Với tâm niệm ‘đi để trở về’, cô Trần Thị Thúy từ chối lời mời đến Canada làm việc của đại diện Tập đoàn Microsoft Canada, trở về trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.
Trần Thị Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông. Nhà nghèo, người anh cả học hết lớp 6 nghỉ để cùng bố mẹ lao động kiếm tiền, nhường cơ hội học tập cho hai em. Ngày còn bé, Thúy chưa hề biết tiếng Anh là gì, càng không biết thế giới bên ngoài diễn biến ra sao. Cho đến khi được tặng một cuốn tạp chí song ngữ Sunflower (tiếng Việt và tiếng Anh), một thế giới mới đã mở ra trước mắt cô, với biết bao tò mò và ước mơ được khám phá.
Giấc mơ đó từng ngày tiếp sức cho Thuý vượt qua những khó khăn để trở thành sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Thuý trở lại ngôi trường phổ thông của mình để dạy tiếng Anh cho học trò.
Từ trải nghiệm khó khăn của bản thân, khi trở thành giáo viên, cô Thúy luôn cố gắng để học sinh không bị rơi vào tình cảnh tương tự. Cô khuyến khích các em nghe, nói thật nhiều.
Cô giáo kể với báo VnExpress: “Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò nghĩ nhiều, muốn nhiều hơn thế. Tôi kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên thì các em chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế”.
Muốn tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thuý tìm trên mạng và biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với người dân các nước khác.
Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.
Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi… Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản.
Mới đây, trong tiết học tại lớp 10A1, học trò đã “du lịch” nước Anh qua buổi skype với người bản địa. Họ vừa đi tới các địa danh nổi tiếng, vừa giới thiệu qua điện thoại cho học sinh trường THPT Đức Hợp.
Vũ Thảo Hiền (lớp 10A1, THPT Đức Hợp) nói: “Các tiết học rất thú vị, sôi động. Chúng em không chỉ mở rộng vốn từ vựng, tự tin giao tiếp tiếng Anh mà còn tăng khả năng thuyết trình, làm powerpoint… Cách dạy của cô Thúy giúp em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn và hiểu được tiếng Anh rất cần thiết trong kết nối mọi người trên thế giới”.
Nhờ sự cố gắng và sáng tạo, cô Thuý trở thành một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017. Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada chào mừng tới quốc gia này. Tuy nhiên, cô đã từ chối.
Mong mỏi lớn nhất của cô là viết tiếp ước mơ của thế hệ học trò quê hương, giúp học sinh tự tin bước ra thế giới. Cô Thuý nói: “Hạnh phúc nhất của tôi là mỗi ngày đến lớp, dạy cho các em từng bước trở thành công dân toàn cầu”.
Đặc biệt, cô Thúy cùng với 45 em học sinh đã xây dựng dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại”. Đây là dự án liên môn, tích hợp kiến thức nhiều môn học trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Toàn bộ nội dung sản phẩm dự thi đều được trình bày bằng Powerpoint Tiếng Việt và Tiếng Anh. Năm 2016, Dự án đã mang về cho cô Trần Thị Thúy và học trò Giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đáng chú ý là sau khi được chia sẻ trên internet, dự án đã nhận được sự quan tâm của giáo viên một số nước như Nhật Bản, Pakistan, Ấn Độ.
Cô giáo Trần Thị Thúy đã lọt top 50 giáo viên nhận giải Giáo viên Toàn cầu năm 2019 do Tổ chức Varkey Foundation vinh danh. Cô cất kỹ bằng khen vì hiểu rằng nó chỉ là hình thức; với học sinh, điều quan trọng nhất là thầy cô dạy dỗ thế nào.
Dù cuộc sống không khá giả về vật chất, nhưng mỗi ngày tới lớp học sinh đều cười rạng rỡ – với cô đó là niềm hạnh phúc lớn nhất!
Video xem thêm: Thiếu tướng nguyên tổng biên tập báo quân đội nói gì về Pháp Luân Công