Đại Kỷ Nguyên

Châm ngôn trong giáo dục truyền thống: ‘Không được quên giáo dục tâm hồn cho các thế hệ tương lai’

Trong một xã hội chạy theo khoa học công nghệ như hiện nay, mọi người đều bị cuốn vào cơn lốc đó, đồng thời hướng dẫn thế hệ trẻ của chúng ta chú trọng học những môn như toán học, khoa học, kinh tế,… và hầu như bỏ qua việc giáo dục về các giá trị đạo đức.

Tuy vậy, tại sao những hành vi tiêu cực lại diễn ra ngày một nhiều trong các trường học? Nên chăng đã đến lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi, bản chất của việc giáo dục là gì: Là hướng con người đến một nhân cách tốt đẹp hơn hay là trở thành “nạn nhân” của công nghệ hiện đại?

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói:

Khi giáo dục trí tuệ cho giới trẻ, chúng ta không được quên giáo dục tâm hồn của các thế hệ tương lai.

Câu nói trên thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục trong các trường học, vì ngày này trẻ em dành nhiều thời gian ở trường hơn là ở nhà. Đối với các trường tiểu học ở Mỹ và Nhật Bản, một trẻ em trung bình dành từ sáu đến bảy tiếng đồng hồ học tại trường, thêm vào đó là thời gian dành cho các hoạt động thể chất hay hoạt động ngoại khóa.

Ngày này trẻ em dành nhiều thời gian ở trường hơn là ở nhà. (Ảnh: gettyimages.com)

Đương nhiên, việc giáo dục đạo đức phải có nền tảng từ gia đình. Tất cả các bậc phụ huynh đều cần có trách nhiệm giáo dục cho con cái mình những phẩm chất, thói quen và hành vi tốt. Tuy nhiên, ý tưởng về việc “giáo dục tâm hồn” chỉ nên được thực hiện ở gia đình là không thực tế, bởi chúng ta không thể mong đợi những giá trị này sẽ phát huy tác dụng khi một đứa trẻ chỉ ở nhà vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối. Do đó, các trường học cần đảm nhận trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Giáo dục đạo đức thiếu thốn?

Cô Tina Owen là một giáo viên giảng dạy tiểu học trong hệ thống trường công lập Hoa Kỳ, kể về những ngày khi mẹ cô là một giáo viên từ năm 1963 đến khoảng năm 1987, giáo dục về nhân cách đạo đức và hành vi là một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy. Rất nhiều tổng thống Mỹ như Tổng thống Thomas Jefferson và Benjamin Franklin đều rất quan tâm đến sự ảnh hưởng của giáo dục nhân cách đối với việc duy trì sự thịnh vượng. 

Tuy nhiên, hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng giáo dục đạo đức là điều khá khó khăn, mặc dù nhiều nơi có quy định cụ thể hoặc khuyến khích việc giáo dục nhân cách. Một trong những lý do chính của vấn đề này là vì ngành giáo dục các nơi chỉ tập trung đánh giá chất lượng giảng dạy chạy theo các giáo trình sư phạm và xem xét hiệu quả học tập của học sinh qua việc các em có đạt được tiêu chuẩn kiến thức không, và thường xem nhẹ bồi dưỡng hành vi và tư cách đạo đức cho học sinh.

Vào những năm 60, vấn đề giáo dục đạo đức trong các trường học tại Mỹ rất được coi trọng. (Ảnh dẫn qua Uscourts)

Các em học sinh ngày nay đang làm tổn thương lẫn nhau và tổn thương chính mình. Nhiều nơi học sinh xuất hiện các hành vi xấu về đạo đức như: gây rối với bạn và giáo viên, gây xao lãng cho người khác, gây sự chú ý, kéo bè kéo phái trong lớp và không vâng lời thầy cô. Trong một cuộc thăm dò của Liên đoàn giáo viên Mỹ (AFT), 19% các giáo viên cho biết họ mất khoảng hai hoặc ba giờ, và 17% giáo viên mất khoảng bốn tiếng trở lên mỗi tuần do các hành vi gây rối của học sinh trong giờ giảng dạy.

Dưới áp lực thành tích nặng nề, nhiều giáo viên cho rằng công việc của họ sẽ trở thành quá tải nếu kèm thêm giáo dục đạo đức cho học sinh. Nhiều giáo viên ở cấp tiểu học đã phải mất thời gian vào buổi trưa để ghi lại các hành vi xấu của học sinh, vì họ không thể chỉ việc nêu ra rằng một đứa trẻ nào đó có hành vi gây sự. Họ phải ghi lại các trường hợp như: “John đá một cái ghế, đá bạn Suzy, sau đó còn đe dọa sẽ đá cả tôi”.

Cô Tina chia sẻ rằng: “Giáo dục về hành vi là cả một gánh nặng đối với giáo viên vì thời gian dành cho việc dạy đọc, viết và làm Toán đã là cả một thách thức rồi. Nhiều học sinh có các vấn đề về hành vi và các phụ huynh mong muốn giáo viên sẽ uốn nắn, dạy dỗ các em ở trường học, nhưng bọn trẻ ngày nay chỉ muốn làm theo những gì mình thích“.

Các cuộc thăm dò được thực hiện ở Mỹ cho thấy rằng khoảng 90% người Mỹ đồng tình với các giá trị giảng dạy như trung thực, dân chủ, trách nhiệm. Ông Sanford N. McDonnell, cựu giám đốc điều hành Boeing và cũng là chủ tịch danh dự của Tổ chức quan hệ đối tác giáo dục nhân cách, lưu ý rằng: “Với hàng loạt các vấn đề liên quan đến nhân cách nổi loạn đang tồn tại xung quanh chúng ta, người Mỹ cần phải nhận ra rằng chúng ta nên tập trung bồi dưỡng nhân cách đạo đức tốt trong giới trẻ cũng như cách mà chúng ta đã tập trung vào các điểm số cao trong kiểm tra toán học và khoa học”.

Vì sao giáo dục đạo đức không hiệu quả?

Một số chương trình giáo dục đạo đức được thiết kế để gây tiếng vang trong xã hội hoặc tạo ấn tượng đối với các phụ huynh và học sinh, nhưng không mang lại hiệu quả thực tế. Trong một nghiên cứu năm 2010 được thực hiện bởi Viện Khoa học Giáo dục ở Mỹ, người ta cho rằng những lợi ích của giáo dục nhân cách là không mang lại hiệu quả đáng kể. Sau khi nghiên cứu 84 khu vực chính trên khắp đất nước, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự cải thiện về phẩm chất đạo đức khi so sánh giữa các trường có sử dụng chương trình giáo dục nhân cách và những trường không áp dụng chương trình này. Nguyên nhân là do đâu?

Các chuyên gia cho rằng các phương pháp được áp dụng không hiệu quả là do ban lãnh đạo một số trường học chỉ đơn giản là tuyên bố điều này như một định hướng chung nhưng lại không tận tâm thực hiện: “Họ chỉ cố gắng giảng dạy về đạo đức theo hình thức, trong khi các học sinh không thực sự học được những giá trị đó”.

Anh Alfie Kohn, tác giả của rất nhiều sách về giáo dục và nuôi dạy con cái chia sẻ rằng: “Khi không có sự liền mạch, đồng nhất và nối kết trong giáo dục nhân cách, trẻ sẽ không thật sự học hỏi được những phẩm chất tốt và ứng dụng để xử lý các tình huống khó khăn mới, do đó những việc làm và hành vi tích cực dường như không thể tiếp tục”.

Thật vậy, nếu áp dụng các kỹ thuật để giáo dục nhân cách, ta chỉ có thể thành công trong việc tạm thời xây dựng một hành vi cụ thể. Khi trẻ không được xây dựng những giá trị đạo đức nền tảng, không hiểu được ý nghĩa thật sự của việc đạt được nhân cách tốt, không được giáo dục tận tâm và thường xuyên, thì thế hệ trẻ sẽ rất khó có thể học hỏi và thay đổi hành vi được.

Thực hành giáo dục đạo đức tại các trường học Nhật Bản

Từ đạo đức xuất phát từ tiếng gốc Latin (mos, moris) và có nghĩa là quy tắc hoặc phong tục của một người, là cách một người kết nối và hòa hợp với mọi người trong xã hội. Mục tiêu là dạy trẻ em những bài học về đạo đức, về các giá trị truyền thống, tính dân tộc, quyền và nghĩa vụ công dân, tác phong, lối sống hòa thuận…Điều này cũng bao gồm giáo dục kỹ năng sống, thực hành các nguyên tắc về đạo đức, hướng dẫn các phương pháp giải quyết xung đột. Tóm lại, đó là việc giảng dạy những hành vi và giá trị tốt cho trẻ nhỏ.

(Ảnh dẫn qua eyeni.biz)

Giáo dục đạo đức là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản. Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết mục tiêu của họ là: “Bồi dưỡng đạo đức của học sinh, bao gồm nhân cách đạo đức, khả năng phán xét, tinh thần trách nhiệm và thái độ tích cực”. Thông qua tất cả các hoạt động giáo dục ở trường. Học sinh sẽ được học về tính kỷ luật, trung thực, làm việc chăm chỉ, công bằng, hòa hợp trong các mối quan hệ giữa người với người và với thiên nhiên. Chương trình học ở các trường có ít nhất một giờ học mỗi tuần được dành cho giáo dục đạo đức.

Bắt đầu từ năm học 2018, chương trình “dotoku” (giáo dục đạo đức) này sẽ là một “chuyên đề” chính thức ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, thay vì xem nó như hoạt động bổ sung trong nhiều năm qua. Nguyên nhân cho sự thay đổi này là do có những trường hợp bắt nạt bạn học nghiêm trọng xảy ra trong trường học, kể cả có trường hợp dẫn đến việc tự tử của một học sinh trung học ở Otsu năm 2011.

(Ảnh dẫn qua news.readmoo.com)

Một người mẹ Mỹ đã trải qua chuyến du lịch Nhật Bản rất ấn tượng về tinh thần trách nhiệm và tác phong của học sinh nhỏ ở Nhật Bản, cô chia sẻ: “Học đạo đức ở độ tuổi còn nhỏ là rất lý tưởng. Trẻ em sẽ luôn có đủ thời gian để học các kiến thức, nhưng việc học phẩm chất tốt và kỹ năng sống cần bắt đầu từ nhỏ vì điều đó rất quan trọng”.

Việc thực hiện giáo dục đạo đức hiệu quả có thể kể đến là ở một trường học ở Alaska. Hiệu trưởng vào thăm một lớp học hàng ngày, ông ngồi xuống và quan sát. Ông có mối quan hệ tuyệt vời với các học sinh và biết những gì đang xảy ra trong mỗi lớp học. Nếu ông nhìn thấy hành vi không thích hợp, ông sẽ chấn chỉnh ngay lập tức. Khi các học sinh xuống xe buýt, ông luôn ở đó để chào đón các em. Điều này tạo ra sự gắn kết trong ngôi trường khi cả học sinh và giáo viên đều được khuyến khích tham gia việc thực hành những các giá trị đạo đức tốt.

(Ảnh dẫn qua Topsimages)

Một giáo viên cho biết: “Các giáo viên muốn dạy học sinh của họ về đạo đức, khi các em học sinh cư xử tốt và quan tâm đến người khác, điểm số các em sẽ được tăng thêm”. Trong những trường học Nhật Bản, các giáo viên rất chú trọng việc rèn luyện đạo đức và các kỹ năng sống trong việc giảng dạy. Cô Tomoko Rossiter, người sinh ra và lớn lên ở thành phố Kure, Hiroshima, nhớ lại cách giáo dục đạo đức này một cách rất sâu sắc trong quá trình học tập của mình ở trường và cho biết cô được học ít nhất một đến hai giờ mỗi tuần về các chủ đề liên quan đến đạo đức.

“Chúng tôi thường quyết định chủ đề và vào hàng tuần các lớp trưởng sẽ tổ chức cho cả lớp thảo luận. Tôi ấn tượng về một lần khi tôi khoảng 10 tuổi, chúng tôi đã thảo luận về một bạn gái bị ghét trong lớp. Chúng tôi cùng đánh giá về hành vi của mình và đưa ra cách chúng tôi có thể cải thiện. Tôi vẫn nhớ rằng bạn gái đó đã đứng lên và xúc động nói: “Cảm ơn vì đã không bỏ rơi mình và cho mình vào nhóm của các bạn”. Điều này giúp Tomoko hiểu rằng “điều quan trọng là đặt mình vào vị trí của một ai đó để suy nghĩ và hiểu cho hoàn cảnh của họ”. Đối với cô, nhà trường là một nơi lý tưởng để học hỏi từ bạn bè.

Ở Nhật, các trường học và giáo viên tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản hơn là các quan điểm cá nhân. Một số giá trị đạo đức học sinh được dạy bao gồm cách tôn trọng người già, chăm sóc động vật, tôn trọng cha mẹ, giúp đỡ những người khuyết tật, và phối hợp với nhau…Bên cạnh đó, các em học sinh tiểu học cũng thay phiên nhau nhận trách nhiệm dọn dẹp lớp học sau giờ học, phục vụ bữa ăn trưa, chăm sóc cây cối hoặc vật nuôi của trường như thỏ hoặc cá.

Người dân ở đất nước mặt trời mọc này đều tin vào một câu khẩu quyết: “Đạo đức càng được củng cố, thì càng tốt hơn cho trẻ”. Trẻ em sẽ biết rằng mọi người có ý kiến khác nhau và điều này giúp chúng cư xử với những người khác bằng một thái độ tích cực. Ngoài ra, trẻ nhỏ còn có khả năng quan sát và học hỏi rất tốt, chúng luôn luôn quan sát cha mẹ mình ở nhà và các giáo viên ở trường. Vì thế ở đây, các giá trị đạo đức hay các phẩm chất tốt của trẻ phải cùng được bồi dưỡng, rèn luyện từ gia đình và trường học.

Giáo dục đạo đức tạo nên một xã hội tốt đẹp. (Ảnh dẫn qua Schoolguide)

Để hiểu được tầm quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, Cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Về lâu dài, nhân cách của một người là yếu tố quyết định trong cuộc đời của một cá nhân cũng như của các quốc gia”.

Do đó, thật vô nghĩa khi tranh luận xem các giá trị đạo đức có thực sự quan trọng để được giáo dục hay không, hay: “Ai là người chịu trách nhiệm cho việc giáo dục đạo đức?” Tất cả những người lớn chúng ta đều phải chịu trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho con em chúng ta, cho học sinh chúng ta, bởi đó là cách tất yếu để nâng cao phẩm cách con người và giảm bớt sự suy đồi đạo đức. Để đào tạo nên một thế hệ trẻ biết thế nào là công bằng và bao dung, biết thế nào là yêu thương và sẻ chia, và hiểu được thế nào là sống chân thành và ngay thẳng, thì lúc này đây, mỗi người lớn chúng ta hãy nhận trách nhiệm giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ về mình.

Viết bởi Inez Maubane Jones ,

Tâm An biên dịch

Exit mobile version