Theo giáo lý nhà Phật, ân báo phúc đức của bạn cũng có liên quan đến con cái. Quá mức nuông chiều con không những làm hao tổn ‘phúc đức’ của chúng, hơn nữa còn làm hao tổn ‘phúc đức’ của bản thân mình.
Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết rằng: “Thiên đạo vô thân, duy thân thiện nhân”, nghĩa là đạo trời không phân biệt hay thiên vị bất cứ ai, mà chỉ thường ban những thứ tốt đẹp và may mắn cho người lương thiện tốt bụng. Nhiều người cảm thấy khó lý giải câu nói này, ở đây chúng ta sẽ lấy phương pháp nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ ngày nay để làm một phép so sánh.
Có rất nhiều người sợ không nuôi nổi một đứa trẻ mà quyết định đi phá thai, bởi họ nghĩ nuôi con đã rất vất vả huống chi lại thêm một đứa trẻ khác. Trong tiềm thức của rất nhiều người, đều cho rằng con cái là do mình nuôi dưỡng, gia đình là do mình chống đỡ. Nhưng sự thật không phải như vậy…
Đầu tiên chúng ta cần phải biết rằng, mỗi một người đều có phúc báo của bản thân, mỗi một đứa trẻ đầu thai đến cũng mang theo phúc báo của riêng mình. Nhìn thì thấy do cha mẹ nuôi dưỡng con cái, nhưng thực ra là do chính phúc báo của đứa trẻ đang nuôi dưỡng chúng. Theo giáo lý nhà Phật thì đây gọi là “cộng nghiệp”.
Thành quả của một việc là do phúc báo quyết định, chính là phúc báo cùng nhau tích lũy. Ác nghiệp cũng như vậy. Ngày nay môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, chúng ta đều đổ lỗi cho người khác, nhưng đến cuối cùng mới phát hiện ra tất cả mọi người đều đang tham gia phá hoại môi trường. Ví như sử dụng túi nylon, quần áo chỉ rách một chút liền đem vứt đi, rửa xe, trang hoàng, tẩy rửa nhà vệ sinh…, những thứ này đều là sản phẩm hóa học. Mỗi ngày chúng ta đều dùng đến, chỉ cần bạn có dùng thì chính là đã và đang phá hoại môi trường rồi. Đây cũng là cùng chung ác nghiệp.
“Thiên đạo vô thân”, đạo trời không thiên vị bất cứ ai, ngay cả khi đó là con của bạn
Mỗi cá nhân đều có nghiệp lực và mệnh của riêng mình, nhưng rất nhiều người đều không rõ ràng điểm này. Muốn con cái phải học tập, liền cho con đi học trường này trường nọ, cứ nghĩ chỉ cần như vậy là có thể bồi dưỡng chúng trở thành nhân tài. Nhưng trên thực tế, đầu tiên chúng phải có số mệnh như vậy.
Hay như việc nuôi dưỡng con cái, mặc dù là dùng tiền của cha mẹ, nhưng có khi thứ tổn hao lại chính là phúc báo của con. Cho dù cha mẹ có thể cho, nhưng con cái không nhất định có thể dùng, bởi cần phải xem mệnh của chúng như thế nào. Đây chính là “thiên đạo vô thân”. Rất nhiều người quá mức nuông chiều con cái, cho rằng có thể dùng tiền nuôi dưỡng chúng, nhưng lại không hay biết rằng, nếu dùng quá nhiều tiền vào những chuyện vô nghĩa, ngược lại càng tổn hao phúc báo của con.
Xưa kia mời thầy dạy học, điều đầu tiên thầy sẽ dạy học trò là nhân cách
Nói về việc giáo dục con trẻ ngày nay, nhiều bậc cha mẹ không tiếc bỏ ra bao nhiêu công sức và tiền của để mời thầy, gia sư, ép con học hành. Thời cổ đại, các vị đế vương muốn giáo dục con cháu cũng cho mời thầy, nhưng so với hiện tại lại có sự khác biệt rất lớn. Thời xưa mời thầy, bài học đầu tiên thầy sẽ dạy cho học trò là nhân phẩm và nhân cách, sau đó mới dạy đến kỹ thuật, vẽ tranh, viết văn, làm thơ…
Ví như Tào Tháo, là nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán, vốn một đời kiêu hùng nhưng dạy con vô cùng nghiêm khắc. Những người con trai của ông cũng rất thông minh, tài năng. Ví như Tào Phi “bác văn cường thức, tài thuật kiêm bị”, Tào Thực tài trí hơn người, Tào Chương võ thuật siêu quần… Những người con tài giỏi cũng chính là kết quả của việc Tào Tháo vô cùng coi trọng việc giáo dục.
Để dạy con thành tài, Tào Tháo đã lựa chọn cho các con trai mình những người thầy tốt nhất. Mục tiêu lựa chọn thầy của ông là: Đức hạnh đường đường chính chính, thâm minh quốc pháp, đó chính là mẫu người như Hình Ngung.
Sau khi Tào Phi làm thái tử, Hình Ngung cũng được Tào Tháo phái đến làm thầy của Tào Phi. Ngoài Hình Ngung ra, Tào Tháo còn phái cả Bình Nguyên và Trương Phạm đến phụ tá cho Tào Phi. Tào Tháo rất khách quan nói với họ rằng, con trai của ta không ra gì, sợ nó khó đi đường chính, nên mới nhờ các người khuyên bảo để giúp cậu ta tu chỉnh.
Hay như Gia Cát Lượng, mặc dù là một tướng chức vị cao, nhưng cả đời lại rất giản dị, tự mình thực hiện chuẩn tắc làm người “kiểm dĩ dưỡng đức”, hy vọng hậu thế có chí lớn, chăm chỉ và sống giản dị.
Ông từng viết cho con trai lên 8 của mình bài “Giới tử thư” tổng kết kinh nghiệm cả đời của Gia Cát Lượng. Trong thư ông viết: “Người quân tử lấy tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng Đức, không đạm bạc thì không sáng chí, không tĩnh lặng thì trí không cao. Trượng phu cần tu tâm tĩnh lặng, cũng cần tu học, không học thì không thể có tài năng quảng đại, không có chí thì việc học không thể có thành tựu”.
Gia Cát Lượng nhắc nhở con cái muốn đạt tới tĩnh cần không ngừng tu thân và tự kiểm điểm bản thân. Muốn làm được Kiệm cần phải bồi dưỡng tài năng đức hạnh và tiết tháo cao thượng. Tâm mà không trong sáng có nhiều dục vọng thì không thể có chí hướng rõ ràng, không an định tĩnh lặng thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa. Để biến lý tưởng thành hiện thực cần phải không ngừng học tập tri thức, không có ý chí kiên định thì không thể nào thành công được.
Quay lại thời hiện đại, dường như bởi mải chạy theo với thời cuộc, nhiều bậc phụ huynh khi mời giáo viên cho con, thì giáo viên không còn dạy nhân phẩm và nhân cách nữa, đều chỉ là dạy kỹ thuật, nào làm toán, nào ngoại ngữ… Vì vậy mà rốt cuộc đã không giải quyết được vấn đề gốc rễ.
Làm bậc cha mẹ nên nghiêm khắc với con cái, như vậy mới có ích đối với sự trưởng thành của con. Quá lãng phí tiền của cho con cái chỉ làm hao tổn phúc báo của chúng mà thôi.
Về phương diện này, có lẽ quan điểm của người Mỹ khiến chúng ta phải học hỏi. Đa phần người dân Mỹ đều cho rằng họ là người gìn giữ tài sản, chứ không phải là người chủ sở hữu. Bởi vậy, bản thân không nên chiếm đoạt những tài sản đó, mà phải tặng lại cho người khác, tặng lại cho xã hội mới là tốt. Họ cũng không để lại quyền thừa kế tài sản cho con cái.
Những người dân Mỹ, nhất là những người càng thành công, càng giàu, thì đều nhận định rằng, quá trình tích lũy tiền bạc là một quá trình vô cùng thú vị. Vậy nên họ không muốn tước đoạt đi loại quyền lợi này của con cái. Cũng bởi vậy, họ bằng lòng dạy cho con cái những điều tâm huyết cần có ban đầu, còn việc kiếm tiền là dựa vào năng lực tự thân của mỗi đứa trẻ.
“Để lại tài phú cho con cháu, chúng không giữ nổi; để lại sách vở cho con cháu, chúng không chịu đọc. Vậy nên chỉ có thể để lại âm đức cho con cháu, đây mới chính là con đường đúng đắn”.
Lời giáo huấn này của cổ nhân vẫn luôn khiến cho chúng ta ngày nay phải suy ngẫm.
Bạn đang đọc bài viết: “Cha mẹ nuông chiều quá mức là đang tổn hao phúc khí của con cái” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |