“Em không ngờ hôm nay được ngồi trong căn phòng này”, H’Lanh nói và kể về tuổi thơ không lành lặn của mình.
Khát vọng đến trường, rèn chữ bằng đôi chân
Đinh Thị H’Lanh người đồng bào Banar, hiện đang là học sinh lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang, Gia Lai sinh ra đã không có đôi tay và suốt 12 năm qua em “vẽ tương lai” của mình từ đôi chân trần trên chiếc ghế “đặc biệt”.
20 năm trước, thấy H’Lanh sinh ra không có đôi tay nên dân làng Krôi, xã Đăk Smar, huyện Kbang tỏ ra sợ hãi về đứa trẻ kỳ lạ này, còn thêu dệt thành những câu chuyện hoang đường.
Người mẹ ban đầu cũng sợ hãi, vì bà chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ nhưng vì tình mẫu tử, bố mẹ H’Lanh quyết định nuôi em khôn lớn, bỏ ngoài tai những lời đồn đoán. Bố mẹ H’Lanh sinh được 5 anh em, H’Lanh là con thứ 2.
Gia đình H’Lanh vốn là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Bố mẹ hàng ngày đi làm nương rẫy nên H’Lanh cũng phải tự mình làm tất cả bằng đôi chân. Ngoài giờ học, ở nhà H’Lanh phải giữ em và làm tất cả việc nhà như quét dọn nhà cửa, giặt quần áo…
Lúc mới tập đi, vì không có tay khiến cơ thể em bị mất thăng bằng và không có điểm tựa nên mỗi khi đứng dậy, H’Lanh lại “ngã uỵch” xuống đất, có khi đập cả đầu vào tường nhà. Cứ thế, vết sẹo cũ chưa lành thì vết thương mới lại xuất hiện trên cơ thể.
Ngã nhiều thành quen nên cô bé rất ít khi khóc. Thời gian trôi qua, những bước chân xiêu vẹo, chao đảo cũng dần vững vàng, rắn rỏi sau một quá trình luyện tập gian khổ.
H’Lanh chia sẻ với PV báo Dân Trí: “Em lớn lên chỉ có đôi chân, bố mẹ đi làm hết, khổ nhất là mỗi lần em đi vệ sinh mà không có đôi tay… Khi lên 7 tuổi, em thấy các bạn trong làng đều cắp sách đến trường nên em đã năn nỉ bố mẹ cho em đi học… Mãi đến năm 8 tuổi, nhà trường mới nhận em vào học”.
Do mất đi đôi tay nên em đã tập cầm bút bằng chân. Mới đầu, những nét chữ không theo ý muốn. Nhưng để bám được lớp, ngày ngày em thường lấy vở ra luyện viết bảng chữ cái…
Lúc đó, chân kẹp bút sưng đỏ và tê cứng, nhiều lần em đau chân phát khóc. Nhưng nhờ bố mẹ và thầy cô động viên nên em đã kiên trì luyện tập. Qua 12 năm, vượt qua các cấp học thì em đã viết, vẽ thành thạo trên chính đôi chân của mình.
May mắn có người bạn thân thiết
Từ một ngôi trường nghèo ở Đak Smar, H’Lanh đã được chuyển lên trường nội trú của huyện ở cùng người thân để tiện giúp đỡ em trong việc học và sinh hoạt.
May mắn năm đầu tiểu học, H’Lanh quen và chơi thân với bạn cùng lớp là Đinh Thị Thiết. Người bạn này nhiều năm qua luôn bên cạnh, giúp đỡ em vệ sinh cá nhân, chải tóc, thay áo quần, nấu ăn… khi ở nội trú. Thiết nói với báo VnExpress: “Em may mắn sinh ra được lành lặn, nên giúp bạn được gì thì em giúp”.
Chiều muộn giữa tháng 11, khi tiếng trống trường vang lên, Thiết vội vàng dọn dẹp sách vở bạn vào cặp mình, rồi cả hai đi bộ về phòng ở khu tập thể giáo viên cách trường khoảng 500m, nơi các em trọ học gần ba năm qua. Cứ ba tuần là bố mẹ lên trường đón các em về thăm nhà một lần. “Nhưng đã gần một tháng nay không thấy ai lên. Chắc cả nhà đang bận thu hoạch mì”, H’Lanh nói.
Trong căn phòng ẩm thấp, tối om, muỗi bay vo ve. Trên bếp gas, một nồi cơm trắng vẫn còn nguyên. “Chút nấu gói mì nữa là có bữa tối”, Thiết vừa nói vừa luôn tay dọn dẹp. Khi nghe bạn nhờ buộc lại tóc, thay áo quần, Thiết bỏ dở việc chạy đến giúp. Hai em chia sẻ, hiện chưa biết ước mơ làm gì “nhưng sau này muốn tự tay kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp bố mẹ”.
Cô học trò luôn toả ra năng lượng tích cực
Từ cô bé không may mắn khi mất đi đôi tay, cho đến hôm nay H’Lan đã là một nữ sinh lớp 12, tự tin ngồi ngang hàng với các bạn cùng lớp. Có thể H’Lanh không đầy đủ tay như các bạn, nhưng về học thức, cô bé không hề thua kém.
Cô Lê Thị Hải Châu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8 đánh giá, H’Lanh bị khuyết tật nhưng ý thức học tập tốt, rất chăm chỉ. Trong các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp em luôn có mặt đầy đủ.
H’Lanh viết bằng chân đã khá thành thạo, nét chữ đẹp không thua kém mấy bạn trong lớp. Chỉ khi sử dụng thước kẻ vẽ hình thì hơi khó khăn đối với em. “Lúc ấy, Thiết luôn là người ở bên cạnh giúp đỡ. Tình bạn của hai người học trò này khiến cả trường mến phục”, cô Châu cho hay trên báo VnExpress.
“Tuy học lực H’Lanh chưa cao, nhưng đó là tấm gương về nghị lực mà hơn 1.000 học sinh trong trường phải học tập”, thầy Nguyễn Đình Thuận, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, nói.
H’Lanh tâm sự với PV báo Dân Trí: “Em chỉ mong mình học giỏi hơn để bố mẹ vui lòng và không phụ công thầy cô giúp đỡ. Gia đình khó khăn, còn hai em nhỏ đang ăn học nên em muốn đi học để sau này có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Bản thân em khuyết tật vậy nên em cũng không dám có ước mơ như bao người bình thường. Nhưng em luôn thích vẽ và làm thơ…”.
Video xem thêm: Câu chuyện cô bé khuyết tật không tay chân và nghị lực sống phi thường