Đại Kỷ Nguyên

Cha mẹ có biết, hiếu thuận là nguồn gốc sự thiện lương ở trẻ?

Hiếu thuận, kính trên nhường dưới vốn là một phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Song hiện nay, phẩm chất tốt đẹp này đang ngày càng mờ nhạt và bị xem nhẹ trong lớp trẻ.

Chúng ta thường xuyên bắt gặp những hành vi suy đồi đạo đức của sự bất hiếu như con cái đánh đập, ngược đãi cha mẹ ở ngoài đời thực và trên các trang mạng xã hội. Hay đơn giản từ chuyện sinh hoạt hằng ngày: người lớn chưa ngồi vào mâm cơm, trẻ chưa mời cha mẹ đã cầm bát đũa ăn trước. Sau khi ăn xong trẻ chạy ngay đi xem tivi hoặc đi chơi, còn cha mẹ thì bận rộn dọn dẹp bát đũa, nhà cửa. Những khi nhà có đồ ngon, cha mẹ luôn nhường cho con ăn, còn con rất ít khi mời cha mẹ. Lúc con ốm đau cha mẹ lo lắng chăm sóc, nhưng khi cha mẹ không khỏe hiếm khi nhận được lời hỏi han, chăm sóc của con cháu.

Việc con cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ không chỉ là biểu hiện sự hiếu thuận, mà còn là thước đo cho thấy trẻ có thể quan tâm tới người khác hay không. Hình thành thói quen tôn kính, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ trong gia đình, sau này bước ra xã hội mới có thể biết đối xử đúng đắn với người khác, quan tâm đến đồng nghiệp, có tinh thần đoàn kết, có tinh thần tập thể. Vì thế, cha mẹ không nên coi nhẹ việc bồi dưỡng phẩm chất tôn kính, hiếu thuận đối với ông bà cha mẹ và người lớn cho trẻ. Đây chính là nguồn gốc sự lương thiện trong tâm hồn trẻ.

Hoa từ nhỏ đã sống cùng ông bà nên rất kính yêu ông bà. Khi ông nội qua đời, cha mẹ cô bé liền đón bà về ở cùng. Nhưng sau đó bà nội vì thương nhớ ông và bà muốn sống trong ngôi nhà chất chứa bao kỉ niệm nên bà không ở cùng bố mẹ Hoa nữa.

Con cháu không biết làm thế nào đành để bà sống ở đó. Hoa nhìn thấy mẹ hằng ngày đi làm về lại phải đi một quãng đường xa đến chăm nom bà, giúp bà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Hoa thấy mẹ rất vất vả vì thế Hoa liền đề nghị với mẹ để Hoa đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc bà.

Hằng ngày, sau khi tan học, Hoa đến nhà bà. Hoa giúp bà những việc vặt trong nhà như giặt quần áo, lau dọn nhà sạch sẽ, sau đó Hoa mới về nhà làm bài tập. Cuối tuần, Hoa ở lại nhà bà, cùng bà trò chuyện khiến bà cảm thấy rất vui vẻ.

Việc con cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ không chỉ là biểu hiện sự hiếu thuận, mà còn là thước đo cho thấy trẻ có thể quan tâm tới người khác hay không. (Ảnh: dantri.vn)

Qua câu chuyện nhỏ ở trên ta thấy, người mẹ đã làm rất tốt trách nhiệm của người con đối với cha mẹ. Đó là quan tâm chăm sóc, hiếu thuận với cha mẹ. Đồng thời người mẹ cũng là tấm gương sáng cho con gái mình.

Từ đó cho thấy, mẹ giáo dục trẻ thành công không phải ở việc trẻ thành học giả, thành người giàu có mà thể hiện ở chỗ trẻ có biết quan tâm, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ hay không. Đứa trẻ biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ thì sau này nhất định sẽ thành công. Bởi vì chữ “hiếu” liền sau nó là chữ “thuận”, tức là mọi việc đều có thể thuận buồm xuôi gió.

Một người biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ mới có phẩm chất cao đẹp và trái tim lương thiện, mới có nhân cách tốt. Người có những phẩm chất này dù họ đi đâu, làm việc gì cũng luôn nghĩ đến người khác. Họ biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ người khác mà không cầu mong được báo đáp. Điều đáng trân quý nhất ở họ chính sự thiện lương. Một người có trái tim thuần thiện thì họ sẽ gặp nhiều may mắn và nhận được phúc báo.

Nếu một người ngay cả hiếu thuận, tôn kính với ông bà, cha mẹ mình còn không làm được, thì chẳng thể làm tốt việc gì, và cũng không được người khác tôn trọng, yêu quý. Người như vậy muốn thành công cũng rất khó, bởi họ sẽ gặp không ít khó khăn khi không nhận được sự ủng hộ của những người xung quanh.

Vì thế, muốn trẻ làm người tốt, muốn thành công thì bài học đầu tiên cha mẹ cần dạy con chính là chữ “hiếu”, để con trở thành người con hiếu thuận. Muốn hình thành đức tính tốt đẹp này cha mẹ cần dẫn dắt con từng bước:

Yêu thương ông bà cha mẹ là bài học đầu tiên cần dạy trẻ. (Ảnh: Fingermedia)

1. Giúp trẻ biết tôn trọng cha mẹ, người lớn tuổi

Trong nhiều gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không có sự cân bằng. Bởi cha mẹ hoặc quá nuông chiều con, hoặc lại quá nghiêm khắc với con. Mối quan hệ không cân bằng này rất khó giúp trẻ có khái niệm đúng đắn về tôn ti trật tự trong gia đình.

Muốn trẻ hiếu thuận với cha mẹ và ông bà, cha mẹ cần biết tôn trọng ông bà và tôn trọng cả con cái. Chỉ ở vị trí cân bằng này, mối quan hệ của cha mẹ và con cái mới phát triển hợp lý, ổn định. Nếu không, trẻ chỉ biết làm việc theo sự sai bảo của cha mẹ, không biết chủ động hiếu thảo, tôn kính ông bà cha mẹ.

2. Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho trẻ

Thái độ của con đối với cha mẹ thế nào, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thái độ của cha mẹ đối với ông bà. Bây giờ, nhiều cặp vợ chồng có thái độ lạnh nhạt với cha mẹ mình, không quan tâm chăm sóc, thậm chí còn tìm mọi cách chiếm đoạt tài sản của cha mẹ. Những bậc cha mẹ như vậy thì làm sao có thể dạy dỗ con mình về lòng hiếu thuận?

Vì thế, cha mẹ không những phải chăm sóc tốt gia đình nhỏ của mình, mà còn cần chăm sóc cha mẹ mình. Thường xuyên dẫn con đến thăm ông bà, giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc ông bà khi ốm đau bệnh tật. Đó cũng vừa là trách nhiệm và vừa là nghĩa vụ của người làm con. Dần dần, trẻ sẽ bị ảnh hưởng ngầm, cũng hình thành thói quen hiếu thuận, kính yêu ông bà, cha mẹ.

Muốn trẻ làm được hiếu thuận, cha mẹ phải là người làm được đầu tiên. (Ảnh: Deathrisk.ml)

3. Bồi dưỡng lòng hiếu thuận của trẻ ngay từ nhỏ

Bồi dưỡng lòng hiếu thuận cho trẻ nên bắt đầu từ việc dạy trẻ nghe lời cha mẹ, quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, chia sẻ nỗi buồn, niềm vui, sự lo lắng cùng cha mẹ. Muốn những yêu cầu này biến thành hành động thiết thực của trẻ, cha mẹ cần bồi dưỡng trẻ từ những việc hằng ngày. Ví dụ, sau khi cha mẹ đi làm về, trẻ cần biết hỏi han, quan tâm đến cha mẹ. Khi cha mẹ mệt, trẻ biết chủ động giúp làm việc nhà, biết chăm sóc cha mẹ.

Đồng thời, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cần yêu cầu trẻ gánh vác một số việc trong gia đình như giúp mẹ rửa rau, dọn bát, quét nhà… để trẻ biết yêu lao động và cảm nhận được nỗi vất vả của cha mẹ. Như vậy, không chỉ có lợi cho việc rèn luyện thói quen chăm chỉ lao động mà còn bồi đắp lòng hiếu thảo của trẻ.

Hiếu thuận vừa là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, vừa là biểu hiện của người có nhân cách tốt. Một người không biết kính yêu, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ thì rất khó được người khác công nhận và tôn trọng, cũng rất khó đạt được thành công. Vì thế, cha mẹ cần là tấm gương tốt cho trẻ, giúp trẻ hình thành đức tính hiếu thuận, kính yêu ông bà, cha mẹ; biết ơn và báo đáp công ơn của mọi người dành cho mình.

Hồng Ân

Exit mobile version