Đôi khi phụ huynh thường than thở không còn được nghe con tâm sự, không được trẻ chia sẻ hay kết bạn nên không biết chúng nghĩ gì, làm gì. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý học cho biết quy tắc 3 phút để giúp cha mẹ lấy được niềm tin ở con cái.
Thông thường, chúng ta mất 30 phút để nấu bữa tối, 15 phút đọc sách cho con và vài tíc tắc cho một cái thơm. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Nataliya Sirotich, Đại học Toronto, Canada, cha mẹ cần dành ra 3 phút thực sự chất lượng để gây dựng sự tin tưởng ở con cái.
Quy tắc 3 phút là gì?
Hãy thể hiện như thể đã xa con nhau lâu lắm, ngay cả khi bạn mới vừa gặp chúng 5 phút trước. Nhìn vào mắt con, dành ra 3 phút để ôm chúng vào lòng, hỏi về những điều chúng vừa trải qua khi vắng mặt bạn. Thời điểm đón con sau buổi tan học hoặc khi bạn đi làm về là lúc nên áp dụng quy tắc này nhất
Tại sao nguyên tắc này hiệu quả?
Chuyên gia tâm lý đã chỉ ra, trong những phút đầu gặp nhau, trẻ sẽ kể hết mọi thông tin chúng nhớ được.
Điểm đặc biệt của quy tắc này chính là cách kích thích sự tương tác của trẻ. Khi còn nhỏ, trẻ thích nói và dễ chia sẻ hơn. Thói quen này nếu được hình thành sớm thì ngay cả khi con cái lớn dần theo năm tháng, chúng vẫn sẽ giữ thói quen tâm sự với cha mẹ về điều trong cuộc sống.
Nếu cha mẹ không biết cách lắng nghe những câu chuyện nhỏ của con, chúng sẽ chia sẻ ít dần, và rồi, ngay cả khi gặp những vấn đề nghiêm trọng chúng cũng không muốn kể cho cha mẹ. Khi đó, cha mẹ có thể bỏ lỡ nhiều sự kiện đặc biệt.
Điều cần chú ý:
Nguyên tắc 3 phút không có nghĩa là chỉ dành 3 phút/ngày cho con, mà là phải dành 3 phút bên con ngay sau khi trẻ vừa trải qua một sự kiện vắng mặt cha mẹ. Sau một buổi học, một buổi liên hoan, hay thậm chí chỉ là sau vài phút trẻ chạy ra đường chơi với bạn. Trẻ sẽ dễ nhớ để kể lại mọi chuyện vừa xảy ra trong thời gian gần.
Để đạt được mức độ thấu hiểu trẻ, các chuyên gia tâm lý gợi ý cha mẹ nên làm những điều sau:
– Dành thời gian mỗi ngày để cùng làm điều con thích.
– Lặp lại thông tin trẻ vừa kể để trẻ biết cha mẹ lắng nghe lời chúng nói.
– Không quá cường điệu giả vờ vui mừng lúc gặp con.
– Sau này, thỉnh thoảng có thể nhắc lại câu chuyện để trẻ biết cha mẹ thực sự để tâm lời chúng nói.
– Tránh tranh luận, phê phán hay dạy dỗ con ngay lập tức ngay cả khi cảm thấy con cần uốn nắn hành vi. Nếu trẻ vừa kể chuyện đã gặp phản ứng tiêu cực của cha mẹ thì sẽ không muốn tiếp tục chia sẻ những lần sau.
Ảnh: Brightside
Minh Lan