Người có giáo dục không coi trọng hình thức bề mặt mà luôn ôn hòa, bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc, chân thành đối với người khác. Đồng thời, cũng có những nguyên tắc sống cần kiên trì giữ vững trong mọi hoàn cảnh và những điều cấm kỵ không được phạm phải.
Nhà tư tưởng và triết gia vĩ đại người Anh, John Locke từng nói: “Ở một người thiếu giáo dục, dũng cảm có thể trở thành thô bạo, học thức có thể trở thành cổ hủ, cơ trí có thể trở thành trò cười, chất phác có thể trở thành thô lỗ, ôn hòa có thể trở thành xu nịnh”.
Trong xã hội phát triển ngày nay, chỉ cần nhìn cách cư xử, cử chỉ của một người là có thể nhận biết được người đó có giáo dục hay không. Ấn tượng để lại trong giao tiếp sẽ quyết định tính lâu bền của mối quan hệ, vậy nên chúng ta không thể xem nhẹ.
Người có giáo dục không tùy tiện đánh giá người khác
Có quá nhiều nhận thức kiểu như: đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, không nói không chịu được, không thấy không tin, …như là lẽ đương nhiên.
Vào thời nhà Thanh, tiên sinh Kim Anh viết trong “Cách Ngôn Liên Bích” rằng: “Khi ngồi tĩnh tọa thường nghĩ về lỗi lầm bản thân, lúc nhàn rỗi chuyện trò thì chớ đàm luận lỗi lầm của người khác”.
Hàng năm, mỗi khi sau bữa cơm tất niên, mợ tôi thường hỏi lần lượt các em về kết quả kì thi cuối học kì I, nếu em gái họ tôi đạt điểm 10, mợ tôi thường nói: “Học sinh thông minh sẽ không như con, nó sẽ vừa học vừa chơi mà điểm thi vẫn cao”. Nếu con trai nhà nào đó mà luôn đạt điểm thi kém, mợ tôi lại nói: “Cậu này rồi sẽ chẳng học được đại học chính quy, tìm hiểu trường nghề nào đó mà học lấy một cái nghề”.
Nhưng có lẽ điều mà mợ tôi không hiểu là, đằng sau mỗi một điểm số cao, không chỉ là sự thông minh, tài giỏi có yếu tố bẩm sinh mà còn là sự nỗ lực, cần mẫn, thức khuya, dậy sớm học hành của cả kỳ học. Đằng sau mỗi điểm 6, có thể đó là một ý chí mạnh mẽ vươn lên, không chịu thất bại, đủ để giúp em ghi danh vào nhóm trường danh tiếng.
Marc Levy, tiểu thuyết gia nổi tiếng nước Pháp, viết trong cuốn “Người trộm bóng” rằng: “Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác, ngay cả khi bạn làm điều tốt cho họ, vì đó là cuộc sống của họ”.
Có rất nhiều sự việc chúng ta không thấu hiểu, vì vậy không nên tham gia, bình luận theo ý kiến chủ quan của mình, càng không có tư cách can thiệp vào chuyện của họ.
Câu nói rất có ý nghĩa mà mọi người thường nói là: “Mất ba năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách im lặng”.
Qua những nội dung trên đây, phần nào chúng ta có thể nhận biết được về người có giáo dục.
Người có giáo dục không làm người khác khó xử
Người có giáo dục luôn thể hiện sự tôn trọng người khác một cách tự nhiên, khiến người tiếp xúc luôn cảm thấy ấm áp, dễ chịu, cố gắng không để những tình huống khó xử có thể khiến người khác mất thể diện.
Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, nhân vật Giả Vũ Thôn là tầng lớp trí thức biết nhiều hiểu rộng nhưng vì lợi dụng chức quan tham ô, bòn rút của dân mà bị cách chức. Sau đó, Giả Vũ Thôn đến nhà Lâm Như Hải nhận làm gia sư cho con gái là Lâm Đại Ngọc. Đó cũng là cách Giả Vũ Thôn khôn khéo nhờ vả mối quan hệ của Lâm Như Hải để cầu cứu nói giúp lời tốt cho mình. Về sau có tin rằng Giả Vũ Thôn có được cơ hội được phục hồi chức quan.
Đúng là Lâm Như Hải đã nhờ các mối quan hệ mà nói lời giúp cho Giả Vũ Thôn, rằng: “Vì người thân trong gia đình qua đời, không ai có thể cùng Đại Ngọc, cô con gái yếu đuối của gia đình lên kinh thành, chỉ có thể trông cậy Giả Vũ Thôn đưa Lâm Đại Ngọc lên kinh nương nhờ bà ngoại”. Lại nói với Giả Vũ Thôn, rằng: “Đại Ngọc đã từng được thầy dạy dỗ, vẫn chưa có dịp báo ơn, vừa đúng dịp này cũng là cơ hội để tận tâm hoàn trả”.
Cảm tạ công ơn của Giả Vũ Thôn đã dạy bảo Đại Ngọc, vừa đúng cơ hội này, cha của Đại Ngọc nói lời giúp Vũ Thôn và cũng là bày tỏ sự mang ơn đối với Vũ Thôn.
Quá hiển nhiên và dễ dàng nhận thấy những mối bận tâm và toan tính Giả Vũ Thôn, bề ngoài thì đó là cách đền ơn đáp nghĩa nhưng kỳ thực Lâm Như Hải đã biết cách giữ thể diện cho Giả Vũ Thôn.
Ngay cả bức thư giới thiệu, Lâm Như Hải cũng đã chuẩn bị từ trước, sự việc khi Giả Vũ Thôn gặp Giả Chính cũng đã được lo liệu, thậm chí đến cả lộ phí đi đường cũng không để Vũ Thôn phải bận tâm. Vì mở lời xin người khác giúp đỡ luôn là việc khá ngại ngùng nên mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo cho Giả Vũ Thôn.
Nhiều khi chúng ta cũng phải hạ thể diện để nhờ người khác giúp đỡ, điều đó thường tạo nên cảm giác tự ti. Tuy nhiên, Lâm Như Hải là người có học vấn, có giáo dục, thể hiện trong từng lời nói, hành động. Cách cư xử của ông không hề trịnh thượng như kẻ bề trên. Với sự thông cảm và hiểu biết, tình huống khó xử của Giả Vũ Thôn được ông xử lý vẹn toàn. Với sự tôn trọng và chu đáo, ông đã thể hiện mình là người chân chính có giáo dục.
Người có giáo dục không gây khó dễ, luôn đặt mình vào vị trí của người khác
Kỳ nghỉ hè sau khi thi tuyển sinh đại học, để có sự trải nghiệm, tôi đã làm việc 2 tháng tại một nhà hàng ở quê nhà. Khách đến nhà hàng thông thường là đàn ông trung niên làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước gần đó, họ uống rượu và hàn huyên chỉ một loáng là đến nửa đêm. Chờ cho đến khi họ no say ra về, tôi và những người phục vụ khác phải dọn dẹp thêm hơn một tiếng nữa mới xong việc, về đến nhà thì cũng là sáng sớm hôm sau, rất là mệt.
Có lần, một bàn nhậu vẫn là những người đàn ông trung niên, rượu vào lời ra, truyền cốc thay nhau uống, có lẽ đang ăn mừng sự thăng chức của một người trong số đó. Thoạt đầu, khi thấy tình cảnh đó, tôi đoán chắc họ sẽ phải say sưa đến tận sáng hôm sau, nhưng không ngờ, còn chưa đến 10 giờ, người đàn ông được thăng chức đứng dậy cảm ơn mọi người đã đến chúc mừng ông hôm nay, ông nói: “Cũng không còn sớm nữa, ngày mai chúng ta còn phải đi làm, cũng để những người phục vụ dọn dẹp nhà hàng và về nhà sớm một chút, muộn thế này, để các cô gái trẻ mà về muộn sẽ không an toàn, được không các bạn?”. Người đàn ông đó nói xong, họ cùng nhau cạn chén và lần lượt ra về.
Từ tình huống này, tôi đã thực sự có được trải nghiệm về người có giáo dục rốt cuộc có sức mạnh to lớn như thế nào. Người đàn ông đó trước khi ra về, còn không quên nói với chúng tôi “Cảm ơn các cháu, hôm nay đã khiến các cháu vất vả”.
Từ góc độ của khách hàng, ông đặt mình vào vị trí những người phục vụ nhỏ bé để cảm nhận và thấu hiểu mong muốn của chúng tôi, đã giành cho chúng tôi sự thấu hiểu và khoan dung hơn rất nhiều so với những người khác.
Đó cũng chính là điều Khổng Tử đã từng nói: “Những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
Và cũng như trong câu chuyện về Trang Tử và Huệ Tử: Một hôm cả hai cùng dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “Bầy cá nhỏ bơi lội tung tăng nhởn nhơ, đó là niềm vui của cá”. Huệ Tử nói: “Ông không phải là cá, sao lại biết cá đang vui?”. Trang Tử vặn lại: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá?”.
Nội dung ngắn trên cho chúng ta thấy việc đối nhân xử thế vô cùng quan trọng, không nên cho rằng mọi suy nghĩ lời nói của mình luôn luôn đúng, mà nên đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, cảm nhận và chia sẻ.
Khi có thể đặt mình vào vị trí của người khác, những người bạn tốt và những mối quan hệ bền chặt sẽ tự nhiên xuất hiện. Đây chính là món quà lớn nhất mà “giáo dục” mang lại cho tất cả chúng ta.
Tâm Kính
Theo Cmoney