Đại Kỷ Nguyên

Chìa khóa nuôi dưỡng những đứa trẻ tốt bụng và thành đạt

Chìa khóa nuôi dạy nên những đứa trẻ tốt bụng không phải ở những bài học đạo đức trong sách giáo khoa, hay những lý thuyết về lòng trắc ẩn mà người lớn vẫn thường rao giảng…

Trẻ nhỏ tin vào hành động của người lớn chứ không phải lời nói

Richard Weissbourd, một nhà tâm lý học Harvard, nhà sáng lập dự án Making Caring Common đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 10.000 học sinh trung học từ 33 trường trên khắp đất nước nhằm tìm ra phương cách nuôi dưỡng những đứa trẻ tốt bụng. 

Trong báo cáo về tác phẩm “Những đứa trẻ mà chúng ta định nuôi dưỡng”, ông và các cộng sự của mình cho rằng chìa khóa để trau dồi phẩm hạnh cho trẻ là tập trung phần nhiều vào những hành động của người lớn chứ không phải lời nói. Theo đó, họ ghi nhận rằng: “Trẻ nhỏ sẽ không tiếp nhận sự dạy dỗ của người lớn nếu chúng không thấy họ hành động chính trực hơn chúng.”

Ảnh minh họa: artforkids.com.

Những giá trị sống mà các em theo đuổi là sự phản chiếu lại những điều mà chúng nghĩ rằng cha mẹ và thầy cô của mình coi trọng hơn. Trong đó, đa số các em đều cho rằng bố mẹ tự hào về các con khi được điểm cao trong lớp hơn là khi chúng quan tâm đến các bạn xung quanh.

Khoảng 80% nói rằng cha mẹ chúng quan tâm đến thành công hoặc hạnh phúc của con mình hơn là việc chúng chăm sóc cho người khác. Và, hầu hết ban giám hiệu và các thầy cô đều đồng ý rằng các bậc phụ huynh ưu tiên cho thành tích học tập của con hơn là sự quan tâm của con dành cho người khác.

Mặc dù kết quả của nghiên cứu đó không khẳng định rằng trẻ con hoàn toàn vô tâm với người khác nhưng nó cũng đã chỉ ra một thực tiễn rằng, đa phần những đứa trẻ đều đặt sự quan tâm đến người khác sau lợi ích cá nhân của mình. Đây là kết quả từ sự “kỳ vọng và mong muốn” của người lớn, mà cụ thể là cha mẹ và nhà trường. 

Ảnh minh họa: webtretho.com.

Trong khi các bậc phụ huynh thường muốn con cái sống tử tế và biết quan tâm đến người khác, tuy nhiên, những hành động và thông điệp hằng ngày của họ về thành tích, thành công hoặc hạnh phúc cá nhân lại đang “dìm chết” lòng vị tha của những đứa trẻ. 

Cũng bởi cha mẹ không thể dạy con trẻ quan tâm đến người khác trong khi bản thân luôn sống ích kỷ. Họ càng không thể giáo dục đứa trẻ trở nên lương thiện khi mà chính họ cũng không đủ chính trực. Vậy nên, những kỳ vọng về thành tích học tập của con cái, về thành công trong cuộc sống hay hạnh phúc cá nhân đã vô tình tác động mạnh mẽ đến giá trị quan của những đứa trẻ. 

Nói cách khác, có một khoảng cách lớn giữa những gì người lớn nói và những thông điệp họ thật sự truyền đạt qua cách hành xử của họ. Và tất nhiên, những đứa trẻ lớn lên bằng sự quan sát thực tế từ người lớn chứ không phải bởi những lời rao giảng mang tính lý thuyết của họ.

Những đứa trẻ có Đức Tin thường biết quan tâm đến người khác hơn

Chìa khóa tiếp theo để nuôi dạy nên những đứa tốt bụng mà Weissbourd đưa ra chính là “Đức Tin”. Ông nói: “Tôi nghĩ tôn giáo rất quan trọng vì nó thu hút trẻ em vào những câu hỏi về đạo đức và các nghi thức.” Bởi vì những nghi lễ đức tin hoặc sự bày tỏ lòng biết ơn thông qua lời cầu nguyện “đã giúp phát triển tính trách nhiệm của trẻ đối với tổ tiên và dòng dõi của mình.”

Ví dụ, với những người theo Cơ đốc giáo, Hội thánh là nơi chúng ta biết về nguồn cội thực sự của chính mình, sự kết nối của sinh mệnh với Chúa Cứu Thế. Đó chính là nền tảng của lòng vị tha và cảm thông giữa người với người. Bởi vậy, nếu những đứa trẻ được lớn lên trong cộng đồng này, tham gia vào các buổi rửa tội và tạ ơn, chúng sẽ có cơ hội thấu hiểu về lòng trắc ẩn và sự tử tế nhiều hơn những bạn bè khác.

Ảnh minh họa: azabook.com.

Đức Tin chính là kim chỉ nam cho mỗi con người “thực hành những gì mình rao giảng”. Không phải là những lý thuyết suông hay những lời yêu thương đầu môi chót lưỡi, Đức Tin thúc đẩy con người bằng hành động và việc làm, là nguồn suối đức hạnh cho sự sống tuôn tràn. Và, đó chính là sứ điệp mà con cái chúng ta cần nhất.

Đức Tin cho ta sự thanh thản để chấp nhận những điều mà tôi không thể thay đổi, can đảm để thay đổi những thứ mà ta có thể thay đổi và sự thông thái để thấu hiểu được sự khác biệt.

Hiểu Minh

Video xem thêm: Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: “Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”?

Exit mobile version