Đại Kỷ Nguyên

Con trẻ làm được một điểm này còn quan trọng hơn cả thi đạt điểm cao

Năm 1988, những người đạt giải Nobel ở các nước trên thế giới tụ họp ở thủ đô Paris của Pháp. Có người đã hỏi một nhà khoa học đoạt giải Nobel: “Vào lúc nào, ông đã học được những điều quan trọng nhất trong đời mình vậy?”. Vị học giả đáp: “Là lúc còn mẫu giáo”…

Hôm nay, tôi có ghé thăm cô bạn thân, con của cô thi đỗ một trường đại học danh tiếng. Cô bạn nói với tôi, dạy dỗ con trẻ nhất định phải bắt đầu ngay từ khi chúng còn tấm bé. Nếu như con trẻ đang trong độ tuổi từ 3 tuổi đến 15 tuổi, thế thì dưỡng thành một thói quen tốt còn quan trọng hơn rất nhiều so với thành tích học tập. Thành tích học tập chẳng qua chỉ là điều tạm thời, còn thói tốt sẽ khiến người ta thọ ích cả một đời.

Điều này khiến tôi nhớ lại, ngày trước mình cũng đã từng đọc qua một bản tin như vậy: Năm 1988, những người đạt giải Nobel ở các nước trên thế giới tụ họp ở thủ đô Paris của Pháp. Có người đã hỏi một nhà khoa học đoạt giải Nobel: “Vào lúc nào, ông đã học được những điều quan trọng nhất trong đời mình vậy?”. Vị học giả đáp: “Là lúc còn mẫu giáo”. “Lúc ông mới lên mẫu giáo đã học được những điều gì đây?”.

“Đem một nửa các thứ của mình sẻ chia với chúng bạn, không phải thứ của mình thì không cần, tự biết thu xếp đồ đạc ngăn nắp, rửa tay trước khi ăn cơm, làm sai thì phải nói tiếng xin lỗi, sau cơm trưa yên lặng đi nghỉ ngơi, biết quan sát cảnh vật xung quanh…”

Đây chính là thói quen quyết định vận mệnh, phương thức tư duy của con trẻ đều có quan hệ hoặc nhiều hoặc ít với thói quen.

Những thói quen phương thức tư duy từ nhỏ sẽ làm nên con người trẻ sau này. (Ảnh: Pinterest.com)

Thế thì trẻ em từ 3-15 tuổi, cụ thể cần phải dưỡng thành những thói quen nào đây?

1. Nghiêm túc quan sát

Sự quan sát được gọi là “cổng chính” của học tập và là “cánh cửa” mở ra trí huệ. Mỗi một học sinh đều nên từng bước dưỡng thành ý thức quan sát, học hỏi phương pháp quan sát thích hợp, rèn luyện thói quen quan sát một cách tốt đẹp, bồi dưỡng năng lực quan sát nhạy bén.

2. Thói quen đặt vấn đề

Chúng ta cần phải cố gắng tích cực khích lệ con trẻ nêu ra vấn đề, đưa ra những thắc mắc mà hỏi thầy cô, phụ huynh và bạn học. Học hỏi, học hỏi, học tập chính là phải mở miệng hỏi. Không hiểu mà cứ giả vờ như đã hiểu, sau cùng sẽ làm hại bản thân. Đặt ra vấn đề là biểu hiện của việc chủ động học tập, học sinh mà có thể chủ động đưa ra vấn đề thường là học sinh có năng lực học hỏi cao độ, là học sinh có tinh thần sáng tạo.

3. Thói quen tôn trọng và quý mến thầy cô

Tôn sư trọng đạo, học sinh phải biết kính trọng yêu quý thầy cô, thích ứng phù hợp với thầy cô. ‘Thích ứng’ ở đây không phải là xu nịnh hay lươn lẹo đoán ý, mà là chấp nhận và bao dung với những thói quen, phong cách, tính cách của thầy cô một cách chủ động tích cực. Từ bây giờ thích ứng được với thầy cô, lớn lên rồi sẽ thích nghi được với xã hội. Sẽ không vì chút chuyện không vừa ý mà oán trách hoàn cảnh xung quanh.

4. Thói quen tự học, tự chuẩn bị bài vở

Chuẩn bị bài vở trước, là bồi dưỡng tinh thần tự chủ trong việc học và năng lực tự học, là con đường nâng nao hiệu suất nghe giảng. Tự mình chuẩn bị bài vở trước, tự chủ động tìm kiếm tư liệu, nghiên cứu điểm chính, điểm quan trọng của tri thức mới, phát hiện vấn đề khó khăn, từ đó có thể giải quyết những khúc mắc khó khăn ngay trên lớp học, nắm giữ quyền chủ động trong khi nghe giảng, khiến việc nghe giảng có tính nhắm thẳng.

Trẻ tự học tự chuẩn bị bài cho mình cũng là bước đầu rèn luyện cho các em tính tự lập. (Ảnh: sohu.com)

5. Thói quen chuyên cần lắng nghe và suy nghĩ

Dạy và học cần phải đồng bộ, hài hòa, bởi vậy học sinh trên lớp học cần phải tập trung tinh thần, chuyên tâm lắng nghe thầy cô giảng bài, nghiêm túc lắng nghe bạn học phát biểu ý kiến. Nắm bắt được trọng điểm, chỗ khó, những chỗ cảm thấy thắc mắc nghi hoặc, vừa chăm chỉ lắng nghe, vừa tích cực suy nghĩ. Dẫu là bạn đã từng học qua trước đó, cũng cần phải nghiêm túc lắng nghe, thử so sánh đối chiếu lối suy nghĩ của bản thân với thầy giáo và các bạn học khác, từ đó tìm ra con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề. Và trong quá trình này, gắng sức lý giải ghi nhớ thêm một số thứ.

6. Thói quen trao đổi học hỏi lẫn nhau

Trong “Học Ký” có giảng: “Học một mình không có bè bạn, thì dốt nát mà lại hiểu biết nông cạn”. Trao đổi và học hỏi lẫn nhau là vô cùng quan trọng, khi gặp phải vấn đề thì có thể cùng nhau thảo luận thảo luận, đưa ra giải pháp thích hợp. Mỗi một người đều cần phải cố gắng tiếp thu ưu điểm của người khác, bổ sung chỗ thiếu sót của bản thân. Giống như con ong, không ngừng tiếp thu tinh hoa của hoa thơm cỏ lạ, trải qua quá trình gia công không ngừng, kết tụ thành tinh hoa của tri thức.

7. Thói quen tự làm bài tập một mình

Mục đích của làm bài tập là củng cố những tri thức đã học được, bồi dưỡng suy nghĩ độc lập, không phải là vì để bàn giao với thầy cô, hay là ứng phó với phụ huynh. Có những học sinh mục đích làm bài tập không rõ ràng, thái độ không ngay chính, thậm chí dùng đến các chiêu trò như sao chép bài của nhau, nhờ người khác làm giúp, như thế khó tránh khỏi sơ sài qua loa, không hiểu được bài vở.

Những thói quen không tốt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả học tập. Vậy nên chúng ta cần phải chú trọng bài vở hơn nữa, những lúc làm bài tập cần phải nghiêm túc suy nghĩ, tổng kết phương pháp, vận dụng các khái niệm, nguyên lý, tư duy giải quyết vấn đề, ghi nhớ một số kết luận trung gian hữu dụng.

8. Thói quen thận trọng xem xét vấn đề

Năng lực xem xét đề tài là biểu hiện tổng hợp của nhiều loại năng lực của học sinh. Yêu cầu học sinh đọc nội dung tài liệu một cách cẩn thận, học cách nắm bắt những câu chữ, câu từ then chốt, hiểu được nội dung một cách chính xác. Với những nội dung then chốt như: các câu gợi ý, công thức, phép tắc, định luật, đồ thị, cần phải chuyên tâm tìm tòi suy xét, nắm bắt nội hàm và bề mặt của tri thức một cách chuẩn xác. Đồng thời còn phải bồi dưỡng năng lực nhận diện những thiếu sót từ trong bài tập, bài thi của mình, rồi kịp thời sửa chữa.

Rèn luyện cho trẻ cách xem xét, nhận diện vấn đề cũng rất quan trọng. (Ảnh: rameshemandegar.com)

9. Thói quen tự mình nhìn nhận lại sau khi hoàn tất bài vở

Thông thường mà nói, sau khi hoàn tất bài vở, cần phải tự mình xét lại dựa trên 5 bước sau:

Thứ nhất: Làm sao mà mình làm ra được? Nhớ lại phương pháp đã được áp dụng trong việc giải đề tài.

Thứ hai: Vì sao làm như vậy? Nguyên lý mà mình dựa theo để giải đề tài này.

Thứ ba: Vì sao lại nghĩ đến phương pháp này? Nhớ lại dòng suy nghĩ mà mình đã dùng để giải đề tài.

Thứ tư: Còn có cách khác nữa hay không? Cách nào tốt hơn? Nghĩ ra nhiều cách khác, bồi dưỡng tư duy tìm tòi cái mới.

Thứ năm: Có thể cải biến một chút mà chuyển thành một đề tài khác? Nghĩ ra một đề biến hóa nhiều dạng, đẩy mạnh tư duy sáng tạo.

Đương nhiên, nếu xảy ra sai sót, càng nên tự mình suy ngẫm lại: Nguyên nhân làm sai là ở đâu? Khi giải những đề bài tương tự như vậy nên chú ý những điều gì? Làm sao khắc phục sai lầm thường mắc phải?… “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại”, qua đó không ngừng hoàn thiện bản thân mình.

10. Thói quen ôn tập tổng hợp lại

Ôn tập chính là cách tiếp thụ tri thức một cách hữu hiệu, qua đó có được lý giải sâu sắc và nâng cao trí nhớ, đạt đến trình độ học một biết mười. Ôn tập cũng chính là thông qua dòng suy nghĩ mà tiến hành thực tập, tiến hành tổng kết chỉnh lý đối với tri thức và cách thức giải quyết vấn đề; khiến cho những tri thức vặt vãnh, những trí nhớ bị tản mác được xâu chuỗi lại thành một mối, từ đó hệ thống hóa, mạch lạc hóa, trọng điểm hóa những tri thức đã học được, tránh việc những tri thức mà ta đã học được bị tách rời và phân rã trước sau.

Mỗi ngày cố gắng ôn tập một lượt những điều ta đã học được, mỗi tuần đưa ra tổng kết. Sau khi học xong một chương mục tiến hành tổng ôn tập lại một lần.

Giúp trẻ ôn tập tổng kết lại những gì đã học được sau mỗi bài học. (Ảnh: Twitter.com)

Khi ôn tập với những tri thức đòi khỏi khả năng ghi nhớ, thì mỗi lần không nhất thiết phải dùng quá nhiều thời gian, nhưng cần lặp đi lặp lại thường xuyên, để làm tăng thêm ấn tượng. Kiến thức trong mỗi chương mỗi mục đều là phân tán riêng lẻ, nên nếu muốn hình thành thể hệ tri thức, mỗi ngày sau giờ học trên lớp cần phải có ôn tập sơ sơ.

11. Thói quen chỉnh lý những đề bài sai

Lúc thường, hãy đem chỗ có nghi vấn hoặc có sai sót tiện tay lấy giấy ghi chép lại, thường xuyên xem đi xem lại, đến khi xem hiểu, ghi nhớ kỹ càng rồi mới vứt tờ giấy đó đi. Với những thông tin có giá trị thì dùng quyển sổ chuyên môn ghi chép lại. Tìm kiếm thêm một vài chủ đề lý thú, những tri thức liên quan để nghiên cứu một chút, học hỏi kỹ năng và cách thức giải quyết vấn đề.

12. Thói quen nhìn nhận đánh giá một cách khách quan

Hãy giúp con trẻ dưỡng thành thói quen đúng đắn khi đối đãi với những người xung quanh, thành công và thất bại, cũng như điểm số kiểm tra.

Nếu học sinh có thể đánh giá một cách khách quan về những biểu hiện của bản thân trong các hoạt động học tập với chúng bạn, đây là thể hiện của tâm lý vững vàng. Chỉ có đánh giá bản thân, đánh giá người khác một cách khách quan mới có thể nhìn ra được những chỗ thiếu sót, không ngừng tự xét lại mình, không ngừng hoàn thiện chính mình.

“Gieo xuống một hành động, gặt hái một thói quen

Gieo xuống một thói quen, gặt hái một tính cách

Gieo xuống một tính cách, gặt hái một số phận”.

Vì vậy, hãy bồi dưỡng cho con trẻ những thói quen tốt ngay từ thuở ấu thơ bạn nhé!

Theo cmoney.tw
Thuận An biên dịch

Exit mobile version