Có câu nói rằng: “Thụy Sĩ không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, vì thế giáo dục và tri thức trở thành nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia này”. Đó là lý do vì sao Thụy Sĩ trở thành một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới.
Chỉ con cái mới có quyền quyết định con đường cho mình
Trở về sau chuyến du lịch Châu Âu, tôi lại được chứng kiến làn sóng sôi nổi về cải cách giáo dục trong nước. Điều ấy khiến tôi không khó để nhận ra sự tương phản mạnh mẽ trong hai nền văn hóa Đông – Tây.
Sau khi tốt nghiệp, tôi kết hôn với một chàng trai người Thụy Sĩ nên mỗi năm đều có cơ hội du lịch châu Âu, đồng thời thăm gia đình nhà chồng. Năm nay, chuyến hành trình của chúng tôi xuất phát từ miền Nam nước Pháp. Bố chồng tôi đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, gần 50 năm qua mỗi năm ông đều tự lái xe 8 tiếng đồng hồ đưa bà từ Thụy Sĩ tới Provence, một thị trấn gần biển ở miền nam nước Pháp để nghỉ dưỡng. Mẹ chồng tôi mặc dù tuổi đã ngoài 70, tóc bạc da mồi, nhưng vẫn rất chỉn chu trong ăn mặc và sinh hoạt. Mỗi lần trước khi ra khỏi nhà, bà đều diện một bộ quần áo thật đẹp, trang điểm tỉ mỉ kỹ càng và quay đi quay lại trước gương cho đến khi thấy mình thật hoàn hảo mới bước ra khỏi nhà.
Bữa tối hôm đó, bà chia sẻ với chúng tôi chuyện tình cảm vợ chồng. Nguyên là, gia đình cô em chồng tôi đang có nguy cơ rạn nứt nên cô thường xuyên gọi điện cho mẹ chồng tôi và khóc nức nở. Tôi hỏi bà: “Vậy mẹ có nói gì với cô ấy không?”
Bà đáp: “Mẹ rất muốn nói với nó điều gì đó nhưng lại không nói nữa. Mẹ biết, đó là cuộc sống, là đường đời của nó. Chỉ con bé mới có thể quyết định con đường của chính mình, không ai có thể can thiệp hay chỉ dạy nó nên làm như thế nào. Con bé gọi điện cho mẹ là vì muốn được lắng nghe và an ủi chứ không phải để nghe mẹ giáo huấn”.
Tôi ngẩn người vì ngạc nhiên trước những suy nghĩ vô cùng triết lý của bà. Đây cũng là điều hiếm thấy ở quê hương châu Á của chúng ta. Cũng như bao gia đình ở các nước phương Đông, dù là việc lớn hay việc nhỏ, từ học hành thi cử, tới yêu đương kết bạn… chúng ta luôn được bề trên “chỉ dạy” từng chút một, kiểu như “làm thế này sẽ tốt ở điểm nào” hoặc “làm thế kia không tốt ở chỗ nào”. Một cách rất tự nhiên và cố hữu, chúng ta cho rằng “con không nghe mẹ trăm đường con hư”, hậu thế phải biết “vâng lời”, mà tiền nhân thì phải biết “dạy bảo”. Cũng như vậy, cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho sự thành đạt của con, còn thành tích của con lại là thể diện cho cả tổ tông dòng họ…
Tuy nhiên ở phương Tây, những tư tưởng đó đều được coi là quan niệm cổ hủ từ thế kỷ trước. Người Thụy Sĩ cũng vậy, họ cho rằng mỗi cá nhân là đại diện cho chính bản thân mình, cha mẹ không thể vì thành tích của con mà cảm thấy mất thể diện hay có thể diện; ngược lại con cái cũng sẽ không thay đổi chí hướng của bản thân chỉ vì để đáp ứng hay làm vừa lòng mẹ cha.
Dù con lựa chọn điều gì, cũng cần được cha mẹ tôn trọng
Từ chuyện chồng và chú em chồng tôi cũng có thể nhìn ra cách giáo dục của người Thụy Sĩ. Cả hai đều có quyền quyết định cho bản thân, nên học trường nào và học chuyên ngành gì. Chồng tôi là thạc sĩ đại học Lausanne Thụy Sĩ, còn em chồng thì không chọn đại học mà quyết định làm một nhân viên kỹ thuật bình thường. Tuy nhiên cả bố và mẹ chồng tôi đều coi trọng hai anh em như nhau, không bao giờ có suy nghĩ lấy người này ra để làm gương cho người khác. Trong cách nhìn nhận, hai người luôn tôn trọng sự lựa chọn của các con và đều tự hào rằng con mình thật tuyệt vời.
Người học vấn cao có cuộc sống của người học vấn cao, một nhân viên kỹ thuật bình thường cũng có hạnh phúc của tự bản thân mình. Hai cá nhân đều trân quý như nhau và mỗi trải nghiệm trên đường đời sẽ là những câu chuyện đáng nhớ của chính bản thân họ.
Nếu chồng và chú em chồng tôi sinh ra ở châu Á thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Như quan niệm của các nước Đông phương chúng ta, nếu trong hai anh em một người học đại học còn một người chỉ là công nhân thì sẽ bị coi là bất công, vô lý. “Nhất bên trọng nhất bên khinh”, có lẽ một lúc nào đó câu chuyện hai anh em sẽ được đặt lên bàn cân so sánh: một người làm mất mặt gia đình, là nỗi xấu hổ với họ hàng làng xóm, còn một người thì luôn là “tấm gương mẫu mực” được ca ngợi hết lời. Sự khác biệt về tư tưởng và suy nghĩ đó đã hình thành cố hữu, được coi là tự nhiên trong xã hội, tuy nhiên nó lại có ảnh hưởng lớn tới tâm lý của người trong cuộc.
Trẻ em cũng vậy. Một đứa trẻ từ nhỏ đã bị chê là kém cỏi, là làm mất mặt gia đình sẽ không dám tin vào bản thân, dần dần trở nên mặc cảm, tự ti, và sợ hãi. Lâu dần tâm lý ấy cũng sẽ ảnh hưởng không tốt tới tương lai con trẻ. Ở một thái cực khác, một đứa trẻ luôn là tâm điểm chú ý, trở thành tấm gương để so sánh và để được khen ngợi, sẽ dễ sinh ra tâm lý cao ngạo, tự cao tự đại, coi thường những bạn đồng trang lứa. Hơn nữa, áp lực phải đạt thành tích cao để được người lớn khen ngợi cũng khiến các em sống trong lo âu và căng thẳng. Điều này cũng vô tình hủy hoại tương lai của con.
Tôn trọng tự do là sự khác biệt lớn nhất trong cách giáo dục Á và Âu
Tôn trọng tự do cá nhân có lẽ là sự khác biệt lớn nhất trong cách giáo dục Á và Âu. Có thể bạn vẫn băn khoăn cho rằng, phải chăng các bậc phụ huynh phương Tây không quan tâm tới con cái, nên mới khiến các con phải tự lập, phải ở riêng khi đã trưởng thành? Kỳ thực, qua những lần tiếp xúc với người Thụy Sĩ tôi nhận ra rằng: Giữa cha mẹ và con cái thực sự có một “chủ nghĩa tự do cá nhân” được lập trên cơ sở của tình yêu thương và lòng tin tưởng. Điều này quả thật không dễ thực hiện, nhưng khi đã làm được rồi bạn sẽ nhận thấy những hiệu quả tích cực đối với cả hai bên.
Người Thụy Sĩ cho rằng, cho phép con cái có không gian riêng để phát triển cũng chính là biểu hiện của tình yêu thương. Giống như một cái cây non, cần có đủ ánh sáng, không khí và nước tưới mới có thể sinh trưởng và nảy mầm. Tuy nhiên, cây non ấy nảy mầm, đâm chồi và nảy lộc như thế nào lại là do tạo hóa chứ không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta.
Người châu Á, ngược lại, luôn muốn áp đặt con cái mà quên mất rằng “dục tốc bất đạt”, nóng vội sẽ khó thành. Nguyên nhân là bởi mỗi cá nhân đều có cuộc sống, có vận mệnh của riêng mình. Đường đi mỗi người mỗi khác, có người thành công trong lĩnh vực này, có người sở trường trong lĩnh vực khác, ngay cả khi hai người cùng đi chung đường, cùng làm một việc, thì kết quả đạt được cũng không đồng dạng như nhau.
Cũng bởi quan niệm như vậy nên người Tây phương luôn tôn trọng sự riêng tư và tự do của người khác. Trong mối quan hệ giữa người với người, ngay cả giữa những người thân trong cùng một gia đình vẫn cần có chừng mực và giới hạn. Nếu con cái đưa ra chủ kiến về việc nào đó, cha mẹ sẽ không áp đặt hay cấm đoán mà chỉ can thiệp trong một chừng mực nhất định.
Cũng nhờ giới hạn đó mà mối quan hệ giữa hai thế hệ luôn hài hòa, trong các dịp đoàn viên thì không khí sum họp đều rất vui vẻ đầm ấm; thân nhân hay bạn bè bởi có sự tin tưởng và yêu thương lẫn nhau, nên một cách tự nhiên, cũng có sự tôn trọng lẫn nhau. Dành cho người khác không gian riêng tư không có nghĩa là lạnh lùng, mà là một thể hiện khác của yêu thương.
Không cần bạc vàng của cải, cha mẹ để con tự mình bước đi
Ở các gia đình Thuỵ Sĩ, cha mẹ không xây nhà cũng không tích vàng tích bạc cho con, họ cho rằng tất cả tài sản tích lũy trong một thế hệ đều trực tiếp quy về chất lượng cuộc sống. Đây cũng chính là nguyên nhân hơn 50 năm qua bố mẹ chồng tôi có thể duy trì thói quen nghỉ dưỡng của mình. Bởi từ khi con cái tròn 20, họ không phải tiêu thêm một đồng nào cho con. Cháu chắt cũng tự có phúc đức của mình. Nếu con cái có nhiều phúc đức, chúng sẽ được sống một cuộc sống tốt đẹp; ngược lại nếu phúc phận con cái không đủ, chúng sẽ biết nên lo liệu thế nào theo cách của riêng mình.
Con cái thành niên mới bước vào xã hội cũng sẽ có đôi lần vấp ngã. Đó là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là chúng cần biết đứng lên và đúc kết kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Còn một đứa trẻ suốt ngày được cha mẹ bao bọc, từ nhỏ đến lớn sống êm đềm sóng yên biển lặng, sẽ không có lý tưởng để theo đuổi, cũng không có vấp ngã để thật sự trở nên kiên cường.
Vì yêu con, mà người châu Á chúng ta không dám mạo hiểm để con tự mình bước đi, cũng không tin rằng con có thể tự chăm sóc bản thân mình. Đến khi con đã lớn, chúng ta vẫn cứ luôn quản thúc con, bắt ép con, rồi làm mọi thứ thay con. Chúng ta lầm tưởng đó là yêu thương, là trách nhiệm, nhưng thực tế lại hạn chế tiền đồ tương lai của con, đồng thời làm tổn thương chính mình. Ví dụ như, khi con cái bướng bỉnh không nghe lời, chúng ta liền cho rằng mình không được tôn trọng.
Có người nói vui rằng, vì sao những bậc lão niên ở các nước châu Á lại cần được tôn trọng đến như vậy? Đó là bởi ngay từ nhỏ họ đã không nhận được sự coi trọng như họ đáng được có, bởi họ có làm thế nào cũng không thể vừa lòng cha mẹ, cha mẹ luôn là người áp đặt trong mọi chuyện.
Tại Thụy Sĩ không hề có sự phân chia ranh giới giữa các tầng lớp trong gia đình. Cha mẹ và con cái, tất cả đều bình đẳng và cần được coi trọng như nhau. Cha mẹ không thể quyết định thay chúng ta, rằng cái gì là tốt cái gì là không, bởi vì cả hai đều có tự do suy nghĩ của mình, không ai có quyền áp đặt ai cả.
Có lẽ các bậc cha mẹ Châu Á chúng ta nên học cách buông tay như người Thụy Sĩ để con cái có quyền tự lựa chọn cuộc sống cho chính bản thân chúng, có như vậy chúng ta mới có thêm chút thời gian tự lo cho chất lượng cuộc sống của bản thân mình. Không biết tới bao giờ những thanh niên châu Á mới có thể dũng cảm dám sống vì chính bản thân mình?
Bạn đang đọc bài viết: “Cách giáo dục của người Thuỵ Sĩ: Không phải là “giữ chặt”, mà là “buông tay”” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |