Cha cho con điểm tựa uy nghiêm và bền vững như núi. Bởi vì cha tu mình, đồng thời dạy con đạo đức làm người.

Cổ nhân có câu: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, ý rằng nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha. Chỉ sáu từ ngắn ngủi nhưng đã toát lên vai trò thiết yếu của người làm cha trong giáo dục con. 

Ngày nay, nghiên cứu của các nhà tâm lý học cũng đưa ra bằng chứng về việc người cha có ảnh hưởng tới con trong rất nhiều phương diện.

Có một nghiên cứu so sánh những người đạt được thành công và không thành công trong xã hội, đã phát hiện rằng sự thành công lớn hay nhỏ của một người có liên quan mật thiết tới cha của họ. Những người thành công lớn trong cuộc sống thường quan hệ thân thiết với cha mình, ngược lại những người ít thành công thường khá xa lánh cha.

Thành tích học tập của trẻ ở trường, khả năng giao tiếp trong xã hội của trẻ cũng liên quan tới cha mình: Nếu quan hệ cha con lạnh nhạt thì thành tích toán học và văn học của trẻ kém hơn, trong quan hệ xã hội cũng không có cảm giác an toàn, thường thiếu tự tin, có biểu hiện lo nghĩ bất an và khó hòa hợp thân thiết với bạn bè.

Đặc biệt, với mỗi cậu bé, cha là hóa thân của sức mạnh, của uy tín và trí tuệ. Cho nên hành vi của cha dù ít dù nhiều cũng âm thầm ảnh hưởng tới con trai mình. Mỗi cậu bé sẽ có được một số nét đặc thù riêng biệt của cha một cách hoàn toàn tự nhiên mà bản thân không hay biết.

Vì vậy, có một người cha đạo đức vững vàng như núi, đồng thời luôn sát sao dạy dỗ con cái quả thực là may mắn lớn cho đứa trẻ và gia đình.

Hoàng đế Khang Hy – chú trọng việc dạy con

Hoàng đế Khang Hy là hiện thân của một người cha mẫu mực như vậy. Mặc dù rất bận rộn, một ngày phải xử lý 300-400 bản tấu trình, nhưng ngày nào Hoàng đế Khang Hy cũng dành 2 tiếng (từ 7 giờ đến 9 giờ sáng) để đích thân tới kiểm tra việc học tập của con trẻ.

Ông sẽ chọn ngẫu nhiên một đoạn kinh thư và yêu cầu một hoàng tử phải đọc thuộc lòng. Hoàng đế Khang Hy nói: “Khi còn trẻ, ta có thể đọc to một cuốn sách 120 lần và sau đó là đọc thuộc lòng nó 120 lần”. 

Hoàng đế Khang Hy còn đặc biệt chú ý đến việc tu thân dưỡng đức của thế hệ sau. Ông đã để lại cuốn “Khang Hy gia huấn” trong đó viết những điều dạy con về cách đối nhân xử thế.

Cổ ngữ có câu: “Thiên đạo vô thân, thường vu thiện nhân” nghĩa là lẽ trời thường đứng về phía người lương thiện. Nhờ dạy con tu thân dưỡng đức, nên các thế hệ sau này của Khang Hy đại đế trở thành những bậc minh quân hiền đức. Từ con trai của ông là Ung Chính cho đến cháu trai Càn Long đều là những bậc hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử, tạo nên thời thái bình thịnh trị mà người ta vẫn gọi là “Khang-Càn thịnh thế”.

Lương Quốc Trị – dạy con học làm người trước khi học vẽ

Cũng trong những năm Càn Long đời Thanh, có một viên quan tên gọi là Lương Quốc Trị. Ông là một vị quan thanh liêm, đạo đức cao thượng. Trên cương vị người cha, ông đã làm được nguyên tắc cơ bản nhất của giáo dục “học làm người trước, học việc sau“.

Một hôm, con trai ông xin học vẽ. Lương Quốc Trị đã nói những lời thấm thía như sau:

Trước khi con học vẽ, phải học cách làm người. Chưa có tư cách của con người, vĩnh viễn không thể trở thành một học gia ưu tú. Nếu con là một bậc quân tử thành thực, chân chính, vậy tranh con vẽ sẽ tràn đầy chính khí, người khác vừa nhìn thấy sẽ đầy ắp linh khí.

Lương Quốc Trị dạy con

Lương Quốc Trị lại kể chuyện về đại gian thần thời Tống là Tần Cối cho con nghe:

Tần Cối quả thực là một người tài hoa, thư pháp rất tốt, nhưng phẩm hạnh lại xấu xa. Sau khi hắn chết đi, chẳng ai muốn gìn giữ thư pháp của hắn. Thực ra không phải mọi người ghét chữ của hắn, mà là ghét bản thân con người hắn.

Lương Quốc Trị dạy con

Cậu bé con gật đầu liên tục, Lương Quốc Trị lại nói:

Thành thực, giữ chữ tín là cái gốc làm người; không nói nhảm, giữ chữ tín, mới có thể quang minh lỗi lạc đứng vững trên đời.

Lương Quốc Trị dạy con

Đứa trẻ khắc ghi lời cha dạy, cả đời tuân thủ nguyên tắc thành thực giữ chữ tín. Sau này trở thành một họa sĩ lớn được người người tôn kính.

Tăng Tử – người cha nghiêm khắc giữ uy tín

Có lẽ không phải người cha nào cũng đọc nhiều sách và có thể nói lời đạo lý thấm nhuần tư tưởng như Lương Quốc Trị. Tuy nhiên, người cha vẫn đang dạy con tu thân dưỡng đức bằng việc tự mình làm gương trong cuộc sống hàng ngày.

Một người cha nghiêm khắc với bản thân là khởi điểm cho người con yêu cầu nghiêm khắc với chính mình. Cho nên, sự tu dưỡng của người cha có sức mạnh giáo dục lớn lao.

Amonashvili, nhà giáo dục nổi tiếng của Nga đã từng nói: “Người cha nên là một người có quyền uy ở nhà. Uy tín của ông càng cao, đứa trẻ càng yêu cầu nghiêm khắc hơn đối với bản thân mình”.

Trong lịch sử có một tấm gương về người cha nghiêm khắc với bản thân mình, giữ uy tín như vậy. Đó là Tăng Tử, một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử.

Một hôm vợ Tăng Tử chuẩn bị đi chợ, con trai nhỏ khóc đòi theo đi. Không biết làm thế nào, nàng liền nói dỗ con: “Con ngoan, nghe lời mẹ, mẹ về sẽ làm thịt lợn cho con ăn nhé”.

Khi nàng đi chợ về, nghe thấy tiếng mài dao trong sân vội chạy vào hỏi Tăng Tử: “Chàng mài dao làm gì thế?”. Tăng Tử trả lời: “Để mổ lợn. Chính nàng đã nói đi chợ về sẽ mổ lợn cho con ăn mà.”

Người vợ đỏ mặt vội nói: “Thiếp chỉ nói đùa để dỗ con thôi, sao chàng lại cho là thật?”

Tăng Tử nói: “Không thể nói chơi với trẻ con được. Trẻ con chưa có khả năng suy xét phán đoán, do đó cha mẹ phải dạy bảo, và nghe theo cha mẹ dạy dỗ. Hôm nay nàng nói dối lừa nó, chính là dạy nó lừa dối người khác. Mẹ lừa dối con thì con sẽ không tin vào mẹ nữa. Thế thì sao có thể dạy con thành chính nhân quân tử được”.

Sau đó Tăng Tử và người vợ cùng đi mổ lợn, còn mời đông bạn bè đến ăn. Mọi người đều hỏi: “Sao lợn chưa lớn mà đã vội thịt rồi?

Tăng Tử kể lại lý do thịt lợn cho mọi người nghe, ai cũng gật gù đồng tình khen Tăng Tử làm như vậy là đúng.

***

Cho dù ở hoàn cảnh nào, người cha cũng không nên đánh mất phẩm chất và ý chí của mình. Hơn nữa, ông càng cần nghiêm khắc tu dưỡng bản thân. Bởi vì ông hiểu rằng điều đó quyết định tương lai của con trẻ.

Khi chú trọng nhân cách bản thân, ông cũng đồng thời thực hiện nguyên tắc cơ bản nhất của giáo dục là “học làm người trước, học việc sau”, cho nên ông thường xuyên dạy con tu thân dưỡng đức.

Video: Ca sĩ – NSND Trung Đức trải nghiệm về Pháp Luân Đại Pháp

videoinfo__video3.dkn.tv||a74ee72d3__