Đại Kỷ Nguyên

Chỉ cần nhìn vào việc nói chuyện giữa cha mẹ và con là có thể dự đoán tương lai của con trẻ

Trưởng thành trong hoàn cảnh thiếu thốn ngôn ngữ và chuyện trò, sẽ có nhiều trở ngại cho sự phát triển trí lực của trẻ, thậm chí còn gây tổn thương đến não bộ của trẻ.

Liệu có hay không một loại phương pháp giáo dục, mà từ đó có thể dự đoán được mức độ thành công, thậm chí là dự đoán được giàu hay nghèo của một đứa trẻ trong tương lai?

Có lẽ là không có, nếu có, thì không phải là thầy tướng số sao?

Nhưng mà, thời gian gần đây tôi có tìm hiểu và thu thập một số tài liệu về giáo dục, và phát hiện thấy không ít nội dung rất hay, đồng thời còn có những kết luận rất quý về bồi dưỡng, giáo dục trẻ. Mà một trong những kết luận đó là: phương thức đối thoại giữa cha mẹ và con cái.

1. Cha mẹ đối thoại với con cái càng nhiều, con càng thông minh

Khi con trẻ hỏi một vấn đề, hoặc là nêu một ý kiến nào đó thì bạn sẽ kiên nhẫn trả lời đồng thời gợi ý kích thích trí tò mò của trẻ, hay là chỉ gật gật đầu cho xong, hoặc là không mấy để ý chỉ trả lời cho qua, và cuộc đối thoại dừng ở đây?

Cha mẹ thông minh sẽ biết cách khéo léo đem vấn đề của trẻ mở rộng trở thành cuộc đối thoại qua lại tới 5 -6 câu nói hoặc sẽ giải thích rất cặn kẽ. Làm như vậy có thể nâng cao chỉ số thông minh cho trẻ, đồng thời có thể kích thích lòng hiếu kỳ và ham học hỏi ở trẻ.

Ở Mỹ, trước đây có một thiên tài vật lý, tên là Richard Feynman, ông từng đạt giải Nobel vật lý vào năm 1965.

Tôi đã sưu tầm rất nhiều tài liệu về tuổi thơ của Richard Feynman, và phát hiện cha của R.Feynman đối thoại với con trai như sau:

Người cha cùng R.Feynman đang xem đến phần khủng long trong “bách khoa toàn thư”.

– Ba ơi, bạo long là con quỷ gì?

– Bạo long là một con vật cao 25 thước Anh, đầu của nó lớn tới 6 thước Anh. Vậy con có biết 25 thước Anh là cao cỡ nào không?

– Dạ không, vậy cao cỡ nào hả ba?

– Như thế này nhé, nếu con bạo long đứng ở trước sân nhà chúng ta, thì đầu của nó có thể duỗi đến cửa sổ phòng ngủ ở lầu hai nhà chúng ta”.

R.Feynman: “Oa, thật là to lớn.

– Thế con có biết 6 thước Anh là lớn cỡ nào không?

– Nó còn to hơn đĩa bay của con sao?

– Bề rộng của nó còn to hơn cửa sổ nhà chúng ta, nếu nó muốn đưa đầu của nó qua cửa sổ, thì khung cửa sổ nhà chúng ta chắc hẵn sẽ bị phá hư.

– Như vậy bạo long sẽ giẫm đạp những con thú khác trong sở thú mất!

Cha của R.Feynman: Con sẽ không thể nhìn thấy bạo long ở Sở thú được đâu, bời vì khoảng 6500 vạn năm về trước nó đã tuyệt chủng không còn. Con có biết vì sao nó lại bị tuyệt chủng không?

– Vì sao ạ? Ba nhanh nói cho con biết đi!

Cứ như thế, một hỏi một trả lời, người cha đã thành công khơi dậy lòng hiếu kỳ của con trai, kích thích tinh thần đặt câu hỏi và sức tưởng tượng, mỗi một lần đối thoại đều có tác dụng bổ sung thêm kiến thức mới lạ, dẫn dắt con trai tìm tòi nghiên cứu tri thức càng sâu.

Cha mẹ đối thoại với con cái càng nhiều, con càng thông minh
Richard Feynman – nhà khoa học vĩ đại và nhà giáo dục lỗi lạc. (Ảnh: britannica.com)

Richard Feynman chỉ là một ví dụ điển hình. Trong mỗi gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, việc đối thoại qua lại nhiều lần giữa cha mẹ và con cái, là nền tảng giáo dục bí mật của họ, cũng là một lợi khí cho trẻ nhỏ.

Vậy thì ở một số những gia đình khác, đối thoại với con trẻ như thế nào đây?

Con trẻ: “Mẹ ơi, mẹ mau nhìn con chim nhỏ kia thật là đẹp”.

Mẹ: (ngẩng đầu lên khỏi màn hình di động, cũng không hề nhìn xung quanh): ừ, thật đẹp.

Con trẻ: Mẹ ơi, con chim nhỏ kêu tên gì vậy ạ?

Mẹ: Chim đỗ quyên

Con trẻ: Mẹ ơi, nhà của đỗ quyên ở đâu vậy mẹ?

Mẹ: Con có thôi đi không. Mẹ đã mệt lắm rồi, con có để mẹ nghỉ ngơi một lúc không?

Con trẻ: … (tức thời im lặng)

Vậy thì các bậc cha mẹ biết nên làm thế nào chưa? Hãy cổ vũ, khuyến khích lòng hiếu kỳ của trẻ, dẫn dắt trẻ đặt ra nhiều câu hỏi, tốt nhất là nên đối thoại qua lại thật nhiều, đến khi trẻ hài lòng với những điều bí ẩn của thế giới, thì lúc đó cha mẹ mới làm hết trách nhiệm với con.

Hãy cổ vũ, khuyến khích lòng hiếu kỳ của trẻ, dẫn dắt trẻ đặt ra nhiều câu hỏi. (Ảnh: istockphoto.com)

2. Cha mẹ chú trọng tính cảm hứng hay là chú trọng tính chấp hành?

Ngày nay có không ít bà mẹ luôn băn khoăn: làm thế nào để trẻ nhỏ nghe lời? Làm thế nào để cho trẻ bớt nghịch ngợm, cha mẹ bớt lo?

Tôi xin không trả lời trực tiếp vấn đề này, mà kể ra một sự việc như sau:

Vào năm 2013, tôi đang ở nước Mỹ để chờ ngày sinh. Tôi lại lái xe rất tệ, chồng tôi không dám cho tôi tự lái xe đi, cho nên mỗi ngày đành phải bê cái bụng bự đến một nhà văn hóa cộng đồng dưới chân núi để xem vẽ tranh, nhìn trẻ nhỏ vui chơi. Lâu ngày nên tôi cũng có nhận biết một số đứa trẻ.

Nơi tôi ở là khu phố Walnut rất giàu có. Hôm ấy tôi đã được nghe một đoạn đối thoại của bọn trẻ như thế này:

– Một cậu bé hỏi: Who created us? (ai sáng tạo ra chúng ta?)

– Một cậu bé khác đến từ khu West Covina nói: God created us. (là Thượng Đế sáng tạo ra chúng ta).

– Một cô bé lập tức hỏi lại: Who created God, then? (vậy, là ai sáng tạo Thượng Đế đây?)

Nghe vậy tôi rất giật mình, một cô bé còn nhỏ, nhìn qua khoảng ba, bốn tuổi, lại có can đảm để hỏi ngược lại từ một đáp án. Nhìn tôi ngạc nhiên như vậy, người quản lý ở đó cười nói: “Những đứa trẻ này, dù ở nhà hay đi nhà trẻ đều được giáo dục như vậy, từ nhỏ đã được bồi dưỡng năng lực đặt câu hỏi, một việc nho nhỏ cũng có thể đặt ra nhiều kiểu câu hỏi, nếu không hỏi cha mẹ đến ngọn nguồn sự việc thì sẽ không dừng lại”.

Các bậc cha mẹ nên biết rằng, nếu trẻ nhỏ không đặt ra câu hỏi cho những nghi vấn của mình mà chỉ biết nghe lời người lớn, thì khi lớn lên sẽ chỉ biết nghe theo người khác mà làm việc, bởi vì từ nhỏ không được bồi dưỡng tinh thần tự hỏi, đặt câu hỏi.

Bồi dưỡng tinh thần tự hỏi, đặt câu hỏi cũng chính là giúp trẻ hình thành tính cách tự lập. (Ảnh: armymwr.com)

Xin kể tiếp một chuyện khác.

Công việc của chồng tôi liên quan đến khoa học kỹ thuật, thường hay đi công tác ở nước ngoài, và có khá nhiều đồng nghiệp rất giỏi, mà họ là người Israel. Được biết người Do Thái rất lấy làm kiêu hãnh trong việc giáo dục con cái, nhưng hồi đầu mới tiếp xúc chồng tôi có ấn tượng rất không tốt đối với những đứa trẻ người Israel, vì những đứa trẻ này ra ngoài nghịch ngợm không có quy củ đã đành, chúng còn nói liên tục rất ồn ào, thỉnh thoảng còn chạy nhảy lung tung.

Nhưng về sau, những đồng nghiệp người Israel này nói cho chồng tôi biết tại sao họ kiêu hãnh về giáo dục của họ

Nói đơn giản là: ở Israel thực hiện phương thức giáo dục gọi là “Havruta”, có nghĩa là “Đôi bạn” cùng học, phương pháp này cũng được áp dụng trong việc học kinh thánh của đạo Do Thái. Cứ hai học sinh làm thành một cặp học bằng cách đặt ra câu hỏi và trả lời với nhau, dùng phương pháp biện luận trao đổi tranh luận với nhau, tìm ra chứng cứ và lý lẽ để bảo vệ ý kiến của mình. Phương pháp này bắt buộc học sinh phải sử dụng tư duy, suy nghĩ, ý kiến của bản thân để tranh luận, phân tích sắp xếp và giải thích các chuỗi suy nghĩ một cách logic và hợp lý để bạn học đồng hành cùng hiểu, đồng thời còn chú ý lắng nghe ý kiến của bạn đồng hành. Đôi bạn cùng học này sẽ chỉ ra và sửa chữa những khuyết điểm của nhau, đồng thời cùng nhau bổ sung ý tưởng và nâng cao trình độ lẫn nhau.

Người bạn đồng nghiệp này của chồng tôi có hai người con trai, một đứa 8 tuổi và đứa kia 2 tuổi, cả hai cùng ngủ chung trong một phòng. Cậu bé 8 tuổi thường hay đọc sách đến khuya mới đi ngủ, nên cha mẹ cậu nói với cậu: “Hy vọng con có thể ngủ sớm một chút, con không nên đọc sách đến khuya, nếu không sẽ ảnh hưởng giấc ngủ của em con, như vậy cả hai anh em đều không được ngủ ngon”.

Cậu bé cùng cha mẹ tranh luận qua lại mấy lần, sau đó cậu suy nghĩ và nói: “Con đã lớn rồi, không giống như em còn nhỏ cần phải ngủ nhiều giờ. Con có một chủ ý, mỗi đêm con sẽ dỗ cho em đi ngủ, chờ em ngủ rồi con sẽ đến phòng cha mẹ đọc sách khoảng nửa giờ, khoảng 10h30 con sẽ quay về phòng mình đi ngủ. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến ai cả”.

Cha mẹ cậu bé rất lấy làm tự hào khi kể chuyện này cho vợ chồng chúng tôi nghe, tôi thật sự thán phục phương pháp giáo dục của họ thông qua câu chuyện này.

Israel là một quốc gia bồi xuất ra nhiều nhân tài như: nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein, nhà văn Franz Kafka, một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20… Chắc hẳn họ đều là những người được thừa hưởng nền giáo dục đặc biệt của người Do Thái, được cha mẹ tạo cơ hội để đối thoại qua lại nhiều lần, được khuyến khích đặt câu hỏi, nghi vấn…

Người bạn đồng nghiệp người Israel của chồng tôi còn nói rằng: “Ở nước của các vị, người cha đi làm về nhà liền chỉ biết cầm điện thoại chơi, mà những người cha người Do Thái khi đi làm về nhà thì cùng con cái nói chuyện phiếm. Trẻ nhỏ người Do Thái nếu có nghi vấn thì trước tiên sẽ hỏi cha mẹ mình. Bọn chúng thường sẽ cùng cha mẹ tranh luận những ý kiến và cả những quyết định trong gia đình hoặc về bản thân chúng”.

Cách giáo dục của người Do Thái đã tạo nên rất nhiều nhân tài cho thế giới. (Ảnh: jpost.com)

3. Vậy bạn dùng phương thức nào để đối thoại với con cái?

Có câu nói rằng: “Một trăm năm sau, bạn đi xe gì, ở nhà như thế nào, kiếm được nhiều hay ít tiền đều không quan trọng. Mà điều liên trọng yếu nhất chính là bạn nuôi dưỡng con bạn thế nào”.

Cũng có người rút ra rằng: “Mười tám năm sau con của bạn lớn lên, những chi tiết nuôi dưỡng như thế nào không quan trọng, mà điều quan trọng nhất chính là, cuối cùng bạn đã dùng phương thức gì cùng đối thoại với con!”.

Các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, muốn làm bậc cha mẹ thông thái, hãy cùng con trẻ đối thoại qua lại thật nhiều, hơn nữa hãy khuyến khích cho con trẻ đặt câu hỏi.

Theo tw.aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version