Hôm ấy tôi đi ăn ở nhà hàng, ở bàn kế bên cạnh bàn của tôi ngồi, là bàn của hai cặp vợ chồng, mỗi nhà còn dắt theo một đứa trẻ độ bảy tám tuổi, xem dáng vẻ như là hai gia đình cùng gặp nhau ăn cơm.
Trong đó, có một phụ nữ, cả người đeo đầy trang sức, quần áo sang trọng nhìn là biết hàng đắt tiền cùng với túi xách thương hiệu nổi tiếng. Cô ấy vừa ăn vừa nói thao thao bất tuyệt với cặp vợ chồng ngồi đối diện, cô khoe nào là vừa mới đi du lịch châu Âu, mua sắm nhiều hàng hóa xa xỉ, ăn được nhiều món ngon của trời Tây, nhìn bộ dáng khoe mẽ rất là đắc ý.
Không những vậy, chồng cô ấy cũng đắc ý không kém, như ngại vợ còn khoe chưa đủ, lớn tiếng nói: “Trên thế giới này em thích đi nơi nào thì cứ đi nơi đó, dù sao nhà của chúng ta có rất nhiều tiền mà”.
Đứa con trai của họ nãy giờ đang phụng phịu không chịu ăn cơm, nghe ba nói vậy đột nhiên hưng phấn, cao giọng nói theo: “Đúng vậy nhà chúng ta có rất nhiều tiền!”
Mà nãy giờ cặp vợ chồng ngồi đối diện họ, từ đầu tới cuối không có nói chen vào câu nào, vẻ mặt hơi ngại ngần, chỉ thỉnh thoảng nói vài câu phụ họa theo hai vợ chồng giàu có kia. Đến khi cặp vợ chồng giàu có khoe khoang xong, người vợ kia mới nhịn không được, nói một câu nghe như rất chua xót: “Thật hâm mộ nhà anh chị quá, không giống như nhà của chúng tôi, sống qua ngày còn khó”.
Người vợ vừa nói xong câu đó, người chồng đang ngồi kế bên nét mặt càng thêm ngượng ngùng, anh ta liền quay qua vợ trợn mắt mắng nhiếc. Thấy sắp có cuộc cãi vã lớn xảy ra, cặp vợ chồng giàu có vội vàng khuyên giải, nhưng không khí bữa ăn trở nên nặng nề gượng gạo.
Điều làm người khác quan tâm lo lắng nhất chính là, ngồi giữa cặp vợ chồng cãi vã ấy còn có một cô con gái nhỏ, nhìn cô bé với bộ dạng cúi đầu cụp mắt, vẻ mặt lo lắng sợ hãi nhìn người lớn, không dám nói một câu nào, chỉ im lặng cúi đầu bưng bát cơm của mình.
“Nhà chúng ta có rất nhiều tiền!”
Lời nói này có lẽ sẽ không mấy xa lạ với khá nhiều người, bởi vì xung quanh chúng ta có rất nhiều người giàu có. Tôi lần đầu tiên nghe được câu nói này là khi 16 tuổi, khi đó tôi mới học lớp 10, phải ở ký túc xá trường trung học ở huyện thành.
Khi ấy, trong lớp có một nữ sinh rất nổi tiếng, bởi vì ngày đầu khai giảng, cô được cha cô, một người kinh doanh quặng than đá, đưa đến trường bằng chiếc xe hơi sang trọng. Ngay cả những người bảo vệ cũng rất nhiệt tình với họ.
Rất nhanh, cô ấy có rất nhiều bạn, cũng dễ hiểu, vì cô có rất nhiều tiền, nếu cùng kết bạn chơi chung với cô thì có thể được ăn cơm miễn phí, và còn có thể có được nhiều quà tặng đắt tiền.
Nhưng cô ấy rất ngang ngược, thường hay đối xử không tốt với các bạn nữ khác trong lớp. Có một lần, cô ấy mượn vở bài tập của cô bạn ngồi cùng bàn với tôi, cô bạn cùng bàn ấy không cho mượn, thế là cô ấy liền tức giận mở miệng mắng chửi với những lời rất khó nghe, khiến người khác không thể tin được rằng những lời chửi bới ấy lại phát ra từ miệng một cô gái chỉ mới 16 tuổi.
Tôi ngồi một bên nghe vậy không kìm được giận, bèn nói vài lời trái phải với cô ấy, không ngờ cô ấy lại cầm hộp đựng bút ném vào đầu của chúng tôi, còn hét lớn: “Tao sẽ thuê xã hội đen giết chúng mày, ba của tao nói, nhà của tao có rất nhiều tiền!”.
Lúc ấy, chúng tôi đã rất sợ hãi, vì tuổi còn nhỏ lại là lần đầu tiên đi học xa nhà, cho nên chỉ có thể báo lại với giáo viên. Nhưng giáo viên chưa kịp điều tra làm rõ, thì nhận được tin nhà trường đã đuổi cô ấy, không cho học nữa. Thì ra cô ấy thích một anh học trên hai lớp, nhưng anh này đã có bạn gái, thế là cô ấy thuê người đánh cho địch thủ đến trọng thương.
Nghe nói, ngày cô ấy bị đuổi khỏi trường, ba mẹ cô đã huy động tới mấy chiếc xe hơi sang trọng đến đón con gái đi, khí thế rất rầm rộ náo động, như thể cố ý thị uy với nhà trường vậy.
Đến bây giờ nhớ lại sự kiện đó, thấy thật ra đó cũng chỉ là sự kiện bạo lực ở học đường mà thôi, mà nhân vật chính là một nữ sinh 16 tuổi đang ở thời kỳ tâm lý có nhiều biến đổi.
Nhưng truy cứu nguyên nhân sâu xa, thì cha mẹ của cô ấy mới chính là những người ‘đầu sỏ’ khiến con mình trở nên như thế. Bởi vì một cô gái 16 tuổi đầu, nhìn như đã hiểu chuyện, nhưng thực chất kiến thức cuộc sống chưa được bao nhiêu, mỗi lời nói, mỗi hành động đều là bắt chước hành vi của cha mẹ.
Nói như vậy, có lẽ người nhà cô ấy thường xuyên dùng “người có tiền” để lên mặt với đời, đắc ý với người, rêu rao khoe của, chỉ biết dùng tiền trong xử lý mọi việc và mọi mối quan hệ. Bởi vậy cho nên ngay từ nhỏ, trong nội tâm của cô gái đã được khắc sâu quan niệm tiền bạc là trên hết, đã nhiễm thái độ khinh bạc của những kẻ có nhiều tiền. Cho nên cô ấy lớn lên mới ngang ngược tùy hứng, hành vi ngông cuồng, thậm chí là dám thuê người đánh bạn học đến trọng thương như thế.
Gia đình giàu có, là ở phương diện vật chất, tiền tài được nhiều ưu thế, nhưng có một số cha mẹ lại không hiểu biết mà đem cái ưu thế ấy trở thành bi kịch cho cuộc đời của con cái họ.
Sau này tôi nghe nói, cô bạn cùng lớp giàu có ngang ngược đó, sau khi bị nhà trường đuổi học thì không tiếp tục việc học nữa, mà cô ấy chỉ biết dựa vào công ty kinh doanh than đá của ba cô mà sống và chơi bời. Nhưng công ty than đá của cha cô mấy năm trước đây làm ăn bị thua lỗ, cuộc sống hôn nhân của cô cũng không được như ý.
Con người vừa mới sinh ra đều như một tờ giấy trắng, tờ giấy đó sẽ trở thành bản sao của chính cha mẹ. Trên bàn cơm ở nhà hàng, cha mẹ chỉ thuận miệng nói ra một câu “nhà chúng ta có rất nhiều tiền”, đã khiến cho con trẻ có thái độ kiêu căng ngang ngược, cha mẹ hồ đồ còn nghĩ đó là lời nói vô tư của trẻ con, nhưng người sáng suốt lại nhíu mày lo lắng sâu xa.
Nói như vậy, không lẽ chỉ những bậc cha mẹ khoe của mới không sáng suốt, là sai lầm? Thật ra, những cha mẹ than nghèo kể khổ lại càng sai lầm hơn.
So với cặp vợ chồng khoe sự giàu có, thì người phụ nữ kể khổ kia quanh người phát ra cái khí nghèo hèn thảm hại, trên mặt thể hiện rõ những oán thán với cuộc sống, chán ghét chồng vô dụng. Cô ta không ý thức được rằng, một câu nói ra miệng của mình, tiến nhập vào tai con trẻ, sẽ giống như cả một thế giới suy sụp trong tâm hồn con.
Theo như dáng vẻ của cặp vợ chồng than khổ kia, đều nói lên hoàn cảnh “sống qua ngày” của họ, có lẽ họ không giàu có, có lẽ họ có nỗi khổ tâm riêng, nhưng ở trước mặt con trẻ , dù cố ý hay vô tình biểu hiện cái nghèo khổ, khó khăn, bất mãn, của mình, rồi sỉ vả lẫn nhau, thì người chịu thương tổn nhiều nhất chính là con trẻ.
Một cha mẹ ưa thích khoe giàu, sẽ dễ dàng bồi dưỡng nên một đứa trẻ tùy hứng, ngang ngược. Còn cha mẹ than nghèo kể khổ thường sẽ tạo nên một đứa trẻ có bộ dáng tự ti, mặc cảm.
Trong cuộc sống, so với những cha mẹ thích khoe giàu, thì những cha mẹ hay than nghèo kể khổ lại càng không ra gì.
Khi cùng người khác nói chuyện, họ thường hay nói “nhà tôi nghèo muốn chết, nhà các người so với nhà tôi còn sung sướng chán”; khi con đi học, họ sẽ nói “học mà làm gì, cơm còn không đủ ăn”; cùng vợ hoặc chồng cãi nhau thì nói “thật là vô dụng, chẳng biết kiếm tiền để lo cho cái nhà này” …
Sẽ có nhiều người cho rằng như vậy thì có gì là nghiêm trọng đâu, đó chẳng qua chỉ là thể hiện thái độ và tâm trạng thôi mà. Nhưng than vãn, khóc lóc như thế có thể thay đổi được hoàn cảnh sao? Cuộc sống này không có cái gì là tự nhiên từ trên trời rơi xuống cả. Mà con trẻ vốn đang trong giai đoạn hình thành tính cách, nghe cha mẹ than vãn, cảm thấy cuộc sống bình yên hạnh phúc sụp đổ, cả một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi, nghe những lời kể khổ của cha mẹ, bỗng nhiên bị phủ lên một bóng ma sợ hãi, bất lực. Như vậy, hỏi không nghiêm trọng sao?
Nhà giàu có, nói năng hành động phải cẩn trọng thu liễm mới là đạo lý; nhà nghèo khó, trong lòng cần phải hiểu rõ và sống cho đúng mực, không nên tỏ ra hèn mọn thấp hèn. Cổ nhân có câu: “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, chỉ có nhà làm việc thiện mới có dư phúc.
Mặc dù đa số mọi người có xuất thân với hoàn cảnh gia đình bình thường, ít có tài sản để mà khoe của, nhưng ít ra cũng không khóc nghèo kể khổ, bởi vì gìn giữ gia phong, thái độ đối với tiền tài chính là chừng mực, thỏa đáng.
Cha mẹ thương yêu con, vì con mà lo lắng suy xét mọi bề, là người làm cha làm mẹ, ngoài trách nhiệm nuôi dưỡng, càng cần phải có trí tuệ. Mà cha mẹ thông minh chân chính, sẽ không khoe giàu, càng sẽ chẳng than nghèo.
Theo tw.aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch