Cha mẹ luôn hy vọng có thể cấp cho con mình những điều tốt đẹp, bởi vậy mà giữ mãi con trong vòng tay tựa như sợ bị rơi mất. Nhưng tình yêu không phải là giữ lại, mà phải được cho đi. Sự trưởng thành của con trẻ là một quá trình tôi luyện không ngừng, tựa như hoa mai trong lạnh giá.
Mạnh Tử từng nói: “…. Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho những người ấy, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy”.
(Nguyên văn: “… Cố thiên tương giáng đại nhiệm vu thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí; lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng).
Cũng như vậy, sự trưởng thành của chính đứa trẻ là một quá trình tôi luyện không ngừng, tựa như hoa mai trong lạnh giá.
Để không phải hối hận vì con mình kém hiểu biết, là cha mẹ, bạn nên từ từ thu hồi lại đôi cánh mà bạn đang quá bảo vệ con. Hãy để trẻ dần dần cảm nhận được sự khó khăn ở nơi chốn nhân gian này.
Bởi vậy, để con trẻ lớn lên khỏe mạnh, trước tiên cần để chúng trải qua 5 cái khổ, cũng là 5 vị đắng này!
Vị đắng của sự thay đổi
Có nhiều người khi phải đối mặt với thế giới rộng lớn và luôn thay đổi này thì trở nên hoang mang lo sợ, đặc biệt đối với một đứa trẻ chưa trải qua sự đời lại càng như vậy. Lên lớp, chia lớp, thay đổi giáo viên… những sự thay đổi này sẽ khiến chúng lo sợ.
Ví như con gái tôi trong buổi học đầu tiên của lớp 2, nhất mực không chịu đến trường. Cô bé nước mắt nước mũi lã chã, khóc lóc không chịu đi.
Tôi kiên nhẫn hỏi mãi mới biết, cô bé lo lắng rằng không còn nhớ các bạn cũ như thế nào, không biết cô giáo mới sẽ ra sao. Tôi vui vẻ trấn an con: “Nếu cô giáo mới thú vị hơn thì sao?”. Như vậy, cô bé mới chịu đi.
Và quả vậy, giáo viên mới dạy hài hước, rất yêu quý trẻ em, các bạn trong lớp cũng hòa đồng với nhau. Chỉ trong vài ngày, con gái đã có thể thích nghi, mỗi ngày đều háo hức được đến lớp.
Cuộc sống sẽ luôn thay đổi, và con trẻ cũng theo nhân tố khách quan cải biến bên ngoài mà cũng không ngừng trưởng thành. Sự thay đổi mang tới nỗi sợ hãi bất an, nhưng cũng mang tới những bất ngờ thú vị. Do đó, gặp biến không sợ hãi, ung dung ứng đối biến hóa, là điều mà đứa trẻ phải học suốt đời.
Vị đắng của không hoàn hảo
Sự hoàn mỹ là có thể gặp mà không thể cầu, nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo.
Bên trong bảo tàng Louvre ở Pháp, có một kho báu quý giá đã được truyền đời. Đó chính là bức tượng nữ Thần tình yêu Venus.
Cánh tay của bức tượng đã bị chặt đứt, khiến người ta không khỏi tiếc nuối. Nhiều nghệ nhân đã suy nghĩ và tìm cách khôi phục dáng bộ nguyên thuỷ cho bức tượng, nhưng các kết quả đều bị lu mờ trước bản gốc. Từ đầu đến cuối, không có phương án nào được chọn, vì sợ rằng sẽ rơi vào kết cục ‘thiếu gấm chắp vải thô’.
Cuối cùng, tất cả các kế hoạch phục hồi đã được thu hồi. Và pho tượng vẫn là nàng Venus cụt tay, nhưng không ai cảm thấy rằng nó không hoàn hảo vì cánh tay bị gãy. Trái lại, mọi người đều cảm thấy pho tượng rất hoàn hảo. Chi tiết không hoàn hảo đã khiến pho tượng trở thành một vẻ đẹp độc đáo.
Vì vậy, hãy để cho đứa trẻ biết rằng ‘không hoàn hảo’ là một phần tất yếu trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều tốt đẹp như mong đợi. Chấp nhận sự không hoàn hảo với một thái độ cởi mở lạc quan, thì sự không hoàn hảo mới thực sự là hoàn hảo!
Vị đắng của tiếc nuối
Điều quý giá nhất trên đời không phải là ‘không chiếm được’ và ‘mất đi’, mà là niềm hạnh phúc hiện đang trong tầm tay của bạn.
Truyện cổ tích mang đến cho mọi người cảm giác tươi đẹp. Tuy nhiên, nàng tiên cá nhỏ trong truyện cổ ‘nàng tiên cá’ của Andersen là một ngoại lệ. Nàng cho các em biết rằng, ngoài những điều mỹ hảo ra thì sự tiếc nuối cũng là một phần của thế giới này. Mỗi sự việc đều có những điều hối tiếc, và mỗi sự hối tiếc đều có một dư vị đẹp bất tận.
Có thể đứa trẻ đã học hành chăm chỉ với tất cả sự nỗ lực và nhiệt tình của chúng, nhưng kết quả bài thi lại không được như ý. Khi này cha mẹ nên khuyến khích và an ủi trẻ nhiều hơn thay vì chỉ tạo áp lực và chỉ trích con.
Con yêu, con phải biết rằng không phải tất cả các nỗ lực đều sẽ thu được đền đáp tương xứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không ngừng hy vọng và cố gắng thì sẽ không bao giờ phải hổ thẹn với chính mình.
Vị đắng của chịu thiệt
Chịu thiệt không phải là mù quáng thuận theo, mà là lấy thái độ khoan dung độ lượng để đối đãi với người khác.
Trong cuộc sống, các bậc cha mẹ thường để tâm nhiều hơn đến được mất, luôn lo lắng rằng con cái phải chịu thiệt, sẽ bị người khác bắt nạt. Nhưng đó lại chính là lý do tại sao những đứa trẻ trở nên ngang ngược.
Một người muốn thắng được một người khác, thực ra rất dễ dàng, đó chính là học được cách chịu thiệt. Trên đời này không có ai yêu thích người cứ đi chiếm lợi ích của người khác, nhưng tất cả mọi người đều yêu quý người chịu thua thiệt.
Là cha mẹ, thay vì mải lo lắng về thiệt hơn và được mất, chúng ta hãy giúp trẻ hiểu được sự tốt đẹp của cuộc sống, giải quyết xung đột với sự khoan dung và tôn trọng. Chịu thiệt mới là phương cách tốt nhất để lấy được lòng người.
Vị đắng của sự kiên trì
Làm một việc cũng không khó, nhưng để làm tốt nhất việc đó thì cần phải sự kiên trì và nghị lực, chỉ có kiên trì tới cùng, mới có cơ hội thu được thành công.
Có một câu chuyện như này: Một vị diễn giả nọ lên sân khấu để bắt đầu buổi diễn thuyết, có rất đông khán giả vì mộ danh mà đến. Tuy nhiên, vị diễn giả này chỉ chuẩn bị hai đạo cụ: một quả cầu bằng sắt lớn và một cây chùy nhỏ.
Sau khi bước lên sân khấu, ông không nói gì, chỉ lẳng lặng cầm chiếc chùy gõ nhẹ lên không trung. Lúc đầu, khán giả lặng lẽ theo dõi. Thời gian trôi qua, khán giả ở dưới bắt đầu thấy chán nản, phàn nàn và lục tục rời đi. Vị diễn giả vẫn không nói gì, vẫn lặng lẽ cầm chùy kiên trì gõ nhẹ vào quả cầu sắt lớn. Một lúc sau, khán giả ở dưới đã rời đi gần hết.
Đột nhiên, một khán giả nói: “Di chuyển, quả cầu sắt lớn đang di chuyển rồi!”.
Lúc này, vị diễn giả nhẹ nhàng đặt cây chùy xuống và nói: “Cuộc sống cũng giống như quả cầu sắt lớn này, chỉ khi bạn kiên trì gõ liên tục, phép màu sẽ xảy ra!”.
Sức mạnh của sự kiên trì là vô tận, nước chảy đá mòn, Ngu Công dời núi, Tinh Vệ lấp biển… đều là như vậy. Vậy nên, hãy để trẻ biết rằng sự kiên trì có thể biến điều không thể thành có thể.
***
5 điều phải chịu khổ trong đời, cũng là 5 vị đắng mà ai ai cũng đều phải trải qua. Tuy nhiên, trải qua một hồi cay đắng rồi, thì ngọt bùi và hạnh phúc sẽ tìm đến. Nếu các bậc cha mẹ đều có thể giúp con ‘nêm nếm’ được 5 vị đắng này, trẻ sẽ trưởng thành khỏe mạnh, bước đi vững vàng trong cuộc sống.
Vân Hà
Theo tw.aboluowang.com