Có một cách thức giáo dục, được gọi là “giải phóng bản tính tự nhiên của trẻ”. Những người theo phương pháp giáo dục này cho rằng như vậy mới hợp lý lẽ, hợp tự nhiên, cho rằng trẻ nhỏ cần phải được sống theo bản tính tự nhiên, và đó là điều hiển nhiên nên làm. Với lý do đường hoàng đó, họ đã nâng con cái lên chín tầng mây, phá bỏ mọi quy tắc cần tuân thủ ràng buộc, họ cho rằng như thế mới là yêu thương con cái vô bờ bến. Nhưng kỳ thực, đó là những quan niệm sai lầm.
Cha mẹ nên để con trẻ được tự do, nhưng không có nghĩa là không có giới hạn, không có quy tắc
Chúng ta hãy xem kết quả mà phương cách giáo dục được cho là hiện đại, là phù hợp nhất này đem lại như thế nào.
1. Trẻ tự do náo loạn, gây phiền toái cho nhiều người
Ở trong rạp chiếu phim nọ, mọi người đang chăm chú xem phim, có một cô bé cứ chạy tới chạy lui giữa hai hàng ghế, thỉnh thoảng còn phá lên cười thích thú. Từ khi bước chân vào rạp xem phim đến giờ, cô bé cứ nháo loạn như vậy đã được gần nửa giờ, trong khi đó mẹ của cô bé vẫn ngồi im ở ghế.
Có một vị khách xem phim chịu không được bèn quay qua nói với mẹ cô bé: “Cô có thể quản lý con bé một chút không, ồn ào quá!”. Mẹ cô bé dửng dưng nói: “Trẻ con vốn là thích chạy nhảy nghịch ngợm mà”, nói xong lại tiếp tục xem phim.
Một lúc sau, cô bé rời khỏi hàng ghế của mình, chạy qua vị trí khác, cứ thế chạy nhảy khắp rạp chiếu phim. Chạy nhảy một lúc, thấm mệt, quay đầu đi tìm mẹ, nhưng trong rạp chiếu phim quá tối, tìm không thấy mẹ ngồi ở đâu, cô bé khóc lớn, vừa khóc vừa kêu mẹ.
Có một loại giáo dục được hô hào là hiện đại, được cổ vũ, ca ngợi, gọi là “giải phóng bản tính tự nhiên của trẻ”. Theo phương pháp này, thì các đặc tính, tính cách của trẻ đều được cho là bản tính tự nhiên, bất kể là tốt hay xấu đều là tự nhiên, đều là hợp lý, không nên áp chế, càng không nên hạn chế hoặc uốn nắn nó.
Bản tính của trẻ nhỏ vốn là hiếu động, vô tư, đúng là cha mẹ nên để trẻ phát triển tự do, hồn nhiên, như thế trẻ có thể phát triển tốt về thể chất, trí não và tâm lý. Nhưng không có nghĩa là để con trẻ tự do muốn làm gì thì làm, cần phải đặt ra những quy tắc và khoanh vùng hạn chế. Trẻ nhỏ thường hiếu động, thích khám phá. Nếu cha mẹ không chỉ cho con biết như thế nào là đúng, như thế nào là sai, thì làm sao trẻ phân biệt được đúng – sai đây?
2. Trẻ không có ý thức về các nguyên tắc
Tại một nhà hàng, mọi người đều đang ngồi dùng bữa, chỉ có một cậu bé chạy tới chạy lui đùa nghịch xung quanh, hết chạy chỗ này lại chạy sang chỗ khác. Còn mẹ của cậu chỉ chầm chậm đi theo phía sau, nhưng không hề lên tiếng nhắc nhở, cũng không hề ngăn cản cậu bé. Có lẽ, người mẹ này cảm thấy con mình thật hiếu động đáng yêu, cho nên không cần ngăn cản.
Cậu bé cứ thế chạy tới chạy lui, vừa lúc người phục vụ bưng khay đồ ăn đi tới, cậu bé đâm sầm vào người phục vụ, khay đồ ăn đang còn nóng trên tay đổ ập xuống người cậu bé, hậu quả là cậu bé đã bị bỏng.
Cha mẹ cậu bé thấy vậy vội vàng chạy đến, bất chấp đúng sai, thái độ rất hung hăng mắng chửi người phục vụ, đòi bồi thường một số tiền rất lớn với lý lẽ rất chi là hợp lý: “Một đứa trẻ xinh xắn bị làm bỏng đến mức này, chẳng lẽ không đáng được bồi thường số tiền như vậy hay sao?”.
Mọi người chứng kiến cảnh đó đều lắc đầu xin thua cho hai vị cha mẹ kia. Trong mắt họ, trách nhiệm làm cha mẹ, trách nhiệm của con mình bị quăng sạch, họ chỉ biết đòi hỏi trách nhiệm của đối phương mà thôi.
Chính vì có nhiều bậc cha mẹ chỉ biết coi trọng bản tính tự nhiên của trẻ, mà lờ đi những nguyên tắc, cho nên xã hội ngày càng có nhiều đứa trẻ thiếu ý thức như vậy.
Trẻ nhỏ bản tính hiếu động, có thể chạy nhảy, có thể ồn ào, có thể khóc nháo, nhưng cha mẹ phải quản, phải cho con biết không được làm phiền, ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt trong những tình huống nơi đông người thì cần phải quản chặt chẽ hơn.
Trẻ nhỏ càng coi thường những nguyên tắc, càng không được quản lý, thì càng dễ dàng gây ra bi kịch.
3. Trẻ không biết kính sợ
Trong xã hội ngày nay, hàng ngày có thể thấy báo chí đưa tin không ít các vụ án đau lòng, mà thủ phạm gây ra bi kịch không ai khác chính là những đứa trẻ chưa trưởng thành.
Những đứa trẻ lang thang, là những đứa trẻ được tự do buông thả, không có người quan tâm chăm sóc, càng không có người quản lý, không được giáo dục, là những đứa trẻ được xem như sống tự do hoàn toàn với bản tính tự nhiên của mình. Kết quả cuối cùng là gì? Là bi kịch, ngay cả việc bình thường nhất của sinh mệnh là trưởng thành cũng không thể thực hiện được.
Trong tâm hồn mỗi đứa trẻ đều có ẩn giấu một phần ma tính, một khi không bị ước thúc và quản lý, thì phần ma tính ấy sẽ trỗi dậy. Nếu cứ buông lỏng, giải phóng các ràng buộc cần có, thì chỉ khiến cho trẻ khuyết thiếu điều cơ bản nhất, đó là lòng kính sợ.
4. Trẻ không có ý thức tự quản lý
Có một bà mẹ quyết định áp dụng phương pháp giáo dục buông lỏng để trẻ tự do.
Con trẻ đi ngủ lúc nào, dậy lúc mấy giờ, cô đều không hề quản lý, bởi vì cô cho rằng trẻ nhỏ tự có ý thức trách nhiệm đối với bản thân. Thậm chí ngay cả vấn đề học tập cũng vậy, cô cho rằng trẻ học tập chính yếu là hứng thú, nhất quyết không nên cưỡng cầu.
Sau ba năm, kết quả chỉ thấy toàn bi kịch. Thành tích học tập thì miễn bàn, trước đây vốn chỉ xếp trung bình khá, bây giờ luôn xếp cuối lớp. Những đứa trẻ khác ít ra cũng có vài mặt ưu điểm, còn con của cô thì chỉ có chơi game là lợi hại nhất. Bởi vì cô không bao giờ quản lý con, cho nên con của cô luôn mang theo điện thoại di động bên người, mỗi ngày say sưa chơi game bất kể thời gian, thường xuyên đi học muộn, bài vở chẳng quan tâm, thỉnh thoảng còn lén lấy tiền để nạp vào chơi game, có lần số tiền lên tới vài triệu đồng.
Bà mẹ ấy vẫn không thể nào hiểu nổi, tại sao một phương pháp giáo dục hiện đại như thế, tốt như thế, mà kết quả lại chính là thất bại, là bi kịch?
Chúng ta không hề nghi ngờ việc trẻ có ý thức tự quản lý, nhưng điều lo ngại chính là ý thức tự quản lý của trẻ không hề mạnh mẽ như chúng ta tưởng nếu các bậc cha mẹ lại cứ phóng đại chúng, tin vào ý thức trách nhiệm của trẻ, thì cuối cùng, trẻ không thể làm chủ vận mệnh của mình, mà chính những thói hư tật xấu, hậu quả của việc buông lỏng tự do sẽ khống chế vận mệnh của trẻ.
Một đứa trẻ không có ý thức tự quản lý, thì vĩnh viễn không có tương lai tốt đẹp.
5. Trẻ không có giáo dưỡng
Một chuyên gia giáo dục có nói: “Nếu bạn nuôi dưỡng được những thói quen tốt, nó sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho bạn suốt đời. Nếu bạn có những thói quen xấu, thì nó như những món nợ xấu theo bạn suốt đời”.
Hôm ấy tôi đón một người bạn đến nhà chơi, cô ấy là người Mỹ, và cô còn mang theo con gái khoảng 7-8 tuổi cùng đến. Tôi pha trà và mang bánh kẹo ra mời hai mẹ con cô ấy dùng, cũng giống như những đứa trẻ khác, cô bé nhìn thấy kẹo thì rất thích, sau khi ăn hết chiếc thứ nhất, cô bé còn muốn ăn thêm chiếc thứ hai. Cô bé quay qua xin mẹ để được ăn kẹo tiếp, nhưng người mẹ trả lời dứt khoát là không thể ăn nữa. Thế nhưng cô bé ấy lại rất ngoan ngoãn vâng lời và không hề ăn thêm chiếc kẹo nào nữa.
Có nhiều người ca ngợi nền giáo dục của người phương Tây là hiện đại, là tôn trọng tự do, tôn trọng ý kiến của trẻ. Nhưng họ lại vô tình hoặc cố ý bỏ qua một vấn đề, đó chính là, để thực hiện được việc tôn trọng tự do, thì trước tiên phải lập ra những quy tắc, những giới hạn, có một số việc là không cần quản lý, nhưng có một số việc nhất định phải quản lý chặt chẽ.
Kỳ thực, phương pháp giáo dục tốt nhất không hề là phương pháp tự do, tùy hứng.
Cha mẹ hẳn nhiên là để con trẻ được tự do, nhưng tự do ở đây không có nghĩa là không có quy tắc, không có giới hạn, không quản lý, lại càng không phải là dung túng muốn làm gì thì làm.
Buông lỏng và khoan dung là không sai, nhưng trước khi buông lỏng quản lý, nhất định phải đưa ra những giới hạn rõ ràng, có một số việc có thể khoan dung, nhưng có một số giới hạn kiên quyết không thể vượt qua.
Theo secretchina.com
Minh Phúc biên dịch