Có câu nói vui rằng “Sự học vô biên, quay đầu là bờ”. Thoạt nghe thì tưởng đây là câu rỉ tai của những kẻ lười học, nhưng kỳ thực, “quay đầu” không có nghĩa là từ bỏ. Hàm ý của câu này là khi gặp khó khăn trong học tập, bạn hãy lùi lại một bước để tìm cho mình điểm tựa mà nhấc bổng những khó khăn này. Thế nhưng, điểm tựa ấy là gì, thì không phải ai cũng biết câu trả lời. Nhất là đối với sinh viên, vài năm đại học ngắn ngủi thoáng chốc trôi qua, nhiều bạn vẫn loay hoay chưa tìm được chiếc chìa khóa, để rồi tự nhốt mình trong căn phòng kín.

Một đời người nói ngắn không ngắn, nói dài không dài. Nếu có thể ngồi bình tâm mà suy ngẫm thì dường như nhiều người như thế, nhiều sự việc như thế xảy ra với mỗi người rốt cuộc cũng đều xoay quanh một chữ “Tình”. Tình ở đây không phải ý chỉ tình cảm nam nữ, mà rộng hơn, là tình cảm với vạn vật xung quanh. Đam mê hay chán ghét một công việc chính là cái tình đối với công việc đó. Yêu thương hay giận hờn bạn bè cũng đúng là một chữ “tình” này.

Suốt cả cuộc đời, từ nhỏ đến lớn, dù sự việc xảy ra có khác nhau thế nào, thì chữ “tình” ấy vẫn như một lẽ tất nhiên tồn tại. Cũng chính vì thế mà chữ “tình” này vừa hay lại là chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề. Nghĩa là, khi gặp bất kỳ gian khó nào, hãy nhìn lại tình cảm trong lòng mình để điều chỉnh cho phù hợp, thì kết quả sự việc sẽ nhờ đó mà chuyển biến tích cực, như người xưa vẫn nói, “cảnh tùy tâm chuyển”.

Nói đến cái vô biên của sự học và cái mông lung, vô định của người học thì có lẽ sinh viên là đối tượng “thấm” nhất. Người ta vẫn bảo đại học quan trọng ở cách học chứ không phải là học đại, nhưng mà nhìn vào khối lượng kiến thức khổng lồ thì khó mà không nghĩ đến việc học đại cho được. Những môn học trên giảng đường và một danh sách dài tài liệu tham khảo như mạng nhện bủa vây lấy sinh viên. Mỗi quyển giáo trình dày gấp 3, gấp 4 lần so với sách giáo khoa thời trung học. Đã vậy, với mỗi chương, giảng viên lại “tặng kèm” cho bạn vài quyển giáo trình để về ngâm cứu sâu hơn. Rồi thì môn này tiếp môn kia, sách này chồng lên sách kia, khiến bạn thấy mình như lạc đà thồ hàng qua sa mạc mà không biết chất hàng lên như thế nào cho đặng, chứ chưa kể đến hành trình gian nan phía trước.

Ảnh minh họa: Tinmoi.

Nếu cứ tiếp tục nhìn vào chồng sách kia thì mọi chuyện chỉ càng thêm bế tắc. Vậy phải làm sao? Lời khuyên cho bạn chính là hãy sử dụng chiếc chìa khóa vạn năng “điều chỉnh tình cảm của mình”, mà cụ thể ở trong trường hợp của sinh viên thì chính là tăng cường mối quan hệ gắn bó với thầy cô và thái độ đam mê với việc học.

Trước hết, bạn hãy nhìn lại xem có phải mình đang thờ ơ với thầy cô của mình hay không? Dường như thời gian học trên lớp ít quá, không đủ để bạn hiểu và yêu mến thầy cô của mình như thời còn học phổ thông? Có phải bạn đã lớn rồi nên ngại ngùng thể hiện cảm xúc của mình? Hình như cả một kỳ học bạn chưa một lần trò chuyện cùng thầy cô? Có rất nhiều thứ rào cản vô hình, nhưng bạn có nhớ câu ca dao xưa: “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”?

Nhớ lại ngày bạn còn nhỏ, bố mẹ rất quan tâm tới thầy cô, nhờ vậy mà bố mẹ có thể nhanh chóng nắm bắt được tình hình học tập của bạn để có sự khích lệ và động viên kịp thời. Giờ đây, ở đại học, bạn đã bước vào ngưỡng tuổi của sự tự lập, nên chính bạn cần trở thành người “yêu lấy thầy” theo cách tích cực nhất. Hãy quan tâm tới thầy cô chỉ bằng những hành động nhỏ như sự hân hoan chào hỏi khi gặp gỡ, một tin nhắn hỏi thăm sức khỏe khi thầy cô báo tin nghỉ ốm hay một lời chúc mừng vào đúng dịp. Hãy nói chuyện với thầy cô trong giờ học về một nội dung kiến thức nào đó mà bạn quan tâm. Hãy theo thầy cô ngay sau giờ học để hỏi rằng làm cách nào em học môn này. Hãy hỏi rằng em nên đọc quyển sách nào trước trong cả chồng sách kia hay thậm chí em nên tập trung đọc chương nào trong quyển sách đó.

Thầy cô là những người có bề dày kinh nghiệm, sẽ giúp bạn nhận ra vấn đề cốt lõi, tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian loay hoay một mình. Chỉ có điều thời gian trên lớp ít ỏi và thầy cô đứng trước hàng trăm sinh viên, sẽ không thể nào giúp bạn đúng vấn đề mà bạn vướng mắc. Vì vậy, bạn nên tìm đến thầy cô ngoài giờ học. Một mối quan hệ được xây dựng cũng như cách mà bạn trồng cây, bạn cần tận tâm và dành thời gian để chăm sóc.

Ảnh minh họa: Dhsptn.

Vậy còn đam mê với việc học, làm sao đây? Hãy tự hỏi bản thân mình, rằng bạn chán vì bạn chưa nỗ lực? Bạn chán vì bạn không cảm thấy hứng thú với lĩnh vực này? Hay bạn chán, chỉ vì nhiều sinh viên đại học khác cũng đang kêu chán? Đừng bị “thôi miên” theo số đông.

Hãy tìm cách để làm việc học thú vị hơn. Xem xét dưới góc nhìn đa chiều hơn. Lập nhóm học tập để trao đổi cùng bạn bè. Thử những phương pháp ghi nhớ, ghi chú mới lạ. Lên mạng tìm hiểu thêm các thông tin liên quan hay ho khác. Nếu quả thực là bạn không có một chút quan tâm gì đến ngành bạn đang theo học, thì có lẽ chuyển hướng là một lựa chọn thông minh. Hãy thẳng thắn tâm sự để bố mẹ hiểu và ủng hộ quyết định của bạn. Khi chuyển sang hướng đi mới, hãy làm lại từ đầu với tâm thế tự tin nhất. Chính chữ “n”, điểm khác biệt giữa “tự tin” và “tự ti” sẽ đem đến cho bạn “năng lượng”. 

Bạn có nhớ câu chuyện về tiếng vọng không? Cậu bé đứng trước khu rừng, hét to, “Tôi ghét bạn!”. Khu rừng cũng đáp trả lại như thế. Và khi cậu bé cất lời “Tôi yêu bạn”, rừng già cũng trìu mến vang vọng lại lời yêu thương. Vậy hãy điều chỉnh tình cảm trong lòng mình ngay thôi, sau đó là thay đổi hành vi của mình. Bằng cách đó, bạn sẽ thấy rằng, khi mối quan hệ gắn kết giữa thầy trò tăng lên, cũng là lúc khó khăn kia giảm đi rất nhiều. Khi bạn yêu mến môn học, nó dường như cũng không có ý định trở thành “kẻ thù” của bạn nữa.

Hành trình đại học thật ra mà nói sẽ trôi qua rất nhanh, vậy nên hãy tranh thủ thời gian đó để xây đắp nên mối quan hệ tốt đẹp với những người thầy, người cô, đồng thời tích lũy thêm nhiều tri thức bổ ích, bạn nhé. Có thể bạn sẽ làm trái ngành, trái nghề, nhưng những tình cảm thầy trò nồng ấm và những điều hay bạn từng được học sẽ là hành trang theo bạn suốt chặng đường đời.

Giờ thì bạn đã biết, chiếc chìa khóa nằm ngay trong lòng bạn rồi. Chúc bạn mở khóa thành công, bước ra vùng trời rộng mở.

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__