Các nước Á Đông xưa là xã hội tông pháp huyết thống điển hình, gia tộc kéo dài được coi là sự việc quan trọng bậc nhất, do đó rất coi trọng giáo dục con cái. Ở đây so sánh các  phương pháp giáo dục khác nhau cũng có nhiều điều thú vị.

Phương pháp giáo dục của hai chú cháu Sơ Quảng, Sơ Thụ đời Hán

Sơ Quảng là quan Thái tử Thái phó thời Hán Tuyên Đế. Cháu ông là Sơ Thụ đồng thời cũng làm quan Thái tử Thiếu phó, đều là quan phụ đạo dạy dỗ Thái tử. Mỗi lần Thái tử triều kiến Hoàng đế, hai ông đều cùng tháp tùng, Thái phó đi trước, Thiếu phó theo sau. Khi Thái tử 5 tuổi đã đọc thông “Luận ngữ”, “Hiếu kinh”. Sơ Quảng nói với Sơ Thụ rằng: “Chúng ta quan cũng đã làm được rồi, danh tiếng cũng đã có rồi, lúc này không rút lui e rằng sau này hối hận. Hai chú cháu ta nên từ quan về quê để hưởng tuổi Trời, cháu thấy thế nào?”

Sơ Thụ khấu đầu nói: “Cháu xin nghe theo lời bề trên”. Thế là hai người từ quan về quê, sống cuộc sống ung dung nhàn nhã.

Sau khi về đến quê hương, hàng ngày hai chú cháu bày tiệc rượu mời tất cả những người trong gia tộc và những bạn bè xưa. Sau một thời gian, con cháu của Sơ Quảng thực sự thấy xót của, nhờ người nói giúp với Sơ Quảng mua chút nhà cửa ruộng vườn để lưu lại cho con cháu đời sau.

Sơ Quảng nghe xong thong thả nói:

“Chẳng lẽ tôi đã mơ hồ lú lẫn đến mức không nghĩ gì đến con cháu mình nữa hay sao? Chỉ là nhà vốn đã có ít ruộng bạc màu, nếu con cháu cần cù canh tác thì có thể có được cuộc sống cũng không thua kém người ta lắm. Nếu hiện nay tôi mua thêm ruộng đất cho con cháu, cho chúng có thêm thu nhập, như thế chỉ khiến chúng trở nên lười biếng.

Con người nếu hiền năng mà lại nhiều của cải thì sẽ làm tổn hại chí hướng. Còn nếu ngu dốt lại nhiều của cải thì của cải sẽ gây thêm tai họa. Hơn nữa, con người một khi đã giàu có rồi thì sẽ bị người ta ghen ghét oán hận. Tôi đã không có gì để giáo dục con cháu thì cũng không thể làm tăng thêm sai trái lỗi lầm cho chúng, để chúng bị ghen ghét oán hận. Còn về số vàng bạc tôi đem về, đó là Hoàng đế ban cho tôi để dưỡng lão, tôi lấy ra cùng hưởng với gia tộc và bạn bè, chẳng phải rất tốt đó sao?”

Mọi người nghe xong đều vui vẻ tâm phục khẩu phục.

(Ảnh minh họa: xuehua.us)

Phương pháp giáo dục con của Trần Vạn Niên thời Hán

Cùng thời với hai chú cháu Sơ Quảng có quan Ngự sử Đại phu Trần Vạn Niên thời Hán Tuyên Đế. Ông thích kết giao quyền thế, lúc nào cũng khom lưng cúi gối với những người nhà Hoàng hậu. Con trai ông là Trần Hàm lại hoàn toàn khác với cha, rất căm ghét cái xấu cái ác, không sợ quyền thế, thường xuyên dâng thư chê trách các cận thần của Hoàng đế.

Trần Vạn Niên cảm thấy con trai như thế này ắt sẽ đắc tội với người ta. Một lần bị bệnh nghỉ ngơi, ông gọi con trai đến trước giường răn dạy, nói đến tận nửa đêm vẫn chưa hết, Trần Hàm đã ngủ rồi. Đột nhiên Trần Hàm va đầu vào tấm bình phong ‘cộc’ một tiếng khiến Trần Vạn Niên giật mình kinh hãi. Trần Vạn Niên nổi giận lấy gậy ra đánh con trai, đồng thời nghiêm khắc khiển trách: “Hôm nay cha thành tín giáo dục con như thế này, con lại ngủ gật, coi những lời cha dạy như gió thoảng bên tai. Tại sao lại như thế?”

Trần Hàm nói: “Con đều nghe cả rồi, ý nghĩ tóm tắt lại là muốn con xu nịnh bợ đỡ người ta”.

Trần Vạn Niên lặng thinh không nói năng gì, xua tay ra hiệu Trần Hàm rời đi.

Có thể thấy hai phương pháp giáo dục ở trên có những điểm trái biệt.

***

Một người sống ung dung tự tại, không lao tâm để lại vàng bạc cho cháu con, điều để lại chỉ là lời răn dạy “nếu biết cần cù canh tác thì có thể có được cuộc sống cũng không thua kém người ta lắm”.

Một người thì sống ‘khom lưng cúi gối’, dạy con xu nịnh bợ đỡ người ta.

Một bên khiến người ta phải tâm phục khẩu phục, một bên khiến người nghe phải ngủ gật.

Cách giáo dục khác nhau sẽ cho thấy kết quả khác nhau, thật khiến các bậc cha mẹ ngày nay cũng phải suy ngẫm.

Nam Phương
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__