Có một quy tắc gọi là “Không dành quá ba đôi giày cho một đứa trẻ”. Áp dụng quy tắc đơn giản này đối với những thứ xung quanh có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn về trí tuệ sáng tạo, giúp trẻ cảm thấy vui thích và trân trọng những gì được cha mẹ ban tặng.

Có thể có tác dụng hiệu quả như vậy chăng? Phân tích của các chuyên gia có lẽ sẽ mang lại cho bạn một gợi ý mới trong việc nuôi dạy trẻ.

Thuận theo điều kiện sống ngày càng tốt hơn, đồ dùng dành cho trẻ cũng ngày càng phong phú, được chú trọng hơn cả về số lượng và chất lượng.

Tôi có một người bạn, đứa con của cô chưa đầy hai tuổi, quần áo giày dép đầy đủ phong phú không thua kém gì cha mẹ. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là: Trẻ có thể hiểu được rằng mình đang rất may mắn vì được sở hữu nhiều thứ như vậy chăng?

Có càng nhiều lựa chọn, trẻ càng ít hạnh phúc

Thử làm một phép so sánh giữa một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ vật chất, thái độ của hai đứa trẻ đối với những thứ xung quanh sẽ như thế nào?

Một số trẻ khi còn nhỏ không được cha mẹ mua cho bất cứ thứ đồ chơi nào. Mặc dù trong tay chỉ có hai thứ đồ chơi, nhưng trẻ vẫn rất vui vẻ khi chơi với chúng. Lại cũng có những đứa trẻ được cưng chiều như hoàng tử nhỏ trong nhà, đồ chơi phong phú chủng loại, không chỉ là ô tô mà còn có cả xe tải, xe cứu hỏa, xe cảnh sát…

Mỗi khi đi đâu đó, tôi vẫn thường xem xem có thể mua được món quà gì đó cho đứa cháu nhỏ trong nhà. Bởi vì tôi vẫn luôn cho rằng khi có nhiều đồ chơi, trẻ sẽ chơi rất vui vẻ, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Sau này tôi mới hiểu ra, trẻ tất nhiên vui sướng khi được nhận nhiều thứ, nhưng khi có nhiều lựa chọn, trẻ thật khó có thể nắm được 100% niềm vui từ những lựa chọn này.

Chẳng hạn, khi đang chơi xe tải, trẻ có thể lại nghĩ “xe cảnh sát có vẻ rất thú vị, chờ một chút, mình sẽ chơi nó trước”. Khi đang chơi xe cảnh sát bỗng nhìn thấy xe cứu hỏa, lại bắt đầu chú ý đến xe cứu hỏa. Cuối cùng, nhìn thấy có người đến chơi xe tải rồi, trẻ chợt nhớ đến xe tải của mình, liền nghĩ: “Mình không chơi xe cứu hỏa nữa, mình muốn chơi xe tải cơ!”.

Quá nhiều sự lựa chọn sẽ phân tán sự chú ý của trẻ. Đối với trẻ sẽ không có thứ gì thực sự là quan trọng, nếu không có cái này vẫn còn có cái khác để dùng, cứ thế sự vui vẻ của trẻ cũng bị giảm đi, niềm vui bị đẩy thấp xuống.

Nếu như trẻ không có quá nhiều lựa chọn như vậy, giống như khi ở nhà, tuy chỉ có thể chơi với một chiếc ô tô nhỏ, bé cũng có thể thỏa thích tận hưởng niềm vui sướng. Vì sao vậy? Bởi vì trong hoàn cảnh thiếu thốn, một đồ chơi nhỏ đối với bé có thể được xem như là một người bạn thân thiết, quý báu như một bảo bối!

(Ảnh minh họa: kidsna.com)

Lựa chọn càng nhiều, khả năng tập trung của con bạn càng thấp

Lựa chọn càng nhiều còn mang đến một nhược điểm, đó là sự tập trung của trẻ sẽ càng thấp.

Nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz đã thực hiện một thí nghiệm: Trong nghiên cứu, ông chọn ngẫu nhiên các em thành hai nhóm vẽ tranh. Nhóm thứ nhất có thể từ 3 cái bút vẽ để chọn ra 1 cái, nhóm thứ hai có thể từ 24 cái bút để chọn 1 cái. Kết quả là, tác phẩm của những đứa trẻ trong nhóm thứ 2 kém hơn rất nhiều so với tác phẩm của nhóm thứ nhất.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu các em từ đó chọn cho mình một cái bút mà mình thích nhất, và sau đó cố gắng thuyết phục các em từ bỏ cây bút để chọn một món quà khác, kết quả các em ở nhóm thứ hai dễ dàng từ bỏ cây bút mà mình đã chọn hơn.

Cha mẹ luôn cảm thấy rằng trẻ sẽ hạnh phúc hơn nếu được cung cấp đầy đủ và càng nhiều điều kiện vật chất. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Nếu đứa trẻ có quá nhiều lựa chọn ngay trước mặt, trẻ ngược lại càng không thể tập trung vào mục tiêu của mình, cũng có thể sẽ bị bối rối, không biết rốt cuộc mình muốn gì, được nhận thứ gì cũng sẽ không thấy trân trọng.

Để tránh có quá nhiều lựa chọn, bố mẹ nên làm gì?

Đồ chơi không nhiều, không ít, 5 cái là đủ rồi. Quá nhiều đồ chơi không chỉ dễ làm trẻ mất tập trung mà còn có hại cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vậy thì rốt cuộc nên dành cho cho trẻ bao nhiêu đồ chơi?

Học giả thuộc Đại học Virginia cho rằng nên là 5 cái. Lý do là khi có ít hơn 5 món đồ chơi, trẻ có thể sẽ xuất hiện tâm lý tự ti, nhưng nếu số lượng nhiều hơn 5, trẻ lại dễ bị phân tâm, ngoài ra còn sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ.

Đồ chơi nằm trong phạm vi lựa chọn của trẻ, trẻ sẽ tập trung vào đồ chơi yêu thích của mình, nghiên cứu, suy ngẫm, sáng tạo ra nhiều cách chơi mới, lúc này giá trị của đồ chơi mới có thể được khai thác tối đa. Khi trẻ tự mình sáng tạo ra một cách chơi mới thật độc đáo, đó là thành quả tư duy của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy rất vui vẻ, tự hào và càng hào hứng thêm với đồ chơi này của mình. Đây cũng là một cách để kích thích thêm sự phát triển trí tuệ của trẻ, gây dựng niềm ham mê sáng tạo cho trẻ từ lúc tuổi còn nhỏ.

(Ảnh minh họa: kidskunst.info)

Giày không nên mua quá nhiều, chỉ nên tối đa 3 đôi

Ngày nay, các em bé đều là bảo bối trong nhà. Mỗi lần mẹ đi dạo phố, có thể không mua sắm cho bản thân một thứ gì nhưng bé thì luôn được mua rất nhiều. Vậy thì có phải quần áo của trẻ càng nhiều thì càng tốt chăng?

Các nhà tâm lý học Nhật Bản đã gợi ý:

Trẻ từ 4 tuổi trở lên, quần áo mỗi mùa không cần quá 5 bộ, thậm chí ít hơn. Số lượng ấy hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của trẻ, đồng thời, giày cho trẻ cũng không cần quá 3 đôi (bao gồm cả dép đi trong nhà), mũ cũng chỉ cần một cái là đủ.

Tất nhiên, nếu trẻ còn nhỏ tuổi, nhu cầu tắm giặt là rất cao. Có thể dự trữ sẵn thêm vài bộ, nhưng nên nhớ kỹ một nguyên tắc, cố gắng ít nhưng chất lượng, áp dụng trong phạm vi hẹp nhất.

Một nhà văn nữ ở Nhật Bản đã từng viết một cuốn sách. Tên của cuốn sách này được gọi là “Danshari” (cắt bỏ những thứ không cần thiết, vứt bỏ những thứ dư thừa, thoát ly khỏi sự phụ thuộc về vật chất).

Ý tưởng chính của cuốn sách này chính là nói cho chúng ta biết rằng: Thiếu tức là nhiều, cho dù đó là cuộc sống của một đứa trẻ hay cuộc sống của một người trưởng thành.

Do vậy, đối với các thứ khác cũng nên tuân thủ nguyên tắc tương tự: “Ít mà tinh – ít mà chất lượng!”. Tất cả mọi thứ nên được sử dụng tối đa tác dụng của nó, cũng bằng cách này để mang lại niềm hạnh phúc thực sự dành cho trẻ.

Mộc Lan
Theo Aboluowang

videoinfo__video3.dkn.tv||c9e44abe5__

Xem thêm: