Chúng ta ngày ngày bỏ công dốc sức vì con cái, tại sao chúng lại cho rằng công sức của chúng ta không đáng giá, tại sao chúng lại không cảm nhận được lòng tốt của cha mẹ, cứ luôn đòi hỏi này nọ?

Hiện trạng nhiều gia đình hiện nay là: Cha mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn mà con không biết cảm ơn cha mẹ.

Bạn đã dành những thứ tốt nhất cho con cái nhưng chúng lại để lại những thứ xấu nhất cho bạn. Đó là kết quả của sự giáo dục con của bạn.

Đó là do bạn tạo thành, đừng đổ lỗi cho bất kỳ người nào.

Thế nên, con cái cần phải được giáo dục từ nhỏ, không được luôn cho rằng chúng còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện.

Bi kịch lớn nhất của bậc cha mẹ là đã dốc tất cả bản thân mình nhưng lại không nuôi dạy được ra con cái biết cảm ơn

Vào dịp Tết, một bà mẹ thổ lộ nỗi khổ trong nhóm bạn bè:

“Ăn Tết mừng tuổi cho con gái một triệu, không ngờ nó chê ít, không vui: ‘Năm ngoái cũng như thế này, năm nay cũng như thế này. Bạn bè đứa nào cũng được mừng tuổi 4, 5 triệu’. Bây giờ nó dỗi, không ăn cơm cũng không lý gì đến tôi nữa”.

Không ngờ lời thổ lộ của bà mẹ này lại được rất nhiều bậc cha mẹ trong nhóm hưởng ứng, đều nói trẻ con hiện nay không biết cảm ơn, không biết đến nỗi vất vả và công sức của cha mẹ, chỉ thích so bì, động tí là nổi giận với cha mẹ.

Mọi người đều cảm thán, không biết làm sao mà nuôi con trở thành những kẻ vô ơn như thế này? Bi kịch lớn nhất của cha mẹ không gì lớn bằng đã bỏ hết công sức tâm huyết cho con cái mà lại không nuôi dưỡng thành con cái biết cảm ơn.

Con cái không biết cảm ơn thực tế là do cha mẹ ‘yêu thương’ quá mà thành

Rất nhiều cha mẹ yêu thương con quá ư đơn giản: Đặt con lên vị trí cao hơn tất cả, làm tất cả các sự việc cho con, giải quyết tất cả các phiền toái giúp con.

Khi ăn cơm thì đem bát đũa cho con, đơm cơm cho con.

Khi con làm bài tập thì cùng con làm từng bài từng bài, kiểm tra lỗi.

Buổi tối trước khi đi ngủ thì giúp con thu dọn sắp xếp sách vở, chuẩn bị cặp sách, mang đầy đủ đồ dùng học tập.

Khi con cái giúp mẹ thì: “Con không cần quản việc nhà, cứ học tốt là được rồi”.

Khi cha mẹ yêu thương quá sâu đậm thì con cái sẽ quen với tiếp nhận và đòi hỏi đơn phương, cảm thấy tất cả đều có thể nhẹ nhàng dễ dàng có được. Thế nên con cái không biết trân quý, dễ nảy sinh cảm giác hơn người.

Càng đặt con cái vào vị trí trung tâm của cuộc sống, bỏ công sức vô điều kiện cho chúng thì càng dễ khiến con cái tăng cảm giác “nhận mà không biết xấu hổ”, sẽ không nuôi dưỡng thành những người con biết cảm ơn.

Trên thực tế, cuộc sống của bạn là cuộc sống của bạn, cuộc sống của con cái là cuộc sống của con cái, không ai có thể lo cho ai được. Bản thân bạn còn khó kiểm soát cuộc sống của mình nữa là muốn kiểm soát cuộc sống của người khác.

Biết yêu thương và cho đi mới là điều không thể thiếu được để con cái trưởng thành

Một trường hợp cực đoan kinh động thế giới, đó là vụ án “Du học sinh giết mẹ ở sân bay”.

Cậu Vương 24 tuổi du học ở Nhật 5 năm, chưa bao giờ làm việc gì. Hàng tháng cậu đều đòi mẹ 1000 đô la tiền sinh hoạt phí và học phí.

Mẹ cậu là người mẹ đơn thân, nguồn kinh tế chỉ dựa vào tiền lương của mình bà. Bà nhịn ăn nhịn mặc, không dám chi tiêu từng đồng để dành tiền cho con ăn học.

Còn cậu con trai thì sao? Không những không hiểu nỗi vất vả cực nhọc của mẹ, giảm gánh nặng cho mẹ, trái lại chỉ biết không ngừng đòi hỏi, nặn tiền mẹ, như loài ký sinh trùng.

Hôm đó, cậu vẫn như mọi khi đòi mẹ tiền. Bà mẹ chạy vạy khắp nơi vay mượn bấy lâu, đến nay không kiếm đâu ra nữa.

Cậu tức giận mất kiểm soát, đâm liền 9 nhát dao lên người mẹ ở ngay sân bay.

Chúng ta yêu thương con cái nhưng cũng nhất định phải dạy con cái biết yêu thương.

Nếu không thì sẽ chỉ diễn biến thành:

Cha mẹ cam tâm tình nguyện bỏ hết công sức cho con, cuối cùng đổi lại con cái chỉ biết một mực đòi hỏi, không biết cảm ơn, không có chí tiến thủ, sống một đời thất bại.

Có câu cổ ngữ: “Người biết cảm ơn thì Thượng Thiên sẽ đem lại càng nhiều hạnh phúc hơn cho họ”. Bởi vì đồng thời với lúc họ cảm ơn thì họ cũng sẽ cảm nhận được ý nghĩa đích thực của hạnh phúc”.

Người con biết cảm ơn sẽ không bao giờ tự coi mình là trung tâm, chúng sẽ cảm nhận được sự khó nhọc của người khác, biết cảm thông và bao dung, tâm thái càng thêm bình hòa và lạc quan, quan hệ xã hội cũng càng tốt đẹp hơn.

Còn người con không biết cảm ơn chỉ biết tự tư đòi hỏi, tầm nhìn hạn hẹp, thích so đo tính toán, luôn cảm thấy bất mãn và thất vọng với cuộc sống, với người và sự vật xung quanh.

Cũng giống như trong cuộc sống, đối với một số người bạn, mặc dù 10 việc bạn đã làm tốt 9, chỉ còn 1 việc không được như ý họ, họ liền chỉ nhớ đến việc này, nhớ đến cái xấu của bạn mà quên đi tất cả mọi điều tốt đẹp trước đó của bạn, thậm chí còn trở mặt với bạn.

Thế nên, cần để con cái học cách cảm ơn, để chúng biết đối diện với thế giới này bằng trái tim cảm kích, học cách yêu thương người khác. Đó không phải vì cha mẹ tự tư mà là tầm nhìn xa trông rộng cho cuộc sống tương lai của con cái.

Nuôi dạy con không phải là để con hưởng thụ an nhàn, mà là thông qua hành vi của chúng ta, dạy bảo giáo dục chúng biết yêu thương và cảm ơn, không được chỉ biết đòi hỏi

Một cặp vợ chồng có hai cô con gái sinh đôi 10 tuổi. Khi hai đứa trẻ nói muốn nuôi con vật nuôi, người cha đề nghị hai con trước tiên phải lập ra kế hoạch nuôi dưỡng con vật, bao gồm:

Đi đến nhà ai xin, mua, đường đi như thế nào, thủ tục xin ra sao?

Ai phụ trách vệ sinh, ai phụ trách cho ăn, cho uống…?

Sau đó, 2 đứa trẻ tự mình đi xe buýt đến nhà người quen xin một con chó con. Mấy năm nay, chú chó cưng đều do 2 đứa trẻ chăm sóc, chưa bao giờ phiền đến cha mẹ. Chúng thể hiện ra rất có tinh thần trách nhiệm.

Người cha bày tỏ, ông không muốn con cái hình thành thói quen hứng thú nhất thời, sau đó đùn đẩy cho cha mẹ xử lý.

Nuôi dạy con cái không phải là tiết kiệm tiền, cũng không phải là dốc hết tất cả ra để đem lại cho con cái sự hưởng thụ dễ chịu. Nuôi dạy con cái chính là thông qua hành vi và sự dạy bảo của chúng ta, bồi dưỡng cho con cái nhân cách kiện toàn, có phẩm chất và ý chí kiên cường, dạy con cái biết yêu thương và cảm ơn, không được chỉ biết đòi hỏi.

Cha mẹ yêu con tốt nhất là buông tay đúng lúc

Nhà tâm lý học lâm sàng Mỹ là Wendy Mogel đã từng nói: “Nếu cha mẹ dốc toàn lực ra để con cái không phải trải qua khó nhọc thì sau khi trưởng thành, chúng hoàn toàn không biết đối diện với những khó khăn khúc mắc thông thường như thế nào”.

Nói cách khác, chính là cha mẹ đã tước đoạt cơ hội trưởng thành của con cái.

Bởi vì con cái đã quen với việc có người che gió che mưa cho chúng, giải quyết tất cả những phiền phức cho chúng, thế nên khi chúng độc lập đối diện với cuộc sống thì những thiếu sót, khiếm khuyết của chúng sẽ bộc lộ ra.

Nuôi dạy con cái không phải là nâng niu chúng trong lòng bàn tay mà phải để chúng học được cách độc lập vững bước.

Nhà tâm lý học Đức Erikson trải qua nghiên cứu đã phát biểu: “Trẻ con bắt đầu từ 1 tuổi là sẽ hình thành quan niệm về bản thân, 3 tuổi sẽ bước vào thời kỳ tự trọng, bắt đầu tìm kiếm giá trị bản thân. Trong thời kỳ này, sự giúp đỡ quá mức của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng không có năng lực, từ đó nảy sinh cảm giác thất bại”.

Cảm giác được yêu cầu và được khẳng định đối với trẻ mà nói là vô cùng quan trọng. Loại cảm giác này sẽ khiến trẻ hình thành cảm nhận giá trị bản thân tốt. Đó là tiền đề và nguồn động lực để trẻ biết yêu thương, biết cho đi, biết gánh vác trách nhiệm.

Mà loại cảm giác này lại đến từ việc độc lập hoàn thành những điều mà khả năng mình có thể làm được, hoặc chìa tay ra giúp đỡ người khác.

Do đó, cha mẹ cần biết buông tay.

Việc trẻ có thể làm được thì hãy để chúng tự làm, chớ vì sợ trẻ ăn cơm rơi vãi mà lựa chọn đút cơm, cũng chớ vì lo trẻ giặt bít tất không sạch mà giúp chúng giặt…

Đừng cảm thấy trẻ đang gây phiền phức, từ xấu đến tốt cần có thời gian. Đó cũng là quá trình trẻ ắt phải trải qua để trưởng thành. Làm nhiều thì tự nhiên sẽ làm được tốt.

Cha mẹ không được việc gì cũng phải sắp đặt, giải quyết tất cả các vấn đề phiền phức của trẻ. Hãy thử đem quyền lựa chọn và quyền tự chủ trao lại cho trẻ. Cha mẹ chỉ nên tham gia mà không can thiệp quá nhiều.

Cha mẹ cũng không cần thể hiện mình tài giỏi. Khi mệt khi buồn, cần giúp đỡ thì có thể thỉnh thoảng thể hiện ra.

Hãy biểu thị cảm thụ chân thực nhất của mình khi ở cùng trẻ, để trẻ có cơ hội quan tâm, chăm sóc người khác, để trẻ thưởng thức cảm giác được người khác cần đến này.

Với trẻ, cần làm được bình đẳng về tâm hồn. Từ tuổi tác đến thân phận, cha mẹ luôn có ưu thế hơn. Bạn nhiều tuổi hơn trẻ, nhiều kinh nghiệm sống hơn, nên muốn trẻ nghe lời bạn. Trên thực tế thì trừ những điều này ra, về tầng diện tâm hồn thì bạn và trẻ là bình đẳng, đều là những thể sinh mệnh khát vọng được yêu thương.

Trong khi bạn khát vọng con cái cảm ơn bạn thì bạn cũng nên có một trái tim cảm ơn đối với con cái

Cảm ơn này tuyệt đối không phải là câu khách khí mà chúng ta vẫn nói hàng ngày, mà là cảm động phát xuất từ đáy lòng.

Tình yêu của con cái đối với cha mẹ còn mạnh mẽ hơn tình yêu của cha mẹ đối với con cái nhiều. Tuổi càng nhỏ thì tình yêu của trẻ với cha mẹ càng là vô điều kiện.

Trẻ càng nhỏ tuổi thì càng dựa vào cha mẹ. Khi trẻ bao dung đối với tính nóng nảy của bạn, khi trẻ an ủi bạn, khi trẻ dành những thứ ngon cho bạn, khi trẻ làm việc nhà cùng bạn, lẽ nào bạn không nên nói lời cảm ơn với trẻ?

Do đó, khi bạn đặt mình vào vị trí bình đẳng với con cái thì bạn sẽ giảm rất nhiều yêu cầu đối với chúng, ngược lại bạn còn càng cẩn thận với hành vi, lời nói của mình.

Chỉ cần có trái tim biết cảm ơn, biết yêu thương thì mỗi giờ mỗi khắc đều vui vẻ hạnh phúc

Con cái không có ý thức cảm ơn thì quả là đáng sợ. Ban đầu trẻ sẽ không ngừng đòi hỏi cha mẹ, rồi sẽ sinh ra những tâm trạng tiêu cực. Khi con cái thấy cả thế giới đều đang nợ chúng thì đã là nguy hiểm rồi.

Bản thân hạnh phúc không có bất kỳ mối quan hệ nào với những điều kiện bên ngoài. Mỗi bậc cha mẹ trong khi yêu thương con thì xin đừng quên dạy con cái biết yêu thương, biết cảm ơn.

Nguồn:
Cmoney

Biên dịch:
Nam Phương

Ảnh minh hoạ:
Shutterstock

Thiết kế:
Tự Minh

Nguồn: Cmoney
Biên dịch: Nam Phương
Ảnh minh hoạ: Shutterstock
Thiết kế: Tự Minh