Đại Kỷ Nguyên

Chỉ mất 1 phút lắng nghe, điều tôi nhận được là khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ của con trẻ

Nếu hôm ấy khi bước vào lớp, tôi chỉ vội vàng la mắng mà không lắng nghe câu chuyện của Minh và An thì có lẽ tôi sẽ không có cơ hội chứng kiến thái độ hiền hòa và khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ của bọn trẻ. Tôi đã lắng nghe câu chuyện của bọn trẻ. Chỉ đơn thuần có vậy thôi.

Hồi tôi còn là giáo viên, có một chuyện đã xảy ra.

Một buổi sáng, khi tôi đang ở phòng chờ dành cho giáo viên thì có mấy đứa nhỏ ở lớp tôi chủ nhiệm cuống cuồng chạy vào gọi tôi. “Cô ơi cô! Cô lên lớp ngay bây giờ đi cô!”

Bọn trẻ thở hổn hển trông có vẻ rất nghiêm trọng. Tôi mặc dù cũng đang rất hồi hộp nhưng trong thâm tâm vẫn tự trấn tĩnh: “Bình tĩnh nào! Bình tĩnh nào!” rồi tôi nhẹ nhàng nói với bọn trẻ.

“Cô biết rồi. Giờ cô lên lớp đây. Có chuyện gì thế các con?” Sau đó bọn trẻ nói thế này. “Bạn Minh và bạn An đang đánh nhau cô ạ.”

Khi tôi bước vào lớp thì thấy quả thực Minh và An đang đánh cãi nhau rất dữ dội. “Có chuyện gì thế các con? Kể cho cô nghe xem nào.” Tôi vừa nói thế, cả Minh và An đều đang rất kích động nên bắt đầu đồng thanh nói với giọng cao vút.

“Nếu các con cùng nói như thế cô sẽ không nghe được gì đâu. Nên các con hãy lần lượt kể cho cô nghe nhé. Nào Minh nói cho cô nghe trước nhé. Rồi cô cũng sẽ nghe câu chuyện của An nên con đợi cô một lát nhé.”

Nào Minh nói cho cô nghe trước nhé. (Ảnh: cryptorich)

Sau đó cậu bé Minh nước mắt còn đầm đìa trên mặt bắt đầu nói cho tôi nghe suy nghĩ của mình.

“Thưa cô, chuyện là thế này ạ. Sáng nay lúc con đến lớp thì bọn ấu trùng bướm mà bọn con nuôi đã biến thành bướm rồi ạ. Bọn con rất vui. Nhưng hôm nay bạn Tâm nghỉ học. Con muốn mau mau thả chúng ra ngoài nhưng mà bạn An lại bảo là cứ để nó trong lồng cho bạn Tâm xem đã. Như thế thì con bướm thật đáng thương phải không cô?”

“Ra là thế. Cô cảm ơn bạn Minh đã kể câu chuyện cho cô nghe nhé. Bạn Minh chỉ muốn thả con bướm ra ngoài tự do với thiên nhiên thôi phải không nào?”. Sau đó tôi quay sang An và nói với con “Bạn An đã đợi cô từ nãy tới giờ, cô cảm ơn con. Bạn An cũng kể câu chuyện của con cho cô nghe được không?”

“Vì bọn con cùng nhau nuôi ấu trùng nên con cũng muốn cho cả Tâm xem nữa nhưng hôm nay bạn ấy nghỉ. Con nghĩ chắc bạn Tâm cũng muốn nhìn thấy hình dáng của mấy con ấu trùng đã trở thành con bướm. Cho nên, cho nên…”

“Cô biết rồi. Bạn An chỉ là muốn cho cả bạn Tâm xem thôi đúng không nào? Cảm ơn con đã kể cho cô câu chuyện của con”. Rồi tôi lại tiếp tục nói:

“Cô nghĩ rằng suy nghĩ của cả bạn Minh và bạn An đều rất tốt. Cả hai con đều có một trái tim rất nhân hậu, cô cảm thấy rất ngưỡng mộ các con. Thế nhưng, bạn bè tuyệt đối không được đánh cãi nhau. Các con có hiểu không nào? Cả hai bạn đều cúi gằm mặt xuống và gật đầu đồng ý.” Lúc ấy, tôi nghĩ đó là vấn đề tốt nên tôi nhanh chóng cho cả lớp thảo luận vấn đề này. Vì nếu tôi giải thích cho lũ trẻ thì sẽ có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Sau đó, tự nhiên có một đứa trẻ đứng lên tóm tắt lại mọi chuyện như một nhóm trưởng và tất cả cùng bắt đầu thảo luận rất nghiêm túc.

Tôi phó thác toàn bộ cho bọn trẻ và hoàn toàn chỉ nghe cuộc thảo luận của chúng. Bọn trẻ đang cùng nhau trao đổi rất thẳng thắn và sôi nổi:

Dù tôi không can thiệp nhưng bọn trẻ vẫn cùng nhau thảo luận thẳng thắn nhưng không tỏ ra gay gắt với nhau, chúng đã cùng nhau thảo luận để tự mình giải quyết vấn đề, điều này khiến tôi rất cảm động. (Ảnh: pinterest.com)

“Bạn Minh nói đúng. Cuối cùng thì con nhộng đã trở thành con bướm và có thể bay rồi nên tớ muốn cho chúng tự do bay lượn đến những nơi rộng rãi. Bạn An mới đúng chứ nhưng tớ cũng thương bướm như Minh vậy.”

Trong cuộc thảo luận bọn trẻ đều không phủ định ý kiến của Minh hay An. Chúng vừa tiếp nhận ý kiến của đối phương lại vừa đưa ra quan điểm của mình kiểu như: nhưng tớ nghĩ thế này, tớ nghĩ thế kia. Sau đó, từng đứa lại nghe câu chuyện của bạn khác một cách rất nghiêm túc.

Dù tôi không can thiệp nhưng bọn trẻ vẫn cùng nhau thảo luận thẳng thắn nhưng không tỏ ra gay gắt với nhau, chúng đã cùng nhau thảo luận để tự mình giải quyết vấn đề, điều này khiến tôi rất cảm động.

Khi đó, tôi nhận ra rằng, bọn trẻ trước giờ vốn đã có sẵn khả năng có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Thế đấy, tôi đã nghĩ giáo viên phải có nhiệm vụ “dạy dỗ” thế nhưng không phải vậy. Chính xác là dù có sự “dạy dỗ” thì tôi nghĩ là công việc của các thầy cô giáo không phải là thúc đẩy các con một cách mạnh mẽ, mà là kiên trì tạo động lực đánh thức khả năng của con trẻ và cổ vũ con cho đến cùng. Vì có những việc xảy ra mà năng lực sẵn có của con trẻ thể hiện ngay trước mắt chúng ta.

Lớp học tập trung rất nhiều học sinh có tính cách và suy nghĩ khác nhau. Tất nhiên, bọn trẻ sẽ không tránh khỏi những lúc bất đồng. Thế nhưng, giáo viên phải cho bọn trẻ thấy mâu thuẫn không phải giải quyết bằng bạo lực và áp lực, mà là cùng kết hợp với bạn bè để giải quyết bằng ngôn ngữ, lý lẽ. Sau này khi các con trở thành những người trưởng thành thì thái độ này sẽ rất quan trọng để các con tiếp tục sống trong xã hội.

Giáo viên phải cho bọn trẻ thấy mâu thuẫn không phải giải quyết bằng bạo lực và áp lực, mà là cùng kết hợp với bạn bè để giải quyết bằng ngôn ngữ, lý lẽ. (Ảnh: dilusso.com)

Cuối cùng, bọn trẻ đã quyết định là sẽ chụp hình và quay video chú bướm và thả nó ra ngoài. Tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh tất cả bọn trẻ cùng đứng xếp hàng bên cửa sổ lớp học và thả chú bướm ra ngoài trời.

“Tạm biệt! Chúc bạn sẽ có một chuyến du lịch thật vui nhé!, Hãy có thêm bạn mới và vui vẻ nhé!, Hẹn gặp lại ở đâu đó nhé!”. Bọn trẻ vừa nói vừa vẫy tay không ngừng.

Nếu hôm ấy khi bước vào lớp, tôi chỉ vội vàng la mắng mà không lắng nghe câu chuyện của Minh và An thì có lẽ tôi sẽ không có cơ hội chứng kiến thái độ hiền hòa và khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ của bọn trẻ. Tôi đã lắng nghe câu chuyện của bọn trẻ. Chỉ đơn thuần có vậy thôi. Và tôi đã có thể lắng nghe chúng.

Đối với câu chuyện mà bọn trẻ kể với chúng ta, chúng ta có thể đồng cảm và hưởng ứng với con kiểu như “Vậy à con?, Mẹ cũng nghĩ thế!”. Cho dù chúng ta chỉ ngồi nghe con nói thôi cũng khiến con cảm thấy rất vui và thích thú rồi.

Mặc dù nói vậy, nhưng ngay cả bản thân tôi cũng không thể quen ngay được với việc này. Hồi đầu, lúc con đang nói tôi còn cắt lời cậu bé con tôi hoặc xen ngang, nói một câu rất phiến diện kiểu như “Thế cho nên là như thế này à con?”. Có nhiều lúc tôi làm như đang nghe con nói nhưng tâm trí lại để đi chỗ khác.

Trong khi tích lũy dần kinh nghiệm, tôi đã tự mò mẫm tìm hiểu xem nên giao tiếp với con như thế nào, hay tự hỏi liệu lũ trẻ có thể suy nghĩ và giải quyết vấn đề của chúng mà không cần tôi can thiệp không.

Tôn trọng, tin tưởng và đồng cảm với con chính là nền tảng của sự khích lệ, cuối cùng tôi nghĩ vậy. Nếu chúng ta ghi nhớ những điều này thì tôi nghĩ thông điệp khích lệ mà chúng ta muốn gửi đi chắc chắn sẽ tới được trái tim con trẻ.

Hồng Ân

 

Exit mobile version