Trong tiếng Hibolai (Israel), từ “cha mẹ” có hàm nghĩa là “giáo viên”. Văn hóa truyền thống Trung Hoa cũng nhấn mạnh rằng “Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha”. Cha mẹ muốn giáo dục con tốt, hãy coi mình chính là người giáo viên quan trọng của con và có trách nhiệm dụng tâm dạy con.
Trở thành cha mẹ là một sự “thăng chức” tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng đặt lên vai chúng ta trách nhiệm lớn lao. Làm sao để nuôi dưỡng em bé khôn lớn và khỏe mạnh? Cần phải giáo dục thế nào để con trở thành một người “lương tri lương năng” – nghĩa là biết phân biệt đúng sai, thiện ác? Đó là hai câu hỏi căn bản mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng luôn cố gắng đi tìm câu trả lời tốt nhất.
Làm cha mẹ, cần “dụng tâm”
Có lẽ trả lời câu hỏi thì không khó vì ai cũng có bản năng làm cha mẹ, nhưng để tìm ra câu trả lời tốt nhất đòi hỏi ở cha mẹ một quá trình trau dồi không ngừng nghỉ. Đặc biệt, đối với câu hỏi thứ hai về giáo dục lại càng không hề đơn giản. Bởi có khi hôm nay biết đến một phương pháp dạy con tốt, cha mẹ thử áp dụng mà chưa thành công, kế tiếp ngày mai học hỏi được một điều hay khác lại thấy giáo dục con hiệu quả, đến ngày kia con biểu hiện không tốt thì phải làm sao, và cứ thế cứ thế những vấn đề xuất hiện nối tiếp nhau… Quá trình ấy liên tục với nhiều cung bậc cảm xúc khiến cho hành trình làm cha mẹ vừa vất vả cũng vừa thú vị.
Thuở xưa, trong văn hóa của người Do Thái, cha mẹ chính là giáo viên của con. Chỉ sau này khi các trường học được xây dựng mới bắt đầu có người thầy trong xã hội. Có lẽ vì vậy mà những câu chuyện về người Do Thái dạy con thật sâu sắc và bao phủ mọi khía cạnh phát triển con người như: phẩm chất, trí tuệ, tâm thái, tập quán, ý chí, đồng tiền, kinh doanh, học tập, lòng tin… Trong tiếng Hibolai (Israel) từ “cha mẹ” có hàm nghĩa là “giáo viên”. Văn hóa truyền thống Trung Hoa cũng nhấn mạnh rằng “Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha”. Vậy cha mẹ cần coi mình chính là người giáo viên đầu tiên quan trọng của con và có trách nhiệm dụng tâm dạy con.
Dụng tâm kể chuyện con nghe
Nghiên cứu về tâm lý cho thấy con người nói chung rất thích nghe kể chuyện. Các giáo viên trong trường học được khuyên rằng hãy biến giáo án của mình thành những câu chuyện kể để thu hút sự chú ý của học sinh. Bởi vì khi biết một câu chuyện đang được bắt đầu thì người nghe có xu hướng tập trung vào câu chuyện xem cuối cùng kết thúc sẽ ra sao.
Thật vậy, có ai mà không biết nàng Sê-hê-ra-dát (Sheherazade) nhờ kể chuyện cho đức vua nghe trong 1001 đêm mà đã thoát được tội chết. Một ví dụ khác là tác giả truyện cổ tích lừng danh Andersen ngay từ bé đã được cha mình kể cho nghe tác phẩm vĩ đại bậc nhất “Nghìn lẻ một đêm” đó hàng ngày.
Có rất nhiều những ví dụ thực tế khác nhau về tác dụng của kể chuyện, nhưng không gì chân thực hơn chính là tự cha mẹ trải nghiệm kể chuyện cho con nghe. Cha mẹ sẽ chứng kiến bé háo hức ngồi lặng im, mắt to tròn như muốn nuốt từng lời. Mới thấy rằng kể chuyện là một cách làm vô cùng trí huệ và nhân văn có thể giúp kết nối tâm hồn cha mẹ và con cái, cả hai cùng “thấm” trong nội dung hấp dẫn của câu chuyện. Thật tự nhiên như vậy, cha mẹ ngấm ngầm “dạy con” từ lúc nào không hay. Có phải đó chính là minh chứng cho đạo lý “lấy đạo của tự nhiên, để nuôi dưỡng thân của tự nhiên”?
Vì sao nói “dụng tâm”? Trong cuộc sống hàng ngày sẽ có lúc con biểu hiện ra những tính xấu, cha mẹ cần dụng tâm nhẫn nại, đừng vội rao giảng lý thuyết, càng không nên mắng mỏ con. Cha mẹ còn phải đặt tâm một chút tìm câu chuyện liên quan đến tính xấu đó để khi bình tâm chia sẻ cùng con mới mong giải quyết được tận gốc vấn đề.
Mỗi câu chuyện mang một thông điệp về phẩm chất tốt đẹp nào đó như lòng biết ơn, sự cần cù, tinh thần vượt khó… sẽ giống như chiếc gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không vậy, giúp cha mẹ đánh bay bất cứ ma tính nào đang xuất ra ở con.
Có lẽ cũng không nhất định phải tốn tiền mua nhiều sách hiện đại, mà chính văn hóa truyền thống là cả một kho tàng các điển tích, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn…, cha mẹ có thể yên tâm sử dụng làm vốn liếng cho mình. Việc kể chuyện kỳ diệu ở chỗ, sau này khi muốn nhắc con về một phẩm chất nào đó, cha mẹ chỉ cần nhắc tên câu chuyện hoặc nhân vật thôi là con đã nhớ ra ngay. Thật nhẹ nhàng mà hiệu quả!
Dụng tâm dùng kịch bản dạy con
Là một người giáo viên, cha mẹ hãy tạo điều kiện để con học qua thực tế sinh động. Đặc biệt, trẻ con vốn ưa thích trải nghiệm và khám phá. Cha mẹ có thể thấy trường học của con luôn sắp xếp để mỗi ngày con được ra ngoài trời, trực tiếp tìm lá cây ngọn cỏ cho bài học của mình. Thậm chí có những ngôi trường thân thiện còn coi khoảng thời gian này là chủ yếu cho con trẻ học tập.
Tuy nhiên, để giáo dục những phẩm chất thiện đức mà chỉ dừng ở việc cho con được chơi đùa giữa thiên nhiên thôi có lẽ là chưa đủ. Cha mẹ cần “dụng tâm” soạn bài giảng như những kịch bản thật “trúng” mà ở đó trẻ con là diễn viên chính, cha mẹ là diễn viên phụ, mới có thể đảm bảo giáo dục con có mục đích trong khi con trẻ được thỏa sức trải nghiệm. Cho con trải nghiệm cũng chính là cho con sự tôn trọng.
Giả sử cha mẹ muốn giáo dục con nói lời cảm ơn khi được người khác tặng quà, có thể làm theo một kịch bản như thế này: dắt con ra siêu thị mua một món quà và ghi chép lại thời gian xuyên suốt hành trình từ lúc đi cho đến lúc gửi được món quà tới người nhận, ví dụ 3 tiếng 30 phút. Sau đó yêu cầu con viết một tấm thiệp cảm ơn và cũng đo xem thời gian viết hết bao lâu, ví dụ 5 phút. Khi con trẻ trải nghiệm sự so sánh như vậy sẽ hiểu được người tặng quà đã vất vả thế nào, cũng như minh bạch rằng không mất nhiều thời gian cho một lời cảm ơn chân thành, vậy có lẽ gì mà không bày tỏ lòng cảm ơn! Điều quan trọng nhất là con sẽ thực sự có tấm lòng biết ơn từ trong tâm khảm. Và hẳn là kỷ niệm này sẽ khắc ghi lâu lắm đấy, là hành trang quý giá cho con bước vào đời.
Với mong muốn truyền cảm hứng cho cha mẹ trong việc giáo dục con, chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên hy vọng mang đến một kho tàng truyện kể ý nghĩa và kịch bản đa dạng để giúp cha mẹ phần nào bớt đi nỗi vất vả trên hành trình vạn dặm này. Quý vị độc giả hãy theo dõi các bài viết tới đây của chúng tôi nhé!
Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)