Một số trẻ em có thành tích học tập rất tốt, nhưng đức hạnh không tốt, hơn nữa còn không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Vậy có điều gì thiếu sót trong giáo dục gia đình?

Chúng ta hãy tham khảo những hướng dẫn giáo dục chính cho các bậc phụ huynh.

Tức giận sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn

Tôi đưa con gái đến công viên vào một buổi chiều nọ. Trên đường đi, tôi gặp một người mẹ đang lớn tiếng với con mình.

Nguồn gốc của vụ việc là: cậu bé chừng 8, 9 tuổi, vừa đi bộ vừa ăn xiên thịt nướng. Mẹ của cậu đi phía trước, đột nhiên dừng lại, ngồi xổm xuống buộc dây giày của mình. Cậu bé không để ý đến mẹ, vẫn tiếp tục đi, xiên thịt nướng trên tay không may quyệt vào chiếc áo trắng của mẹ. Người mẹ còn chưa kịp buộc dây giày đã đứng lên lớn tiếng mắng con.

Cậu bé rối rít xin lỗi mẹ, nhưng mẹ cậu dường như càng lúc càng tức giận.

Người mẹ nổi đóa, tiện tay liền cho cậu con trai hai cái bạt tai vào mặt.  

Đứa trẻ tỏ vẻ bất bình hỏi vặn mẹ: “Chỉ là con sơ ý. Con đã xin lỗi rồi, sao mẹ còn tức giận như vậy?”

Người mẹ nghe xong câu này, dường như lại càng tức giận hơn. Cô ấy bắt đầu la mắng đứa trẻ rất lâu.

Càng lúc càng có nhiều người đến xem có chuyện gì, và mọi người đều khuyên người mẹ hãy bỏ qua đi. Nhưng cô ấy nói: “Con của tôi, tôi muốn mắng thì mắng, muốn đánh thì đánh. Không phải chuyện của mấy người”.

Một lúc sau, người mẹ dắt cậu con rời đi và biến mất vào đám đông …

Chứng kiến sự tình này, tôi không thể không tự nhủ: Đối xử với trẻ em, tính khí thất thường thực sự không hiệu quả.

Chúng ta sẽ luôn thấy những ví dụ tương tự trong cuộc sống: Tính khí của cha mẹ càng nóng nảy, con trẻ càng nghịch ngợm; Cha mẹ càng tức giận thì càng khó bảo ban con cái; Cha mẹ hay tức giận, trẻ càng nóng tính.

Trong quá trình giáo dục trẻ em, chúng ta luôn gặp những tình huống đòi hỏi bản thân cần phải bình tĩnh. Tại thời điểm này, chúng ta có thể làm gì để giải quyết những cảm xúc xấu? Cách tốt nhất để giáo dục trẻ em là gì?

(Ảnh: flickr.com)

Kiên nhẫn giao tiếp với trẻ

Sau khi chứng kiến sự việc của hai mẹ con kia, tôi cũng tự hỏi mình, nếu là tôi, tôi nên xử trí như thế nào?

Có một thực tế là chiếc áo bẩn thì cũng đã bị bẩn rồi. Tuy nhiên, có la mắng vô số lần, thì có thể làm chiếc áo sạch trở lại không?

Chúng ta có thể nói với đứa trẻ: Khi đi đường hãy chú ý về phía trước. Lần này làm bẩn áo của mẹ rồi, mẹ sẽ bỏ qua cho con, nhưng nếu con không chú ý lần sau rất có thể làm bẩn áo của người khác. Lần này mẹ bỏ qua cho con, là tin rằng con không cố ý. Thế nhưng nếu con làm bẩn áo của người khác, rất có thể chúng ta sẽ phải bồi thường, dẫn đến những rắc rối không cần thiết. Vì vậy, con không được xem thường sai lầm của lần này.

Sau khi về nhà, bạn có thể để trẻ cùng mình giặt sạch chiếc áo. Đó coi như là một hình phạt cho đứa trẻ, cũng là dạy trẻ chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.

Rốt cuộc, nếu tổn thất là do mình gây nên thì bạn phải học cách chịu trách nhiệm.

Khi giáo dục con trẻ, cha mẹ hãy trực tiếp bày tỏ mong muốn của mình, cố gắng kiên nhẫn giao tiếp với con. Điều này có thể khiến trẻ sớm nhận ra sai lầm, cũng biết lắng nghe ý kiến ​​của bạn tốt hơn.

Và tất nhiên, tất cả những điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện mối quan hệ cha mẹ và con cái.

Học cách quản lý cảm xúc bản thân là rất quan trọng

Chú tôi thường luôn kìm nén tính nóng nảy của mình. Khi anh em họ không ngoan ngoãn nghe lời, chú thường nói câu này: “Con mà còn tiếp tục mắc lỗi, đến khi khiến ba tức giận sẽ biết ba giỏi xử lý con như thế nào”.  

Cứ như vậy, một tâm trạng bị kìm nén lâu dài, cuối cùng đến thời điểm nổ ra thì hoàn toàn mất kiểm soát. Khi đó, mặc kệ ai đến khuyên can, họ cũng sẽ phải hứng chịu ‘cuộc chiến’ tương tự.

Vì vậy, tôi cũng không đề nghị các bậc cha mẹ cứ cố kìm nén cảm xúc của mình.

Về vấn đề này, tôi nghĩ chị gái tôi đã làm một việc đặc biệt tốt:

Khi trẻ mắc lỗi, cô ấy biết rằng tức giận là không đúng, nhưng nếu cứ cố kìm nén trong lòng thì cảm thấy khó chịu. Vì vậy, cô ấy sẽ viết ra sự không hài lòng của mình trên giấy và đưa cho đứa trẻ đọc.

Đợi đến khi tâm trạng bình tĩnh thì lại tiếp tục giáo dục con, lúc này đứa trẻ có thể thoải mái nhận ra lỗi của mình, cũng hiểu tình yêu đặc biệt mà cha mẹ đã dành cho mình.

(Ảnh: giaoduc.net)

Làm cha mẹ, đối mặt chân thành với cảm xúc của chính bạn là rất quan trọng.

Vì nếu xử lý hợp lý, bạn không chỉ tiêu hóa được cảm xúc xấu của mình, còn để lại một ấn tượng tốt đẹp trong lòng con trẻ. Còn ngược lại, nếu xử lý không tốt, sẽ dễ dàng dẫn đến một cuộc cãi vã không ngớt. Lúc này cảm xúc của cả cha mẹ và con cái đều trở nên tiêu cực. Hơn nữa hành vi của bạn cũng sẽ ‘lây nhiễm’ đến con cái. Đứa trẻ sẽ dần dần học theo các xử trí của cha mẹ, đối xử với người khác bằng cảm xúc tiêu cực như cha mẹ chúng đã từng làm. 

Cho trẻ cơ hội giải thích

Là cha mẹ, chúng ta nên lắng nghe những suy nghĩ của con mình và hướng dẫn chúng một cách hiệu quả. Khi trẻ mắc lỗi, nhiều cha mẹ không cho trẻ bất kỳ cơ hội nào để nói lời giải thích, liền mắng chửi một trận. Cách làm như vậy thật không đáng đề xướng.

Khi trẻ làm điều gì sai, cha mẹ nên xử trí một cách công bằng. Đầu tiên, hãy để trẻ biểu đạt suy nghĩ của mình một cách rõ ràng. Điều này cũng có lợi hơn cho cha mẹ để phân tích cho trẻ hiểu lý do mắc lỗi và điểm nào cần được thực hiện sửa chữa.

Lắng nghe cẩn thận những suy nghĩ của con bạn, đây là quá trình cha mẹ hiểu được thế giới nội tâm của con cái. Đó cũng là một cách khiến trẻ nghĩ rằng cha mẹ hiểu và yêu thương bản thân mình.

Nhiều bậc cha mẹ cứ không hiểu, tại sao đứa trẻ thích tranh luận. Tại sao trẻ em luôn thích “làm trái lại” với cha mẹ?

Trên thực tế, điểm mấu chốt của điều này là: Bạn đã không để cảm xúc của con mình được giải phóng, đứa trẻ đã không có cơ hội để đổ “rác” bên trong mình.

Không chỉ cha mẹ, mà trẻ cũng cần được giải phóng cảm xúc. Miễn là đứa trẻ nói ra suy nghĩ trong lòng mình, trái tim của chúng sẽ bình tĩnh, và sẽ có thể lắng nghe những lời dạy của bạn.

Đừng trút giận vô cớ lên con trẻ

Ở đầu bài viết đã đề cập rằng: Tính xấu của cha mẹ có thể được truyền đi.

Có thể đưa ra một ví dụ: mẹ của Mai Mai trong thời gian làm việc, ở công ty có chuyện không vui, thế là tâm trạng buồn bực. Sau khi về nhà, nhìn thấy đứa con là cảm thấy không vừa mắt, hơi một chút là đánh mắng. Cứ như vậy, bao nhiêu cảm xúc buồn phiền dường như cứ trút lên người đứa trẻ.

(Ảnh minh họa: woman.excite.co.jp)

Sau một thời gian dài như thế, Mai Mai đã học theo hành vi của người mẹ. Mỗi khi cô bé phạm lỗi bị mẹ mắng ở nhà, sau khi đến lớp liền trút sự tức giận của mình lên những người bạn cùng lớp.

Thay vì gặp chuyện thì tính khí nóng nảy, chi bằng bạn hãy truyền những năng lượng tích cực cho con trẻ.

Bởi vì khi bạn tức giận, nó thực sự đã truyền sang cho con bạn.

Nếu gặp chuyện buồn ở công ty, thay vì về nhà trút giận lên đứa trẻ, thì có thể nói với con rằng: “Hôm nay mẹ đã gặp phải một số điều không thỏa đáng ở công ty. Nhưng mẹ cũng tự nhìn lại mình, cảm thấy mình vẫn còn nhiều chỗ chưa tốt. Vì vậy, mẹ sẽ phải làm việc chăm chỉ để trở thành một nhân viên tốt hơn”.

Con trẻ càng đánh càng hung, tình hình càng tệ

Có nhiều bậc cha mẹ với tư tưởng giáo dục bị cuốn vào một quán tính kỳ lạ: Họ luôn nghĩ rằng đứa con của mình là vô dụng, nên phải mắng. Nếu mắng không đủ “sức mạnh”, sẽ phải đánh.

Trên thực tế, họ đang làm đảo ngược tình hình. Bởi vì càng đánh mắng thì tình hình càng tồi tệ. Bởi đánh mắng xong một hồi, sau đó đứa trẻ vẫn không nhận biết được mình đã làm gì sai.

Tức giận đánh mắng chỉ có thể trút được cảm xúc tức thời của cha mẹ, còn con trẻ thì sẽ không cảm thấy bội phục.

***

Quả thực, quá trình nuôi dạy con cái cũng là một hồi tu hành. Cách giáo dục của cha mẹ đối với con trẻ  như thế nào sẽ phản ánh tâm tình của cha mẹ ra sao.

Hy vọng rằng mỗi bậc làm cha mẹ chúng ta sẽ luôn biết nhìn lại chính mình, không ngừng tu dưỡng bản thân trong khi giáo dục trẻ nhỏ. Cha mẹ làm gương cho con dẫu từ hành động lời nói nhỏ nhất, đó là trách nhiệm của chúng ta.

Theo Cmoney
Vân Hà biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||01a0d7c69__