Con gái một tuổi của tôi thích nhảy. Ngay khi nghe thấy tiếng nhạc, bé sẽ nở một nụ cười rạng rỡ, sau đó bé dựa vào ghế sofa, ghế hoặc chân bố mẹ, bắt đầu lắc lư từ bên này sang bên kia và bước xuống sàn. Đôi khi, tâm linh nho nhỏ của bé hoàn toàn bị say trong tiếng nhạc, đung đưa tới lui tứ chi, hoặc cẩn thận nhấc một chân lên làm động tác xoay tròn.
Cho đến nay, bé vẫn chưa hiểu về gu âm nhạc. Trên thực tế, ngay cả khi không có âm nhạc mà chỉ cần một âm thanh có tiết tấu, như tiếng quay nhịp nhàng của máy sấy, hay một bài đồng dao có vần điệu dành cho trẻ mẫu giáo, cũng có thể khiến bé nhảy múa, đôi chân nhỏ vụng về của bé không tự chủ mà dậm dậm xuống sàn. Thế giới là một bức tranh ghép đầy màu sắc, những âm thanh xoắn ốc và xoay tròn quấn quanh mái tóc xoăn của bé, bé nghe thấy âm nhạc ở khắp mọi nơi, ngay cả trong những hoạt động đơn giản hàng ngày như giặt giũ. Bé muốn được hạnh phúc với thế giới bên ngoài.
75% trẻ sơ sinh có thể nhảy khi được 9 tháng tuổi. Tôi luôn thấy thật tuyệt vời khi các em bé có thể nhảy múa trước cả khi chúng bắt đầu biết nói. Ngôn ngữ đầu tiên của bé không phải là lời nói, mà là âm nhạc. Từ hành vi của trẻ sơ sinh, có thể thấy rõ rằng, ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã cố gắng hòa hợp thân thể mình với trật tự của thế giới bên ngoài, được truyền đạt với mô thức giống như tiết tấu âm nhạc.
Trong vở “Đêm thứ mười hai của Shakespeare” (Twelfth Night), Orsino nói rằng âm nhạc là thức ăn của tình yêu. Điều này chắc chắn đúng đối với một đứa trẻ mới biết đi: Một đứa trẻ nghe thấy âm nhạc bắt đầu hoa chân múa tay, thì đó chính là lời thì thầm yêu thương của bé đối với thế giới và nhân loại.
Khiêu vũ đối với trẻ nhỏ thường là một hoạt động xã giao. Con gái tôi nhìn thấy tôi gật đầu, lập tức có thể minh bạch ý tôi là gì: chúng tôi muốn khiêu vũ cùng nhau. Bé hiểu rằng đây có thể là một hoạt động chung, nên bé không chỉ hòa nhập với trật tự của thế giới bên ngoài, mà còn được kết nối với cha mẹ mình.
Nghiên cứu cho thấy so với các hoạt động không có âm nhạc, trẻ em khiêu vũ cùng cha mẹ có thể thúc đẩy hành vi xã hội và giúp xây dựng mối quan hệ cha mẹ – con cái, vốn là món ăn của tình yêu thương.
Tình yêu của con người đối với trật tự
Cảm thụ đối với âm nhạc (hoặc ít nhất là những âm thanh có tiết tấu) và niềm đam mê được dung nhập trong nó là thiên tính của con người, thậm chí ngay cả trước khi ngôn ngữ ra đời, và rất lâu trước khi lý tính xuất hiện, nó đã tồn tại. Tại sao vậy?
Có những bộ phận rất khó lý giải ở sâu trong nội tâm của chúng ta. Đáp án khả năng là khát vọng của nhân loại đối với trật tự, loại khát vọng đối với trật tự này từ trong phôi thai đã tồn tại, hoặc chí ít thì ở trẻ sơ sinh đã tồn tại.
Chúng ta thiên sinh đã có thể nhận thức phân biệt được trật tự, bằng trực giác biết rằng đằng sau trật tự là có ý nghĩa. Nhà tâm lý học Viktor Frankl quan sát thấy, cuộc sống con người không thể tồn tại mà không có ý nghĩa. Chúng ta không chỉ hy vọng xác định ý nghĩa của sự vật thông qua trật tự của thế giới (âm nhạc là âm thanh có trật tự), mà ở một mức độ nào đó, chúng ta cũng hy vọng sẵn có loại trật tự và ý nghĩa này. Về khiêu vũ mà nói, chúng ta thử thâm nhập vào trật tự của âm nhạc để “sở hữu” nó trong thân thể của mình, có thể nói như vậy.
Một lý do khác khiến âm nhạc hấp dẫn trẻ em thậm chí cả trẻ sơ sinh, là vì nó tồn tại trong lĩnh vực tình cảm. Mỗi bậc cha mẹ cũng có cảm nhận như vậy, ngay khi đứa trẻ mới chào đời, tình cảm của bé đã phát triển đầy đủ hơn trí lực lý tính. Cậu bé Noah có thể không thể bày tỏ nỗi buồn, sự tức giận hoặc tầm nhìn của mình về công lý, nhưng chắc chắn cậu bé sẽ cảm thấy điều gì đó khi muốn ăn thêm bánh quy nhưng không nhận được. Đây có thể là một lý do tại sao âm nhạc thu hút trẻ em ngay từ khi còn nhỏ: âm nhạc kết nối trực tiếp đến tâm linh, đó là ngôn ngữ duy nhất mà trẻ nhỏ thực sự hiểu được trước khi chúng học cách tư duy lý tính.
Aristotle đã nói về sức mạnh tình cảm này của âm nhạc trong cuốn “Chính trị học” của mình:
“Tiết tấu và giai điệu có thể mô phỏng sự tức giận và dịu dàng, cũng có thể mô phỏng dũng khí và sự tiết chế, cũng như những đặc điểm tương phản và những đặc điểm tính cách khác. Như chúng ta biết từ kinh nghiệm của chính mình, âm nhạc truyền tải những phẩm chất này không kém gì cảm xúc thực tế, bởi vì trong khi nghe âm nhạc, linh hồn của chúng ta phát sinh biến hóa. Thói quen chỉ cảm thụ một cách hời hợt niềm vui hay nỗi đau của âm nhạc cũng không khác xa với cảm thụ thực tế… Nó đủ để thuyết minh cho lực lượng sẵn có của âm nhạc trong việc hình thành tính cách.”
Câu này xuất phát từ một chương về giáo dục trong “Chính trị học”. Aristotle quan sát thấy, những cảm xúc mà âm nhạc truyền tải tới người nghe có thể ảnh hưởng đến tính cách của người nghe, vì vậy chúng ta có thể lý giải vì sao Aristotle coi giáo dục âm nhạc rất trọng yếu.
Âm nhạc làm phong phú tâm hồn trẻ
Giáo dục âm nhạc có thể bắt đầu càng sớm càng tốt. Mặc dù tính đúng đắn của cái gọi là “hiệu ứng Mozart” – ý tưởng cho rằng nghe nhạc cổ điển từ khi còn nhỏ có thể cải thiện trí thông minh của trẻ – đã bị một số nhà khoa học nghi ngờ, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra, việc học chơi một nhạc cụ có thể làm tăng đáng kể khả năng suy luận thời gian không gian (spatial-temporal reasoning) của một đứa trẻ ba tuổi. Một nghiên cứu khác cho thấy những con chuột được tiếp xúc với âm nhạc của Mozart từ trong bụng mẹ, một thời gian sau khi sinh ra đã hoàn thành mê cung nhanh hơn những con chuột nghe âm nhạc tối giản, nhiễu trắng hoặc không nghe gì cả.
Kết hợp những lợi ích này của âm nhạc với lợi ích của điệu nhảy chuyển động thân thể được đề cập ở trên, chúng ta có một thứ gì đó mang tính giáo dục sâu sắc. Trong một cuộc khảo sát được công bố trên tạp chí Tâm lý học phát triển, gần 100% phụ huynh ở 15 quốc gia cho biết họ đã khiêu vũ cùng con mình, nhiều người trong số họ khiêu vũ cùng con mình mỗi ngày. Điều này cho thấy ngôn ngữ khiêu vũ phổ biến đến mức nào, đặc biệt khi khiêu vũ có thể được sử dụng như một cách để cha mẹ “nói chuyện” với những đứa trẻ đang bập bẹ của mình.
Vì vậy, nếu con bạn nghe thấy một bản nhạc hay và bắt đầu nhảy múa, bạn nên khuyến khích hoặc thậm chí nhảy cùng con, vì trẻ cũng đang thể hiện một phần nhân tính của bạn.
Theo “Dance Before Talk: The Benefits and Joy of Music and Dance for Toddlers” trên The Epoch Times của tác giả Walker Larson.
Hương Thảo biên dịch