Cha mẹ và thầy giáo có thể giúp bạn được một lúc nhưng họ không thể giúp bạn cả đời. Sâu trong nội tâm bạn phải luôn ý thức được rằng: Mọi việc đều phải dựa vào chính mình!
Thu hoạch lớn nhất trong Tết năm nay không chỉ là tiết trời trong xanh mà còn là cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa với gia đình người bạn cũ từ Hoa Kỳ trở về.
Tôi mời gia đình ông bạn đến nhà hàng ăn tối. Bao nhiêu năm không gặp, giờ có dịp hàn huyên cũng thật nhiều chuyện để nói. Nhưng đến lúc tính tiền liền có điều làm tôi cảm thấy khó chịu.
Cũng có thể xem tôi là gia chủ mời khách, nhưng ông bạn cứ một mực phải cùng tôi thanh toán tiền, cuối cùng vẫn không thể cưỡng được ý ông bạn, người phục vụ phải đưa tôi ra ngoài trong sự bực dọc.
Khi quay lại xe, ông bạn hỏi tôi: “Mới rồi bị tôi giành trả tiền bữa ăn có phải là đã làm bạn cảm thấy mất mặt?”
Tôi nói: “Đúng vậy, nhưng tôi có thể hiểu, dù sao đây cũng là văn hóa Mỹ mà”.
Ông bạn cười cười nói: “Thật ra thì đây không chỉ là văn hóa của Mỹ, mà cũng là gia phong của nhà tôi, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều phải tự trả tiền”.
Tôi có chút bất ngờ: “Như thế có phải là quá nghiêm khắc với tụi nhỏ không?”
Ông bạn trả lời:
“Nghiêm khắc không phải là yêu thương sao? Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện nhé”.
“Trong thời gian diễn ra trại hè của một trường trung học Mỹ đã lạc mất hai cậu bé. Bởi vì rất hứng thú với nham thạch, cậu bé người Mỹ và cậu bé người Trung Quốc đã vô ý bị lạc mất đội của mình.
Vì không thể nhìn thấy con đường, chúng bị trượt xuống giữa những tảng đá và sỏi dưới chân núi, chân bị va đập bầm tím.
Bầu trời đang càng ngày càng tối sầm lại. Trong hoàn cảnh không có tín hiệu, không có thức ăn, không có sự hỗ trợ, chúng phải tự nghĩ biện pháp để tìm ra thị trấn nhỏ, nếu không chúng có thể sẽ bị chết rét bất cứ lúc nào.
Cậu bé người Mỹ nói với cậu bé người Trung Quốc: Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình.
Cậu bé Trung Quốc: Nhưng chúng ta có thể làm gì?
Cậu bé Mỹ: Trèo lên thôi.
Cậu bé Trung Quốc lo lắng: Xa như vậy làm sao mà leo lên nổi đây? Với lại, tớ cũng không nhớ đường.
Nói xong liền bật khóc.
Cậu bé Mỹ: Tớ nhớ đường, chờ tớ quay về gọi người đến cứu cậu.
Cậu bé Trung Quốc lúc đó ngừng khóc.
Cậu bé Mỹ với sức mạnh của hai cánh tay đã lấy hết sức nâng tảng đá lớn đang đè trên chân mình. Lúc này, cậu bé đã cạn kiệt sức lực, nhưng cậu vẫn cố gắng dùng hai tay nâng cơ thể lên sau khi đã ngừng lại nghỉ ngơi trong vài nhịp thở.
Cậu bé lấy tay đỡ lấy thân thể mình dọc theo mỏm đá nhô ra, từ từ leo lên, bởi vì đôi chân không còn chút sức lực nào nữa, chỉ có thể để mặc cho mỏm đá sắc nhọn khứa tới khứa lui, để lại một vệt máu đỏ tươi tại nơi mà cậu bé lết qua.
Ngay khi cậu bé sắp với lấy được tảng đá ở trên đỉnh thì tảng đá ở dưới chân đột nhiên sụt xuống, cậu bé bất ngờ bị kéo tuột xuống, một tảng đá khác cũng lăn theo cùng và đập vào thân thể cậu.
Cậu bé người Mỹ nằm sõng soài trên tảng đá và thở hổn hển, một chút sức lực cũng không còn, cậu bé thật sự tuyệt vọng! Bóng tối, đói khát, sợ hãi và kiệt sức bao vây lấy cậu bé. Cậu bé nhìn lên bầu trời mênh mông, nhìn bạt ngàn những tảng đá ở trên kia và… bật khóc.
Lúc này, khi nghe thấy tiếng khóc của bạn, cậu bé người Trung Quốc hỏi: Bạn thế nào rồi?
Cậu bé Mỹ: Tớ lại ngã nữa rồi.
Cậu bé Trung Quốc lo lắng: Vậy thì… chúng ta sẽ chết ở đây phải không?
Cậu bé người Mỹ ngừng khóc và trả lời dứt khoát: Tuyệt đối sẽ không! Tớ sẽ lại trèo lên một lần nữa. Bạn cũng tiếp tục kiên trì nhé.
Cậu bé người Mỹ quệt nước mắt, lại lần nữa cắn răng kéo đá vụn ra khỏi cơ thể. Lần này, mỗi khi cậu bé muốn leo tiếp lên trên, trước tiên cậu bé sẽ lắc trước để xem khối đá này có bị lung lay không.
Bằng cách này, trong sự lặp lại liên lục mò mẫm, kiểm tra, ráng sức bò… cậu bé người Mỹ cuối cùng cũng đã leo lên đến đỉnh.
Nhưng từ đỉnh núi đá cách quốc lộ còn có một khoảng nữa. Nếu là đang trèo lên thì có thể dựa vào sức mạnh của hai cánh tay. Nhưng nếu là đi xuống thì chỉ có thể dựa vào sức mạnh của đôi chân. Nhưng chân của cậu bé đã loang lổ máu và đau đớn, không thể nào khởi đôi chân lên được. Phải làm sao đây? Không còn cách nào khác cậu bé chỉ có thể giữ cho trái tim không nhảy ra khỏi lồng ngực và… dũng cảm nhắm mắt ôm mình lăn xuống.
Ngay sau đó, trên đường quốc lộ, một chiếc xe dừng lại ngay trước mặt cậu bé. Người lái xe vội nhảy xuống xe hỏi han tình hình cậu bé và giúp cậu bé liên lạc với giáo viên của mình. Thầy giáo cũng đang đi tìm hai đứa trẻ, ngay lập tức quay xe đến. Đội được chia thành hai nhóm nhỏ. Một nhóm đưa cậu bé Mỹ đến bệnh viện gần nhất, nhóm còn lại lên núi để tìm cậu bé Trung Quốc.
Kể từ đó, cậu bé người Mỹ đã trở thành một anh hùng nhỏ ở khu chúng ở. Còn cậu bé người Trung Quốc, khi mọi người tìm được cậu bé thì cậu đã đang trong tình trạng sắp thoi thóp”.
***
Câu chuyện đến đây, tôi có thể nhận thấy những giọt nước mắt trên khuôn mặt con trai ông bạn. Cậu bé ngập ngừng nói: “Thật ra cậu bé người Trung Quốc đó chính là cháu”.
Ông bạn tôi khẽ xoa đầu con trai mình và nói: “Lớn lên con sẽ rất tốt mà!”
Ông bạn hỏi tôi: “Bạn có biết vì sao cậu bé Mỹ còn nhỏ thế lại có thể có sức mạnh sinh tồn lớn như vậy không?”
Tôi nói: “Vì cậu bé có sự can đảm”.
Ông bạn trầm ngâm: “Ngoài sự can đảm của cậu bé, còn một điều nữa, là tôi nhận thấy ngay từ lúc còn nhỏ, cha mẹ cậu bé đã dạy con ngay từ bàn ăn: Mọi thứ đều phải tự mình trả tiền!”
Cha mẹ và thầy giáo có thể giúp bạn được một lúc nhưng họ không thể giúp bạn cả đời. Sâu trong nội tâm bạn phải luôn ý thức được rằng: Mọi việc đều phải dựa vào chính mình!
Với sự độc lập này, trẻ em Mỹ biết rằng khi trong hoàn cảnh một mình đối mặt với nguy hiểm, khủng hoảng tinh thần là vô ích, chỉ có thể sử dụng tất cả những gì có thể sử dụng được ở xung quanh mình, nỗ lực hết sức để tồn tại.
“Mọi thứ đều phải tự mình trả tiền!”, một câu nói rất đơn giản nhưng vô hình đã định hình cho trẻ sự độc lập và phẩm chất mạnh mẽ, kiên cường. Đây chính là chiếc phao cứu sinh mà cậu bé Mỹ được cha mẹ trao cho ngay tại chính bàn ăn của mình!
Theo aboluowang
Mộc Lan biên dịch