn là do tò mò và hứng thú, nhưng mẹ của cậu lại nói bắt bướm kẹp vào trong sách làm tiêu bản. Đó chính là một sự dẫn dắt phản diện. Dưới sự dẫn dắt này, hứng thú của trẻ sẽ chuyển hướng sang tiêu bản, nên khó có thể cảm nhận được sự tàn nhẫn khi giết chết chú bướm.

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ quý trọng đồ vật và động vật nhỏ phần lớn đều có lòng đồng cảm mãnh liệt. Còn những trẻ tùy tiện đập phá đồ chơi, vật phẩm, đánh đập giày vò động vật nhỏ lại có tính công kích rất lớn, thiếu lòng đồng cảm. Nên chăng, cha mẹ cần bồi dưỡng phẩm chất quý trọng đồ vật và động vật nhỏ cho con từ khi chúng còn nhỏ, nghiêm khắc điều chỉnh hành vi cố tình phá hoại đồ vật, tàn nhẫn với động vật dù chúng chỉ nhỏ bé như con côn trùng.

Bồi dưỡng cho trẻ yêu quý đồ vật và động vật nhỏ. (Ảnh: turkpost.org)

3. Để trẻ xây dựng tình cảm với động vật nhỏ

Ở Đức, khi trẻ em mới tập đi, cha mẹ chúng liền nuôi các con vật nhỏ như thỏ, mèo, rùa con trong nhà. Đồng thời, họ để trẻ tự tay chăm sóc những con vật nhỏ đó. Trong quá trình ấy, trẻ sẽ học được cách yêu thương, bảo vệ những sinh mạng nhỏ bé đó. Ở một số trường mầm non cũng có các con động vật nhỏ, giáo viên sẽ để trẻ thay nhau phụ trách chăm sóc, còn khích lệ trẻ dùng tiền tiêu vặt mà mình tiết kiệm được để nuôi các con vật nhỏ.

Giúp trẻ gần gũi với các con vật nhỏ, quan tâm chăm sóc chúng là phương pháp rất hay để bồi dưỡng lòng đồng cảm cho trẻ. Từ đó, trẻ sẽ mang theo tình cảm này vào xã hội, quan tâm tới nhiều người hơn.

4. Dẫn dắt trẻ quan tâm và giúp đỡ người khác

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ có thể cho con chứng kiến những hành động đồng cảm với người khác, để trẻ ghi nhớ trong lòng. Có thể đơn giản như việc đưa trẻ cùng đi thăm người họ hàng nào đó đang ốm. Người thân, bạn bè gặp khó khăn thì nhiệt tình và chủ động giúp đỡ.

Lâu dần, trẻ sẽ cảm thấy con người sống trên đời không được chỉ nghĩ đến mình mà còn phải quan tâm tới người khác, đặc biệt là khi người khác cần sự giúp đỡ.

Hiệu quả nghe quen tai, nhìn quen mắt này tốt hơn nhiều so với việc giảng giải đạo lý “làm người phải có lòng đồng cảm” mà không áp dụng.

5. Dẫn dắt trẻ bảo vệ kẻ yếu, lên án sự tàn nhẫn

Một số trẻ em tuy nhỏ tuổi nhưng vì chịu ảnh hưởng xấu từ môi trường sống nên rất tàn bạo, thường xuyên ngắt hoa, bẻ cành, tàn sát động vật, ngược đãi mọi vật. Đây là hành vi tàn nhẫn, đều là biểu hiện của sự thiếu lòng đồng cảm nghiêm trọng.

Muốn bồi dưỡng lòng đồng cảm cho con, một mặt cha mẹ có thể giúp con nảy sinh sự phản cảm với các hành vi tàn nhẫn, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với cảnh bạo lực từ cuộc sống và phim ảnh. Mặt khác, cha mẹ hãy hình thành cho con thói quen bảo vệ kẻ yếu. Dù là cái cây, ngọn cỏ vì chúng đều là sinh mệnh, nên cần được quý trọng và bảo vệ. Khi trẻ có thể căm ghét sự tàn nhẫn, bảo vệ kẻ yếu thì lòng đồng cảm của trẻ cũng sâu sắc hơn.

Dẫn dắt trẻ bảo vệ kẻ yếu, lên án sự tàn nhẫn. (Ảnh: twitter.com)

6. Lòng hướng thiện đáng được khen ngợi kịp thời

Trước ảnh hưởng của cha mẹ, cậu bé đã thả con chim nhỏ ra khỏi lồng. Trước hành động ấy, người bố đã khen ngợi con, đứa bé tỏ ra rất vui vẻ.

Nhân cơ hội ấy, người bố nói với con: “Cha mẹ đối xử tốt với con, con cũng nên đối xử tốt với cha mẹ, thân thiện với mọi người. Nếu không thì sao người khác có thể đối xử tốt với con được?” Cứ như vậy, cậu bé được trải nghiệm niềm vui khi được quan tâm, và như một lẽ tự nhiên cậu sẽ làm theo lời cha mẹ dạy.

Hành vi hướng thiện nên được khích lệ và khen ngợi, như thế sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng trẻ, khiến chúng hiểu rằng hành vi nếu đúng đắn sẽ được mọi người yêu mến. Nếu con muốn giúp đỡ bạn bè, cha mẹ có thể khích lệ “con là một người bạn rất xứng đáng”. Lâu dần, con sẽ hiểu, làm người có ích với người khác là một chuyện vô cùng quan trọng.

Mặc dù, trẻ vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thật sự của lòng đồng cảm nhưng cha mẹ có thể khích lệ và giáo dục trẻ quan tâm, giúp đỡ người khác. Cha mẹ hãy gieo hạt giống đồng cảm vào tim trẻ và để nó phát triển khỏe mạnh.

Hồng Ân

Exit mobile version