Đại Kỷ Nguyên

Con gái đã dạy cho tôi biết cách yêu thương và thức tỉnh

Người lớn chính là tấm gương để trẻ con soi và mà học tập theo. Nhưng trẻ con lại là hình ảnh cụ thể về những gì mà người lớn cần đạt được trên con đường đi tìm chính mình. Và đôi khi, chính trẻ con là những “thiên thần” dẫn dắt khi chúng ta lạc lối, chỉ cần quan sát và cố gắng nắm bắt những bài học nhỏ bé, bạn sẽ biết cách để “trở về”.

Những bộ quần áo không lặp lại của Chi Mai

Tôi đã bắt đầu cảm thấy khó chịu với suy nghĩ con gái bé bỏng của mình đã biết chú ý quá mức tới việc ăn mặc. Chi Mai nhất quyết chọn ra những bộ quần áo mỗi ngày một khác nhau từ tối hôm trước để sáng hôm sau mặc đi học. Có vẻ như con bé đã mặc hết tủ quần áo của mình một vòng rồi sau đó mới lặp lại.

Dù bản thân ăn mặc luôn tươm tất và hướng con gái tới cách thức ăn mặc tương tự, nhưng tôi luôn cố gắng dạy con rằng hình thức bề ngoài không quá quan trọng. Nếu con tập trung vào vể bề ngoài mà bỏ quên nội tâm của mình, thì đó là một việc vô bổ. Thế nên tôi đã không hài lòng và bắt đầu suy diễn ra những viễn cảnh về một cô bé chảnh chọe, coi hình thức là thứ đánh giá con người và mất quá nhiều thời gian quý giá cho việc lựa chọn quần áo.

Tôi chỉ tỏ ra tôn trọng con được một thời gian và đến khi không thể kiên nhẫn hơn được, tôi đã hỏi bé: “Tại sao con lại không mặc lặp lại quần áo? Sao con dành nhiều thời gian để chọn đồ mỗi ngày thế, thời gian đó con có thể đọc thêm được một câu chuyện hay trước khi đi ngủ đấy!”.

Con bé ngước đôi mắt to tròn nhìn tôi và rất hứng thú trả lời: “Con nghĩ là nếu con chỉ mặc một vài bạn váy mà con thích nhất thì những bạn còn lại sẽ buồn ạ! Nên con sẽ mặc hết để bạn nào cũng được đi học cùng con, các bạn sẽ không phải tủi thân hay tị nạnh nhau, mẹ nhỉ?”.

Nếu con chỉ mặc một vài bạn váy mà con thích nhất thì những bạn còn lại sẽ buồn ạ! Nên con sẽ mặc hết để bạn nào cũng được đi học cùng con, các bạn sẽ không phải tủi thân hay tị nạnh nhau. (Ảnh: TutiCare)

Tôi nhìn bé con hồi lâu với nụ cười bất giác và đôi mắt mở to từ lúc nào. Đó là cách con bé đối xử với những thứ mà người lớn chúng ta cho rằng là vật vô tri vô giác, nhưng với bé là những người bạn cũng có cảm xúc. Vậy mà tôi, đối với con người biết đau biết tủi mà còn không được như Chi Mai đối với đồ vật.

Tôi chỉ luôn nhờ một cấp dưới mà tôi cho là thạo việc nhất viết biên bản các cuộc họp mà không cho những người khác cơ hội để làm việc này. Ngoài việc họ không được trải nghiệm một việc mới để hoàn thiện kỹ năng tổng hợp của mình, có thể ai đó trong số họ sẽ cảm thấy không được tin tưởng và ngầm so sánh, tự ti.

Tôi đã chỉ nghĩ đến được việc của mình, mà quên đi cảm giác của người khác và việc tạo cơ hội cũng như sự tự tin cho người khác. Người lớn chúng ta dường như làm mọi thứ đều để xoay quanh cái tôi. Không phải để thể hiện, chứng tỏ nó thì cũng là để thỏa mãn, được lợi cho nó. Tôi dạy con mình rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là cái gì mình không muốn, chớ làm cho người, vậy mà tôi chưa thể làm được như thế trong mọi hành động của mình.

Dường như cuộc sống thực tiễn đã làm cho người lớn chúng ta nghĩ rằng những thứ xung quanh là vô tri, nhưng trong mắt trẻ thì hoàn toàn ngược lại. (Ảnh: Marry Baby)

Thế nào là yêu thương?

Chi Mai hay được mẹ đưa đến cơ quan chơi, mỗi lần như vậy bé hay được các cô chú trong cơ quan mẹ vây xung quanh và hỏi chuyện, cưng nựng. Cái má phúng phính đỏ ửng, đáng yêu của bé con thường xuyên được bấu yêu.

Nhưng có vẻ không hiểu nổi hành động đó của các cô chú, con bé tỏ ra rất nghiêm túc khi nói chuyện với mẹ trong phòng riêng. “Tại sao các cô chú lại cứ bấu má con thế hả mẹ?”. “Vì con đáng yêu quá và các cô chú muốn bày tỏ sự yêu thương với con đấy mà”, mẹ Chi Mai trả lời.

“Nhưng con không thấy như thế là được yêu thương!”. Câu trả lời chắc nịch với cánh tay khoanh trước ngực và ánh mắt phụng phịu của bé con làm mẹ sững lại một lúc.

Đúng là trong cuộc đời, mẹ đã bày tỏ tình yêu với rất nhiều những người thân yêu của mình theo cách mà mẹ muốn, chứ chưa chắc đó đã là điều họ cần. Mẹ mua vé du lịch cho ông bà và biết chắc ông bà phải đi vì sợ lãng phí. Nhưng ông bà về lại bảo lần sau không cần làm thế, ông bà không thích đi nước ngoài vì không hiểu ngôn ngữ, chỉ thích du lịch cho hết những vùng miền của đất nước mình thôi.

Mẹ mua tặng bố một vé học Thiền định vì nghĩ như thế là giúp bố giảm bớt căng thẳng trong công việc mà bỏ qua ý định tìm một câu lạc bộ đá bóng của bố.

Yêu thương người khác không phải là chúng ta áp đặt lên họ những mong muốn chủ quan của ta. Một lần nữa, mẹ lại nhận ra, nhiều việc mình làm chỉ là để xoay quanh cái tôi của mình mà thôi.

Trong con mắt trẻ yêu ghét rất rõ ràng, một vài hành động của người lớn đôi khi làm trẻ khó hiểu và tỏ ra khó chịu. (Ảnh: Blog bTaskee)

Những người bạn trong mắt bé

Tôi hay hỏi han về những người bạn trong lớp của con. Tôi biết bé thân với Nhật Hạ nhất. Tôi chưa nhớ mặt được hết các bạn của con nên hỏi, có phải bạn Nhật Hạ là bạn nữ cao nhất lớp không? Bé con trả lời: “Con không biết nữa, con chỉ biết bạn ấy là bạn hay gọt bút chì hộ các bạn trong lớp nhất!”.

Hóa ra khi nhìn con người, tôi chỉ nhìn thấy những biểu hiện bề ngoài nổi trội hoặc đặc biệt nhất của họ. Nào là người này xinh đẹp, giỏi giang, đi xe đẹp hay vừa có kiểu đầu mới… mà không nhìn thấy những điểm nhỏ bé nói lên nhiều điều hơn về con người họ.

Vì sao chúng ta lại khóc khi vui?

Có lần Chi Mai hỏi tôi: “Vì sao hai người giận nhau thì lại không nói chuyện với nhau hả mẹ?”. Tôi nói rằng: “Vì lúc đó ở giữa họ có một quả núi to đùng, trên đó phủ đầy tuyết lạnh, nên họ lạnh lùng với nhau”.

Bẵng đi một thời gian, khi tôi đang nằm xem bộ phim yêu thích, còn bé con chơi lăng xăng xung quanh. Tưởng con không để ý gì tới những thứ chiếu trên tivi, nhưng đột nhiên đến cảnh mẹ con nhà kia hóa giải mâu thuẫn và ôm chầm lấy nhau khóc lóc. Con bé bỗng ngẩng lên nhìn tivi và nói: “Tuyết đã tan rồi mẹ ơi, nên tuyết chảy thành nước mắt kìa!”.

Trẻ con thật tuyệt diệu, chúng lý giải thế giới và con người theo cách thật tuyệt diệu. Không cần những lô-gic, không cần những định luật và lý lẽ khoa học. Nếu chúng ta gieo vào chúng những mầm Thiện, chúng sẽ nở ra những quả Thiện lành bằng lý lẽ không theo một quan niệm, định kiến nào hết.

Trong Phúc Âm Matthew có ghi lại đoạn Chúa Jesus bảo các môn đồ của mình rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu”. (Matthew 18:3). Phật Thích Ca Mâu Ni cũng giảng về “Phản bổn quy chân”, tu bỏ đi những u minh, dại khờ (phản bổn) để quay trở về với bản tính thuần chân tinh khiết (quy chân). Những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, chính là hình ảnh dễ hình dung và so sánh cho mỗi chúng ta về cái đích mà chúng ta cần quay trở về.

Đó không phải chỉ là sự tìm lại bản chất “nhân chi sơ tính bản thiện” của mỗi chúng ta, mà còn là hành trình thăng hoa của sinh mệnh.

Bạch Vân

Exit mobile version